Hội thảo "Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam": Khơi thông cả những kỳ vọng
Kinh tế - Xã hội - 22/06/2022 09:20 BIZLIVE
Vui lòng bấm F5 để theo dõi nội dung buổi hội thảo.
|
Hội thảo cũng là nơi hội tụ các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo, là cơ hội để gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp, chủ động liên kết, cùng thúc đẩy, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.
Các diễn giả tham gia thuyết trình, chia sẻ tại hội thảo: 1. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển TTNS 2. Bà Bùi Kim Thuỳ - Chuyên gia hội nhập, Hội đồng kinh doanh Asean – Hoa Kỳ 3. Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Cần Thơ 4. Ông Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL 5. Ông Phạm Quang Diệu – Chuyên gia phân tích thị trường 6. Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Intimex Group 7. Ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long 8. Trung tá Đỗ Thu Hường - Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn 9. Ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối KHDN Vừa và nhỏ - Hội sở Eximbank 10. Ông Balachandra Prashanth - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Công ty Bühler Asia Vietnam |
Đồng chí Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho biết, Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm. Gạo Việt Nam đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hạt gạo Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế, đặc biệt cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa, trong đó, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng cao chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, người nông dân ĐBSCL vẫn phải bám đồng ruộng để làm nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và duy trì sản lượng gạo xuất khẩu. Hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Để Việt Nam giữ ngôi xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia và cao hơn cho doanh nghiệp, cho người nông dân, vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo là cần khơi thông được những “điểm nghẽn” như giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu…
Hội thảo hôm nay với sự tham gia của các diễn giả từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Viện lúa ĐBSCL, các chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập và nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, các khối hỗ trợ quan trọng như logistics, ngân hàng thương mại, phân bón... sẽ là một diễn đàn để các diễn giả, khách mời cùng trao đổi, thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn, đồng thời tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hướng tới mục tiêu chung, góp phần để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường quốc tế, người nông dân an tâm với đồng ruộng, ngành lúa gạo phát triển theo hướng bền vững.
|
Hội thảo sẽ bao gồm 2 phiên - Phiên 1: Sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân; Phiên 2: Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nâng giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Phiên 1: Sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, Công ty Agrimonitor, chia sẽ những thông tin tổng quan về thay đổi của ngành Lúa gạo Việt Nam thời gian qua và dự báo về triển vọng xuất khẩu thời gian tới.
Trong đó, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thì những khó khăn, thách thức từ các tác động trên thế giới, từ giá cả hàng hóa đầu vào cho sản xuất, xung đột Nga - Ukraine, và hướng cạnh tranh trong xuất khẩu... được nhấn mạnh.
Theo ông Diệu, gạo là ngành kinh doanh rất biến động nên các lĩnh vực khác như logistics, tài chính càng hiểu gạo càng giúp ngành gạo kinh doanh tốt.
Trong 5 đến 7 năm, xuất khẩu gạo có tiến triển lớn. Các thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Phân khúc gạo trung bình khá Việt Nam được khẳng định. Thương nhân Thái đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam và Thái Lan có thể để mất thị phần. Câu hỏi đặt ra là các ngành hỗ trợ theo kịp chuyển biến để hỗ trợ gạo, để tận dụng cơ hội cho ngành gạo hay chưa?
Ông Phạm Quang Diệu chia sẻ về bản đồ luỹ kế phần trăm thu hoạch theo cấp huyện, mục đích giám sát nguồn cung gạo. Theo ông Diệu, gần đây thông tin về thị trường lúa gạo thương nhân nắm bắt nhanh và phản ứng linh hoạt. Bởi thông tin về tiến độ sản xuất, chủng loại giống, chất lượng lúa gạo rất quan trọng. Nếu nắm bắt cung tốt giúp hoạch địch chính sách kinh tốt, dự báo tốt, khi nào mua vào bán ra, mức giá. Cách thức thu thập thông tin của chúng tôi từ nguồn chính thống, mạng lưới riêng.
Về sản xuất lúa ĐBSCL vụ Đông Xuân 2021-2022 và triển vọng vụ Hè Thu 2022, ông Diệu nhận định diện tích, sản lượng, năng suất lúa hiện tại đang khá ổn định. Lúa bắt đầu thu hoạch tháng 1, rộ đồng toàn vùng ĐBSCL vào tháng 3.
Từ tháng 4, nguồn lúa ít, ở các đồng sạ muộn: Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, ven biển Kiên Giang. Sang tháng 5, lúa tươi Đông Xuân khan hiếm và thu hoạch dứt đồng ở tất cả các địa bàn ĐBSCL. Còn lúa Hè Thu 2022 bắt đầu thu hoạch rải rác từ nửa sau tháng 5. Lúa sớm nhất tại huyện Cao Lãnh, Tháp Mười (Đồng Tháp) và Ô Môn, Cờ Đỏ (Cần Thơ). Dự kiến trong tháng 5, lúa vụ Hè Thu 2022 chỉ mới thu hoạch được 1% diện tích. Thu hoạch rộ vào đầu tháng 7, với trọng tâm là An Giang. Hiện tại, nguồn cung dồi dào Đài Thơm 8-OM18, Nếp, trong khi OM5451, IR50404, Japonica ít hơn.
Về tình hình, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022, chuyên gia này cập nhật, thị trường chính ngạch 6,3 triệu tấn, tiểu ngạch chỉ gần 2 triệu tấn. Xuất khẩu tiểu ngạch giảm mạnh. Theo ông Diệu, trước đây, xuất khẩu tiểu ngạch là ác mộng, phá giá thị trường gạo Việt. Hiện tại, xuất tiểu ngạch ở phía Bắc sang Trung Quốc giảm đi nhưng đi qua Campuchia và Lào có xu hướng tăng.
Xuất khẩu gạo đi Philippines tăng mạnh, đa dạng phân khúc gạo khi Chính phủ nước này cho phép tư nhân nhập khẩu nhiều hơn. Sang tháng 4, khách Philippines quay lại hỏi mua gạo Đài Thơm 8-OM18 khá hơn nhưng giao dịch chưa thực sự sôi động. Giao dịch nếp với khách thương nhân Trung Quốc sôi động. Tuy vậy, nhập khẩu giảm, chỉ khoảng 1 triệu tấn. Trước đây là 2 triệu tấn.
Về những khó khăn hiện tại, ông Phạm Quang Diệu nhấn mạnh đến tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine đối với thị trường gạo. Theo đó, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh với lúa mỳ, ngô… Thị trường vật tư phân bón tăng mạnh. Dù vậy, thị trường chưa chịu ảnh hưởng sốc từ cuộc chiến Nga - Ukraine do nguồn cung dồi dào. Thái Lan sắp có mùa vụ bội thu và khả năng giá gạo vẫn có thể xuống.
Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu Việt Nam không tăng trong 3 năm qua, giá thế giới tương tự. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ không cao so với trước đây. Lý do là dự báo năm 2023, tồn kho gạo vẫn lên tới 180 triệu tấn, cao hơn 2019, 2020. Yếu tố yểm trợ cho thị trường tương đối đảm bảo.
Dù vậy, sản xuất gạo thế giới lớn nhưng thương mại rất nhỏ. Bất kỳ cú sốc làm thương mại biến động khiến giá gạo lên cao. Ngoài ra, gạo là mặt hàng chính trị. Lệnh cấm xuất khẩu, tăng nhập khẩu có thể xảy ra trong tình hình biến động; khi đó, giá biến động lớn. Hiện tại, thị trường gạo chưa có cú sốc lớn, nhưng không có gì đảm bảo tuyệt đối. Vì thế, phải theo dõi, tổng hợp thông tin để đưa ra dự đoán.
Về dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu và sức cạnh tranh, hiện tại, nguồn cung dồi dào Đài Thơm 8-OM18, Nếp, trong khi OM5451, IR50404, Japonica ít hơn. Nếu như năm 2016, gạo phẩm cấp thấp IR50404 chiếm tỷ lệ lớn thì đến năm 2021 gạo phẩm cấp cao Đài Thơm 8-OM18 chiếm tỷ lệ cao nhất. Các loại gạo cao cấp mới của Việt Nam đang khiến thương nhân Thái Lan lo ngại. Lý do là giá gạo thơm Thái Lan quá cao. Việt Nam tiến vào thị trường gạo thơm, đạt thành công.
Ngoài ra, nếp Việt Nam là câu chuyện thần kỳ, tăng lượng xuất khẩu đột biến. Tổng khối lượng xuất khẩu nếp thế giới là 600-700 nghìn tấn, Việt Nam chiếm 70-80%.
Trước đây, Việt Nam phụ thuộc vào các thị trường tập trung như Philippines, Indonesia. Các thị trường này thường có nhu cầu lớn về gạo phẩm cấp thấp, trung bình. Khi Philippines chuyển đổi sang cơ chế nhập khẩu tư nhân, Việt Nam cũng xuất khẩu được gạo phẩm cấp cao hơn bởi nhu cầu từ các công ty nhập khẩu tư nhân của Philippines.
IR50404 từng chiếm 30-40% cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hiện tại xuống còn 21%, hiện còn dưới 10%. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu phẩm cấp thấp và phẩm cấp cao của Việt Nam đảo ngược hoàn toàn.
Nhưng liệu những cái bẫy về thị trường tập trung và xuất khẩu tiểu ngạch liệu có quay trở lại. Làm sao để duy trì và phát triển bền vững? Chuyên gia Phạm Quang Diệu đặt câu hỏi và cho rằng cần có giải pháp dài hạn từ việc quản lý.
Về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo, ông Diệu đưa ra một số nhận định như diện tích trồng lúa đang giảm xuống, Ấn Độ có thể ngưng xuất khẩu gạo. Ngoài ra, câu hỏi Philippines có duy trì chính sách cho phép doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu.
Vài năm qua, Indonesia nhập khẩu gạo ít, Iraq hai năm qua chuyển sang nhập gạo Thái Lan trong khi Trung Quốc duy trì nhịp độ nhập khẩu. Ông Diệu nhận định thị trường chưa có đột biến lớn.
Hai điểm nghẽn nội tại
Ngành Lúa gạo có mối liên hệ mất thiết, có những tương tác quan trọng với các ngành, lĩnh vực hỗ trợ khác, mà như chuyên gia đề cập ở trên rằng càng hiểu gạo càng giúp ngành gạo kinh doanh tốt.
Gắn bó với ngành Lúa gạo Việt Nam nhiều năm qua, ông Balachandra Prashanth - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Công ty Bühler Asia Vietnam chia sẻ về những giải pháp xử lý gạo sau thu hoạch và Công nghệ Kỹ thuật số từ Bühler.
Ông Balachandra Prashanth đặt vấn đề: Dự báo đến 2050 dân số thế giới tính toán là khoảng 9 tỷ người. Vậy làm thế nào để cung cấp đủ thức ăn cho 9 tỷ người khi đó? Số liệu nghiên cứu chỉ ra, thức ăn bị thất thoát 30% trong quá trình từ nông trại tới bàn ăn. Trong đo lường thất thoát tính triệu tấn, trồng trọt mất 52 triệu tấn, tồn trữ mất 85 triệu tấn, sản xuất 73 triệu tấn, phân phối tiêu dùng...
Bühler có các giải pháp thất thoát ở khâu tồn trữ, xử lý sau thu hoạch sản xuất, hướng giải pháp phát triển bền vững trong sản xuất nông sản thực phẩm.
“Bühler có mặt ở 140 quốc gia trên thế giới, với 12.500 nhân viên, doanh số 2,7 tỷ Franc Thụy Sĩ, hàng năm công ty dành 5% doanh số cho phát triển công nghệ. 30% gạo của toàn thế giới được sản xuất bởi máy móc của chúng tôi”, ông Balachandra Prashanth cho biết.
Ông Balachandra Prashanth - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Công ty Bühler Asia Vietnam |
Với ngành Gạo Việt Nam, Bühler cung cấp giải pháp toàn bộ, dịch vụ hệ thống tự động hóa, quản lý dự án, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại nhà máy, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển… Bühler đặt một nhà máy tại Long An sản xuất đa phần máy móc cho ngành gạo, ngoài sử dụng cho thị trường Việt còn xuất khẩu máy móc đi các nước.
Bühler mang tới giải pháp cho 2 điểm nghẽn cho dòng chảy hạt gạo, đó là nguồn cung, chất lượng thường không ổn định.
Hạt gạo Việt theo tính mùa vụ, không phải tháng nào cũng sản xuất mà 3 đến 4 tháng có mùa vụ mới. Giải quyết là lưu trữ, làm cho nguồn cung ổn định trong sản xuất. Sau khi giải quyết bài toán tồn trữ, làm sao đảm bảo chất lượng ổn định? Hằng năm Bühler đều dành 5% doanh thu đầu tư phát triển nghiên cứu công nghệ đóng góp cho ngành gạo.
Hai công nghệ của Bühler gồm cảm biến ricelinepro và hệ thống giám sát silo để tồn trữ lúa gạo, kiểm soát chất lượng hạt gạo một cách bền vững. Ngoài silo, Bühler cung cấp hệ thống giám sát bên trong, đo được nhiệt độ, độ ẩm, kiểm soát được chất lượng lúa tồn trữ bên trong. Bühler insight là công nghệ phát triển mới nhất, gồm nhiều cảm biến, camera cho phép đo nhiệt độ, thời tiết, không khí, hệ thống phân tích dữ liệu. Sau khi lấy dữ liệu tử cảm biến, camera sẽ đưa công cụ dự báo, kiểm soát, đưa ra quyết định điều chỉnh nếu có vấn đề xảy ra trong silo.
Điểm nghẽn thứ hai là chất lượng không đồng đều, hiện cách đo cảm quan chủ yếu bằng mắt, bằng tay con người. Điều này là chủ quan, không chính xác, không có thông số cố định. Do không kiểm soát được sự ổn định chất lượng ảnh hưởng tới quá trình vận hành sản xuất. Bühler mang tới ricelinepro. Đây là công cụ cho phép chính xác độ bóng, mịn, trắng, được sử dụng cho tất cả loại gạo trên thế giới. Thiết bị giảm hỏng hóc do giám sát từ bên trong, vận hành đồng nhất, đọc được các thông số về chất lượng gạo gồm bộ bóng và độ mịn để truyền thông thương hiệu/ tự điều chỉnh theo mong muốn, người vận hành nhà máy có thể dễ dàng kiểm soát, có nhiều báo cáo đầu ra của gạo để kiểm soát chất lượng gạo.
“Quy trình xử lý sau thu hoạch là rất quan trọng để mang lại chất lượng cao cho lúa. Máy móc của Bühler được thiết kế và chế tạo để tối đa hóa sản lượng gạo trong mọi giai đoạn sản xuất. Không thể nói nào là tốt nhất nhưng có thể cho chất lượng đồng nhất. Bühler có danh mục sản phẩm toàn diện cho ngành gạo dây chuyền”, ông Balachandra Prashanth nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển TTNS tham gia hội thảo qua kênh trực tuyến từ Hà Nội. |
Phải khơi thông cả những kỳ vọng
Tham gia thảo luận tại Phiên 1, trả lời câu hỏi của MC Kỉnh Huy về thực trạng ngành lúa gạo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển TTNS cho biết, để phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng và ngay đầu năm nay Chính phủ cũng đã đề ra những chiến lược đột phá cho ngành Nông nghiệp, trong đó gạo cũng được xác định là ngành chiến lược.
Ông Toản cho rằng, ngành Lúa gạo có vai trò quan trọng, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn là ngành hàng phát triển gắn liền với yếu tố sinh thái và văn hóa lúa nước của Việt Nam. Do đó, vấn đề đặt ra là không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn mà phải khơi thông cả những kỳ vọng đối với ngành Lúa gạo.
Theo ông Toản nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành lúa gạo đã được đề ra, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn có những nút thắt. Bên cạnh những nút thắt như ông Phạm Quang Diệu đã nói ở trên, ông Toản muốn bổ sung thêm một số nút thắt như vấn đề liên kết với bà con nông dân. Cơ quan Nhà nước cần thúc đẩy hỗ trợ các chi phí hạ tầng liên kết, thành lập những tổ công tác cộng đồng liên kết bà con nông dân với các hợp tác xã. Bên cạnh đó là liên kết nông dân với doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cũng như khơi thông nguồn vốn cho ngành lúa gạo để nguồn vốn đi đúng vào chu kỳ sản xuất. Ngoài ra cũng cần quan tâm hơn vấn đề về giống, phân bón.
“Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khấu 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá trị hạt gạo, giá thành xuất khẩu”, ông Toản nói.
Ông Toản cũng nhấn mạnh, bên cạnh thị trường xuất khẩu cũng không nên quên thị trường nội địa, hay những vấn đề sau gạo, nâng tầm thương hiệu của hạt gạo,…
Về câu hỏi ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các xung đột chính trị, quân sự đến xuất khẩu lúa gạo, ông Toản cho rằng, Việt Nam đã làm quen với những xung đột cả về mặt quân sự và thương mại. “Chúng ta đã quen và có thể làm chủ hoạt động xuất khẩu, và thực tế đanh xếp thứ ba thế giới về sản lượng xuất khẩu. Chúng ta cũng không có chuyện lơi dụng xung đột thương mại để gia tăng xuất khẩu”, ông Toản nói.
Ông cho biết, con số xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đã cho thấy hàm lượng xuất khẩu giá trị của Việt Nam đã rất tốt. Tuy nhiên, ông lưu ý, xung đột đã gây ảnh hưởng khiến giá phân bón tăng cao nên cần có các giải pháp để giúp hạ chi phí đầu vào cho người nông dân. Đồng thời, cần gia tăng giá trị của các phân khúc khác.
Nhấn mạnh tinh thần chủ động nhưng không chủ quan, không dừng ở con số xuất khẩu 3 tỷ USD một năm hay 6 triệu tấn 1 năm, ông Toàn đề nghị các doanh nghiệp bên cạnh duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống cần tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Khâu khó nhất, ít người làm nhất: “Thương hiệu”
Tham gia trực tuyến, bà Bùi Kim Thùy - Chuyên gia kinh tế hội nhập đề cập đến bối cảnh của kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Lúa gạo nói riêng với những điểm đáng chú ý.
“Chúng ta nói về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bản đồ hiệp định thương mại hoàn chỉnh và cả cuộc khủng hoảng hoàn chỉnh”, bà Thùy đặt vấn đề.
Cuộc khủng hoảng hoàn chỉnh là Việt Nam phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh toàn cầu, vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch, các cuộc xung đột và sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn. Là một nước nông nghiệp, Việt Nam cần ý thức về cuộc khủng hoảng hoàn chỉnh này.
Trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chất lượng gạo phụ thuộc nhiều yếu tố như giống, quy trình, thu hoạch... nhưng điều quan trọng nhất là phải bán được giá tốt. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ là chất lượng, giống, quy trình của gạo. Khâu khó nhất, ít người làm nhất là làm thương hiệu. Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, xuất khẩu nhiều nhưng rất ít doanh nghiệp Việt xuất khẩu sử dụng thương hiệu chính mình.
Bản đồ thương mại hoàn chỉnh là gì. Việt Nam có lợi thế bởi là nền kinh tế đang phát triển duy nhất có đầy đủ nhất các hiệp định thương mại với 17 hiệp định thương mại tự do, 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ngoài ra, lợi thế khác là khi xuất khẩu gạo, quy tắc xuất xứ cho gạo không đơn giản. Nhưng chúng ta dễ đạt được nhất. Lý do là toàn bộ 100% hạt gạo đều sản xuất ở Việt Nam.
Sự khơi thông của thị trường xuất khẩu gạo nằm ở hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, an ninh lương thực, hạn ngạch, thuế quan… Việt Nam vẫn phải chịu biện pháp phòng vệ, thuế suất đặc biệt là Trung Quốc.
Hiện nay, người dùng thế giới mở chú trọng vào “ăn ngon mặc đẹp”, ý thức ăn gì để cho khoẻ, đẹp. Bài toán là ăn gì có lợi cho sức khoẻ. Vì thế, chúng ta không chỉ tập trung an ninh lương thực, tăng số lượng mà còn phải tập trung để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Gạo ST25 là ví dụ tốt cho hướng đi này.
Theo bà Thùy, doanh nghiệp Việt có vẻ còn thiếu ý thức làm thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, cần lưu ý đến phòng vệ thương mại. Ví dụ ngành mật ong Việt xuất khẩu vào Mỹ, có nguy cơ bị áp thuế 500%. Lý do đưa ra là Việt Nam chưa vận hành theo kinh tế thị trường, sử dụng biện pháp so sánh giá với thị trường tương đương.
Chuyên gia này lưu ý: Khi xuất khẩu gạo số lượng lớn, trong thời gian ngắn vào một thị trường nào đó, Việt Nam có thể chịu nhiều rủi ro về thuế quan. Gạo là sản phẩm nhạy cảm nên các hàng rào thương mại là nguy cơ.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group |
5 vấn đề trong phát triển lúa gạo Việt Nam
“2021 là năm cực kỳ khó khăn chưa từng thấy, gần như nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng dương. Với nông nghiệp Việt Nam, 2021 là năm xuất khẩu cao về giá trị khi tăng 5% dù sản lượng giảm, đó là kỳ tích”, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group mở đầu tham luận.
Vị lãnh đạo nhà xuất khẩu lớn này dẫn giải luôn ở kết quả đạt được năm qua: các thị trường ổn định như Philippines, Trung Quốc, trong khi Indonesia và Malaysia giảm mạnh, cho thấy thị trường Đông Nam Á chúng ta trông cậy chủ yếu ở thị trường Philippines.
Ông Đỗ Hà Nam nêu tổng quan 5 vấn đề chính đặt ra với lúa gạo Việt Nam, dù vừa có một năm “kỳ tích” trong những khó khăn.
Vấn đề đầu tiên, thu nhập của người nông dân giảm mạnh. Giá lúa không giảm nhưng phân bón, chi phí vận tải đột biến. Người nông dân muốn thay đổi cơ cấu cây trồng sang cây khác, nếu không nhìn, nghĩ sớm một ngày nào đó chúng ta sẽ giật mình lúa giảm dần.
Thứ hai, chúng ta nói doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cạnh tranh với Thái Lan nhưng cần suy nghĩ lại. Có những sản phẩm Thái Lan làm mình không có và ngược lại, người tiêu dùng dùng sản phẩm nào thì sản phẩm đó ổn định. Như thị trường Philippines họ thích ăn gạo Việt hơn. Vậy Việt Nam ổn định thị trường này. Không phải mở rộng thị trường nào mà quan trọng thị trường bền vững.
Thứ ba, báo chí nói tình hình xung đột giá cả lên, nhưng nhìn kỹ sản phẩm lượng thực trên thế giới không hề thiếu chủ yếu là do vận chuyển, các vùng đều được mùa.
Thứ tư, doanh nghiệp Việt hiện cũng còn hình thức cạnh tranh hợp đồng của nhau, tranh thủ bán hàng sớm giá thấp làm cho cạnh tranh nội bộ doanh nghiệp, cần quan tâm suy nghĩ làm sao các doanh nghiệp cùng bàn bạc vấn đề giành giật hợp đồng.
Thứ năm về vận tải. Mong muốn Tân Cảng giờ là đơn vị mạnh, bình quân cước vận tải cần được xem xét để chi phí vận tải ĐBSCL giảm đi. Nhiều vùng lúa thơm không còn lời, vậy sao phát triển. Bình quân container quan trọng, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng cao. Nông nghiệp chỉ phát triển một chiều đi lên đi xuống. Vấn đề phối hợp giảm chi phí là quan trọng. Đến 2022 giá gạo hiện nay xuống, đến nay chưa nhìn thấy tương lai đâu cả. Chiến tranh có ảnh hưởng nhất định, hy vọng thời gian tới giá có thể lên nhưng lên cao sẽ khó.
Ngoài ra, ĐBSCL nếu không có trung tâm logistics lớn, hệ thống tàu bè, đường độc đạo hiện nay ảnh hưởng tới hệ thống vận tải. Có đường sông, hệ thống vận tải đường sông như thế nào đặt ra, cần có chiến lược dài hạn.
|
Có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan
Nhận định về giá gạo của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thị trường thế giới, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tân Long Group cho biết, bức tranh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay vẫn thường được so sánh với đối thủ Thái Lan. Tuy nhiên các giống gạo của Việt Nam có điểm khác là đa dạng hơn, có gạo ngắn, gạo tròn với nhiều chủng giống mà Thái Lan, Campuchia không có. Tương tự, các giống dài Thái Lan, Campuchia cũng không có. Nhưng, có điểm chung về thị trường xuất khẩu là Philippines.
Đặc biệt, tại Việt Nam các giống gạo thơm rất đa dạng. Gạo thơm đang thâm nhập các thị trường mới. Một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích gạo thơm của Việt Nam, kể cả nhập khẩu tấm họ cũng chọn gạo thơm. Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều gạo ST21 của Việt Nam, giá gạo ST21 cũng từng rất cao, giá gạo japonica cũng cao hơn gạo dài.
“Tôi cho rằng mỗi loại gạo đều có thị trường riêng. Nếu gạo Việt Nam có bán cao hơn Thái Lan hay gạo Việt Nam có thấp hơn gạo Thái Lan 20 đến 30 USD cũng là bình thường”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch của người nông dân thì sẽ đánh giá được mức độ lợi nhuận của bà con nông dân. Còn khi đã vào kho tạm trữ thì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp.
Bản chất của thị trường Việt Nam là thu hoạch theo vụ gối nhau 3 đến 4 tháng là lại có vụ thu hoạch. Nếu một thị trường bị ách, thì tồn kho sẽ tăng lên ảnh hưởng đến giá thành.
Tuy nhiên, theo ông Trung, bên cạnh giá xuất khẩu gạo đang ổn định, ngành gạo Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc giá phụ phẩm như cám hay trấu đều tăng, liên quan đến đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một thực tế từ thị trường Mỹ và EU...
Để có được giá cao ổn định, phải xét đến yếu tố thị trường. Hiện Mỹ vẫn là thị trường được xem là hấp dẫn cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên để vào thị trường này không hề đơn giản. Số liệu của năm 2021, trong khi Thái Lan xuất đi Mỹ được 573.786 tấn, còn gạo Việt Nam bán chỉ được 15.235 tấn.
Lý giải gạo Việt Nam chưa thể vào được thị trường cao cấp như Mỹ, ông Phạm Quang Diệu cho rằng: “Để vào thị trường cao cấp rất khó khăn bởi tiêu chuẩn khắt khe và việc đảm bảo chất lượng đồng đều không dễ. Để gạo Việt đi vào thị trường Mỹ, Nhật, EU đều phức tạp. Tôi đồng ý ý kiến của anh Nam, chị Thùy về vấn đề xây dựng thương hiệu gạo. Ngoài ra, trong 4 đến 5 năm, gạo thơm Việt Nam có tín hiệu xuất khẩu tốt, vào Philippines, sang châu Phi. Đây là gợi ý cho chúng ta nên tập trung vào thị trường trọng điểm, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối tốt thay vì lan man đi nhiều thị trường như hiện nay”.
Không chỉ thị trường Mỹ, theo cam kết EVFTA mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Ông Đỗ Hoài Nam cũng cho rằng gạo Việt vào thị trường EU quá nhỏ về lượng, 80.000 tấn trên 6 triệu tấn. Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ đưa vào 30.000 tấn gạo chất lượng cao.
“Cái khó là dư lượng thuốc trừ sâu và hoá chất”, Chủ tịch Intimex Group lưu ý. Khi bị phát hiện sẽ bị trả hàng, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn. Để giải quyết điều này, cần vùng chuyên canh. Ngoài ra, tập tục của người nông dân là tăng lượng phân bón để nâng cao năng suất, sâu bệnh cũng lây sang vùng khác. Vì thế, cần diện tích lớn để trồng lúa. Cần có thời gian để thực hiện kế hoạch này.
Chuyên gia Phạm Quang Diệu bổ sung: “Tôi biết một số doanh nghiệp khởi động dự án làm vùng trồng lúa riêng biệt nhưng với quy mô rất nhỏ. Việc nhân rộng cần sự phối hợp, thực thi từ các ban ngành và nỗ lực doanh nghiệp. Điều này không đơn giản, trải qua thời gian dài, hoàn thiện chuỗi giá trị, đảm bảo lợi nhuận tương xứng. Ngoài ra, các hỗ trợ của tổ chức quốc tế thúc đẩy sáng kiến mới về tiêu chuẩn lúa gạo cũng cần lưu tâm”.
Và những giá trị tự hào...
Quay trở về với câu chuyện sản xuất, cứ nhất giống, nhì phân. Gạo Việt Nam những năm nay đã chuyển dịch chủ yếu là gieo trồng lúa thơm và chất lượng cao. Số ít là gạo nếp và thấp cấp. Vậy vấn đề đau đầu nhất với giống lúa hiện nay là gì?
Ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: "Ngành Lúa gạo trong thời gian qua phát triển tốt, đóng góp cho ngành Lúa gạo giống có đầu tư lớn. Giai đoạn trước COVID-19, Viện liên tục đón đoàn Thái Lan sang chia sẻ, họ đã phân tích hơn 10 giống lúa thơm, cho thấy sự cạnh tranh lúa thơm năng suất cao.
Với Việt Nam, trải qua thời gian dài, nhiều đơn vị nghiên cứu tổ chức đưa ra giống lúa đa dạng, tiềm năng năng suất lúa cao. Nếu nhìn lại, phổ biến ST24 đang sử dụng lớn. Viện đang làm thủ tục công nhận thêm các giống mới thuộc phân khúc cao cấp, những giống lúa có sự cải tiến.
Thứ hai là phân khúc gạo trắng chất lượng cao, DT8 thay dần OEM 4900, OEM 429 khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn mặn. Phân khúc gạo thứ ba, trước đây chiếm lĩnh thị trường đó IR54. Một nhóm thị trường ngách. Chúng ta có nếp Long An. Một số giống đang tập trung khai thác giàu dinh dưỡng, một số có chỉ số đường huyết thấp. Tôi nghĩ đây là tín hiệu tốt.
Việt Nam có cơ cấu giống gạo đa dạng, có thể tham gia tất cả các phân khúc gạo. Vấn đề chúng ta định vị ở đâu trong dòng thương mại? Đừng quên cách đây một năm nghe cảnh báo nhập gạo cấp thấp gạo Ấn Độ. Nếu tập trung xuất khẩu mà quên thị trường nội địa. Trong siêu thị dòng gạo cao cấp Thái Lan bắt đầu xâm nhập vào.
Tôi mừng trên thị trường thế giới đã dịch chuyển gạo cấp thấp sang trung bình, dù thị trường gạo cao cấp cho dòng giàu dinh dưỡng nhỏ nhưng có giá trị kinh tế cao, chúng ta có đủ cơ cấu giống để tham gia thị trường này. Tôi cũng đồng ý quan điểm về hai điểm nghẽn là sản lượng không ổn định, do không có vùng nguyên liệu cụ thể cho từng nhóm, sản xuất manh múng. Việc không có vùng nguyên liệu dẫn tới nhiều vấn đề. Đầu tiên chất lượng, dư lượng thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, giống đầu vào không có… Nhiều địa phương xài 80 đến 90% giống tự xác nhận. Quy trình sản xuất, chế biến có đảm bảo không? Câu chuyện khác là thương hiệu, gắn liền với chất lượng ổn định.
Tóm lại câu chuyện gồm vùng nguyên liệu, giám sát chất lượng, thương hiệu. Cần có giải pháp kèm theo để giải quyết dòng chảy. Không phải khơi thông mà khơi thông nâng cao giá trị lúa gạo. Tôi nghĩ sắp tới cơ hội lớn, chúng ta có đủ điều kiện cho ngành gạo phát triển mạnh hơn”, ông Thạch nhận định".
Ông Đỗ Hà Nam: “Tôi ngưỡng mộ đơn vị, người nông dân thông minh đưa ra các giống cạnh tranh. Thái Lan họ hỏi gạo DT8, ST là gạo gì? Câu hỏi cho thấy chúng ta sự cạnh tranh, rõ ràng họ không có mẫu đó. Như vậy chúng ta có thị trường, khi chúng ta có sản phẩm không giống họ. Việt Nam đang làm tốt giống”.
Ông Nguyễn Chánh Trung: "Về phương diện giống gạo Việt Nam đa dạng, giúp cho nhiều sản phẩm đi nhiều thị trường. Tôi tham gia thị trường xuất khẩu Philippines từ khi họ cho tư nhân hóa nhập khẩu, họ nhập khẩu theo thị hiếu thị trường. Ngoài gạo không thơm sang gạo dẻo, tốt cho ĐBSCL trồng cả vụ Đông Xuân, Hè Thu đều trồng được, nông dân và doanh nghiệp cùng khỏe. Sau này DT8 ở Philippines họ tiêu thụ nhiều. 4 năm trở lại đây, Philippines họ khuyến khích tư nhân nhập khẩu. Việt Nam tự hào người dân Philippines nói họ thích gạo Việt Nam hơn là gạo Thái Lan. Một phần do mức sống nhưng thị hiếu nhiều hơn do họ quen thuộc. Thái Lan không có cửa cạnh tranh được ở thị trường này.
Ở góc độ gạo cấp cao hơn, sang thị trường châu Âu, ban đầu Việt Nam nhận được giải Top 3 thế giới cho ST25 là PR mạnh cho gạo Việt Nam. Nhiều thương nhân nảy ý định phải đem sản phẩm gạo Việt Nam sang châu Âu để bán cho các kênh nhà hàng cũng như người gốc Á. Tôi thấy gạo Jesmine tới giờ Thụy Điển họ đi tìm gạo này, vì họ cho rằng mềm cơm, không quá dẻo. Chỗ đứng sản phẩm gạo của Việt Nam hầu như còn, giống không bị đào thải. Nhưng doanh nghiệp cần lưu ý, đi vào thị trường châu Âu phải làm từ nguồn canh tác, truy xuất nguồn gốc, trữ bằng thóc chứ không xay, đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư bài bản.
Hiện gạo ST 24, 25 không đủ bán. Nguồn cung không đủ đảm bảo. Cần có kế hoạch tăng trưởng vùng canh tác lên. Đòi hỏi doanh nghiệp có kế hoạch dài hạn, tốt không chỉ cho thương hiệu gạo Việt Nam. Cần có giống tốt, bảo quản tốt, lưu trữ xử lý sau thu hoạch bài bản. Giống xịn, ngon nhưng để quá lâu, ách tắc vận chuyển, xử lý sau thu hoạch chậm thì gạo bị ngoai, chua. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả chỉ cần chậm xuất đi nước ngoài là bị trả lại".
Ông Balachandra Prashanth, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Công ty Bühler Asia Vietnam: "Đúng là Việt Nam có nhiều nguồn nguyên liệu, nguồn giống khác nhau, và điều này đỏi hỏi chú ý hơn nữa để làm sao đảm bảo được các khâu lưu trữ khác nhau để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trước hết là khâu làm sạch, sau đó sấy để đảm bảo ẩm độ cần thiết. Quy trình trữ sau sấy cũng rất quan trọng, Bühler có những hệ thống quản lý rất nghiêm ngặt về lưu trữ sau sấy. Trong quá trình lưu trữ, các thông số ưu trữ phải được ghi chép cẩn thận, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo luôn luôn ổn định về mặt chất lượng".
Trung tá Đỗ Thu Hường - Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn |
Giải pháp giảm thiểu chi phí logistics
Như các ý kiến đề cập ở trên, ngành Lúa gạo đang gặp khó khăn trong vấn đề logistics và các chi phí liên quan. Ở điểm này, Trung tá Đỗ Thu Hường - Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) có tham luận tại hội thảo với chủ đề: "Tăng năng lực cạnh tranh cho gạo xuất khẩu dưới góc độ logistics".
Trước hết, bà Hường nhấn mạnh đến vai trò ngành gạo ở ĐBSCL. Đây là vựa lúa gạo số 1 cả nước, đóng góp hơn 90% gạo xuất khẩu cả nước, TOP đầu thế giới, đạt 6,2 triệu tấn, 3,3 tỷ USD, tạo công ăn việc làm, vai trò an ninh lương thực, cây trồng mang tính biểu tượng quốc gia…
TCSG là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics lớn cho xuất khẩu gạo. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu gạo qua TCSG là 157.000 teu, tương đương 3,9 triệu tấn, chiếm 63% tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước.
Theo đại diện TCSG, khó khăn của logistics lĩnh vực xuất khẩu gạo là tính thời vụ, thông qua hai mùa thu hoạch chính tại khu vực ĐBSCL là Đông Xuân và Hè Thu, người nông dân phụ thuộc thời tiết, khí hậu, doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng.
Mùa cao điểm xuất khẩu gạo, nhu cầu vận chuyển vượt quá cung, thiếu booking, thiếu chỗ trên tàu, thiếu con rỗng, khó chờ đóng hàng tại TP.HCM. Hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics, 80% lượng hàng xuất khẩu ĐBSCL qua cửa ngõ TP.HCM và Cái Mép, tỷ lệ km đường cao tốc thấp, đường thuỷ chưa đón được tàu feeder, chưa có quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trọng điểm.
Theo thống kê, chi phí logistics chiếm 16,8% giá trị hàng hoá Việt, trong khi với thế giới chỉ là 10,6%. Thậm chí, chi phí logistics chiếm 30% giá thành nông sản ĐBSCL.
Với những phân tích trên, TCSG đề xuất hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, gồm đường bộ, hoàn thiện các tuyến cao tốc, Bến Lức - TP.HCM- Long Thành; Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, với đường thuỷ, cần giải quyết các điểm thắt, xây dựng cảng feeder cho tàu quốc tế vào ĐBSCL.
Về phía mạnh, bà Đỗ Thu Hường cho biết những giải pháp TCSG đưa cảng gần khách hàng với các hướng cụ thể. Hiện tại, số tuyến/tuần của TCSG là Cát Lái: 81 chuyến, TCIT: 9 chuyến, TCTT: 7 chuyến. 90% thị phần số lượng container xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, 51% tại khu vực Cái Mép.
Sau đại dịch, TCSG áp dụng công nghệ thông tin để doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuận lợi hơn về thủ tục.
Ngoài ra, phương án của TCSG là khách hàng đưa sà lan lên cơ sở của TCSG, đóng gạo tại bãi. Tại Đồng Nai có ICD Nhơn Trạch, giải pháp đóng hàng cho khách lên đến 14,250 cont/tháng. TCSG vận chuyển bằng đường thuỷ lên cảng để xuất khẩu. Đây là giải pháp nhiều ưu điểm.
Nhưng khó khăn hiện vẫn là thiếu cont rỗng. Năm 2021, giải pháp phối hợp hãng tàu Maersk mở code tại Cái Cui, Sa Đéc, cấp 2.500 cont rỗng. TCSG kỳ vọng đưa Cái Cui và Sa Đéc trở thành điểm tập kết cont rỗng, giao nhận hàng hoá, gom hàng gạo xuất khẩu, tiếp tục thuyết phục thêm hãng tàu mở code rỗng tại khu vực ĐBSCL.
Ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối KHDN Vừa và nhỏ - Hội sở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) |
Eximbank mở rộng giải pháp đồng hành
Đại diện phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối KHDN Vừa và nhỏ - Hội sở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chia sẻ chủ đề tiếp cận vốn hiệu quả, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị hạt gạo.
Eximbank tròn 32 năm hoạt động trên thị trường, giá trị cốt lõi có thể mạnh lĩnh vực xuất nhập khẩu. Năm 2007 SMBC là cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia vào ngân hàng, hiện nắm hơn 15%. Vốn chủ sở hữu hơn 18.500 tỷ đồng, tổng tài sản 174.000 tỷ. Ngân hàng cung cấp các sản phẩm cho vay bán sỉ lẻ, ngân hàng trực tuyến…
Theo ông Phong, ngành Nông nghiệp nói chung, Lúa gạo nói riêng, nhu cầu vốn rất lớn. Chính vì vốn cần nhiều, tài sản đáp ứng nhu cầu vay vốn có hạn chế nhất định. Ngoài khoản vay cung cấp thông thường dựa trên tài sản đảm bảo là sản phẩm truyền thống cơ bản thì cần sản phẩm tốt hơn, cấu trúc, có sự kết hợp các bên.
Đại diện Eximbank cho biết, phía ngân hàng có hợp đồng tín dụng thế chấp hàng ở kho tập trung, gồm dùng kho của chính khách hàng, hoặc có thể là kho trung gian.
Theo đó, ngân hàng và khách hàng ký hợp đồng hạn mức tín dụng với tài sản thế chấp hàng hóa lưu tại kho do Eximbank chỉ định và giao đơn vị quản lý hàng hóa là Vinacontrol quản lý. Ngân hàng và Vinacontrol ký hợp đồng quản lý hàng hóa để giám sát nhập hàng, quản lý hàng hóa và kiểm định chất lượng hàng. Khách hàng đưa hàng hóa thế chấp vào kho chỉ định dưới sự giám sát của Vinacontrol. Sau khi hàng nhập kho Vinacontrol cung cấp phiếu nhập kho cho Eximbank và phiếu kiểm định chất lượng cho ngân hàng. Eximbank tài trợ cho khách hàng dựa trên lượng hàng nhập kho. Khách hàng ký hợp đồng bán hàng cho bên mua. Bên mua chuyển tiền thanh toán tiền mua hàng cho bên bán tại tài khoản mở tại ngân hàng để Eximbank thực hiện thu nợ theo hợp đồng bán hàng khách hàng cung cấp. Vincontrol giám sát số lượng hàng hóa giải chấp cho khách hàng theo lệnh của Eximbank.
Giải pháp thứ hai, ngân hàng có L/C, dựa trên đó tài trợ. Các doanh nghiệp có nhu cầu tài trợ để mở L/C nhập khẩu hàng hóa/vật tư nông nghiệp. Mở L/C trả chậm bằng một phần vốn tự có (ví dụ 5-10%), phần còn lại vay thông qua UPAS LC. Khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các quy định nghiệp vụ Thư tín dụng của EIB, tuân theo yêu cầu mở L/C…
Về rủi ro tỷ giá, khách hàng lựa chọn rủi ro về tỷ giá vào thời điểm thanh toán (sau 180 ngày hoặc 360 ngày), Eximbank có thể cung cấp sản phẩm phái sinh về bảo hiểm tỷ giá.
Đồng bằng sông Cửu Long: Từ trồng lúa bằng mọi giá đến nuôi trồng thông minh “Không thể tiếp tục can thiệp bằng cách vá víu hay ứng phó theo kiểu “thoa dầu gió”, đã đến lúc nông nghiệp vùng Đồng ... |
Nâng cao năng lực cạnh tranh tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ logistics Được coi là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái ... |
Cần thay đổi "nhân sự huyết thống và tư duy kinh tế một container" Trong ý kiến trên Báo Lao Động ngày 21/4, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một người tâm huyết và ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:08
Lô xe Omoda C5 đầu tiên cập bến Việt Nam, ra mắt vào ngày 26/11
Lô xe Omoda C5 đầu tiên đã cập cảng để chuẩn bị cho chương trình ra mắt vào ngày 26/11, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:01
Range Rover Velar 2025 ra mắt Việt Nam với 7 phiên bản
Mẫu SUV hạng sang Range Rover Velar 2025 đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với nhiều nâng cấp đáng giá. Xe được cung cấp với ba phiên bản chính là S, Dynamic SE và Dynamic HSE, đi kèm hai tùy chọn động cơ xăng và một tùy chọn hệ truyền động plug-in hybrid.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.