Những giá trị lý luận trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ
Đảng với công nhân - 09/07/2022 08:39 QUỐC THẮNG
Tuy chỉ viết hai tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với Nhân dân Đông Dương (bút danh Trí Thành, xuất bản năm 1938), Tự chỉ trích (bút danh Trí Cường, xuất bản năm 1939) và một số bài báo nhưng những giá trị lý luận của các tác phẩm này có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 09/7/2022), chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị lý luận trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, ý nghĩa thời sự và vai trò của những luận điểm này đối với quá trình giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương V (tháng 3/1938) bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trường hợp đặc biệt. Chưa từng được học tập đào tạo ở nước ngoài như các Tổng Bí thư tiền nhiệm (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập) nhưng trên tinh thần đề cao vai trò của lý luận của Đảng ta và nhận thức được tầm quan trọng của lý luận trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, phân tích, ứng dụng lý luận vào thực tiễn để đúc kết các luận điểm thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 28/8/1941). Ảnh tư liệu. |
Lý luận đi từ thực tiễn
Đọc phần Biên niên sự kiện trong công trình Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử [1], chúng ta thấy, từ năm 1928 trở về sau, không sự kiện nào trong cuộc đời của đồng chí Nguyễn Văn Cừ không gắn liền với thực tiễn cách mạng, những luận điểm về lý luận đều gắn liền với các hoạt động cách mạng. Ngay khi còn đang học ở Trường Bưởi, ở tuổi 17, đồng chí đã tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Quãng thời gian được tổ chức phân công đi “vô sản hoá” ở vùng mỏ Quảng Ninh chính là giai đoạn mở đầu cho quá trình dấn thân cách mạng của đồng chí.
Thực tiễn đấu tranh của phong trào công nhân mỏ vùng Đông Bắc đã hình thành tư duy lý luận về sức mạnh của giai cấp công nhân cho đồng chí. Từ đó, bằng các phương pháp lập luận chính trị sắc bén, đồng chí đã giác ngộ, vận động công nhân đứng lên làm cách mạng. Nhận thức được vai trò của lý luận trong cách mạng, lý luận là nền tảng và đồng thời là vũ khí đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thành lập Đặc khu uỷ mỏ, xuất bản Tờ báo Than. Bằng việc phát hành rộng rãi, những bài báo viết về thực tiễn đời sống của công nhân lao động kết hợp với lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã có tác dụng rất lớn trong việc cổ vũ, hướng dẫn quần chúng đấu tranh.
Ngay từ thời điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhận thức được rằng: để có sức thuyết phục, lý luận phải đi từ thực tế; các luận điểm lý luận cách mạng phải được giản dị hóa bằng việc dẫn chứng các sự kiện cụ thể gắn liền với đời sống thường ngày, phù hợp với nhận thức của giai cấp công nhân. Đó là lý do vì sao, Báo Than được đông đảo công nhân chuyền tay nhau đọc. Không có phương pháp giác ngộ cách mạng nào hiệu quả bằng việc đi từ thực tiễn.
Những bài báo vạch trần thủ đoạn đàn áp, bóc lột của chủ mỏ, làm rõ nỗi khổ cực mà giai cấp công nhân phải chịu đựng… là cơ sở để kêu gọi họ đoàn kết đấu tranh. Nhưng đấu tranh sẽ không thành công nếu chúng ta chỉ thực hiện theo cách nhỏ lẻ, tự phát và thiển cận, tức chỉ nhắm vào quyền lợi đời sống thường nhật. Chỉ có đường hướng lý luận cách mạng mới nâng tầm được tinh thần kiên quyết đấu tranh: tự do của công nhân tức là tự do của giai cấp, giai cấp có tự do thì mới trở thành lực lượng nòng cốt cho công cuộc giải phóng dân tộc, đội ngũ trung thành, phát huy tốt năng lực dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Lý luận đi từ thực tiễn trong quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ thực chất là đi từ giai cấp. Không chỉ nhận thức được vai trò quan trọng của công nhân trong đấu tranh cách mạng, đối với đồng chí, nếu biết khơi dậy ý thức giác ngộ, tinh thần cách mạng thì nông dân cũng trở thành lực lượng quan trọng cho cách mạng.
Chính vì thế, trong giai đoạn lãnh đạo công tác vận động quần chúng, phát động phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ để tiến tới thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất giai đoạn 1936 -1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng hết sức chú ý tới phong trào nông dân. Trải nghiệm thực tế để tìm hiểu đời sống của nông dân, giúp đỡ họ nâng cao nhận thức tiến tới gây dựng và thành lập các cơ sở, chi bộ Đảng là phương pháp cơ bản trong công tác vận động quần chúng của đồng chí.
Trong giai đoạn này, các địa bàn gần Hà Nội có nhiều hình thức hoạt động ra đời được nông dân hưởng ứng như hội cấy, hội cày, hội hiếu, hội hỷ… là nhờ sự xông xáo, sáng tạo và quan điểm lý luận đi từ thực tiễn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Quan điểm đó được thể hiện một cách toàn diện. Ngoài công nhân và nông dân, các đối tượng khác như phụ nữ và thanh niên cũng được đồng chí quan tâm trong công tác giác ngộ nhận thức cách mạng. Các nhóm phụ nữ tiểu thương, các tổ chức thanh niên, các nhóm nghiên cứu sách báo công khai, các hội ái hữu học sinh, … được đồng chí thành lập để tuyên truyền, phổ biến các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chú trọng làm rõ mối liên hệ giữa thực tiễn với lý luận sát thực với từng đối tượng,…
Ngày 15/2/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bị địch bắt. Trải qua nhiều nhà lao, sống trong nhiều hoàn cảnh nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đều tìm cách thích nghi để học tập, nâng cao trình độ lý luận. Không còn được tiếp xúc với các tầng lớp, giai cấp để hoạt động, đồng chí thực hiện tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Quan điểm thực tiễn trong lý luận cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ thể hiện rõ nét cả trong những năm tháng lao tù. Những thành quả đòi quyền lợi cho anh em tù nhân ở Côn Đảo, những phong trào học tập lý luận do đồng chí chủ trì tổ chức chứng minh cho điều đó.
Với đồng chí, giai đoạn lao tù là cơ hội để nghiền ngẫm lý luận và phải làm sao để những tù nhân ở đây trở thành một trong các lực lượng nòng cốt của cách mạng. Bởi vì, chính nhà tù đang là công cụ để giam hãm những cá nhân tiên tiến có đóng góp lớn cho sự phát triển của cách mạng. Những buổi diễn kịch, đọc chuyện với nội dung phê phán thói xấu trong xã hội do đồng chí tổ chức trong Nhà tù Côn Đảo thu hút sự tham gia của những tù nhân Quốc dân Đảng và Giám ngục Tây cho thấy đây là một con người luôn lăn xả vào thực tế, tranh thủ mọi hoàn cảnh để học tập, hoạt động. Đó là lý do vì sao các tác phẩm lý luận của đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn giản dị, dễ hiểu và thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, một bạn tù ở nhiều năm với đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở Nhà tù Côn Đảo đã kể: “Anh Cừ có nhiều thực tiễn nên khi phân tích lý luận có thực tiễn chứng minh, làm sáng rõ vấn đề ngay và dễ thuyết phục người nghe” [2].
Tác phẩm “Tự chỉ trích” do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng Quản hạt ở Nam kỳ, năm 1939. Ảnh tư liệu. |
Lý luận gắn liền với thực tiễn
Dựa vào các sự kiện được liệt kê trong Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam [3] ở giai đoạn hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta thấy rõ vai trò của đồng chí trong phong trào cách mạng: các sự kiện trong biên niên tiểu sử của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đều gắn liền với các sự kiện của Đảng.
Những sáng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trình bày tại Hội nghị Trung ương V, tháng 3/1938 nói rõ tinh thần lý luận gắn liền với thực tiễn. Từ sự phân tích mô hình “Mặt trận bình dân” của Cộng hòa Pháp, “Mặt trận dân tộc phản đế” của Trung Quốc trong quy chiếu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề xuất thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương. Thực tế cho thấy, chính mô hình này không những đã đoàn kết được giai cấp công nhân, nông dân mà còn thu hút được đội ngũ trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác.
Trước đó, vào tháng 9/1937, Báo cáo Về công tác quần chúng trình bày tại Hội nghị Trung ương của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tinh thần lý luận gắn liền với thực tiễn, rõ nhất là trong các luận điểm về phương pháp công tác mặt trận. “Phải khắc phục cái bệnh thiên về thợ thuyền và lao động,... mà quên hết cả các quyền lợi của các tầng lớp, các giai cấp khác, quyền lợi chung của dân tộc, phải hiểu rằng Đảng ta chẳng những là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho giai cấp vô sản thôi mà cũng là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho cả toàn thể dân chúng nữa” [4].
Khi chiến tranh thế giới nổ ra, đồng chí chủ trương đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, do đó cần thiết phải thành lập Mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa đế quốc trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân và nông dân: "Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết" [5]. Lý luận cách mạng gắn liền với thực tiễn thể hiện rõ trong việc tạm gác lại khẩu hiệu ruộng đất nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của nông dân trong giai đoạn này. Một đất nước nông nghiệp có 95% dân chúng là nông dân thì quyết sách này trở nên rất quan trọng cho sự thành công của cách mạng.
Quan điểm lý luận gắn liền với thực tiễn cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được thể hiện một cách chi tiết trong tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương xuất bản vào năm 1938. Là người ham đọc sách, không ngừng học hỏi các mô hình tổ chức hoạt động cách mạng, ứng dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ không sa vào lý luận hay ứng dụng cứng nhắc các mô hình đi trước. Đối với đồng chí, nhiệm vụ cốt lõi của lực lượng cách mạng là học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị nhưng lý luận phải gắn liền với thực tiễn cách mạng.
Lý luận xa rời thực tiễn cách mạng là lý luận suông. Với tình hình cách mạng những năm 1936 - 1939 đặc thù ở nước ta, để hình thành được một mô hình tổ chức phù hợp, người lãnh đạo cần xem xét một loạt các yếu tố như: tình hình, xu hướng chính trị của thế giới và trong nước; thực tế các giai cấp, thành phần lúc bấy giờ; các luận điểm cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin; công cuộc giải phóng dân tộc; … Những vấn đề đó đã được phân tích khá sâu sắc trong tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với Nhân dân Đông Dương.
Để làm tiền đề cho các phân tích về sau, đồng chí giải thích một loạt các khái niệm và ý nghĩa của các phạm trù. Từ việc nêu ý nghĩa của tự do dân chủ, vấn đề thể chế hóa quyền tự do dân chủ, quan niệm cơ bản về quyền tự do dân chủ của một quốc gia dân tộc, khái niệm dân chủ tư sản, đồng chí đã phân tích thực tế vấn đề đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương. Hai đề mục quan trong được nêu ra trong phần đầu của cuốn sách là quyền tự do dân chủ của từng đối tượng cụ thể trong cộng đồng dân tộc - xã hội và tự do dân chủ trong tương quan với pháp luật.
Cách triển khai theo hình thức tổng - phân - hợp trong phần đầu của cuốn sách thể hiện tính chặt chẽ trong tư duy lý luận: từ vấn đề phổ quát về tự do dân chủ của con người đến từng đối tượng trong xã hội; dựa vào đó để phân tích quyền phải có tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương và đi đến khái quát vấn đề tự do dân chủ với pháp luật. Để hình thành được khái niệm tự do làm tiền đề cho các phạm trù của dân chủ, đồng chí đã thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và không ngừng nghiền ngẫm lý luận trong liên hệ với thực tiễn cách mạng. “Tự do là một vật quý báu tự nhiên của loài người dùng để phát triển các phương diện kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội loài người. Một xã hội mà không có tự do thì xã hội ấy phải lụi bại, phải tiêu diệt, để cho xã hội khác tự do hơn, tiến bộ hơn thế vào.
Một dân tộc mà không có tự do thì dân tộc ấy phải ngu hèn, phải kém cỏi, phải mất nước, mất nòi” [6]. Từ định nghĩa tự do, dân chủ và đi đến nêu ra ý nghĩa của tự do, dân chủ thực chất là cách kết hợp nói lên tính quy luật của hai phạm trù này cũng như sự cần thiết phải có một chính thể.
“Nói chung ý nghĩa của tự do dân chủ là một chính thể lấy nhân dân làm chủ, có chế độ nghị trường, về đường pháp luật nhân dân có quyền bình đẳng và dân chủ để bảo hộ quyền lợi cho các lớp nhân dân” [7].
Nêu ra vấn đề Thế nào là tự do dân chủ tư sản thực chất là để làm phản đề cho các phân tích về tầm quan trọng của tự do dân chủ với dân tộc ở phần thứ tư. “Các quyền tự do dân chủ là những điều yêu cầu chung cho toàn một dân tộc muốn sinh tồn, muốn phát triển, muốn tiến hóa, muốn giàu mạnh, đặc biệt là một dân tộc bị thống trị, lại càng cần thiết nữa, vì rằng toàn cả dân tộc, không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền phát biểu tư tưởng và ý kiến, không có quyền tín ngưỡng các thứ tư tưởng tiến bộ, không được phát triển những văn hóa mới trên vũ đài quốc tế, không được bỏ những giáo dục ngu dân, tẩy những phong tục tồi bại hèn hạ, không được phê bình chỉ trích những sự áp bức dã man của những kẻ cầm quyền thống trị dân tộc mình” [8].
Tinh thần tuyên truyền cho các tầng lớp của cuốn sách là phải đoàn kết và để có được tự do, dân chủ, chúng ta phải tranh đấu. Tinh thần đó không thể hiện một cách chung chung mà được tác giả phân tích, minh chứng rõ cho từng giai cấp, tầng lớp: tự do dân chủ với giai cấp tư sản, tự do dân chủ với giai cấp vô sản, tự do dân chủ với nông dân, và tự do dân chủ với tiểu tư sản.
Chính vì thế, có thể nói, cuốn sách Các quyền tự do dân chủ với Nhân dân Đông Dương không chỉ có giá trị lý luận, định hướng cách mạng mà còn là cuốn sách có giá trị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Cách mạng chỉ thành công khi chúng ta làm sao để mỗi giai cấp, tầng lớp trong xã hội nhận thức được vai trò, quyền lợi, nhiệm vụ cụ thể của họ cũng như sự thống nhất ý chí, lập trường cách mạng của các giai cấp, tầng lớp trong một khối.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có một số bài lý luận đăng trên Báo Dân Chúng trong Phong trào dân chủ 1936 - 1939. Ảnh tư liệu. |
Những giá trị lý luận mang ý nghĩa thời sự
Có một thực tế là, trong bất kỳ giai đoạn nào, để thực hiện thành công các mục tiêu cách mạng thì chúng ta phải nâng cao sức chiến đấu, lãnh đạo của Đảng. Để Đảng luôn thống nhất về tư tưởng và hành động, trong sạch, vững mạnh, chúng ta cần lấy công tác phê bình và tự phê bình làm nòng cốt trong xây dựng Đảng. Phê bình và tự phê bình thực chất là đấu tranh chống lại những tư tưởng, nhận thức sai trái nhằm giữ vững và phát huy đoàn kết trong Đảng.
Tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra mắt bạn đọc vào tháng 7/1939. Nếu như tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với Nhân dân Đông Dương hướng đến phân tích bối cảnh, đối tượng, nhiệm vụ cách mạng thì tác phẩm Tự chỉ trích phân tích chủ thể nòng cốt của phong trào cách mạng.
Với bốn phần: Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tinh thần tự phê bình và phê bình mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu ra vẫn còn nguyên tính thời sự trong cuộc sống hôm nay đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lấy phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng, những sự kiện trong thực tế, những yếu kém trong công tác tổ chức Đảng được đồng chí Nguyễn Văn Cừ phân tích một cách khách quan và truy tìm nguyên nhân sâu sắc.
Theo đồng chí, mục đích của Tự chỉ trích là “Để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ” [9]. Nội dung đấu tranh phê bình và tự phê bình, phương pháp phê bình cũng được đồng chí nêu ra một cách cụ thể và chi tiết. Đồng chí yêu cầu “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa…” [10].
Điểm tựa của phê bình và tự phê bình là lợi ích, công cuộc của dân chúng. Theo đồng chí, Đảng tiền phong cách mạng phải luôn luôn mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng.
Các nội dung toát lên tính đảng, tính nguyên tắc, tính kiên định cách mạng, đạo đức trong phê bình và tự phê bình từ tác phẩm Tự chỉ trích cần được học tập, phổ biến một cách rộng rãi vì tính thời sự của những tính chất này. Nghĩa là, tác phẩm không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa thực tiễn mang tính thời sự ngày nay. Theo đó, cần nâng cao nhận thức về vai trò của phê bình và tự phê bình cho mọi cán bộ, đảng viên của Đảng.
Mặt khác, cần chấp hành nghiêm chỉnh chế độ, quy định về phê bình và tự phê bình. Xem phê bình và tự phê bình là công tác thường xuyên để củng cố sức mạnh, tính chiến đấu của Đảng. Bên cạnh đó, như đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhận định, phải lấy quyền lợi của dân chúng làm điểm tựa cho phê bình và tự phê bình trong Đảng. Trong phê bình, chúng ta cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân để đảm bảo công tác này được diễn ra một cách khách quan, đúng với tinh thần cách mạng của Đảng.
Ngày 13/5/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Hội đồng đề hình Hà Nội. Khi Chánh án Tharaud hỏi “Anh làm nghề gì?”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thản nhiên trả lời “Tôi làm nghề cách mệnh!”. Khi Chánh án Tharaud nói “Cách mạng không phải là một nghề!” thì đồng chí Nguyễn Văn Cừ trả lời một cách khúc chiết: “Có phải là toà khép tôi vào tội có chân trong Đảng Cộng sản và âm mưu làm rối cuộc trị an chăng? Vì đâu mà tôi phải làm cách mệnh? Vì rằng bọn đế quốc quá áp bức quần chúng, tìm hết cách mà bóc lột, nào sưu thuế, nào quốc trái....
Còn bảo là “rối cuộc trị an” thì cuộc trị an ấy là do tư bản đặt ra để bảo vệ cho họ, chúng tôi là vô sản giai cấp thì phải phá cuộc trị an ấy” [11]. Câu trả lời đó thể hiện rõ tư thế của một người làm cách mạng luôn đề cao tính thực tiễn trong lý luận và lý luận phải xuất phát và gắn liền với thực tiễn.
Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912- 9/7/2012), vở chèo “Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ” được đạo diễn Hà Quốc Minh phục dựng lại và công diễn phục vụ khán giả. Thành công của vở chèo không chỉ là khắc họa được một hình tượng Nguyễn Văn Cừ quả cảm, hi sinh vì dân tộc mà còn ở chỗ đã đặt được hình tượng người anh hùng cách mạng trong bối cảnh lầm than của đất nước. Quả vậy, sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ luôn canh cánh về dân tộc, đất nước, nhân dân. Đó cũng là những giá trị cơ bản thể hiện trong sự nghiệp lý luận của người Cộng Sản viết hoa: một sự nghiệp lý luận đi từ thực tiễn và luôn gắn với thực tiễn.
[1] Trần Minh Trưởng (chủ biên). 2007. Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Nhà xuất bảnChính trị Quốc gia.
[2] Nguyễn Văn Hoan. Hồi ký, tài liệu viết tay, Viện Hồ Chí Minh.
[3] Viện Lịch sử Đảng. (2008). Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I, II, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2000). Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6, tr. 263.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2000). Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6, tr. 508.
[6] Trí Thành. (1938). Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương. In trong Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, tr. 649. Nhà xuất bản. Chính trị Quốc gia.
[7] Trí Thành. (1938). Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương. In trong Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 649.
[8] Trí Thành. (1938). Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương. In trong Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Sđd. tr. 655.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2000), Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 6, tr.620
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2000), Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.624.
[11] Báo Đông Pháp, số 1385, ra ngày 17-5-1931.
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 23/11/2024 15:28
20 năm thực hiện mong ước vào Đảng của nữ công nhân
Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị Trần Thị Phượng - nhân viên văn phòng xưởng hoàn thành của Công ty TNHH Vina Korea (Vĩnh Phúc) chính là nụ cười. Nụ cười đó càng rạng rỡ hơn khi chị chia sẻ về công việc và niềm tự hào khi trở thành đảng viên.
Đảng với công nhân - 18/11/2024 16:52
6 trọng tâm tạo phát triển đột phá trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
Trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập vấn đề “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Để làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản về vấn đề này, một cuộc hội thảo khoa học quốc gia vừa được tổ chức hôm 15/11, với chủ đề: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, tập hợp 51 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà lãnh đạo.
Đảng với công nhân - 18/11/2024 14:45
Thống nhất nhận thức về Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Sáng ngày 15/11/2024, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các ban Đảng Trung ương và Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu Kết luận Hội thảo của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Đảng với công nhân - 16/11/2024 18:55
Nữ đảng viên gần 30 năm... cầm chổi
“Trong giây phút tuyên thệ dưới lá cờ Đảng, tôi đã không cầm được nước mắt bởi sự xúc động. Vậy là cùng với chồng, tôi đã là đảng viên để làm tấm gương cho con tôi sau này phấn đấu noi theo”, chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Đảng với công nhân - 10/11/2024 20:00
Kỷ nguyên mới và định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Những ngày gần đây nhiều trí thức, đảng viên quan tâm đến một loạt bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cả về nội dung và cách diễn giải vấn đề. Chẳng hạn, vấn đề lãng phí không phải là mới, nhưng cách đặt vấn đề, cách phân tích và diễn giải về lãng phí làm cho người ta đặc biệt chú ý.
Đảng với công nhân - 04/11/2024 10:09
Để công nhân xa quê, nhưng không rời xa Đảng
Việc lựa chọn đi làm ăn xa của đảng viên là chính đáng nên hầu hết các chi ủy, chi bộ đều quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên có việc làm, ổn định cuộc sống. Từ đây, nhiều cách làm hay trong quản lý đảng viên đi lao động, làm công nhân, làm việc xa nơi cư trú đã được ra đời…
- Cô giáo mắc bệnh nan y truyền cảm hứng sống tích cực, lạc quan cho đồng nghiệp
- Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đồng hành cùng công nhân trong mọi hoàn cảnh
- Bắc nhịp cầu việc làm cho người khuyết tật
- Công đoàn MICCO: Dành những gì tốt nhất cho người lao động
- 20 năm thực hiện mong ước vào Đảng của nữ công nhân