Hiểm hoạ trong khu nhà ở xã hội: Công nhân bất an vì thang máy liên tục gặp sự cố
Đời sống - 26/12/2021 17:51 Sỹ Công - Ý Yên
Quảng Ninh: 2 nữ công nhân bị thương sau vụ sập giàn giáo Hà Nội: Hiểm họa rình rập trong khu nhà ở xã hội |
Tòa nhà CT1B - nơi hệ thống thang máy đang xuống cấp nghiêm trọng và liên tục gặp sự cố. Ảnh: Sỹ Công |
Liên quan đến tình trạng mất an toàn tại Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) được Cuộc sống an toàn phản ánh trong bài viết: "Hà Nội: Hiểm họa rình rập trong Khu nhà ở xã hội". Nhiều hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt của công nhân, trong đó có hệ thống thang máy xuống cấp chưa kịp thời được khắc phục.
Sáng 25/12/2021, chị Nguyễn Thị Nhàn, công nhân KCN Bắc Thăng Long vội vã từ công ty trở về nhà nghỉ ngơi sau một đêm dài thức trắng để vào ca. Cơ thể mệt mỏi, lại thêm việc thang máy hỏng, phải đi bộ hơn chục tầng khiến chị Nhàn không giấu nổi sự bức xúc.
“Đi làm về chỉ mong được nghỉ ngơi, cuối cùng vẫn phải lê từng bước lên mười mấy tầng cầu thang với một đống đồ đạc thì làm sao có thể bình tĩnh?”, chị Nhàn nói và cho biết, đã từ lâu cư dân toà nhà CT1B phải sử dụng chung một chiếc thang máy bởi chiếc còn lại thường xuyên bị hỏng không được sửa.
Chị nói thêm: “Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố, hầu như tháng nào cũng có vài lần cả hai thang máy không thể sử dụng. Tôi gặp phải trường hợp này quá nhiều, đi làm về thang hỏng buộc phải đi bộ, rất mệt mỏi và bức xúc. Chúng tôi có ý kiến lên xí nghiệp rồi nhưng không được khắc phục”.
Một trong hai chiếc thang máy đã hỏng nhiều tháng nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Ảnh: Sỹ Công |
Cùng chung nỗi bức xúc, chị Dung, cư dân sống trên tầng 15, toà nhà CT1B nói rằng sáng thứ Bảy gia đình có công việc, chị phải đi cầu thang bộ hai lượt, vô cùng mệt mỏi.
“Nhiều khi thang bất ngờ ngừng hoạt động, trẻ con đứng trong đó khóc hết nước mắt”, chị lắc đầu ngán ngẩm.
Anh Đặng Văn Trường, Trưởng toà CT1B cho biết, hiện có 114 hộ gia đình với trên 400 người sinh sống tại toà nhà. Lâu nay, toàn bộ cư dân chỉ sử dụng một chiếc thang máy bởi hai chiếc thang này luân phiên thay nhau hỏng.
“Ban quản lý sửa được chiếc này thì lại hỏng chiếc kia, tình trạng không được giải quyết dứt điểm dù chúng tôi đã phản ánh liên tục”, anh Trường cho hay.
Theo chia sẻ của Trưởng toà CT1B, vào khoảng 4h40 phút, ngày 25/12, một âm thanh lớn phát ra trong toà nhà, cùng với đó là hiện tượng rung mạnh trong khoảng 15 phút. Sau đó chiếc thang máy ngừng hoạt động, phải mất nhiều giờ để khắc phục, sửa chữa.
Mặc dù sự cố được khắc phục nhưng trước tình trạng chỉ có một thang máy hoạt động tại toà nhà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 400 cư dân.
Video: Thang máy tại Khu nhà ở công nhân (xã Kim Chung) xuống cấp nghiêm trọng
Thực hiện: Sỹ Công - Ý Yên
Ghi nhận của PV Cuộc sống an toàn, mỗi buổi sáng luôn có hàng trăm người dân chờ đợi để vào thang máy, nhiều người đành phải lựa chọn giải pháp đi bộ cho an toàn.
Thế nhưng dù chờ đợi tới lượt để vào thang máy hay chấp nhận đi bộ thì việc muộn giờ làm vẫn thường xuyên diễn ra. Nhiều công nhân phản ánh tháng nào cũng bị trừ "tiền chuyên cần” vì lý do đi muộn.
Điều quan trọng hơn là sức khoẻ, tính mạng của hàng trăm cư dân, trong đó có người già, trẻ nhỏ. Thật khó có thể đảm bảo sự an toàn của cư dân khi hằng ngày họ vẫn phải di chuyển bằng hệ thống thang máy liên tục gặp sự cố như vậy. Bởi lẽ có quá nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến sự cố thang máy trong thời gian vừa qua tại các toà chung cư cũ.
Anh Đặng Văn Trường, Trưởng toà CT1B nói rằng trước đây thang máy từng bị tuột cáp, cú rơi tạo ra tiếng động lớn rung chuyển cả tòa nhà. Người dân nhiều lần kiến nghị sửa chữa, khắc phục nhưng chưa được Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (đơn vị trực tiếp vận hành và quản lý) thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn chiều 25/12, bà Lê Thị Minh Hường – Quyền Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội cho biết, hằng năm đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thang máy và đều có đề xuất thay thế thiết bị đã hỏng nhưng các thiết bị của thang máy này không dễ mua và phải đặt ở nước ngoài rất lâu, vì vậy xí nghiệp chưa kịp khắc phục, thay thế.
Vậy là, trong khi chờ đợi xí nghiệp mua được các thiết bị thay thế, người dân vẫn từng ngày, từng giờ phải sử dụng một chiếc thang máy mặc dù chiếc thang này cũng thường xuyên gặp sự cố trong sự thấp thỏm, bất an!?
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội để làm rõ vấn đề này!
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, TP Hà Nội đầu tư Dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh để giải quyết nhu cầu nhà ở công nhân, giúp họ yên tâm làm việc trong các nhà máy tại KCN. Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến năm 2013 thì bàn giao 2 tòa nhà cuối cùng. Tuy nhiên, theo thông tin cư dân sống tại tòa nhà CT1B chia sẻ thì năm 2019 họ mới chính thức được sống tại đây. Tại mục 2.4, yêu cầu về thang máy trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN số 04:2018/BXD) nêu rõ, toà nhà chung cư trên 9 tầng phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng. |
Hà Nội: Hiểm họa rình rập trong khu nhà ở xã hội Tình trạng mất an toàn tại khu nhà ở xã hội dành cho công nhân ở thôn Bầu, xã Kim Chung... |
NLĐ tại Super Hotel Candle nghỉ việc nhiều tháng vẫn chưa được nhận sổ BHXH Nhiều người lao động (NLĐ) từng làm việc tại Super Hotel Candle (số 301 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) sau khi nghỉ việc nhiều ... |
Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương: Học viện Y Dược học cổ truyền nói gì? Liên quan đến sự việc hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương, mới đây Học viện Y ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.