Được sinh ra lần nữa
Vòng tay Công đoàn - 02/07/2022 11:03 HỒ THỊ LÝ - Trường THPT An Lương Đô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
LĐLĐ Thừa Thiên Huế thăm hỏi, tặng quà cho cô Lý. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tôi trở thành cô giáo
Sau một năm đi làm, tôi lập gia đình. Hạnh phúc vợ chồng đong đầy khi đón cô con gái đầu lòng. Chồng tôi dạy trường cấp I cách xa 53 cây số. Một mình tôi vừa đi dạy vừa chăm con nhỏ, con gái lại ốm yếu, có những tháng phải đi viện 2 đến 3 lần trong khi nội và ngoại đều ở xa. Khu tập thể tôi ở ngày nắng nóng cháy da, ngày mưa nhà dột, ngày bão lớn phải bế con chạy qua trường tránh bão. Áp lực cuộc sống khiến có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, cô đơn…
May mắn là những ngày này các anh chị cán bộ công đoàn luôn bên tôi, khuyến khích tôi học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, trau dồi chuyên môn. Ngoài giảng dạy trên lớp, các anh chị khuyên tôi nên tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ chuyên môn, của nhà trường, đoàn thể. Năm 2013, Công đoàn nhà trường, tổ bộ môn phân công tôi tham gia dự thi “Giáo viên dạy giỏi cấp trường” và bất ngờ tôi đạt giải Ba. Giải không cao nhưng nó giúp tôi tự tin lên rất nhiều. Khi đoàn thanh tra cấp tỉnh về trường, tôi cũng vinh dự được dạy hai tiết. Chẳng có gì lớn lao, nhưng đó là động lực rất lớn để tôi cố gắng nhiều hơn nữa. Nhờ thế, năm 2014, tôi có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2014 - 2015, tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở…
Cuộc sống ở miền núi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhất là thiếu nguồn nước sạch nên chồng tôi đưa con gái về thị trấn Phú Lộc để cháu có môi trường tốt hơn. Một mình tôi ở lại công tác, nhớ con cuối tuần tôi chạy về thăm. Xa con, chẳng đêm nào tôi ngon giấc. Tiếng con khóc đòi mẹ khiến lòng tôi quặn thắt, tôi quyết định làm đơn xin chuyển về gần gia đình.
Bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo
Chuyển trường được ít lâu, tôi suy sụp hoàn toàn khi bác sĩ báo tin: “Cô bị mắc căn bệnh hiếm gặp - Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối gây biến chứng đa cơ quan, thận, xương, mắt, tóc và da”. Bác sĩ còn giải thích thêm: “Cho đến hiện nay bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa”.
Như sét đánh bên tai. Niềm tin của tôi vào cuộc sống bị lung lay, mọi cố gắng bấy lâu trong tôi giờ chỉ là con số không tròn trịa. Tôi nhớ lại những triệu chứng xuất hiện trong thời gian khá dài. Mỗi lần trở trời các khớp xương đau nhức, rụng tóc, sút cân, có hai lần tôi ngất đi vì thiếu máu.
Tạm gác ước mơ dạy học, tôi xin nghỉ để đi điều trị. Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn nhà trường kịp thời động viên, thăm hỏi. Những tiết dạy của tôi được anh em tổ bộ môn san sẻ, gánh vác. Sau gần một năm điều trị tại Sài Gòn, sức khỏe tôi dần ổn định, bác sĩ cho ra viện mặc dù vẫn phải dùng thuốc hằng ngày.
Công đoàn nhà trường lại giới thiệu tôi đến với chương trình “Đồng hành cùng người thầy” giai đoạn 2018-2020, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh thì phối hợp với Báo Tuổi trẻ tạo điều kiện cho tôi vay 20 triệu đồng không lãi để tôi có kinh phí tiếp tục chữa trị. Nhờ công đoàn, tôi đã hồi sinh…
|
Đầu năm học 2018, tôi trở lại trường trong tiếng cười, niềm vui của đồng nghiệp. Tôi như trở về cảm xúc ngày mới ra trường, mặc dù có chút tự ti về sự thay đổi của ngoại hình sau nhiều lần trị liệu. Nhờ tác động của Công đoàn, tôi cũng nhận được quyết định chuyển công tác về Trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc theo nguyện vọng. Tôi thầm khắc vào tim hai chữ “cảm ơn”.
Tiếp bước trên hành trình mới
Ngôi trường mới của tôi rộng lớn, khang trang. Những lo lắng trong tôi tan biến khi tôi được gặp Tổ Văn, Hội đồng Sư phạm nhà trường. Được các anh chị cán bộ công đoàn giúp đỡ, tôi nhanh chóng hòa nhập và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau giờ giảng dạy trên lớp, tôi hăng hái tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ chuyên môn, của nhà trường và của Công đoàn. Để có thêm thu nhập trang trải tiền thuốc men hằng tháng, tôi làm thêm bằng việc bán hàng online.
Thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, BCH Công đoàn trường đã đề nghị Ban Giám hiệu và Tổ Văn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi công tác. Tôi là giáo viên được ưu tiên về số tiết giảng dạy cũng như thời khóa biểu ở trường. BCH Công đoàn cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên tôi. Mỗi khi ốm đau, mỗi khi Tết đến, Xuân về, tôi ấm lòng nhận được sự quan tâm, động viên cùng khoản trợ cấp khó khăn của Công đoàn trường cũng như công đoàn cấp trên.
Giá như sự bình yên này là mãi mãi thì hạnh phúc biết mấy. Nhưng ông trời thật biết trêu đùa, lại mang thử thách giáng xuống đầu một người hoàn toàn không có khả năng chống trả như tôi…
Cuộc chiến với tử thần
Vào những ngày cuối năm 2021, trong cái rét như “cắt da cắt thịt”, bệnh cũ tái phát, tôi lên cơn sốt rét, đau xương khớp không đi lại được. Thêm lần nữa tôi phải xin nghỉ dạy để nhập viện. Những tiết dạy của tôi được Công đoàn, Ban Giám hiệu và tổ bộ môn tạo điều kiện giúp đỡ, chia sẻ để tôi yên tâm điều trị.
Chia sẻ với tôi, BCH Công đoàn Trường THPT An Lương Đông và BCH Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phú Lộc, nơi chồng tôi công tác đã kêu gọi hiến máu cứu người. Giữa cái nắng mùa hè oi bức, các thầy cô và mọi người luôn túc trực ngoài bệnh viện. Tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng giành giật sự sống từng giây, từng phút. Khát vọng được sống tiếp trỗi dậy, tôi lấy bệnh viện làm nhà, lấy xe lăn làm bạn đồng hành.
Công đoàn ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế thăm hỏi, tặng quà cô Hồ Thị Lý. |
Trớ trêu thay, bao nhiêu máu và tiểu cầu chuyền vào cơ thể tôi không đáp ứng được, tôi rơi vào trạng thái loạn thần. Theo lời chồng tôi, bác sĩ bảo tình hình không khả quan, gọi người nhà vào gặp tôi lần cuối. Chồng tôi đau đớn xin bác sĩ hãy cứu lấy tôi vì con gái nhỏ đang mong nhớ mẹ từng ngày. Sau một tiếng hội chẩn, bác sĩ Trưởng khoa Huyết Học Bệnh biện Trung ương Huế bảo chồng tôi hãy chuẩn bị 150 triệu để truyền thuốc thay tiểu cầu trong vòng 5 ngày, nếu không đáp ứng được thì đành chấp nhận số phận.
Như một phép màu
Nắm bắt tình hình, BCH Công đoàn Trường THPT An Lương Đông một lần nữa lại tiếp thêm sức mạnh cho tôi (tôi cũng không nhớ là lần thứ bao nhiêu). BCH Công đoàn trường còn viết tờ trình, trình bày hoàn cảnh của tôi, đề nghị cấp trên giúp đỡ. Rồi LĐLĐ huyện Phú Lộc, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh và LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến thăm hỏi, hỗ trợ tôi qua Chương trình “Điều ước đoàn viên”. Các cấp công đoàn còn kêu gọi sự ủng hộ của mạnh thường quân qua mạng xã hội Facebook. Trong lời kêu gọi, tôi nhớ có câu nói của một cô giáo trong BCH Công đoàn “Hãy giúp đỡ, hãy cứu lấy cô ấy khi còn sống”.
Và kỳ diệu như trong cổ tích, sau hơn 8 tháng chống chọi với tử thần trong vòng tay lớn, ấm áp của công đoàn, tôi dần bình phục, ra viện và trở lại trường mặc dù vẫn phải tuân thủ theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Tôi vẫn là “đứa con cưng” được ưu tiên nhất tổ, nhất trường về số tiết và thời khóa biểu. Tôi tự hứa với bản thân không bao giờ được từ bỏ khát vọng sống, phải tiếp tục phấn đấu hết sức mình vì sự nghiệp “trồng người” và xứng đáng với niềm tin cậy, sự giúp đỡ của công đoàn.
Tôi lại có cơ hội được nhìn ánh bình minh mỗi ngày, được hít thở không khí trong lành, được vui đùa cùng con và cả những đêm miệt mài bên trang giáo án… Cảm xúc dồn nén bấy lâu đã vỡ òa thành những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, của lòng biết ơn.
Qua bao lần sinh tử tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Trong mỗi bước đi của tôi đều có dấu ấn của tổ chức Công đoàn chở che, nâng đỡ. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn và học cách sống của đóa hướng dương luôn vươn mình về phía mặt trời. Tôi mong muốn, tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển hơn nữa để chăm lo, bảo vệ thật nhiều đoàn viên, người lao động khó khăn, hoạn nạn trên tinh thần “Khi công nhân lao động khó, có tổ chức Công đoàn”. Tôi luôn tin rằng, công đoàn các cấp đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi xứng đáng gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động.
Chắp cánh những ước mơ Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, em Đặng Ngọc Duyên, sinh năm 2006, dân tộc Nùng, ngụ ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện ... |
"Trường là ngôi nhà thứ hai của tôi" Sau 2 năm “chiến đấu” với bệnh tật của chồng, từ chỗ không còn tia hy vọng, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (Trường Mầm ... |
Điểm tựa trong nghịch cảnh Nhờ sự giúp đỡ của công đoàn, anh Cà Văn Tiệp, đoàn viên công đoàn cơ sở xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn ... |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 30/09/2024 20:00
Chỗ dựa Công đoàn giúp nữ công nhân bệnh nặng "không bỏ cuộc"
“Mang bệnh nặng mình cũng sợ những điều không hay ập đến, nhưng mình luôn giữ tinh thần lạc quan và cố gắng nỗ lực làm việc. Bên cạnh mình còn có gia đình chồng con và tổ chức Công đoàn, công ty cùng đồng nghiệp, đấy là những chỗ dựa tinh thần giúp mình đứng vững trong những năm qua”, chị Lượng - công nhân Công ty TNHH MSV thổ lộ.
Vòng tay Công đoàn - 01/09/2024 06:00
Kỳ 2: Tái sinh trong "Vòng tay lớn"
Khi thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của tôi, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi Công đoàn các cấp cùng “nối vòng tay lớn”, tạo mọi điều kiện để tôi có thể “biến ước mơ thành hiện thực”... Cùng với tài đức của các thầy thuốc, y bác sĩ, tôi đã được tái sinh cuộc đời thứ hai.
Vòng tay Công đoàn - 12/08/2024 18:25
Bài dự thi Vòng tay Công đoàn: Chuyện đã qua không cũ
Những tháng ngày gian nan vì đại dịch Covid-19 làm nổi bật và sáng rõ hơn bao giờ hết vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động của mình, nhất là những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Vòng tay Công đoàn - 14/05/2024 14:48
Tự tin sống lạc quan, là ngọn đèn không bao giờ tắt
Vuốt phẳng phiu những đồng tiền nhăn nheo vừa bán lứa lợn non, rồi đếm đi đếm lại, “vẫn còn thiếu nhiều quá!”, chị Hiền nghĩ và nhìn tờ hóa đơn thuốc cho mẹ chồng, nước mắt lã chã rơi.
Công đoàn - 25/12/2023 12:07
Đồng hành cùng người mẹ trong tác phẩm “Con tôi bị K”
Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa trao 5 triệu đồng hỗ trợ từ Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ - công nhân Công ty TNHH FreetrenA (TP HCM).
Vòng tay Công đoàn - 08/11/2023 16:15
Một nhà giáo có tấm lòng vàng
Là một giáo viên Vật lý, ngoài công tác chuyên môn giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định còn là một người nhân ái, luôn quan tâm đến người khác, nhất là những cảnh ngộ khó khăn.