Cơ hội để cạnh tranh, nâng cao năng lực bảo vệ người lao động
Nghiên cứu - 22/03/2022 11:12 PGS. TS. PHẠM VĂN HÀ - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn
Trong bối cảnh mới, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trước hết phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Thép Đông Nam Á - Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Kim Bảo. |
Những vấn đề chung
Vai trò của CĐVN chính là sự tác động của tổ chức Công đoàn đến tiến trình phát triển của lịch sử và cách mạng Việt Nam, được phản ánh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, văn hóa tư tưởng. CĐVN được tổ chức theo 4 cấp: Cấp quốc gia, cấp ngành nghề, cấp địa phương và cấp cơ sở (doanh nghiệp), tương ứng với các cấp độ kinh tế của quốc gia, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi NLĐ. Công đoàn cấp cơ sở (doanh nghiệp) là cấp đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống CĐVN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết có hiệu lực, khi đó có thể sẽ xuất hiện tổ chức đại diện của NLĐ khác tại doanh nghiệp, ngoài hệ thống CĐVN.
Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 đã có hiệu lực thi hành, tạo ra “luật chơi” đảm bảo sự bình đẳng để các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở cạnh tranh trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Điều 3, BLLĐ quy định: “… Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ phải thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động”. Theo quy định này, các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khi tiến hành bảo vệ quyền lợi NLĐ phải tuân theo các hình thức bảo vệ, được quy định bởi pháp luật. Do vậy, đối với tổ chức CĐVN, đặc biệt là đội ngũ cán bộ CĐCS, trước hết nhận biết một cách rõ ràng và đầy đủ các hình thức bảo vệ NLĐ, cũng như phải có đủ năng lực để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Nếu không làm tốt những vấn đề này thì NLĐ sẽ mất lòng tin, hoặc có thể tự mình thành lập tổ chức đại diện khác để bảo vệ quyền lợi của họ.
Liên đoàn Lao động huyện Lâm Thao (Phú Thọ) triển khai hướng dẫn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho một số công đoàn cơ sở mới thành lập. Ảnh: Hồng Vân. |
Các hình thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ
Thương lượng tập thể (TLTT): Vấn đề này được quy định tại Điều 65, BLLĐ 2019. Mục đích chính của TLTT là để soạn thảo và ký kết TƯLĐTT. Đây là văn bản thỏa thuận - pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ như vấn đề tiền lương, tiền thưởng, nâng lương, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ, an toàn lao động… Những vấn đề này nếu để từng cá nhân NLĐ thực hiện thì sẽ khó bảo vệ được quyền lợi của mình. Do vậy, NLĐ tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt hơn.
Thực tế, TLTT được tổ chức ở cấp quốc gia, cấp ngành nghề, nhóm doanh nghiệp và cấp doanh nghiệp. Trong các cấp độ TLTT, thì thương lượng ở cấp doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi lẽ, kết quả thương lượng ở cấp doanh nghiệp tác động trực tiếp đến NLĐ. Trong điều kiện cạnh tranh, nếu CĐCS truyền thống của CĐVN không làm tốt vấn đề này thì NLĐ sẽ mất lòng tin, không ủng hộ tham gia CĐCS, thậm chí họ tìm cách thành lập tổ chức đại diện khác để bảo vệ quyền lợi của họ.
Đối thoại tại nơi làm việc (ĐTTNLV): Được quy định tại Điều 64, BLLĐ 2019. Mục đích của ĐTTNLV là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa NSDLĐ với NLĐ. NSDLĐ tham khảo ý kiến NLĐ để xây dựng, sửa đổi, bổ sung những quy định, nội quy, quy chế… của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, ĐTTNLV giúp NLĐ và NSDLĐ tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
Tham gia quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát doanh nghiệp: Quy định này thể hiện ngay tại Điều 10 Hiến pháp, Điều 14 Luật Công đoàn. Công đoàn tham gia quản lý doanh nghiệp, tham gia kiểm tra, giám sát doanh nghiệp là để công đoàn có những thông tin cần thiết giúp cho việc bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt hơn. Việc tham gia quản lý, giám sát được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: đại diện NLĐ tham gia trong các cuộc họp giao ban của doanh nghiệp, thông qua các cuộc ĐTTNLV, thông qua đường dây nóng, hòm thư góp ý, thông qua hội nghị NLĐ... Một hình thức khác, công đoàn tham gia tích cực trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những hình thức bảo vệ quyền lợi NLĐ rất hiệu quả. Nếu NLĐ không tham gia tích cực vào việc soạn thảo, sửa đổi bổ sung chế độ chính sách, nội quy, quy chế của doanh nghiệp thì sẽ dẫn tới có những bất lợi về mặt pháp lý đối với NLĐ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức ra mắt, đưa vào hoạt động mô hình “Tủ đồ dùng tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn của tổ chức Công đoàn”. Ảnh: Trần Trường Giang. |
Đại diện NLĐ tham gia giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ): Vấn đề này quy định tại Điều 10 Luật Công đoàn. Trong quan hệ lao động, lợi ích của NSDLĐ và lợi ích của NLĐ là đối lập nhau. Trong phạm vi doanh nghiệp, NLĐ hưởng tiền lương nhiều bao nhiêu thì lợi nhuận của doanh nghiệp ít đi bấy nhiêu và ngược lại. Do vậy, trong quá trình lao động, thường xảy ra những bất đồng, TCLĐ. Khi xảy ra TCLĐ, các bên phải tham gia tích cực để giải quyết đảm bảo quyền lợi của các bên. Đây cũng là một hình thức quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Các hình thức của việc tham gia giải quyết TCLĐ bao gồm công đoàn tham gia trong việc hòa giải hoặc tranh tụng trước tòa án…
Tổ chức và lãnh đạo đình công: Quy định tại Điều 198, BLLĐ 2019. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của NLĐ nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình TLTT để xác lập các tiêu chuẩn lao động, trong đó có tiền lương. Theo quy định, đình công chỉ diễn ra trong TCLĐ tập thể và chỉ liên quan tranh chấp về lợi ích, không liên quan đến tranh chấp về quyền. Đình công là hình thức tạo ra áp lực tập thể, nhằm buộc chủ doanh nghiệp có những nhượng bộ hợp lý trong việc thiết lập các tiêu chuẩn lao động ở doanh nghiệp, đặc biệt là mức tiền lương.
Tuy nhiên, vấn đề đình công trong thời gian qua trở thành phức tạp. Tất cả các cuộc đình công diễn ra kể từ khi có BLLĐ năm 1994 đến nay (hơn 5.000 cuộc) đều không đúng trình tự pháp luật (trái luật), không do công đoàn tổ chức, lãnh đạo.
Mặt khác, đình công không diễn ra trong quá trình TLTT, mà chúng diễn ra kể cả khi bản thỏa ước tập thể vẫn đang còn hiệu lực thi hành. Đây là vấn đề cần có những nghiên cứu sâu sắc để có giải pháp tốt, đảm bảo đình công đúng bản chất của nó, góp phần bảo vệ quyền lợi NLĐ theo đúng luật định.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang trao sổ tiết kiệm cho con đoàn viên công đoàn bị tử vong do Covid-19. Ảnh: Lan Huyên. |
Giải pháp nâng cao vai trò CĐVN trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ
Trong bối cảnh mới, trách nhiệm của tổ chức CĐVN trước hết phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ để NLĐ hiểu được rằng đây chính là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Phải tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho CĐCS để giúp cho CĐCS thực hiện tốt nhiệm vụ trong điều kiện mới. Bởi, chính tại doanh nghiệp mới là nơi diễn ra sự cạnh tranh giữa CĐCS truyền thống trực thuộc hệ thống CĐVN với tổ chức đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ. Đối với những nơi chưa thành lập tổ chức CĐCS, phải tăng cường phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Muốn NLĐ tham gia tích cực vào tổ chức Công đoàn, cần phải tạo ra động lực cả về vật chất, lẫn tinh thần mới có thể thu hút NLĐ.
CĐVN là tổ chức chính trị - xã hội của GCCN và của NLĐ, do vậy, cần phát huy hơn nữa thế mạnh chính trị của mình. Tích cực giới thiệu những đoàn viên ưu tú để xây dựng và phát triển Đảng trong từng doanh nghiệp, đảm bảo sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, đồng thời tạo chỗ dựa vững chắc đối với hoạt động công đoàn.
Cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của từng cấp công đoàn, để tiến hành sửa đổi bổ sung nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cấp công đoàn, cũng cần quy định rõ sự phối hợp giữa công đoàn ngành nghề với công đoàn địa phương tránh tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ.
Phải tăng cường công tác đào tạo cán bộ công đoàn để họ làm tốt nhiệm vụ của mình. Tổ chức CĐVN có các cơ sở đào tạo đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cả về lý luận, cả về thực tiễn có đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần phát huy để thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
“Cần đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới” Đó là nội dung được Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực ... |
Trọng tâm của công tác công đoàn trong an toàn, vệ sinh lao động Sau 25 năm thực hiện Bộ luật Lao động, qua hơn 08 năm triển khai Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư Trung ương ... |
Nâng cao hiệu quả công tác vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn Trong bối cảnh pháp luật cho phép sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động ... |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 19/09/2024 16:13
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động có vai trò quan trọng đối với việc góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, vận động này còn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tích cực lao động, học tập và công tác, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35
Tình đoàn kết tạo ra quyền lực cho tổ chức
Nhân Tháng Công nhân 2024, TS. Phạm Thị Thu Lan, nhà nghiên cứu quen biết về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn (công tác tại Viện Công nhân và Công đoàn) có bài viết về tình đoàn kết và niềm tin của NLĐ, điều sẽ tạo ra quyền lực mềm cho tổ chức Công đoàn. Tạp chí LĐ&CĐ xin giới thiệu với bạn đọc phân tích thú vị và rất đáng suy ngẫm này.
Nghiên cứu - 28/05/2024 15:33
Bài 3: Xây dựng chính sách đồng bộ, hiệu quả cho người lao động tiếp cận, thụ hưởng
Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm ở nước ta đã được chú trọng xây dựng, hoàn thiện nhưng vấn đề tiếp cận, thụ hưởng chính sách của người lao động còn cần được cải thiện hơn nữa.
Nghiên cứu - 28/05/2024 14:54
Bài 2: Cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ
Cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) xuất phát từ các tiền đề về tiền lương, phúc lợi về nhà ở, sức khỏe y tế, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ chăm sóc con em.
Nghiên cứu - 28/05/2024 10:28
Một số đặc điểm về học vấn, chuyên môn của công nhân hiện nay
Với sự nỗ lực, tự học hỏi, rèn luyện, công nhân đã có trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp khá cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.