Đông Hà mà tôi mến yêu
Kinh tế - Xã hội - 28/04/2022 09:14 NGUYỄN THỊ BỘI NHIÊN
Đông Hà ngày xưa. Ảnh tư liệu |
Hôm nay, hoài bão làm được một việc gì đó để bày tỏ được lòng tự hào về quê hương và cũng là để xứng đáng với quê hương vẫn chưa thực hiện được thì cũng chính bài hát năm xưa ấy thôi thúc tôi trở về.
Những mong đứa con đang trở về cảm nhận được sự đón chờ độ lượng của quê nhà, mạ tôi nắm tay tôi từ ngoài ngõ để đưa vào nhà, hệt như hồi tôi còn bé. "Mạ sinh con trong cái cảnh bom đạn nổ ngày này qua đêm khác ở khắp Đông Hà, Quảng Trị mình đây...". Ký ức của mạ tôi vẫn giữ những ngày khốc liệt của chiến tranh. Đó là những ngày tháng Ba, tháng Tư năm một chín bảy mươi hai.
Tôi không dám chắc ngày cất tiếng khóc chào đời mình hạnh phúc hơn hay hôm nay được nghe những lời của mạ mình hạnh phúc hơn. Chỉ có điều, khi rời khỏi ánh mắt yêu thương của mạ, tôi bước đi trên những con đường trong thị xã nhỏ bé này mà lòng chợt nghe câu hát "Đông Hà mà ta mến yêu"... dâng đầy trở lại.
Ngày tôi tròn một tháng tuổi, cờ Giải phóng tung bay trên căn cứ Đông Hà. Từ đó đến nay, những chủ nhân mới của vùng đất này đã thực hiện một cuộc chạy đua với thời gian để biến niềm mơ ước của ngày chiến thắng thành sự thật.
Những người như tôi thuộc lớp hậu sinh, lớn lên đã thấy quê hương im tiếng súng, bom và lớn lên trong những nhọc nhằn, gian nan của cuộc đời đặt lên vai mọi người sau một cuộc chiến và chứng kiến từng ngày mồ hôi của mạ, của ba, của o, của bác, của anh, của chị... trộn vào đất, đá nơi đây để khỏa lấp những vết thương chiến tranh và để xóa đói, giảm nghèo.
Đó là điều mà tất cả chúng tôi không đếm được, không quên được. Cũng chính từ những giọt mồ hôi ấy mà trong rất nhiều hồi niệm của tôi về quê nhà chưa bao giờ vắng đi hình ảnh của một miền đất đã được thức dậy, được hồi sinh sau mấy chục năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Đến Quảng Trị sau ngày giải phóng, một nhà báo phương Tây đã bình luận không một chút đắn đo, cân nhắc: “Mảnh đất này bị chiến tranh hủy diệt đến 200%”. Khó có thể hình dung chính xác về mức định lượng ấy nhưng tôi không thể nào quên cái thị xã Đông Hà ngày ấy hoang tàn, đổ nát như thế nào.
Đâu đâu trên mảnh đất này cũng chỉ toàn là những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ... dưới hơi nóng của những đợt gió Lào thổi tràn. Những ngôi nhà được dựng lại trên tro tàn. Ngày đất nước thống nhất, người Đông Hà quay trở lại với dòng sông Hiếu ngày một nhiều hơn, dẫu rằng đó là sự trở về với hai bàn tay trắng và những đau thương mất mát tính bằng máu xương của một thời loạn lạc.
Bắt đầu từ đó, họ chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống mới. Cái đận khởi đầu ấy quả thật gian nan bởi vùng đất nhỏ bé này có quá nhiều phế phẩm của chiến tranh hơn đất đai, ruộng đồng màu mỡ.
Tuổi thơ tôi trôi qua trong những ngày ba tôi và nhiều người khác, sau thời gian làm việc ở hợp tác xã phải đi tháo dây thép gai, kiếm phuy xăng hỏng... ở khu sân bay cũ về làm vách nhà. Một buổi chiều như bao buổi chiều, anh em tôi ngồi học bài bên bàn, đợi ba tôi về và rồi ba tôi xuất hiện ở bậc cửa ra vào nhà với nét mặt "ủ dột" (buồn bã). Thì ra, chiều hôm đó, người cùng đi gỡ thép gai với ba tôi đã chết vì vấp phải mìn.
Thời gian ấy, sau mấy tháng sinh con nhỏ thì mạ tôi bị mất sữa, em bé khóc ngằn ngặt. Ba tôi gạn nước cơm mớm cho em trong lúc nước mắt mạ tôi lã chã rơi. Chợ Đông Hà ngày ấy chưa mấy đông, hàng hóa ít và mạ tôi trồng rau muống, bầu, bí, khoai, môn đem đổi chén cá, mớ tôm.
Đường đi lối lại phần lớn vẫn còn bị khuất lấp bởi nhiều cỏ dại. Và, niềm vui của đám trẻ con chúng tôi ngày đó là nỗi mong chờ cái ngày đến lượt xóm nhà mình lại có điện thắp sáng thay ánh đèn dầu yếu ớt trong những lúc học bài ở nhà.
Mơ ước trong tôi về một thị xã thân thương sáng bừng ánh điện được gieo mầm từ đó. Điều ấy vượt lên cả nỗi khát khao không còn ăn bo bo, cơm độn sắn chan nước mắm mậu dịch. Cũng chính từ ước mơ thời bé con đó mà ba mạ tôi chắt chiu từng hào nhỏ nuôi anh em tôi ăn học.
“Ấu nhi học, tráng nhi hành”, tôi tin vào câu nói đó theo từng ngày, thấy thế hệ sinh ra chúng tôi đã và đang phát quang nhiều hướng đi tới một con đường rộng mở và tươi sáng cho mai sau. Ngày ấy, cả phường Một - nơi đông dân nhất của thị xã mới có vài trăm nóc nhà với nhiều ao tù và bóng tối, phường Hai hiu hắt với những ao hồ, phường Năm heo hút với những khu đồi lóc xóc đá sỏi và bụi rậm. Trẻ con chúng tôi không dám ra khỏi nhà vào buổi tối, không được đi xa hơn xóm mình để bắt chuồn chuồn, đuổi bướm, chơi trốn tìm, hái hoa, thả diều,...
Cho đến bây giờ, thời gian vẫn neo trong ký ức của tôi hình ảnh xác những chiếc xe tăng nằm dưới chân cái lô cốt đen ngòm trên đỉnh dốc của con đường 9A - nơi cao nhất của thị xã hồi ấy. Sau giờ tan lớp, chúng tôi thường đến đó, trèo lên những khối thép im lìm ấy chơi trò trốn tìm.
Ở đó, cũng sau giờ tan học, anh trai của tôi đặt thùng đồ nghề sửa chữa xe đạp lúc vừa tròn bảy tuổi để kiếm tiền giúp ba mạ. Suốt những mùa hè gay gắt nắng lửa và gió Lào, mùa đông mưa dầm, gió bấc như thế làm anh trai của tôi bớt hồn nhiên ít nhiều nhưng anh ấy vẫn nhường cho tôi và ba đứa em sau nữa chiếc khăn quàng đỏ mới tinh, cuốn vở đẹp hay ngòi viết tốt là phần thưởng của anh qua mỗi năm học xuất sắc. Thuở ấy, trên mảnh đất này có bao nhiêu người anh như thế ai nào dễ đếm được.
Chẳng lẽ, Đông Hà của người Đông Hà cứ hoài cơ cực, cứ mãi chịu những cơn khát của vùng đất khát. Nhiều gia đình đã ra đi. Họ vào miền Nam tìm cuộc sống dễ dàng hơn ở những vùng kinh tế mới.
Hàng xóm của chúng tôi vẫn lại là một đại úy của quân đội Sài Gòn trước tháng Tư, năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Sau mấy năm học tập, chú ấy trở về với chiếc xe đạp cũ để đi thồ, nuôi bốn đứa con tuổi bằng anh em tôi. Vợ của chú là một giáo viên Tiểu học. Đó là một phụ nữ xinh đẹp nhưng những năm tháng đó, cô ấy cũng đã nhanh chóng quên việc "tô lục, chuốt hồng" để cuốc mảnh đất cằn khô sau nhà mà trồng rau, nuôi lợn.
Có hàng ngàn gia đình như thế ở cái thị xã nhỏ bé này thời ấy. Họ quen dần với tem phiếu mậu dịch quốc doanh trong nhiều thiếu thốn của cuộc sống thường nhật. Nhưng người ta vẫn sống với những hy vọng, vẫn yêu nhau, sinh con đẻ cái, cho con cái đến trường trong chính những nhọc nhằn của họ.
Sau này tôi mới hiểu họ đã sống bằng sức lao động, niềm tin và hy vọng về ngày mai. Bởi họ đã thấy cái ngày cả một vùng đồng bằng Triệu Hải đồng khô, cỏ cháy, đất nẻ chân chim bị bỏ hoang vào mùa hè, ngập trắng bờ vào mùa mưa, thành bờ xôi ruộng mật khi dòng nước của công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn mà họ góp sức đào, đắp chảy về. Rồi hạt lúa, củ khoai ngày thêm căng mẩy, dồi dào và ngọt bùi hơn.
Đông Hà ngày nay. Ảnh: BN |
Bây giờ, đứng trên cầu Đông Hà nhìn xuống dòng sông yên bình chảy với xôn xao thuyền xuôi ngược, nhìn người người nhộn nhịp mua bán trong ngoài khu chợ khang trang bề thế, tôi cứ ngỡ là mình đang mơ. Dường như chỉ mới hôm qua, tôi còn nghe câu hát "lại em nhớ câu hò hẹn, giải phóng quê hương ta đi vào nhà máy, giải phóng quê hương ta xây lại Đông Hà...".
Tôi đã yêu bài hát ấy, đã sung sướng trong lần đầu nghe người khác hát lên giữa những gian nan của Đông Hà ngày nào. Tôi mang theo bài hát ấy vào trường đại học sau ngày chia tách Bình Trị Thiên. Đông Hà trở thành trung tâm của tỉnh Quảng Trị. Kiến thiết và dựng xây. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi về thăm nhà lần đầu tiên trong đời sinh viên của mình, thấy cái lô cốt cùng những xác xe tăng trên đỉnh dốc kia không còn nữa và nhà máy xi măng đang nhả khói bên những công trình xây dựng đang mọc lên.
Vậy là nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã đúng khi ông tiên cảm được Đông Hà sẽ đổi mới, đi lên. Có lẽ, điều đó xuất phát từ lòng tin và niềm hy vọng. Hay chính nhạc sĩ nói thay người Đông Hà mơ ước của chính họ từ những ngày khó nhọc về một Đông Hà, thành phố tương lai. Tương lai của ngày ấy đã thành hiện thực hôm nay. Đông Hà thành phố hôm nay giàu và đẹp hơn đang từng ngày sánh bước cùng cả nước trên con đường đến ấm no, hạnh phúc.
Không còn nữa một Đông Hà ngủ sớm trong những đêm mất điện. Phố phường giờ đây rộn rã tiếng người, xe qua lại. Đã qua rồi cái thời những đoàn xe quá cảnh từ nước bạn Lào lao nhanh trên những con đường nhỏ hẹp để lại những đám bụi đỏ xám khổng lồ trước ánh mắt sợ hãi của các em nhỏ.
Vùng đồi phường Năm hoang vắng ngày trước đã trở nên đông vui cùng phường Một, phường Hai. Những miền quê Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lương, Đông Lễ đã ấm sáng từng mái nhà dân, từng ngôi trường. Con người đã có đôi chút thảnh thơi trên đồng ruộng, trong nhà máy để ngẩng nhìn quê nhà với nụ cười rạng rỡ.
Những đứa trẻ sau ba mươi tháng Tư năm bảy mươi lăm của thị xã đã thành kỹ sư, giáo viên, bác sĩ,... đĩnh đạc, đường hoàng giữa cơ ngơi đường hoàng, to đẹp trên đường xuyên Á và Hành lang Kinh tế Đông - Tây, kề Cửa Việt ra với biển Đông rộng lớn,...
Mới hôm nào đấy thôi, đi giữa Hà Nội nhộn nhịp hay Huế thơ mộng và Sài Gòn phồn vinh, lòng tôi rưng rức niềm nhớ và thấy Đông Hà của mình còn lắm gian nan, nghèo khó. Đó cũng là lúc càng yêu thêm mảnh đất quê nhà. Để rồi hôm nay nghe trong gió quê nhà những chuyện chan chứa tin yêu và hy vọng nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình tiếp tục xây những tầng cao cao mãi. Điều đó mãi là niềm mơ ước trong tôi và cũng sẽ là hiện thực của Đông Hà mà tôi mến yêu.
"Lụt tháng Ba, cháy nhà tháng Bảy" Trong ba ngày 31/3 đến ngày 2/4 gần như cả miền Trung đều có mưa to, gió lớn do ảnh hưởng không khí lạnh và ... |
Thành cổ Quảng Trị: Giấc mơ thành phố Hòa Bình Nằm cạnh đường thiên lý Bắc - Nam theo quốc lộ 1A, có con sông Thạch Hãn chảy qua, Thành cổ Quảng Trị được cả ... |
Một câu chuyện tháng Tư đáng nhớ Trong ngày hôm qua dịch giả Nguyễn Khắc Phước, một người Quảng Trị sống ở Đà Nẵng có nhờ tôi (và có lẽ một vài ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.