Du lịch phục hồi, hoạt động múa Chăm nhộn nhịp bên Tháp bà Ponagar
Kinh tế - Xã hội - 07/07/2022 19:08 THANH THẢO
Rất đông du khách đến với Khu di tích Tháp bà Ponagar Nha Trang trong mùa du lịch hè - Ảnh: THANH THẢO |
Trong những ngày đầu tháng 7, ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, lượng khách đến với phố biển Nha Trang, Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, bãi biển Dốc Lết, cùng các điểm tham quan khác… khá nhộn nhịp.
Một trong những điểm tham quan được du khách yêu thích là Khu di tích Tháp bà Ponagar Nha Trang. Tại di tích Tháp Chăm độc đáo này, hiện đang có hoạt động biểu diễn múa Chăm, một trong những hoạt động nghệ thuật gây ấn tượng sâu sắc với du khách.
Như thường lệ, Khu di tích Tháp bà Ponagar “chiêu đãi” du khách phương xa những điệu múa Chăm và màn hòa tấu nhạc cụ truyền thống. Đã lâu mới được phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đội nghệ thuật của đồng bào Chăm biểu diễn rất hăng say và chuyên nghiệp.
Tiếng trống Paranưng, trống Ghi năng và kèn Sranai vang lên rộn ràng như lời mời gọi mọi người về với lễ hội Tháp Bà của người Chăm, nơi có những thiếu nữ duyên dáng, với điệu múa chim công, múa lu nước truyền thống, múa quạt... dưới chân những ngọn tháp cổ, pho tượng rêu phong.
Những thiếu nữ Chăm duyên dáng, thu hút người xem với điệu múa lu nước - Ảnh: THANH THẢO |
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, múa Chăm có nhiều cách múa như: Múa đội lu, múa chim công, múa quạt, múa đạp lửa, múa âm dương, múa Apsara… Bằng điệu múa trên nền nhạc truyền thống, người Chăm thể hiện tâm tư tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động… Đội múa Chăm ở Tháp bà Ponagar Nha Trang biểu diễn hằng ngày, đặc biệt thu hút du khách nhộn nhịp hơn vào các dịp lễ lớn trong năm.
Cũng theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, Tháp bà Ponagar Nha Trang là nơi duy nhất ở miền Trung không chọn người Việt múa Chăm và không sử dụng sân khấu hóa múa Chăm. Múa Chăm do chính các thiếu nữ người Chăm biểu diễn, việc này nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa Chăm, góp phần giới thiệu múa Chăm với du khách nước ngoài.
Điệu múa quạt của các thiếu nữ Chăm hút hồn du khách - Ảnh: THANH THẢO |
Để tạo nên một đội múa có chất lượng, từ hơn 10 năm qua, nhiều người Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Khánh Hòa trong việc tuyển chọn thiếu nữ Chăm đưa vào đội múa. Những người này đã đi nhiều làng, xã có người Chăm sinh sống để tìm kiếm các bé gái có khả năng múa đẹp, hát hay. Từ các nhân tài “nhí”, các bé gái sẽ được huấn luyện và tập tành để thuần thục các điệu múa Chăm truyền thống trước khi đi biểu diễn cho du khách.
Tại Khu di tích Tháp bà Ponagar Nha Trang, các thiếu nữ Chăm trong đội múa đều có tuổi đời từ 16 đến 22 tuổi, với những điệu múa mềm mại như lụa, như đang kể câu chuyện từ ngàn năm trước cha ông mình còn dang dở, câu chuyện về một thời văn hóa Chăm rực rỡ sắc màu đã níu giữ tâm hồn của mọi du khách.
Thiếu nữ Há Thị Kim Trúc (19 tuổi, Ninh Thuận) cho biết: “Em tham gia vào đội múa được hơn 3 năm và bây giờ điệu múa nào em cũng thực hiện được. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, em được quay trở lại nghề từ tháng 12/2021 để biểu diễn phục vụ du khách. Điều này giúp em có lại được nguồn thu nhập ổn định lo cho cuộc sống, yên tâm để tiếp tục cống hiến cho khán giả những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc”.
Các thiếu nữ trong đội múa Chăm có tuổi đời từ 16 đến 22 tuổi, trẻ trung, xinh xắn - Ảnh: THANH THẢO |
Còn nghệ nhân Vạn Ngọc Chí (50 tuổi, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) có hơn 15 năm chơi trống Ghi năng và Paranưng tại đội múa tâm sự: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, đội múa ngưng hoạt động, tôi phải quay trở về Ninh Thuận làm thợ xây để chạy lo từng bữa. Trải qua những ngày tháng khó khăn, tôi được quay trở lại với công việc sau thời gian “nghỉ đông”, tâm trạng vừa phấn khởi, vừa vui mừng. Ngành Du lịch Khánh Hòa có dấu hiệu phục hồi, khách du lịch đến với Tháp bà Ponagar Nha Trang đã đông trở lại, cứ 5 đến 10 phút chúng tôi sẽ biểu diễn các tiết mục phục vụ du khách.”
Nghệ nhân Vạn Ngọc Chí phấn khởi khi được trở lại với công việc đam mê - Ảnh: THANH THẢO |
Nhiều du khách cho biết, việc đưa múa Chăm vào phục vụ du khách ở Tháp bà Ponagar Nha Trang là hoạt động nghệ thuật rất thú vị, góp phần tìm hiểu văn hóa Chăm.
“Không gian ở đây rất cổ kính, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử! Đến đây tham quan Tháp Bà Ponagar tôi rất ấn tượng với công trình kiến trúc độc đáo này, trong đó có các điệu múa Chăm”, chị Thanh Hằng, một du khách đến từ vùng đất Tây Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh hoạt động múa Chăm phục vụ du khách, tại Tháp bà Ponagar Nha Trang còn có các nghệ nhân Chăm trổ tài biểu diễn làm gốm, dệt thổ cẩm bằng chính đôi tay khéo léo của mình trước sự chứng kiến và thích thú của du khách. - Ảnh: THANH THẢO |
Theo tìm hiểu, Tháp Bà Ponagar là công trình kiến trúc đền tháp tiêu biểu của người Chăm, được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, tọa lạc trên đồi Cù Lao, hướng ra biển Đông thuộc phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Xưa kia, khu tháp Ponagar là một trong những trung tâm tôn giáo của Vương quốc Chăm Pa.
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón hơn 1.046.000 lượt khách du lịch, tăng 128,6% so với cùng kỳ năm trước; đạt 87,2% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 42.507 lượt, tăng 122,5% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2022 là 40.000 lượt. Riêng trong tháng 6, toàn tỉnh đón khoảng 350.000 lượt khách, trong đó có khoảng 13.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch 6 tháng ước đạt gần 5.550 tỷ đồng, tăng 209,4% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2022 là 4.000 tỷ đồng. |
Du lịch phục hồi, Khánh Hòa ‘khát’ nhân lực chất lượng cao |
Khánh Hòa: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động huyện Cam Lâm |
LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa biểu dương 19 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 13:23
Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ lái một chiếc Ford Ranger chinh phục những địa hình hiểm trở? PVOIL VOC 2024 đã biến điều đó thành hiện thực cho hàng trăm người đam mê off-road tại Việt Nam.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025