Như đóa hướng dương ngược nắng, tỏa sáng
Đời sống - 09/09/2023 10:39 Nguyễn Thị Tâm, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)
Cô Nguyễn Thị Lành trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng. |
Có một câu nói rằng: “Con người giống như cửa sổ kính nhuộm màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi trời nắng nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự của họ chỉ lộ ra nếu có ánh sáng từ bên trong”. Quả thực để có thể nói về cái đẹp của con người thực khó lòng để chúng ta có thể dựa vào phạm trù nào để đánh giá nhưng có lẽ chỉ duy nhất một điều rằng nếu chúng ta cảm nhận cái đẹp toát ra từ bản thân con người bằng chính con tim mình thì ta sẽ phát hiện ra được “ánh sáng” từ bên trong họ ngay cả khi “mặt trời đã dần lặn”. Và điều này càng đúng hơn cả khi ta nói về các thầy cô giáo, những người gần trọn đời mải mê đi “gieo chữ” và dùng cái tâm của mình để thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ cho bao lớp học trò nhỏ. Mỗi nhà giáo chính là một bông hoa tỏa hương sắc trong vườn hoa tri thức của cuộc đời. Sự cống hiến miệt mài của cô thầy đã bắc thêm nhịp cầu cho biết bao thế hệ học trò chạm tay đến nấc thang của thành công. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Đinh Văn Nhã đã viết rằng:
“Có nghề nào hạnh phúc đến thế chăng?
Nghề mình đó với bảng đen phấn trắng,
Gieo yêu thương vào tâm hồn trong trắng,
Mang đến cho đời nhiều hoa trái ngát hương”
Và trong vườn hoa đầy hương sắc ấy, tôi xin giới thiệu đến cô giáo Nguyễn Thị Lành - một đóa hướng dương ngược nắng trong vườn hoa tri thức của "mái nhà chung" Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Biết bao lớp thế hệ học trò đi qua thế nhưng khi nhắc đến cô Lành lũ học trò năm nào cũng đều dành cho cô một cái tên thấm đẫm tình thân đó là “má Lành”. Tiếng “má Lành” khẽ thốt lên sao mà thân thương đến vậy! Có tiếp xúc với cô, chúng ta mới hiểu được vì sao học sinh lại đặt cho cô giáo ấy danh xưng như vậy?
Điểm đặc biệt dễ dàng nhận ra ở cô giáo Lành đó chính là vóc dáng người mảnh mai, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sáng, nụ cười rất tươi và cách nói chuyện đầy thân thiện. Chính điều này đã khiến mọi người đều có ấn tượng đầu tiên về cô. Không chỉ vậy cô Lành được biết đến như là một đóa hướng dương ngược nắng luôn tỏa tỏa sáng dẫu hoàn cảnh có khó khăn đến dường nào?
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam - vùng đất mà trước đây được biết đến với “đặc sản” là cái nghèo đói bủa vây lấy kiếp sống của con người. Dường như cái nắng, cái gió lẫn cái chân chất, mộc mạc của vùng đất khô cằn “chưa mưa đã thấm” đã nhuộm thắm nên người giáo viên này khí chất khác biệt.
Trong dòng kí ức đan xen sợi nhớ, sợi thương của hơn 25 năm về trước, một người chị đồng nghiệp thân thiết của cô Lành đã kể cho tôi nghe về cuộc sống của gia đình cô trong những năm tháng khó khăn, cơ cực. Trong căn nhà cấp bốn xập xệ oằn mình vì vệt thời gian, người bố tần tảo với đôi vai hao gầy phải tất bật “chạy ăn” từng bữa cho năm thành viên. Mẹ mất sớm khi cô mới là học sinh lớp 9, là chị hai trong nhà cô thay cha chăm sóc các em từ việc ăn ngủ, học hành, trông coi nhà cửa đến thửa ruộng của gia đình. Sớm ý thức được bao vất vả mưu sinh của đấng sinh thành, cô cùng các em đã cố gắng nỗ lực trong học tập để không còn “cõng” trên lưng nỗi khó khăn, vất vả. Và thế là cô học trò nhỏ năm nào đã thực hiện được ước mơ làm giáo viên, gieo chữ cho học trò.
Người đồng nghiệp ấy còn kể cho tôi nghe về khoảng thời gian cô từ quê nghèo lên thành phố để học. Cứ vào dịp cuối tuần, cô Lành phải đạp xe gần ba tiếng đồng hồ từ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng về đến tận nhà để thăm ba và các em. Thời ấy đi xe đò dường như là một điều gì đó quá xa xỉ đối với cô sinh viên nghèo từ quê lên thành phố. Chiếc xe đạp hoen gỉ - kỉ vật cuối cùng mà người mẹ đã phải “thắt lưng buộc bụng”, chạy ngược chạy xuôi vay mượn sắm cho chị em cô để con mình có cái bằng bạn bằng bè, đã trở thành người bạn đồng hành cùng cô trong suốt những năm tháng sinh viên sư phạm.
Hằng tuần, người ta lại nhìn thấy cô gái nhỏ với vóc dáng gầy gò, cật lực rong ruổi qua bao con phố để về nhà kịp trời tối đặng quây quần bên gia đình và đỡ đần cha chút ít công việc nhà, đồng áng. Thương cha vất vả, cô nỗ lực học thành tài, ra trường cô được phân công giảng dạy tại quê nhà. Trong những năm mới về trường, mặc dù điều kiện gia đình còn khó khăn, nhà lại xa trường, bé Quỳnh đứa con gái đầu lòng vừa dứt sữa mẹ phải để ở nhà, cô hằng ngày phải chạy từ Đà Nẵng về lại quê Đại Lộc để giảng dạy rồi phải lật đật quay ra lại thành phố để chăm sóc con cái.
Thấu hiểu nỗi khó khăn của cô, Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo mọi điều kiện về thời gian để cô có thể vừa yên tâm công tác vừa chăm lo được cho gia đình. Con đường ấy dẫu có xa xôi, phải mất hơn ba tiếng đồng hồ đi về trong ngày thế nhưng dường như không thể nào làm quật đi ý chí, niềm tin về hành trình trao yêu thương, trao kiến thức đến các em học sinh trong cô. Chính nghị lực cùng nhiệt huyết với nghề ấy mà trong suốt tám năm công tác tại quê nhà cô rất được đồng nghiệp và học sinh yệu thương, quý mến.
Cô Nguyễn Thị Lành cùng đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn các năm. |
Có thể nói cơ duyên để cô về công tác tại mái nhà Huỳnh Bá Chánh chính là khi cô được thuyên chuyển về quận Ngũ Hành Sơn. Và thế là Huỳnh Bá Chánh trở thành điểm dừng chân để cô tiếp tục sự nghiệp trồng người, tính đến nay cô đã là “người nhà” của ngôi trường mang tên người chí sĩ yêu nước Huỳnh Bá Chánh ngót nghét được mười lăm năm.
Mười lăm năm có thể nói chưa phải là dài đối với cuộc đời mỗi con người thế nhưng mười lăm năm qua là ngần ấy thời gian cô dành cả thanh xuân của mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của trường. Vất vả là vậy thế nhưng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lành vẫn là người giáo viên mẫu mực, đầy nhiệt huyết. Ngày ngày, cô luôn đến trường sớm, tự mày mò làm nhiều đồ dùng trực quan để truyền đạt kiến thức đến các em dễ dàng hơn. Vì vậy mà học trò của cô lúc nào cũng hào hứng, mong đợi những tiết văn hấp dẫn đến từ cô.
Và cứ thế, với lòng yêu nghề, mến trò cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần không ngừng học hỏi, cô giáo Nguyễn Thị Lành đã dần khẳng định mình ngày càng rõ nét trong công tác chủ nhiệm cũng như giảng dạy. Cô đã nhiều năm liền là Giáo viên chủ nhiệm giỏi, Giáo viên dạy Giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Và cô được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn – Giáo dục công dân.
Không chỉ vậy, nói về cô Lành ai ai cũng đều biết đến cô là người má “mát tay” trong việc huấn luyện những “chú gà nòi” của đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn cấp thành phố, Lê Quý Đôn hay hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức. Năm nào cũng vậy trong bảng thành tích thì vị trí xếp hạng của đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn Trường THCS Huỳnh Bá Chánh luôn được chiếm vị thứ nhất, nhì trong địa bàn quận. Mặt khác trong bảng vàng ghi danh học sinh đỗ Lê Quý Đôn của trường không thể nào không có tên những “chú gà chiến” đến từ đội cô Lành.
Cô Nguyễn Thị Lành cùng học sinh trong lễ trao giải “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019” cấp thành phố và cấp quốc gia.
Có thể nói để đạt được thành tích ấy đó chính là cả một chặng đường mà cô và trò cùng cố gắng nỗ lực. Bao lứa học trò của cô giờ đã thành công có thể các em ấy sẽ không nhớ hết từng bài giảng của cô Lành nhưng chắc chắn các bạn ấy sẽ không thể nào quên dáng hình tận tụy, sát cánh bên các bạn trong mùa thi qua. Cả cô và trò cùng học, cùng làm, cùng ăn, cùng nghỉ ngơi tại trường để dành trọn thời gian và tâm huyết cho cuộc thi. Để rồi sau mỗi cuộc thi, cô lại luôn dành cho các em cái ôm thật chặt, thật sâu lắng để ngăn những dòng nước mắt lăn dài trên má khi học trò của mình lo lắng cho kết quả bài làm. Có nhìn thấy cảnh tượng ấy chúng ta mới hiểu được tình cảm mà một người giáo viên dành cho học sinh chẳng khác gì một người mẹ đang âu yếm, vỗ về cho đàn con thơ.
Cô Nguyễn Thị Lành trong giờ sinh hoạt, giải trí cùng học sinh. |
Không chỉ là một người má tuyệt vời trong mắt các em học sinh, cô Lành còn là một người Tổ trưởng mẫu mực. Cô luôn nhiệt tình trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp trẻ, mới vào nghề. Hàng ngày có bài nào khó, tiết dạy nào còn vướng mắc cần hướng giải quyết cô không ngần ngại chỉ bảo tận tình, thậm chí còn sửa từng lời lẽ, câu chữ để có giáo án và tiết dạy hoàn chỉnh nhất. Trong những ngày hội giảng, sinh hoạt chuyên đề, hội thi của các đồng nghiệp trong tổ cô luôn có mặt để sát cánh, hỗ trợ. Trong trường, cô luôn được đồng nghiệp quý mến nhờ tính cách thẳng thắn, chính trực, thân thiện, cởi mở, luôn quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Không chỉ giỏi việc trường, tích cực tham gia công tác xã hội, cô giáo Nguyễn Thị Lành còn là người vợ hiền, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Rời bục giảng, cô trở về làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. Cuộc đời người lính cụ Hồ được bao lần về phép cho nên mọi công việc trong gia đình một tay cô chu toàn đâu vào đấy. Bằng sự nghiêm khắc lẫn tình yêu thương cô đã dạy dỗ hai đứa con của mình trở nên chăm ngoan, học giỏi.
Tôi đã từng hỏi cô về bí quyết nào để cô có thể chu toàn và cán đáng mọi việc xuất sắc như vậy. Nở nụ cười e thẹn, cô tâm sự: “Có gì đâu mà xuất sắc, mình chỉ nghĩ rằng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Công việc của mình dẫu có bận rộn đấy nhưng nếu không làm thì lấy gì gọi là cống hiến cho đời”. Những lời tâm sự ấy của cô như thôi thúc, thức tỉnh trong tôi về nhiệt huyết của tuổi đôi mươi.
Quả thực, những cố gắng nỗ lực thầm lặng của cô Lành đã góp phần không nhỏ vào bảng thành tích của nhà trường nói riêng và nền giáo dục địa phương Hòa Hải nói chung. Cô Lành chính là một gương sáng hội tụ cả về ý chí – nhiệt huyết – tình yêu nghề trong vườn hoa trí thức. Xin mượn câu nói:“ Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp...” để gởi tặng đến cô Lành. Cô mãi là một đóa hướng dương ngược nắng dù không đẹp kiêu sa, dù nơi ấy không thể nhận nhiều ánh sáng mặt trời nhưng lại tỏa sáng rực rỡ bằng chính cái tâm và nội lực đầy mạnh mẽ của mình.
Một giáo viên dạy giỏi, năng động và nhiệt huyết Cô Trương Thị Thủy là một cô giáo rất giỏi và nhiệt tình. |
"Chiến sĩ thầm lặng" giỏi hiến kế và ý tưởng tư duy sáng tạo Tấm gương người tốt mà tôi vô cùng ngưỡng mộ đó là Hiệu phó Trường Tiểu học Quang Trung - cô Trịnh Thị Oanh người ... |
Người “truyền lửa” bằng cả trái tim Hưởng ứng cuộc thi viết về tấm gương “người tốt, việc tốt”, tôi xin được chia sẻ về một tấm gương tiêu biểu trong trường ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.