Lao động di cư tự phát do ảnh hưởng Covid-19: Sự hỗ trợ dành cho doanh nghiệp
Đời sống - 27/11/2021 17:56 TS. Nhạc Phan Linh - ThS. Lê Thị Huyền Trang - Viện Công nhân và Công đoàn
Xe buýt hỗ trợ đưa đón trẻ em, phụ nữ mang thai... trong đoàn lao động di cư từ TP. Hà Nội đến đến đầu tỉnh Phú Thọ. |
Covid-19 và cuộc “thiên di” lịch sử
Theo thống kê của các tỉnh thành, chỉ trong vòng 4 ngày đầu tháng 10, dòng người di cư từ các trung tâm công nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ về Sóc Trăng là trên 40.000 người, An Giang 28.000 người, Kiên Giang 19.000, Đồng Tháp 16.300 người, Cà Mau 11.800 người, Bạc Liêu 11.000 người, Trà Vinh 8.600 người, Vĩnh Long và Hậu Giang mỗi tỉnh 5.000 người. Xét từ chiều đi, riêng tỉnh Đồng Nai đã có trên 30.000 người dân di cư chỉ trong 5 ngày đầu tháng 10/2021. Các con số này còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ và ước lượng có thể lên đến hàng triệu người.
Hình ảnh những NLĐ phải khăn gói với đồ đạc tư trang lỉnh kỉnh, chằng buộc, bồng bế nhau trên chiếc xe máy, không kể lớn bé, không kể đêm ngày, không kể đường sá cách trở xa xôi, khó khăn nguy hiểm… vẫn quyết tâm vượt hàng trăm, hàng nghìn ki-lô-mét, thậm chí là những hành trình cuốc bộ chân đất ngàn dặm xa… có lẽ sẽ mãi ám ảnh trong tâm thức của nhiều người.
Quá trình “giải đô thị hóa” (tức di cư khỏi khu vực đô thị) vốn chỉ xuất hiện trong thời chiến, lại diễn ra chân thực, rõ nét và đầy tổn thương như vậy. Vì đại dịch Covid-19, công nhân, NLĐ phải rút khỏi các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, vốn tưởng chừng đã yên ổn định cư sau nhiều năm gắn bó. Cá nhân bị tổn thương, gia đình bị tổn thương, cộng đồng và xã hội cũng bị tổn thương.
Cán bộ Viện Công nhân và Công đoàn hướng dẫn đoàn lao động di cư làm thủ tục khai báo và chia đoàn đi các tỉnh miền núi phía Bắc tại tỉnh Phú Thọ. |
Thiệt hại của doanh nghiệp và những hỗ trợ
Những thiệt hại tổn thất
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hai đợt dịch từ đầu năm 2021 đến nay đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.
Tháng 3/2021, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 87,2% doanh nghiệp (gồm cả tư nhân và FDI) chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc (97%), thông tin, truyền thông (96%), thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%)…
Đến đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ ngày 27/4/2021 đến nay, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội gần 2 tháng, gần như 100% các doanh nghiệp tại 19 tỉnh khu vực miền Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề. Những thiệt hại to lớn không chỉ về tài sản, lợi nhuận, mà còn gồm cả thiệt hại về con người, tính mạng đã xảy ra với cả NLĐ và người sử dụng lao động.
Cán bộ công đoàn hỗ trợ mua xăng cho đoàn lao động di cư tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. |
Hỗ trợ từ Nhà nước
Trong bối cảnh khó khăn đó, mặc dù ngân sách Nhà nước đang eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19. Các chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là giảm thuế, được các doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất, như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19…
Đặc biệt là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với 04 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: (1). Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (2). Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; (3). Hỗ trợ đối với hộ kinh doanh; (4). Cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.
Song song với đó, ngày 30/8/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… Ngoài ra, một loạt chính sách cụ thể khác rất quan trọng, kịp thời và thiết thực đã được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, NLĐ các KCN, KCX nhằm bảo vệ lực lượng sản xuất, bảo vệ doanh nghiệp; chỉ đạo thiết lập “luồng xanh” giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, xử lý nhanh vấn đề ách tắc hàng hóa trong lưu thông, phân phối; duy trì tốt chuỗi cung ứng; tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam...
Hỗ trợ từ Công đoàn
Đồng hành Chính phủ, nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp cũng như NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 12/2021.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có Công văn số 2497/TLĐ ngày 15/8/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung tham mưu việc nghiên cứu, xem xét việc miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 để NLĐ có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp.
Tổ chức Công đoàn luôn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tặng quà cho người lao động tại các khu nhà trọ. |
Hỗ trợ từ NLĐ
Điều đặc biệt, không chỉ có các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp còn nhận được sự chia sẻ trực tiếp từ chính công nhân, NLĐ của mình trước những khó khăn gặp phải do dịch bệnh Covid-19. Tại nhiều doanh nghiệp, công ty, NLĐ sẵn sàng tự nguyện giảm lương, hoặc thậm chí đi làm mà không hưởng lương. Đây là điều rất đáng trân trọng khi cuộc sống của NLĐ phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp cần hành động gấp
Trong bối cảnh liên tiếp các đoàn di cư tự phát của NLĐ rời khỏi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An diễn ra những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 10/2021, các nguy cơ về thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, đổ vỡ thị trường việc làm, bao gồm cả khu vực lao động chính thức và phi chính thức…
Lâu nay, các doanh nghiệp đã dành sự quan tâm đáng kể cho NLĐ, song vẫn còn chưa chú ý đúng mức vấn đề đãi ngộ với NLĐ, ATVSLĐ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho NLĐ chăm sóc, giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ; đặc biệt là cung cấp chỗ ở đủ điều kiện, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho NLĐ nhằm giữ chân NLĐ một cách bài bản, căn cơ.
Hình ảnh những NLĐ di cư quyết tâm bằng mọi giá, bất chấp quy định, bất chấp sức khỏe, nguy hiểm tính mạng, tìm mọi cách đưa cả gia đình, vợ chồng con cái, tài sản về quê trên những phương tiện hai bánh rõ ràng là những tiếng chuông cảnh báo liên hồi đối với sức khỏe của nền kinh tế nói chung, cụ thể là sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Quy luật cung cầu của thị trường lao động việc làm sẽ không còn đúng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và sự mất niềm tin, mất chỗ dựa của NLĐ.
Cùng với sự điều chỉnh, hỗ trợ từ chính sách phòng, chống dịch của Nhà nước, sự hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp khác và toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cần hành động ngay lập tức để thu hút, để giữ chân NLĐ.
Mở rộng tuyển dụng, tăng cường đào tạo tại chỗ, phát triển phúc lợi lao động, việc làm, tăng cường đóng góp cho an sinh xã hội và xây dựng phương án phòng trừ rủi ro cho NLĐ. Đó sẽ là những giải pháp cơ bản và khả thi để tạo dựng niềm tin cho NLĐ, cũng chính là tạo dựng sức mạnh nội lực bền vững cho chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh, nguyên lý lực hút về kinh tế là chưa đủ, NLĐ còn cần lực hút về an sinh, về phát triển con người.
Phát triển nhờ các chính sách chăm lo người lao động Sau 6 năm thành lập (1/10/2015-1/10/2021), Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (Đắk R’lấp) đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục và hoạt ... |
Người lao động Nghệ An tự phát về quê được cách ly như thế nào? Nghệ An lên phương án đón, cách ly y tế đối với lao động về quê tự phát, phân loại theo nhóm tiêm vắc xin ... |
Từ 4/10, TP. HCM cho phép sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển đến 4 tỉnh lân cận UBND TP. HCM vừa có Văn bản khẩn 3252 gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh về tạo điều ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.