Hòa bình thống nhất, được về nhà cha mẹ mình
Đảng với công nhân

Hòa bình thống nhất, được về nhà cha mẹ mình

Nhà thơ THANH THẢO
Những người xa quê nhà trong rất nhiều năm, ngày về lại quê nhà thường có những cảm xúc khác nhau. Tôi cũng trong trường hợp đó. Nhưng đây là về lại căn phòng mười mét vuông cha mẹ tôi đang ở Gia Lâm (Hà Nội). Sau 5 năm ở chiến trường Nam Bộ.
Làm báo trước, viết văn sau Những giá trị lý luận trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến
Hòa bình thống nhất, được về nhà cha mẹ mình
Người dân Thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường vui mừng ngày thống nhất đất nước vào năm 1975. Ảnh tư liệu.

Khi xa quê nhà Mộ Đức (Quảng Ngãi) theo má đi tập kết, tôi mới 8 tuổi. Ở tuổi đó, là một đứa trẻ nhà quê, tôi chẳng biết gì mấy. Mẹ mình dẫn mình đi vào Quy Nhơn theo đường tàu lửa, nhưng không phải đi tàu, mà đi… xe gòong, thì cứ thế mà đi theo mẹ. Ở tuổi đó, thật tình chưa có cảm xúc gì về chuyện phải xa nhà, và cũng không biết mình xa nhà như thế để đi tới đâu. Mẹ đi đâu thì mình theo đó, thế thôi. Chỉ nhớ, khi tôi xa nhà, thì vườn cam Xã Đoài nhà tôi đang mùa quả chín. Những cây cam trĩu quả, nếu còn ở nhà má tôi sẽ bán rất được tiền. Hai mẹ con sống nhờ những thu hoạch cây trái như thế trong khu vườn nhỏ, đủ sống một cách khiêm nhường.

Cha tôi đi công tác, ở chiến khu đâu đó phía trên núi, lâu lâu mới về qua nhà. Tôi nhớ, cha tôi có chiếc xe đạp, và ông hay đi công tác trong tỉnh bằng chiếc xe đạp ấy. Chưa bao giờ tôi được ngồi phía sau xe để cha chở đi đâu chơi. Hồi đó, quốc lộ phía trên nhà tôi, gọi là “đường cái quan” đã bị phá nham nhở, đầy những hố hầm, gọi là “tiêu thổ kháng chiến”, nên chuyện cha con chở nhau trên xe đạp đi chơi là chuyện không có. Khi má con tôi đã ở miền Bắc, ở Diễn Châu (Nghệ An), tôi cũng chưa biết thêm gì nhiều, nhưng tôi chấp nhận mình là đứa trẻ con, và mình được cho đi học. Rồi khi tôi được đưa ra Hà Nội, ở mấy ngày tại Thủ đô mà lần đầu tôi mới biết, được ăn que kem đầu tiên trong đời, tôi nhớ đó là hiệu kem Long Vân sát ngay Bờ Hồ. Chỉ vậy thôi.

Rồi sau quá nhiều năm, từ học ở Trung Quốc tới học ở trường học sinh miền Nam Hà Đông, từ “lên núi” trong 4 năm học đại học ở Đại Từ- Thái Nguyên tới lúc về công tác ở Hà Nội trong 1 năm nhưng vẫn xa nhà. Bấy giờ, căn phòng hơn 10 mét vuông mà thầy má tôi ở bên Gia Thượng, Ngọc Thụy, Gia Lâm được tôi coi như chính quê nhà của mình. “Cha mẹ ở đâu thì đó là nhà/ quê hương mười mét vuông/ nhưng đất nước rộng hơn/”. Trong một bài thơ, tôi đã viết như vậy. Và đã nghĩ như vậy.

Nên sau 5 năm ở chiến trường, sau hòa bình còn lang thang chơi thêm ngót 2 tháng ở miền Nam, tôi chợt nghĩ: Đã tới lúc mình phải trở về thăm cha mẹ già của mình rồi.

Hòa bình thống nhất, được về nhà cha mẹ mình
Cầu Hiền Lương (phía bờ Bắc) sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Ảnh tư liệu.

Đúng ngày 20/7/1975, tôi qua cầu Hiền Lương, cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Mãi sau này mới nhớ ra, đó là ngày 20/7, chứ lúc xe đò cà rịch cà tang chạy qua cầu Hiền Lương, tôi với Phục đều không để ý đó là ngày nào. Chúng tôi xuất phát từ Huế. Sở dĩ hai thằng có chuyến đi chung trở ra Bắc là do tôi… không có tiền. Không có một xu nào. Đi lang thang gần như khắp miền Nam sau giải phóng, nhưng túi tôi không tiền. Anh em bạn bè bao cho cả. Điều đặc biệt là tuy không có tiền nhưng tôi chả cảm thấy thiếu thốn hay bất tiện. Ai rủ đi đâu tôi cũng đi. Ai cho ăn gì, nhậu gì, tôi đều hớn hở đón nhận. Vì thế, khi Nguyễn Khắc Phục rủ: “Tao với mày ra Hà Nội đi!” là tôi đi liền. Đã tới lúc “đứa con lưu lạc” phải trở về mái nhà cha mẹ rồi. Tôi biết, Phục sẽ bao tôi chuyến đi này, từ tiền mua vé xe đò tới tiền ăn dọc đường. Thực ra, vé xe đò cũng rẻ, còn ăn chả bao nhiêu, vì dạo đó dọc đường xuyên Việt ra Bắc có gì đâu mà ăn! Tôi cũng không nhớ hai thằng tôi đã ăn gì trong hai ngày ngồi xe đò, vì tâm trạng lúc ấy rất khó tả. Nói vậy, dù lang thang, chúng tôi vẫn còn cha mẹ. Nhất là với tôi, cha mẹ già, con một, tôi lại đi xa đã 5 năm rồi. Nói không nhớ cha mẹ thì không đúng. Ở rừng, có những lúc thật buồn, tôi đã khóc một mình khi nhớ về thầy má mình. Và tôi biết, ở nơi xa ấy, thầy má tôi cũng đã bao lần khóc trong đêm. “Những giọt nước mắt đời không thấy”. Không ai thấy hết.

Suốt chuyến đi, tôi thì bồi hồi, Phục thì sụt sịt. Không phải anh chàng đa cảm khóc than gì, mà vì anh ta cảm, sổ mũi, nhức đầu. Lúc xe đò chạy qua cầu Hiền Lương, cái mà tôi nhớ nhất lại là một chuyện hơi phiền. Số là, vào khoảng năm 1974, nhờ có người quen từ Hà Nội vào chiến trường Nam Bộ, thầy tôi (ông cụ thân sinh) mới gửi cho tôi một chiếc radio Nhật hiệu National, loại xách tay chạy bằng pin, để tôi theo dõi tin tức qua đài, phục vụ cho công việc làm “báo nói” của tôi. Sau này khi trở ra Hà Nội tôi mới biết, ông cụ tôi đã mua lại chiếc radio này từ một cán bộ ở chiến trường B2 ra an dưỡng, với giá 600 đồng tiền ngân hàng Việt Nam. Hồi đó, là một số tiền lớn, trong khi lương thiếu úy của tôi chỉ là 65 đồng. Nghĩa là giá chiếc radio bằng gần một năm lương của tôi. Đó là một “món quà gửi… ngược” vì hồi đó, chả ai gửi radio xách tay từ Bắc vào Nam cả, mà ngược lại. Tôi đã cắc củm giữ chiếc radio này từ năm 1974 tới sau giải phóng, dù lúc về Sài Gòn, gần như tôi không dùng nó nữa. Nhưng tôi vẫn giữ, như một kỷ niệm với cha mẹ mình. Thế mà khi mang chiếc radio, món “quà” duy nhất qua trạm kiểm soát ở cầu Hiền Lương, tôi đã bị làm khó. Tôi phải giải thích mãi, đây là chiếc radio nghiệp vụ, lại từ Hà Nội gửi vào, nhưng nhân viên trạm kiểm soát cảm thấy rất khó tin, vì họ không thể nghĩ chiếc radio này lại từ… Hà Nội vào Sài Gòn, rồi bây giờ từ Sài Gòn trở ra Hà Nội như một món quà tình cảm, chứ không phải như một món hàng mua từ các “chợ giời” Sài Gòn sau giải phóng. Tới khi tôi xuất trình giấy tờ chứng minh làm báo tuyên truyền Binh vận, họ mới cho tôi qua.

Ra tới Hà Nội vào buổi chiều, Phục kéo tôi chạy về khu tập thể Kim Liên thăm ông anh ruột. Sau đó, đưa tôi tới nhà Đặng Nhật Minh để mượn cho tôi cái xe đạp. Phục với Minh là bạn từ trước khi Phục đi B, và Đặng Nhật Minh có làm một bộ phim từ một truyện ngắn truyện vừa gì đó của Phục. Nhà Đặng Nhật Minh hơi bị xịn so với Hà Nội hồi đó, ra dáng biệt thự Tây. Ông Minh vui vẻ cho tôi mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng, và tôi hớn hở đạp xe về Gia Thượng - Ngọc Thụy - Gia Lâm, Trại nghiên cứu tằm tơ của Bộ Nông nghiệp, nơi thầy má tôi ở từ nhiều năm nay. Khi đạp xe qua cầu Long Biên, có cảm giác như cây cầu già nua đầy thương tích này bật ùa tới đón tôi, một người quen cũ. Đúng là cách 5 năm về trước, tôi là “người quen” của cây cầu Long Biên, khi gần như hàng ngày tôi đều có dịp đi qua cầu.

Hà Nội sẽ thế nào nếu thiếu hình ảnh cầu Long Biên? Đó không chỉ là cây cầu, nó còn là một biểu tượng của Hà Nội - sông Hồng trong suốt một thế kỷ với bao nhiêu biến cố và sự kiện lịch sử lớn lao.

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm nay. Còn lúc qua cầu ngày 21 tháng 7 ấy tôi chả nghĩ gì, vì đang phơi phới đạp xe về nhà mình. Khỏi nói, thầy má tôi đã xúc động và hạnh phúc như thế nào khi thấy tôi về, còn nguyên vẹn, chỉ trông hơi nhếch nhác bụi đời. Sau 5 năm, với bao biến cố trong một cuộc chiến tranh ở cả hai miền Nam - Bắc. Hóa ra, dù ở Hà Nội, thầy má tôi vẫn “được” đội bom B52, y như con mình ở chiến trường. Đó là vào cuối năm 1972, khi Mỹ dốc toàn lực đánh thẳng vào Hà Nội bằng máy bay ném bom chiến lược B52. Trại Tằm nơi thầy má tôi ở vẫn còn mấy hố bom B52. May mà cả Trại không có ai bị thương tích vì bom. Bà con hàng xóm, cơ quan má tôi kéo tới thăm hỏi tôi. Má tôi nhanh nhẹn thịt con gà cho buổi tối sum họp. Bây giờ nghĩ lại, trong tôi vẫn tràn ngập cảm giác ấm áp ấy, khi đứa con xa nhà 5 năm được ngồi bên cha mẹ, được ăn uống dưới ánh mắt yêu thương âu yếm của cha mẹ mình. Và đêm đầu tiên, được ngủ trên chiếc giường đơn quen thuộc. Sau 5 năm.

“Cha mẹ ở đâu thì đó là nhà/quê hương mười mét vuông”, là như vậy!

Làm báo trước, viết văn sau Làm báo trước, viết văn sau

Ở phía thượng nguồn là Chu Cẩm Phong, nơi cuối dòng là Dương Thị Xuân Quý - các anh, các chị đã chọn “đất lành ...

Những giá trị lý luận trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ Những giá trị lý luận trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Điểm chung trong các công trình nghiên cứu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là đánh giá cao sự sắc sảo và nhạy ...

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, bí danh là Xuân, Năm Công, sinh ngày 7/8/1912, mất ngày 8/9/2011, quê quán: ...

Tin mới hơn

Công đoàn thổi lửa, động viên, dẫn dắt công nhân vào Đảng

Công đoàn thổi lửa, động viên, dẫn dắt công nhân vào Đảng

Sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước, đã thu hút hàng triệu lao động mỗi năm, làm thay đổi cơ cấu lao động xã hội theo hướng dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Kéo theo đó là sự phát triển nhanh chóng của lực lượng công nhân, lao động đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên.
Phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong kỷ nguyên mới

Phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên mới của dân tộc được Đảng ta xác định bắt đầu từ Đại hội XIV là một giai đoạn mang lại nhiều cơ hội, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, là giai đoạn mà Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế trong khu vực, trên trường quốc tế. Để đạt được điều này, cần phát huy bản chất giai cấp công nhân, để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng chính là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng.
Chị Mai Chi và hành trình gieo những hạt mầm trách nhiệm

Chị Mai Chi và hành trình gieo những hạt mầm trách nhiệm

Ở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (tỉnh Bình Phước), nhắc đến Nguyễn Thị Mai Chi (SN 1993), nhiều công nhân và lãnh đạo không giấu được sự kính trọng và yêu mến. Không chỉ đảm đương vai trò Tổ trưởng Tuân thủ trách nhiệm xã hội một cách tận tâm, chị Chi còn được biết đến như “người gieo mầm nhân ái” khi khởi xướng hàng loạt sáng kiến gắn với người lao động và cộng đồng.

Tin tức khác

Nhân tố nòng cốt xây dựng tổ chức Đảng và Công đoàn trong doanh nghiệp

Nhân tố nòng cốt xây dựng tổ chức Đảng và Công đoàn trong doanh nghiệp

Phát triển đảng viên trong công nhân, lao động không chỉ giúp xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng trưởng thành về ý thức chính trị mà còn góp phần quan trọng củng cố tổ chức Công đoàn, nhất là công đoàn trong doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam: Trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam: Trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong hành trình dựng xây và phát triển đất nước, mỗi giai đoạn lịch sử đều xác lập vai trò trung tâm của một lực lượng xã hội. Nếu giai cấp nông dân từng là lực lượng đông đảo làm nên các cuộc kháng chiến cứu quốc, thì giai cấp công nhân – với trí tuệ, kỷ luật, tổ chức và sức sáng tạo – đang trở thành chủ thể trung tâm trong công cuộc chấn hưng đất nước và kiến tạo tương lai.
Người đảng viên bước ra từ những con đường sạch

Người đảng viên bước ra từ những con đường sạch

Giữa những con đường thênh thang, sạch đẹp ở Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), ít ai biết rằng, đằng sau vẻ bình yên, ngăn nắp ấy là sự cống hiến lặng thầm nhưng đầy trí tuệ và tâm huyết của chị Nguyễn Thị Phương Tuyến (SN 1985) – Tổ phó Tổ vệ sinh môi trường, Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Châu Đức.
20 năm giữ nguồn nước sạch: Chuyện về một đảng viên tận tâm

20 năm giữ nguồn nước sạch: Chuyện về một đảng viên tận tâm

Anh Đào Công Đà, Trưởng Bộ phận Bảo trì tại Xí nghiệp Sản xuất nước sạch (thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu), là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy trong công việc. Với 20 năm gắn bó trong ngành cấp nước, anh luôn thể hiện tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, luôn tiên phong trong việc sửa chữa hệ thống bơm cũ, lắp đặt thiết bị hiện đại, góp phần đảm bảo nguồn nước sạch ổn định cho người dân...
Hết mình với nghề, tận tâm với Đảng

Hết mình với nghề, tận tâm với Đảng

Anh Nguyễn Đình Tứ (37 tuổi) chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày mình sẽ trở thành đảng viên. Hành trình từ một công nhân bình thường đến khi đứng trong hàng ngũ của Đảng là cả một quá trình đầy nỗ lực, thử thách, nhưng cũng nhiều ý nghĩa đối với anh.
Người đảng viên gần hai thập kỷ gắn bó với ngành in

Người đảng viên gần hai thập kỷ gắn bó với ngành in

Anh Hà Văn Cường không chỉ là một quản đốc tận tâm mà còn là một đảng viên tiên phong, luôn hết mình vì công việc và đồng nghiệp. Không chỉ cống hiến trong chuyên môn, anh còn truyền cảm hứng, dìu dắt nhiều công nhân trẻ phấn đấu vào Đảng, khẳng định vai trò của người đảng viên trong môi trường lao động sản xuất.
Xem thêm