Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn”: Những câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”
Công đoàn - 28/10/2022 10:43 Ý YÊN
“Em mù, anh sẽ làm đôi mắt cho em”
Năm 2009, mặc những lời căn ngăn của gia đình, anh Đào Việt Anh, công nhân vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Bình Dương quyết định kết hôn với cô gái khiếm thị bán vé số trên xe bus. Họ gặp nhau, trò chuyện tâm đầu ý hợp nhưng khi anh ngỏ lời, chị né tránh vì mặc cảm.
“Em mù, anh sẽ làm đôi mắt cho em!”, câu nói của anh khiến chị cảm động, gật đầu.
Anh Lê Văn Tám, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam chia sẻ: “Anh Việt Anh và vợ đến với nhau như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Họ hằng ngày gặp nhau trong chuyến xe bus, anh giúp đỡ chị lên xuống xe, không ai tin họ đến với nhau. Cũng vì điều này, gia đình anh từ con. Ngày đám cưới anh chỉ có vài người”.
Anh Đào Việt Anh (trái) bước vào hội trường Lễ trao giải Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần II do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức, sáng 28/10/2022 - Ảnh: TRƯỜNG HÙNG |
Sau ngày cưới, chị thôi bán vé số. Một mình anh gồng gánh nuôi vợ và 3 đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống dẫu vất vả nhưng hạnh phúc. “Khổ mấy thì khổ, mình phải lo hết cho vợ con”, anh Việt Anh chia sẻ.
Một ngày, anh nhận thấy mắt mình cứ mờ đi. Sau ca phẫu thuật mắt, tình trạng tồi tệ hơn khi anh không thể đứng lên. Bác sĩ kết luận anh bị thoát vị đĩa đệm cổ và cột sống nặng, liệt tứ chi, rối loạn cơ vòng, chỉ một tay cử động yếu ớt.
Hình ảnh người vợ mù mò mẫm chăm chồng trong bệnh viện cùng lời động viên “anh phải mau khoẻ để về làm đôi mắt cho em” chạm đến trái tim nhiều người chứng kiến.
Trong lúc đó, Công đoàn Công ty Điện lực Bình Dương tổ chức quyên góp tiền hỗ trợ, đồng thời cử đồng nghiệp giúp đỡ gia đình anh Việt Anh. 8 tháng trời, người thân duy nhất chỉ có cán bộ công đoàn và các đoàn viên thay nhau chăm sóc anh theo lộ trình điều trị tại 3 cơ sở y tế ở TP.HCM và Bình Dương.
Anh Đào Việt Anh theo dõi chương trình trao giải Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần II nhân dịp kỷ niệm 93 năm Tạp chí Lao động và Công đoàn xuất bản số đầu tiên - Ảnh: TRƯỜNG HÙNG |
Bằng nỗ lực tập luyện, điều kỳ diệu xảy ra khi anh dần hồi phục chức năng vận động, có thể trở lại đi làm, tiếp tục “làm đôi mắt” và chỗ dựa cho vợ và các con.
Anh Đào Việt Anh bồi hồi nhớ lại: “Em rất xúc động. 8 tháng trời các anh chị đã thay ca chăm sóc, lo cho em. Nhà nội, ngoại không có. Mọi lời cám ơn đối với công đoàn là không đủ. Em chỉ muốn nói 2 từ biết ơn. Chỉ nhiêu đó thôi”.
Hiện tại, sức khoẻ của anh Việt Anh đã hồi phục được 70%, anh không còn phải làm việc nặng.
Anh Việt Anh chia sẻ câu chuyện của mình tại chương trình - Ảnh: TRƯỜNG HÙNG |
“Sự sống của em hôm nay chính là nhờ sự yêu thương của mọi người”
Cô giáo Hồ Thị Lý, Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) nghẹn ngào khi kể lại cuộc “chiến đấu với tử thần” của mình. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, tốt nghiệp cử nhân Văn học ở Huế, cô chọn mảnh đất Cố đô là nơi lập nghiệp với bao ấp ủ, hoài bão.
Nhưng, số phận trớ trêu, năm 2016 khi đang công tác tại một trường miền núi, cô phát hiện mắc bệnh Lupus ban đỏ giai đoạn cuối, gây biến chứng đa cơ quan (thận, mắt, xương, da…). Tạm gác lại công việc, cô xin nghỉ đi điều trị ở TP.HCM. Công đoàn nhà trường động viên, thăm hỏi, hỗ trợ để cô có kinh phí tiếp tục chữa trị.
Năm 2018, cô trở lại giảng dạy, xin chuyển công tác tại Trường THPT An Lương Đông. Ban chấp hành Công đoàn nhà trường đề nghị Ban giám hiệu và Tổ Văn tạo điều kiện ưu tiên tiết giảng.
Cuối năm 2021, bệnh cũ tái phát khiến sức khoẻ của cô kiệt quệ, loãng xương nặng, tiểu cầu hạ, hai chân không thể đi lại, 5 tháng liền không dứt cơn sốt, cái chết cận kề.
Cô giáo Hồ Thị Lý (ngoài cùng bên phải) tại chương trình giao lưu tại Lễ trao giải Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần II. Ảnh: TRƯỜNG HÙNG |
“Em suy sụp hoàn toàn, không có chút nào niềm tin vào cuộc sống nữa”, cô Lý nhớ lại thời điểm đó.
Dù được Công đoàn kêu gọi hiến máu để giành giật với sự sống nhưng bệnh của cô ngày càng trầm trọng. Chỉ một cách duy nhất có thể cứu sống được cô là thay tiểu cầu, số tiền 150 triệu đồng.
Biết tình hình, Công đoàn Trường THPT An Lương Đông viết tờ trình đề nghị công đoàn cấp trên giúp đỡ. Các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ cô giáo Lý qua chương trình “Điều ước đoàn viên”, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân.
Sau hơn 8 tháng “chiến đấu với tử thần”, cô giáo Hồ Thị Lý đã dần bình phục, ra viện và trở lại trường, tiếp tục là “đứa con cưng được ưu tiên” về số tiết dạy.
“Qua bao lần sinh tử tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Trong mỗi bước đi của tôi đều có dấu ấn của tổ chức Công đoàn chở che, nâng đỡ”, cô giáo Hồ Thị Lý bộc bạch, nói thêm: “Sự sống, hơi thở của em hôm nay chính là nhờ sự yêu thương của mọi người”.
Cô giáo Hồ Thị Lý, Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) tại chương trình giao lưu tại Lễ trao giải Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần II. Ảnh : TRƯỜNG HÙNG |
Cô Lý nhớ mãi hình ảnh những đoàn viên sếp hàng ngồi túc trực ở bệnh viện giữa trời hè oi bức để tiếp máu, giành giật sự sống. “Cuộc sống không nói trước được điều gì nhưng được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của công đoàn như thế, tại sao mình không yêu chính mình? Chính vì điều đó, tôi đã cố gắng hết sức để được như ngày hôm nay. Qua những cơn hoạn nạn, tôi thấy sức sống và việc làm ý nghĩa của tổ chức Công đoàn. Trong tương lại tôi cũng mong muốn trở thành cán bộ công đoàn để chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn khác”, cô Hồ Thị Lý xúc động tâm sự.
Trên đây là hai trong số hơn 800 câu chuyện, rút từ cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần II do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức. Cuộc thi với mục đích lan toả những câu chuyện nhân văn về cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn đã đồng hành, chăm lo thiết thực, hiệu quả cho đoàn viên, người lao động. Sự chăm lo ấy giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, cuộc sống của họ có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực.
Cuộc thi nhằm cổ vũ những tấm gương cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn thực hiện tốt nhất một trong những chức năng, nhiệm vụ của mình; động viên đoàn viên, người lao động tin tưởng gắn bó với tổ chức Công đoàn. Đồng thời khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi xứng đáng gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động.
Đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá: "Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tổ chức thành công, xuất sắc cuộc thi tạo cảm hứng, truyền năng lượng cho đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động qua đó phần nào đã góp phần tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng của những cán bộ đoàn viên công đoàn tâm huyết, những câu chuyện chân thực, những tấm lòng biết ơn của đoàn viên, CNLĐ khi được chia sẻ, giúp đỡ, động viên những lúc khó khăn trong cuộc sống; cung cấp đầy đủ các thông tin, địa chỉ cụ thể cho các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ cùng với tổ chức Công đoàn các cấp giúp đỡ đoàn viên, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần được chia sẻ, giúp đỡ và bảo vệ…"
Tiếp nối thành công của Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ I, Tạp chí Lao động và Công đoàn phát động Cuộc thi viết lần thứ II (từ ngày 30/10/2021 đến 15/10/2022). Cuộc thi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo cán bộ công đoàn, bạn viết trong cả nước, phản ánh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Ban Tổ chức Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần thứ II đã nhận được gần 800 tác phẩm dự thi, tăng 35% so với Cuộc thi lần I. Ban giám khảo bình chọn 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 05 giải Khuyến khích. Ngoài ra, có 05 Giải Chuyên đề: Giải Công đoàn có nhiều tác phẩm dự thi nhất (3 đơn vị); Giải Cán bộ công đoàn tận tuỵ nhất; Giải Tập thể công đoàn sáng tạo nhất; Giải Doanh nghiệp vì người lao động; Giải Bài dự thi độc đáo nhất. |
Tường thuật trực tiếp Lễ trao giải Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần thứ II, năm 2022 Sáng nay (28/10/2022), tại tầng 3, trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số 65 Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra Lễ ... |
93 năm: Từ Tạp chí “Công hội đỏ” đến “Lao động và Công đoàn” Cách đây 93 năm, ngày 1/10/1929, Tạp chí Công hội đỏ, tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn xuất bản số đầu ... |
Công hội Đỏ: Tạp chí nghiên cứu lý luận đầu tiên trong dòng báo chí cách mạng Việt Nam Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn), "Cơ quan truyền bá lý luận của Công hội Đỏ trong ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 16:09
Công đoàn MICCO: Dành những gì tốt nhất cho người lao động
Nhiều năm qua, Công đoàn Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Việt Bắc – MICCO (Đông Triều, Quảng Ninh) đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng và tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức các hoạt động; tạo điều kiện tốt nhất để người lao động an tâm công tác và cống hiến.
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 08:51
Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
Hơn 25 năm qua, anh Nhân là một phần không thể thiếu của tập thể Trường THPT Ngô Gia Tự (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Diễn đàn Lao động - Công đoàn - 23/11/2024 06:13
Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
Khi biết chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng - tương ứng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 năm, rất nhiều người lao động muốn ngừng đóng bảo hiểm thất nghiệp để xin hưởng trợ cấp.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 18:44
Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
Với hơn một thập kỷ gắn bó với Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ - MICCO, anh Bùi Công Quyền đã trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ lái xe. Nhưng phía sau tay lái ấy là một người đàn ông với những trăn trở, khát vọng vượt xa khỏi công việc hằng ngày.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 16:11
Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc…
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 08:44
Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Căn bệnh trầm cảm sau sinh đã biến tôi từ con người năng động, lạc quan trở thành người sống khép kín, đầy sợ hãi. Tình thương ấm áp, bao dung như người mẹ của cô Huỳnh Lan Phương, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phan Văn Trị (phường 07, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã giúp tôi có một sự sống mới.