Phía sau hạnh phúc gia đình
Công đoàn - 27/06/2021 19:16 Duy Chương
Nữ cán bộ công đoàn là điểm tựa vững chắc của NLĐ, là hậu phương yên bình của gia đình LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An: Một gia đình lớn Một gia đình cán bộ công đoàn tiêu biểu |
Gia đình anh Nguyễn Hữu Hải, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường THCS Tào Sơn |
Hạnh phúc đi qua những bộn bề khó khăn
Gia đình anh Nguyễn Hữu Hải, đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường THCS Tào Sơn, trực thuộc LĐLĐ huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vừa được Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận là gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, giai đoạn 2016-2020.
Với bề dày thành tích trong hoạt động chuyên môn, thật khó tin anh đạt được những điều đó trong giai đoạn đầy khó khăn, vất vả, mà theo như anh là nói là bây giờ nghĩ lại vẫn xúc động vì đan xen nhiều cảm xúc.
Năm 2015, vợ chồng anh Hải chào đón hai cậu con trai sinh đôi, niềm vui ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ sau bao ngày chờ đợi. Thế nhưng, đến năm 2017, khi các cháu lên hai tuổi, vợ chồng anh phát hiện con có các dấu hiệu không bình thường nên đưa con đi khám. Các bác sỹ chuyên khoa cho biết, hai cháu có dấu hiệu của bệnh tự kỷ, cần tìm cơ sở điều trị chuyên biệt để chữa trị lâu dài bằng nhiều phương pháp. Bất ngờ và thương con, vợ chồng anh Hải ôm con và khóc.
Những ngày sau đó, anh chị bắt xe đi hết các bệnh viện ở thành phố Vinh và ra Hà Nội để chữa trị cho con nhưng không có nhiều chuyển biến. Được các gia đình có chung hoàn cảnh giới thiệu đến một trung tâm chuyên điều trị tự kỷ ở thành phố Vinh, vợ chồng anh Hải quyết định gửi con ở đó.
Chi phí ăn ở, điều trị ở trung tâm lúc đó khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trong khi, lương của anh chỉ được 7 triệu đồng/tháng và mức lương của vợ anh - một giáo viên dạy hợp đồng trường gần 10 năm được 1,6 triệu đồng/tháng. Gia đình hai bên nội, ngoại lại không có điều kiện kinh tế.
Nhìn đôi mắt buồn vời vợi như bất lực của vợ, anh Hải hiểu rằng những ngày tiếp theo sẽ phải mạnh mẽ lên nhiều để làm chỗ dựa vững chắc cho vợ và các con. Anh nói với vợ: “Mẹ hãy bình tĩnh, bố sẽ vay tiền ngân hàng để chữa bệnh cho các con. Hai vợ chồng mình sẽ làm tất cả vì con”.
Anh Hải bên các con |
Và những ngày sau đó là những ngày dài không còn phân biệt ngày, đêm. Anh Hải làm việc không ngừng nghỉ để chu toàn công việc ở gia đình và cơ quan. Với chức vụ Phó hiệu trưởng, anh vừa làm công việc của người quản lý, vừa trực tiếp giảng dạy tại các lớp. Tan trường, anh vội vã về nhà chăm lo cơm nước cho con gái đầu đang học tiểu học, vừa chuẩn bị đồ ăn, thức uống, đồ dùng để mang xuống Vinh cho vợ và các con.
Mỗi ngày, 7 giờ sáng, anh đến trường. Đến 5 giờ chiều, anh lái xe máy đi hơn 2 giờ đồng hồ để xuống Vinh và đến 4 giờ sáng, anh lại trở về huyện Anh Sơn để kịp giờ lên lớp. Về nhà giữa đêm khuya, nhiều hôm vừa mệt, vừa buồn ngủ, anh lại dừng xe, lấy chai nước rửa mặt cho tỉnh rồi đi tiếp. Cả năm ròng anh trải qua những ngày đều đặn như thế.
Anh nói: “Mình luôn đến trường đúng giờ, tham gia đầy đủ các hoạt động nên không ai biết mình đi Vinh chăm con bị bệnh. Lúc đầu, mình không chia sẻ với mọi người trong trường, với bà con, hàng xóm, bởi mình nghĩ nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này nên sợ cảm giác họ e ngại và kỳ thị. Một thời gian sau đó, các bác sỹ tư vấn cho gia đình là hãy chia sẻ về bệnh của con với mọi người, để họ quan tâm, động viên bố mẹ và trò chuyện với các con. Qua đó, sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn cho bố mẹ và các con cũng được giao tiếp nhiều hơn để phát triển bình thường”.
Thế nhưng chăm trẻ tự kỷ thực sự không đơn giản và với gia đình anh chị, cùng lúc chăm hai con thì khó khăn lại nhân đôi. Khi hai cháu điều trị ở trung tâm được gần một năm thì sức khoẻ của vợ anh bị ảnh hưởng do suy nghĩ nhiều.
Anh Hải nhớ lại: “Lúc đó, bác sỹ điều trị gọi mình đến để nói chuyện. Họ bảo hai vợ chồng phải xác định tinh thần là chăm con bị tự kỷ sẽ rất vất vả, nhiều cặp vợ chồng đã không chịu được mệt mỏi, áp lực nặng nề dẫn đến ly hôn. Đây là giai đoạn khó khăn trong cuộc sống gia đình, cả hai vợ chồng cần phải chia sẻ với nhau và cố gắng. Lúc đó, mình càng thương vợ hơn, bởi là phụ nữ, là người mẹ đứt ruột sinh con, vợ mình sẽ buồn và yếu đuối hơn rất nhiều”.
Vợ anh Hải sau đó bị tràn dịch màng phổi phải điều trị liên tục 6 tháng ở Bệnh viện Phổi Nghệ An, anh lại vừa chăm vợ, vừa chăm con, tất tả ngược xuôi, đều đặn mỗi ngày thuốc men, cơm cháo. Anh chờ từng ngày trôi qua để nhìn thấy các con có từng thay đổi trong nhận thức và hành động. Anh động viên, săn sóc vợ nhiều hơn để chị ổn định tinh thần và cùng nhau chăm con.
Anh Hải luôn trò chuyện và làm từng việc nhỏ cho các con với mong muốn con vui |
Cuộc sống sẽ thay đổi khi mỗi người không ngừng cố gắng và 6 năm qua, những nỗ lực của gia đình anh Hải đã được đền đáp. Hai cậu con trai của anh giờ đã học lớp 1, các cháu tự làm được những việc cá nhân và biết thể hiện tình cảm với bố mẹ. Mỗi ngày, các cháu được mẹ dạy học chương trình lớp 1 và tiếp thu cơ bản. Khi bố mẹ đi vắng, chị gái ở nhà chăm sóc các em. Anh Hải nghẹn ngào: “Có được sự bình yên như bây giờ là niềm vui quá lớn đối với mình. Mỗi ngày, nhìn thấy các con phát triển bình thường, mình đã thấy hạnh phúc”.
Đến nay, anh Hải là Hiệu trưởng Trường THCS Tào Sơn, huyện Anh Sơn. Những năm tháng vất vả chăm con, anh Hải vẫn lãnh đạo nhà trường đạt thành tích toàn diện trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhiều năm liên tục, anh Hải đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh Nghệ An, LĐLĐ tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen và đón nhận nhiều phần thưởng của huyện, của ngành. Vợ anh Hải - chị Thái Thị Hương sau nhiều năm phấn đấu, năm 2018 đã được tuyển dụng vào biên chế tại Trường Tiểu học Lạng Sơn.
Tiếp xúc với anh Hải, có thể cảm nhận ở anh tinh thần lạc quan, bản lĩnh vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Hỏi anh về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình khi đối diện với khó khăn hay nghịch cảnh, anh thú thực: “Mỗi người có cách cảm nhận khác nhau về hạnh phúc, với mình thì hạnh phúc là được bình yên và trân trọng, hài lòng về những điều mình đang có. Mình tin, gia đình sẽ bền chặt khi mỗi người yêu thương, thấu hiểu và trách nhiệm với nhau”.
Được làm việc, được yêu thương là hạnh phúc
Đón nhận bằng khen gia đình CNVCLĐ tiêu biểu của UBNĐ tỉnh Nghệ An, anh Hoa Văn Tân, công nhân Công ty CP May Minh Anh – Kim Liên rất vui. Anh nói, đây không chỉ là niềm vui của hai vợ chồng, mà còn là niềm tự hào của cha mẹ anh và các con anh.
Tại Công ty CP May Minh Anh – Kim Liên, hỏi về anh Hoa Văn Tân, công nhân lao động đều dành lời khen cho anh. Họ nói anh là người trách nhiệm, làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, mê tìm tòi, sáng tạo. Mỗi năm, anh đều có 2-3 sáng kiến, giúp công ty tiết kiệm số tiền không nhỏ.
Anh Tân luôn chăm chỉ làm việc và đưa ra các sáng kiến cải tiến trong sản xuất |
Với một danh sách dài những sáng kiến, cải tiến có giá trị, lại đi lên từ vị trí công nhân nên nhiều người gọi anh là nhà sáng chế không bằng cấp.
34 tuổi, anh Tân có một gia đình hạnh phúc bên người vợ làm cùng công ty và hai cậu con trai. Anh chia sẻ: “Hai vợ chồng em cùng ở nông thôn, xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn nên thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Khi đi làm cùng công ty, hai vợ chồng luôn hỗ trợ nhau trong công việc, cùng nhau chắt chiu, tiết kiệm để chăm lo cho gia đình. Bọn em đi làm cả tuần, đến ngày Chủ nhật được nghỉ, hai vợ chồng về phụ giúp cha mẹ làm ruộng”.
Hằng ngày, cả gia đình đi làm, tối đến ngôi nhà của người công nhân ấy luôn rộn rã giọng nói, tiếng cười của ông bà, các con, các cháu. Anh Tân mỉm cười khi nói về hạnh phúc gia đình: “Đó là biết yêu thương nhau, kính trọng cha mẹ hai bên và chăm chỉ làm việc để vun vén cho gia đình”.
Hạnh phúc khi được thấu hiểu
Với nhiều gia đình, hạnh phúc là mỗi ngày được gần gũi, quây quần bên nhau sau giờ làm việc và cũng có những gia đình hạnh phúc là được hy sinh cho nhau qua những năm tháng "ở hai đầu nỗi nhớ", để rồi "nghĩa tình đằm thắm hơn". Gia đình chị Võ Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Nghi Diên, huyện Nghi Lộc là một gia đình như thế.
Gia đình chị Võ Thị Hoa |
Hơn 22 năm quân ngũ thì có đến 15 năm chồng chị Hoa trực tiếp công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hai năm mới được về phép một lần, thế nên khi chị sinh con đầu lòng, sau 14 tháng tuổi bố con mới được gặp nhau. Chị Hoa ở nhà, vừa dạy học, vừa chăm sóc bố chồng bị bệnh hiểm nghèo, mẹ chồng già yếu và nuôi con ăn học. Đối với người phụ nữ có chồng công tác xa nhà, công việc phải làm sẽ gấp 5, gấp 10 những người khác.
Thế nhưng, chị khiêm tốn chia sẻ: "Những gì mình làm chưa thể so sánh với những gian khổ, vất vả của chồng khi phải đóng quân ở nơi đầu sóng ngọn gió với biết bao nguy hiểm. Nếu có thiệt thòi, mình nghĩ là chồng thiệt thòi nhiều hơn. Thế nên mình thương chồng nhiều hơn và toàn tâm chăm lo cho gia đình hai bên nội ngoại để anh yên tâm công tác. Điều khiến mình luôn vui là chồng hiểu được những việc mình làm và hết lòng yêu thương vợ con". Với chị Hoa, được hi sinh cho gia đình để làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ chính là hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ: "CNVCLĐ hạnh phúc là đích đến của hoạt động công đoàn. Nâng cao đời sống cho CNVCLĐ trước hết là nâng cao đời sống cho mỗi người lao động và gia đình họ. Bởi, khi gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng thì người lao động sẽ yên tâm công tác, đóng góp cho cơ quan, doanh nghiệp và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Chào mừng 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhều hoạt động sôi nổi, thiết thực, trong đó có hoạt động biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, giai đoạn 2016 – 2020. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị chu đáo chương trình Biểu dương 38 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên chưa thể tổ chức. Nhưng với các quyết định khen thưởng của UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh là món quà động viên, khích lệ kịp thời cho các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu trong ngày Gia đình Việt Nam". |
Quảng Nam: Chuyện chưa kể về "người vận chuyển" không sợ F1 Từ một ông chủ doanh nghiệp vận tải hành khách du lịch, khi đại dịch Covid-19 ập đến, anh Nguyễn Trí Minh xung phong làm ... |
Công nhân mong sớm được tiêm vắc-xin Covid-19 Nhận phiếu khảo sát nhu cầu tiêm vắc-xin Covid-19, chị Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi), công nhân Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha ... |
Điều kiện nào để công nhân ngoài tỉnh trở lại Bắc Giang làm việc? Một trong những điều kiện cần có khi công nhân lao động ngoài tỉnh muốn trở lại Bắc Giang làm việc là phải chủ động ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 16:09
Công đoàn MICCO: Dành những gì tốt nhất cho người lao động
Nhiều năm qua, Công đoàn Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Việt Bắc – MICCO (Đông Triều, Quảng Ninh) đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng và tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức các hoạt động; tạo điều kiện tốt nhất để người lao động an tâm công tác và cống hiến.
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 08:51
Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
Hơn 25 năm qua, anh Nhân là một phần không thể thiếu của tập thể Trường THPT Ngô Gia Tự (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Diễn đàn Lao động - Công đoàn - 23/11/2024 06:13
Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
Khi biết chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng - tương ứng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 năm, rất nhiều người lao động muốn ngừng đóng bảo hiểm thất nghiệp để xin hưởng trợ cấp.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 18:44
Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
Với hơn một thập kỷ gắn bó với Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ - MICCO, anh Bùi Công Quyền đã trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ lái xe. Nhưng phía sau tay lái ấy là một người đàn ông với những trăn trở, khát vọng vượt xa khỏi công việc hằng ngày.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 16:11
Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc…
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 08:44
Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Căn bệnh trầm cảm sau sinh đã biến tôi từ con người năng động, lạc quan trở thành người sống khép kín, đầy sợ hãi. Tình thương ấm áp, bao dung như người mẹ của cô Huỳnh Lan Phương, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phan Văn Trị (phường 07, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã giúp tôi có một sự sống mới.