Khi người nông dân cũng hỏi “tiền nhiều để làm gì”!
Cà phê tối - 27/03/2022 16:01 MỸ ANH
Một cảnh rao bán đất ở nông thôn. Ảnh minh họa: Dân Việt |
Nơi tôi ở, một làng ven đô nay đã lên phố. Đầu tuần vừa rồi, chính quyền có buổi gặp mặt công bố quy hoạch đường trong khu vực. Những mảnh vườn nay bỗng trở thành mặt tiền, giá trị nhiều tỷ. Cả những "bờ xôi ruộng mật" nuôi sống cả làng bao đời, nay cũng vào diện quy hoạch.
Quán bia đầu làng tối hôm đó là một cảnh tượng vô tiền khoáng hậu. Chủ nợ - con nợ, những người nhìn mặt nhau nhăn trán, nay bắt tay vui vẻ. “Tới đây đền bù em gửi cả nhé”; “Ừ, anh em với nhau, chú không cần chạy vạy lãi từng ngày nữa, có tiền trả một thể!”.
Những cuộc hội thoại rất buồn cười, rất chua chát mà cũng rất biểu tượng.
Phải mở ngoặc nhắc lại rằng tại sao lại có những con nợ và có những chủ nợ. Mọi thứ bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm. Khi ấy, khu vực tôi ở bắt đầu “sốt đất”. Nhiều nhà dịch nhẹ cái hàng rào mấy chục mét (trên tổng số cả ngàn mét) là có tiền tỷ.
Tiền tỷ ấy vung vít theo lối phổ biến như sau: một khoản lớn để làm lại căn nhà to; mua những thứ đồ sinh hoạt tủ lạnh, ti vi thời thượng; một khoản khác để chia cho mỗi con một chút.
Và, cái “một chút” gia tài từ đất đó để lại cuộc hội thoại khất nợ tới tận ngày nay. Một thanh niên có vài trăm triệu đồng sẽ làm gì nếu không mua cái xe SH hay chiếc ô tô nhỏ. Không nghề, mất ruộng, họ quá rảnh. Rảnh mà lại có tiền. Cờ bạc, bóng bánh, bia rượu, chơi bời… tất cả thành một hệ thống thói quen vét sạch túi gia đình tới đồng xu cuối cùng.
Hết tiền thì làm gì? Thì lại bán đất, lại dịch hàng rào. Cờ bạc là thói gây nghiện. Mà đã nghiện thì chỉ có tăng liều chứ không có giảm liều. Nên hàng rào lần sau dịch nhiều hơn lần trước.
Hôm qua, mẹ một người bạn thân của tôi từ bé gọi điện hỏi: "Nhà cô lại được đền bù mấy tỉ, lần trước cả tỉ đền bù thằng bạn mày đánh bạc hết, may mà không phải bán thêm đất. Cô chú già rồi, nhà cửa xây khang trang cả rồi, cần gì đến tiền nữa đâu. Nhưng giao tiền cho nó lại không yên tâm. Giờ, tiền ấy làm gì hả cháu?".
“Tiền nhiều để làm gì” không phải là câu hỏi của tỉ phú ngàn tỉ nữa. Mà giờ, chính người nông dân cũng đang phải hỏi câu hỏi đó.
Tôi cũng ngồi rà lại cả hàng loạt hoạt động của các đơn vị đền bù. Tất cả chỉ là tiền và có tranh cãi cũng là về tiền. Sẽ phiến diện nếu bảo tiền đồng nghĩa tai họa. Nhưng, điều tôi nghĩ những người làm chính sách cũng cần quan tâm là cách để “đền bù” bền vững cho người dân, bên cạnh tiền.
Những người dân không tiếp cận được các khóa học quản lý tài chính cá nhân chất lượng. Các khóa học nhan nhản trên mạng không ít khóa “lùa gà”. Họ cũng không được hỗ trợ các phương án học nghề để gây dựng tương lai từ lao động chân chính.
Ngay cả diễn ngôn trong các buổi “lấy ý kiến” và “gặp mặt” người dân- những buổi ít ỏi người dân được tiếp cận với những người sẽ lấy đất làm công trình - cũng chỉ là giới thiệu về khu vực sẽ đẹp đẽ như nào, giá đất sẽ lên ra sao… Hết.
Quay lại câu chuyện của người mẹ bạn tôi, sẽ rất dễ để quy kết là “do bà không biết dạy con” nhưng căn cơ của vấn đề tôi nghĩ còn nhiều điều hơn thế. Người nông dân nhiều đời sống bằng ruộng đồng và vườn tược. Nay đô thị hóa, hết đất canh tác, không còn tư liệu sản xuất thì họ làm gì? Đưa cho họ tiền tỷ coi như “đền bù” nhưng họ đâu có biết buôn bán, đầu tư hay đơn giản là quản lý tài chính cá nhân!
Đô thị hóa là cần thiết, lấy đất mở đường cũng cần thiết, đền bù thỏa đáng đương nhiên cần thiết. Nhu cầu đất ở cao, mua qua bán lại nhiều cũng là vấn đề thị trường. Nhưng, vấn đề an sinh liên quan tới những người mất đất không chỉ có tiền.
Chúng ta có quá nhiều bài học về việc người nông dân tha hương ngay trên chính mảnh đất hương hỏa đã từng nhiều đời lao động sinh nhai. Và với việc quy hoạch khắp nơi cùng cơn sốt đất mọi miền hiện tại, nan đề ấy không phải một bài báo như này sẽ chỉ ra được cách làm cho thỏa đáng một sớm một chiều.
Nhưng rõ ràng, người dân cần sự “đền bù” đầy đủ hơn bên cạnh tiền. Bởi, họ không “cạp đất mà ăn” mãi được.
"Đô thị hóa là cần thiết, lấy đất mở đường cũng cần thiết, đền bù thỏa đáng đương nhiên cần thiết. Nhưng rõ ràng, người dân cần sự “đền bù” đầy đủ hơn bên cạnh tiền. Nhiều người nông dân phút chốc thành tỷ phú từ đất, và giờ, câu hỏi tiếp theo là phải làm gì với số tiền khổng lồ ấy?". Đây là câu hỏi của những người nông dân nhưng cũng là câu hỏi gợi mở của tác giả để nhiều người cùng suy ngẫm và trả lời. Nếu bạn có câu trả lời cho nan đề của tác giả đặt ra, có thể trao đổi cùng chúng tôi. Bạn cũng có thể mời người viết một "ly cà phê" của chương trình "Đọc cà phê tối, tặng cà phê". Trị giá một "ly cà phê" là 23.000 đồng (1 USD). Để mời tác giả Mỹ Anh "ly cà phê" qua MoMo, bạn đọc ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR của MoMo. Để đăng ký và sử dụng ví MoMo, xem chi tiết hướng dẫn tại đây. "Buy me a coffee"Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, ở phần nhập lời nhắn, bạn đọc gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh". |
Mấy kỳ vọng vào Luật Đất đai sửa đổi Luật Đất đai 2013 mặc dù đã có bước tiến khá lớn so với văn bản pháp quy trong lĩnh vực này trước đó nhưng ... |
Ngôi nhà 4 mặt tiền Không phải trường học, không phải bệnh viện hay công trình công cộng, kinh doanh... Kon Tum có một ngôi nhà, sân vườn với diện ... |
Quay cuồng trong cơn sốt đất Ngoài quán, lên cơ quan, vào công ty hay đến bất cứ đâu cũng có thể quanh đi quẩn lại là đất lên, đất sốt, ... |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 23/11/2024 15:28
Đằng sau những sắc thuế!
Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 sẽ biểu quyết về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) vào ngày 26/11. Theo dự thảo luật (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng thuế VAT 5% sẽ tăng lên 10%.
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.