Công nhân làm gì trong một năm chờ rút bảo hiểm xã hội một lần?
Đời sống - 13/11/2023 20:04 TRẦN LƯU
Trong thời gian chờ 12 tháng, công nhân lao động tìm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh nhưng không ai trong số họ muốn tham gia bất cứ một khoản bảo hiểm nào. Từ đây đã dẫn đến tình trạng số người thất nghiệp vẫn cao trong khi doanh nghiệp lại không tuyển được lao động.
Chật vật mưu sinh chờ rút BHXH
Phạm Thị Ngọc Thủy (SN 1995) cho biết, chị rời quê ở miền Tây lên TP.HCM làm việc tại một công ty xuất khẩu đã hơn 10 năm. Ngày 25/7/2023, chị Thủy quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để chờ rút BHXH một lần. Chị lo sợ từ ngày 1/7/2025, nếu Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, chị sẽ không còn được rút BHXH một lần nữa.
Theo chị Thủy, để rút được BHXH một lần, thì nghỉ việc chỉ mới là “điều kiện cần”, còn “điều kiện đủ” là phải tồn tại và sống được trong 12 tháng chờ đến ngày rút. Trong thời gian này, qua giới thiệu của người quen, chị Thủy làm công việc giữ trẻ với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
“Em có đứa nhỏ con nhỏ cũng gửi đi nhà trẻ. Con mình gửi người ta giữ, giờ mình đi giữ con cho người ta. Với mức lương ấy, cộng với tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 2 triệu đồng, nếu tiết kiệm có thể duy trì được cuộc sống”. Chị Thủy nói và cho biết thêm, ngoài việc giữ trẻ, bất kỳ ai thuê mướn gì và miễn công việc nằm trong khả năng chị đều nhận lời, như: trông nhà, tạp vụ… chị đều làm hết.
Với mức lương 6,7 triệu đồng và thâm niên làm việc trên 10 năm, chị Thủy nhẩm tính mình sẽ nhận BHXH một lần hơn 100 triệu đồng. Số tiền đó, với những gia đình công nhân như chị thật sự là một tài sản lớn. Chị dự tính sau khi nhận tiền sẽ mở một tiệm mua bán nhỏ, bởi làm công nhân chỉ được một thời gian không thể làm suốt đời.
Chị Điệp theo dõi thông tin tuyền dụng lao động ở TP.HCM. Ảnh: P.V. |
Còn chị Võ Thị Ngọc Điệp (SN 1980, Quận 6, TP. HCM) cho biết, chị là một trong số hàng ngàn công nhân lao động nghỉ việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Suốt mấy tháng qua, ngày nào chị cũng tìm đến những nơi đăng thông báo tuyển dụng lao động. Công việc phù hợp vẫn có, nhưng chị vẫn lắc đầu ra về vì sợ đi làm thì… không rút được BHXH một lần.
“Tui (tôi) xem thông báo thấy có nhiều công việc phù hợp, nhưng vào làm thì phải ký hợp đồng lao động, phải tham gia đóng BHXH. Tui nghỉ việc, không tham gia BHXH đã 5 tháng nay, nếu bây giờ tham gia BHXH trở lại thì thời gian chờ 1 năm để rút sẽ không có giá trị nữa. Nghĩ vậy, nên tui đi tìm công việc thời vụ để làm tạm. Hiện nay, tui phụ chạy bàn và dọn dẹp cho một quán nhậu với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Công với tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 2 triệu đồng cũng đủ sống qua ngày, dù còn nhiều rất vả”, chị Điệp chia sẻ.
Chung hoàn cảnh đó là chị Lê Thị Cẩm Vân (41 tuổi, cũng là công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam). Chị Vân nghỉ việc gần nửa năm nay và trở về quê nhà ở TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để mưu sinh.
Gần đây, nghe bạn bè thông báo có một số doanh nghiệp ở TP.HCM tuyển dụng lao động trở lại. Ban đầu, chị Vân dự tính quay trở lại TP.HCM làm việc nhưng sau nhiều lần đắn đo, chị quyết định tìm công việc thời vụ để làm. Đối với chị chỉ cần đợi nửa năm nữa là có thể nhận BHXH một lần với số tiền gần 200 triệu đồng.
“Tôi làm công nhân may mặc, bây giờ nghỉ việc về quê may đồ ở nhà. Mức thu nhập không cao (chưa tới 5 triệu đồng/tháng) nhưng phải cố gắng cầm cự. Nếu bây giờ đi làm trở lại rồi tham gia các khoản BHXH thì thời gian chờ một năm coi như mất trắng”, chị Vân cho biết.
Chị Vân trở về quê nhà ở Đồng Tháp chờ rút BHXH một lần. Ảnh: P.V. |
"Nhận BHXH một lần của 5 - 10 năm chỉ đủ trả nợ cho 1 năm chờ hưởng"
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, hiện tại, người lao động đang bị tác động lớn từ Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với 2 phương án rút BHXH đang được đưa ra để lấy ý kiến. Vấn đề trên đang là một mối lo thường nhật.
"Thực tế đã có nhiều công nhân lao động nhận BHXH một lần của 05 năm, 10 năm chỉ đủ trả nợ cho 01 năm chờ hưởng (1 năm đó xem như họ tự làm thất nghiệp cho bản thân họ). Có người nhận tiền xong mua xe máy, điện thoại mới… xem như là đã sử dụng hết tiền cũng không tích lũy được gì. Hưởng BHXH một lần hệ lụy rất lớn khi tuổi già không có lương hưu và thẻ BHYT. Cũng đã có trường hợp người lao động ở độ tuổi 45 mà tự nghỉ việc để hưởng BHXH một lần thì sau 12 tháng muốn tham gia lại thị trường lao động là rất khó, thậm chí là không tìm được việc dẫn đến việc muốn tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu là càng khó hơn".
Tại Bình Dương, trên thực tế đã xuất hiện tình trạng, người lao động nộp đơn xin nghỉ việc nhưng họ vẫn “thỏa thuận” với chủ doanh nghiệp để làm một công việc nào đó tại công ty. Trong thời gian này, người lao động vẫn có việc làm, vẫn có thể chờ rút BHXH.
"Hiện LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở nắm sát tình hình tại các doanh nghiệp, qua đó, tuyên truyền sâu rộng đến công nhân lao động để họ hiểu rõ về quyền lợi của mình khi rút BHXH. Đồng thời kêu gọi người lao động cần phải tỉnh táo, có cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn trong tương lai, nhằm giảm thiểu tình trạng tự làm mất việc làm của mình, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội khi rút BHXH một lần", Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang cho rằng: "Trong điều kiện hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt pháp luật lao động. Nên sẽ khó có chuyện doanh nghiệp đồng ý với các điều khoản mà người lao động đưa ra. Chẳng hạn như nhận công nhân vào làm việc mà không ký hợp đồng lao động, vì điều đó sẽ vi phạm pháp luật. Có thể thấy thiệt thòi trước mắt là công nhân sẽ không có việc làm, trong khi hiện nay cuộc sống của họ rất khó khăn, như vậy sẽ khó càng thêm khó. Hơn nữa, nếu công nhân làm việc mà không chịu tham gia các khoản bảo hiểm giống như tự từ chối những quyền lợi mà mình vốn được hưởng theo pháp luật lao động.
Đồng chí Giang cho hay, bây giờ nếu người lao động rút BHXH một lần rồi tham gia lại, thì thời gian đóng BHXH của họ sẽ được tính lại từ đầu. Khi đó số năm tham gia BHXH sẽ ít đi và họ sẽ nhận lương thấp hơn khi đến tuổi nhận lương hưu.
"Thời gian qua công đoàn đã phối hợp với cơ quan bảo hiểm tuyên truyền rất nhiều về những thiệt hơn khi rút BHXH một lần để công nhân nắm rõ, nhưng đa phần người lao động vẫn muốn rút BHXH một lần vì những khó khăn trước mắt mà không nghĩ về lâu dài", đồng chí Hữu Giang chia sẻ.
Đồng chí Đỗ Đức Thiệm, Trưởng Ban Chính sách - Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cho rằng, qua trao đổi, tiếp xúc với người lao động thì không phải toàn bộ những người có ý định rút BHXH một lần là những người gặp khó khăn thực sự, cần tiền để giải quyết nhu cầu bức thiết, đây chỉ là số ít. Phần lớn trong số này là những người còn băn khoăn ở chính sách BHXH, họ cho rằng thời gian đóng quá dài, tuổi nghỉ hưu cao, hay trượt giá khi hưởng lương hưu… vì vậy rút BHXH một lần được họ xem như là một giải pháp “xanh nhà còn hơn già đồng”.
Hệ lụy của việc rút BHXH một lần và lợi ích của việc tiếp tục tham gia BHXH để có điều kiện hưởng lương hưu khi về già thì có lẽ hầu hết ai cũng biết. Thực tiễn thì cũng không hiếm người lao động đã rút BHXH một lần để sử dụng xong coi như “trắng tay”, lại nuối tiếc vì không còn cơ hội để tham gia tiếp.
"Để đảm bảo quyền rút BHXH một lần và bài toán an sinh xã hội, ngoài việc tuyên truyền, giải thích, nên chăng quy định chính sách bảo lưu thời gian rút BHXH nhất định để người rút BHXH được quyền hoàn trả, khôi phục lại thời gian tham gia BHXH của mình", đồng chí Thiệm đề xuất.
Dự báo năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ có khoảng hơn 60.000 đến 65.000 người hưởng BHXH một lần. Con số này tương đương với thống kê hàng năm, không biến động nhiều. Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương |
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. HCM. Ảnh: P.V. |
Có lao động, nhưng không tuyển được!
Ghi nhận tại TP. HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như: Bình Dương, Đồng Nai…, đến thời điểm này đã có hàng ngàn công nhân lao động mất việc do các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng.
Song song đó, một số lượng lớn công nhân lao động đã chủ động nộp đơn xin nghỉ việc. Những người này nghỉ việc để chờ rút BHXH một lần do lo ngại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua vào năm sau, họ sẽ không thể rút BHXH một lần được nữa.
Trong thời gian chờ 12 tháng để rút BHXH một lần, những người này đi tìm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh; nhưng không ai trong số họ muốn tham gia bất cứ một khoản bảo hiểm nào. Từ đây đã dẫn đến tình trạng số người thất nghiệp vẫn cao trong khi doanh nghiệp lại không tuyển được lao động.
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, cho biết, có những doanh nghiệp, qua khảo sát hơn 6.000 phiếu được phát đến người lao động, Trung tâm chỉ thu về hơn 40 phiếu có nhu cầu việc làm. Còn lại hơn 5.000 lao động được khảo sát đều cho biết, họ muốn nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp, có người muốn làm việc nhưng không muốn tham gia bất kỳ khoản bảo hiểm nào.
"Từ đây dẫn đến thực trạng, nếu chủ doanh nghiệp đồng ý với các điều khoản người lao động đưa ra thì vô hình trung sẽ vi phạm pháp luật lao động. Còn người lao động nếu ký hợp đồng theo đúng quy định thì họ lại không nhận được các khoản bảo hiểm", ông Thắng nêu vấn đề.
Các phiên giao dịch việc làm tại TP.HCM đang khó tuyển lao động do người lao động muốn tìm việc nhưng lại không muốn tham gia bất kỳ khoản bảo hiểm nào. Ảnh: P.V. |
Bà Trần Ngọc Phương Thảo, phụ trách tuyển dụng nhân sự Công ty CP thực phẩm Agrex Sài Gòn, thông tin, vừa qua, Công ty có nhu cầu tuyển 200 lao động nhưng đa phần công nhân nộp hồ sơ đều chỉ muốn làm thời vụ. Hầu hết người lao động muốn vừa có việc làm, lại vừa được nhận trợ cấp thất nghiệp và BHXH một lần. Trong khi theo quy định thì sau 2 tháng thử việc, Công ty phải ký hợp đồng chính thức với công nhân và họ phải tham gia các khoản bảo hiểm. Đây là khó khăn lớn nhất của Công ty khi tuyển dụng nhân sự.
Vừa qua, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được đưa ra để lấy ý kiến trong dư luận. Vấn đề được công nhân lao động đặc biệt quan tâm là phương án rút BHXH. Theo đó, Dự thảo đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần. Phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút. Tại các buổi góp ý cho Dự thảo BHXH sửa đổi diễn ra tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi chính sách BHXH một lần đang tác động lớn đến cả doanh nghiệp và người lao động. Thời gian vừa qua, người lao động vẫn liên tục làm đơn xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần khiến doanh nghiệp lo lắng sẽ biến động lao động. |
Những thay đổi “bước ngoặt” trong thực hiện chính sách bảo hiểm nhờ chuyển đổi số Những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn là cơ quan dẫn đầu trong Chính phủ về chuyển đổi số. |
BHXH Việt Nam đề nghị không vinh danh doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có công văn gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ... |
11 nội dung lớn trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Dưới đây là 11 nội dung lớn trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.