Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ở Hà Nội: Những điều mắt thấy, tai nghe
Đời sống - 25/10/2022 18:38 MAI NGỌC - LĐLĐ TP Hà Nội
Ở trọ như ở nhà
Những ngày Hà Nội đang vào thu, tạm xa những ồn ào của phố thị, chúng tôi tìm đến các khu nhà trọ có Tổ tự quản trên địa bàn huyện Đông Anh - nơi tập trung đông công nhân lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Thăng Long, để lắng nghe và hiểu hơn về cuộc sống của những công nhân đang thuê trọ tại đây.
Theo chỉ dẫn của ông Hà Quang Kỉnh - chủ nhà trọ, Tổ trưởng một Tổ tự quản trên địa bàn xã Kim Chung, Đông Anh, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ của gia đình ông vào cuối giờ chiều. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến đây là một khu nhà trọ khang trang, sạch đẹp, tất cả các phòng đều có khoảng không gian để đón ánh sáng tự nhiên, ở giữa khoảng sân rộng có bàn bóng bàn đang được công nhân thuê trọ sử dụng để giao lưu, rèn luyện sức khỏe.
Đón chào chúng tôi là lời chào, nụ cười niềm nở của ông Kỉnh và những ánh mắt thân thiện của người thuê trọ cùng với đó là tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả từ các phòng trọ đã sáng ánh đèn. Điều này khiến chúng tôi có một chút ngỡ ngàng, bởi nó khác so với nhiều khu nhà trọ công nhân chúng tôi đã từng đến, thường là người thuê trọ ít giao lưu với nhau, các phòng trọ đa phần “cửa đóng then cài” để đề phòng trộm cắp.
Cán bộ công đoàn xã Hải Bối phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra nhắc nhở chấp hành việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại các Tổ tự quản. Ảnh: CĐHN |
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Kỉnh nói: “Công nhân lao động đi làm rất vất vả, vì vậy tôi luôn muốn tạo một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho những người thuê trọ. Tại khu nhà trọ, tôi đã bố trí 2 bàn bóng bàn để công nhân có điều kiện giao lưu, giải trí, rèn luyện sức khỏe; vào ngày sinh nhật của người thuê trọ hoặc dịp cuối năm, tại khu trọ thường tổ chức ăn liên hoan để tạo không khí vui tươi, gắn kết. Ngoài ra, cán bộ công đoàn và Công an địa phương cũng thường xuyên đến đây để tuyên truyền về kiến thức pháp luật, cách nhận biết và phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm cho người lao động thuê trọ…”.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, hiện khu trọ của gia đình ông Kỉnh có 28 phòng trọ với khoảng 40 công nhân lao động đang thuê trọ. Quan sát thấy, ngoài sự gọn gàng, sạch sẽ thì khu trọ còn được trang bị nhiều bình chữa cháy để sử dụng khi cần thiết. Đặc biệt, ở khu trọ có nội quy riêng, được treo ở nơi dễ quan sát và được phổ biến đến tất cả người thuê trọ.
Nội quy nêu rõ, người đến thuê trọ phải xuất trình giấy tờ tùy thân để làm thủ tục đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú với cơ quan công an; không được có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự công cộng tại khu trọ; có ý thức phòng cháy chữa cháy; khu nhà trọ khóa cửa lúc 23h và mở cửa lúc 5h... Trong bảng nội quy cũng có số điện thoại của Công an xã Kim Chung và Đồn Công an Bắc Thăng Long để người thuê trọ có thể chủ động liên hệ khi cần thiết và thông báo khi phát hiện đối tượng nghi vấn.
Sau khi được ông Kỉnh giới thiệu, chúng tôi ghé thăm phòng trọ của anh Hà Văn Tám (quê Thanh Hóa), công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long. Anh chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi bắt đầu chuyển từ miền Nam ra Hà Nội làm công nhân từ năm 2016 và thuê trọ ở đây. Ở đây thực sự rất yên tâm, mọi người thường xuyên được nhắc nhở về việc thực hiện nội quy khu trọ, được tuyên truyền về kiến thức pháp luật và cách nhận biết, phòng tránh các loại tội phạm… vì vậy, an ninh trật tự được đảm bảo. Khu trọ có không gian rộng rãi và có bàn bóng bàn để anh em công nhân giao lưu, rèn luyện sức khỏe, giải tỏa những căng thẳng, áp lực sau một thời gian làm việc vất vả. Đó chính là điểm khác biệt so với những khu trọ trước tôi từng thuê. Có chỗ thuê trọ ổn định, chúng tôi cũng yên tâm lao động sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, anh Tám chia sẻ.
Một số hình ảnh khảo sát hoạt động Tổ tự quản khu nhà trọ trên địa bàn. Ảnh: CĐHN |
Tìm đến khu nhà trọ có Tổ tự quản trên địa bàn xã Hải Bối, Đông Anh, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Thanh - chủ nhà trọ, Tổ trưởng Tổ tự quản giới thiệu chị Phùng Thị Hằng (quê Ba Vì, Hà Nội), đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hằng cho biết, gia đình chị đã thuê trọ ổn định tại khu nhà trọ này gần chục năm. Ở đây, chị những người thuê trọ khác thường xuyên được tuyên truyền, tư vấn pháp luật và được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần. Bản thân chị cũng đang tham gia câu lạc bộ nhảy Zumba dành cho lao động nữ nhập cư khu vực xã Hải Bối.
Theo lời chị Hằng, môi trường sống ở đây không chỉ an toàn, lành mạnh mà mọi người đều sống rất hòa đồng, thân thiết, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau, cảm giác như ở chính nhà mình vậy. Dẫn chứng về điều này, chị Hằng nhìn về phía những đứa trẻ đang nô đùa ngoài sân và nói: “Ở khu trọ này có rất đông trẻ con, trung bình mỗi gia đình có hai con, những lúc bố mẹ có việc gì bận hoặc đi làm về muộn có thể nhờ hàng xóm đón con và trông con. Chủ nhà trọ cũng rất quý trẻ con, thường vui đùa, trông nom các cháu, mỗi dịp Trung thu, đều ủng hộ tiền để cả xóm cùng nhau tổ chức cho các con ăn uống và nhận quà, rồi ngày lễ tết cũng có lì xì cho từng con em của công nhân lao động thuê trọ...”.
“Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, khi cả gia đình tôi phải cách ly tại phòng trọ do công ty có người dương tính với Covid-19, những người trong khu trọ, chủ nhà trọ và cả Công đoàn xã Hải Bối đã rất quan tâm, nhiệt tình hỗ trợ. Hàng xóm mua đồ dùng thiết yếu giúp, chủ nhà trọ giảm tiền phòng, cho nợ tiền phòng trong thời điểm giãn cách xã hội, Công đoàn xã đến trao hỗ trợ, động viên. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của Chủ tịch Công đoàn xã Hải Bối là ông Nguyễn Văn Thiệu luôn năng nổ, nhiệt tình, thân thiện, gần gũi với người lao động. Tất cả những điều đó đã giúp gia đình tôi có thêm động lực để vượt qua khó khăn, áp lực của cuộc sống”, chị Hằng nhớ lại.
Một góc nhỏ trong khu trọ của công nhân. Ảnh: CĐHN |
Hàng trăm triệu đồng hỗ trợ lao động thuê trọ
Từ ấn tượng của công nhân Phùng Thị Hằng về ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch Công đoàn xã Hải Bối, chúng tôi liên hệ và trò chuyện với ông tại trụ sở xã. Theo ông Thiệu, nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho lao động nhập cư, những năm qua, Công đoàn đã phối hợp hiệu quả với lực lượng Công an xây dựng và duy trì hoạt động của các Tổ tự quản. Tính đến nay, trên địa bàn xã Hải Bối có 25 Tổ tự quản và có khoảng 1.200 công nhân lao động đang sinh hoạt tại các Tổ tự quản.
Từ khi thành lập Tổ, hoạt động của công nhân lao động tạm trú tại các nhà trọ trên địa bàn xã đã đi vào nề nếp và có tổ chức. Để có được kết quả đó, Công đoàn xã đã thường xuyên phối hợp cùng với các thôn, khu dân cư để chỉ đạo và duy trì các hoạt động của Tổ theo quy chế. Ngoài ra, Công đoàn xã cũng đã xây dựng tủ sách pháp luật tại Điểm sinh hoạt văn hoá công nhân với trên 300 đầu sách, báo, duy trì hoạt động của 2 sân bóng chuyền hơi, 1 nhà thi đấu bóng bàn, 1 sân bóng đá thu hút hàng chục lượt công nhân tham gia giao lưu mỗi ngày; phối hợp tổ chức các đêm văn nghệ “Hát cho công nhân nghe và nghe công nhân hát” để nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động…
Công đoàn xã Hải Bối cũng đã phát huy hiệu quả vai trò chăm lo cho người lao động trên địa bàn, nhất là trong thời điểm công nhân thuê trọ trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. “Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với 433 hộ có nhà thuê trọ trên địa bàn xã để vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ trong thời gian giãn cách xã hội; kêu gọi, vận động các nguồn lực để hỗ trợ công nhân thuê trọ bị ảnh hưởng bởi dịch. Kết quả, 100% chủ nhà trọ đã miễn, giảm tiền thuê trọ; trên 450 triệu đồng hỗ trợ công nhân (bao gồm cả tiền chủ nhà trọ miễn, giảm và huy động từ các nguồn lực khác)”, ông Thiệu cho biết.
Tổ tự quản – Vòng tay công đoàn mở rộng
Theo LĐLĐ TP Hà Nội, qua 10 năm triển khai, nhân rộng mô hình, đến nay, toàn Thành phố đã có 92 Tổ tự quản đi vào hoạt động như vòng tay công đoàn đang mở rộng, bảo vệ hàng chục nghìn công nhân lao động ngoại tỉnh. Ghi nhận thực tế cho thấy, Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể tại địa phương duy trì tổ chức các lớp tuyên truyền tại các Tổ tự quản nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, phòng chống tội phạm cho hàng nghìn lượt công nhân lao động; tổ chức nhiều chương biểu diễn văn nghệ “hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia, phối hợp cùng với các cấp chính quyền địa phương xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tự quản, LĐLĐ Thành phố đã đề nghị LĐLĐ các quận, huyện, thị xã và Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tiếp tục chỉ đạo tổ chức xây dựng, củng cố và nhân rộng mô hình Tổ tự quản.
Công nhân thuê trọ giao lưu bóng bàn tại khu nhà trọ. Ảnh: CĐHN |
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo thiết lập cơ chế thông tin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các chủ nhà trọ (Tổ trưởng) và công nhân lao động tại các Tổ tự quản; giữa công nhân lao động với chính quyền, các đoàn thể tại địa phương... với mục tiêu làm tốt công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền vận động đông đảo công nhân lao động tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị LĐLĐ các quận, huyện, thị xã và Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tập trung chỉ đạo công đoàn cơ sở tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong công nhân lao động để từ đó tham mưu cấp ủy và phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, việc làm, thu nhập, chế độ tiền lương, thưởng, nhà trẻ, trường học... cho công nhân lao động; phối hợp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động thông qua các hoạt động lễ, hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
LĐLĐ huyện Hải Hà: Ra mắt khu nhà trọ công nhân tự quản Sáng ngày 10/11, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Lãnh đạo huyện Hải Hà tổ chức ra mắt Khu Nhà trọ ... |
Cần nhân rộng mô hình Khu nhà trọ công nhân lao động kiểu mẫu Là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) hiện có hàng nghìn công nhân lao động đang ... |
Đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.