|
Sau 25 năm thực hiện Bộ luật Lao động, qua hơn 08 năm triển khai Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và 05 năm triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong tình hình quốc tế rất coi trọng đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và an toàn xã hội, an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu. |
TS. Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động. Ảnh: N. Liên Triển khai Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (tháng 9/2018), BCH Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động (NLĐ), bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, giai đoạn 2018- 2023”. Trong Chương trình có nội dung xây dựng, triển khai Kế hoạch “Công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), giai đoạn 2018 -2023”. Đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Thường trực Đoàn Chủ tịch đều ban hành kế hoạch để chỉ đạo tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ trong các cấp công đoàn. Định kỳ sơ kết năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW và Luật ATVSLĐ. Thông qua đó, chỉ đạo các cấp Công đoàn trong cả nước tổ chức triển khai đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, pháp luật và các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ phong phú, thiết thực, gắn với Tháng Công nhân, thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và nhất là NLĐ. Đặt chỉ tiêu phấn đấu giảm số vụ và số người bị TNLĐ so với các tháng khác trong năm ít nhất 10%. Toàn cảnh Hội thảo Khoa học An toàn, vệ sinh lao động: "Thách thức và cơ hội phát triển bền vững" do Viện Khoa học ATVSLĐ tổ chức, tháng 11/2021. Ảnh: Viện Khoa học ATVSLĐ. Trên tinh thần ấy, trong giai đoạn hiện nay, trước nhiều lĩnh vực công nghiệp đang được định hình với tốc độ đáng kinh ngạc, được thúc đẩy chủ yếu bởi các cải tiến kỹ thuật số mới; các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với hỗn hợp rủi ro và cơ hội, NLĐ cũng bị cuốn vào vòng xoáy luôn thay đổi và chứa đựng đầy bất an. Những người có khả năng thích ứng tốt nhất với môi trường thay đổi liên tục ngày hôm nay luôn là người chiến thắng trong ngày mai. Các cán bộ công đoàn của nền kinh tế số cần nắm chắc về những nguyên tắc cơ bản này để đổi mới phương thức hoạt động của mình. Tuyên truyền một số điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn; mạng lưới an toàn vệ sinh viên và công nhân tại Công ty TNHH Đức Anh do Liên đoàn Lao động quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) tổ chức. Ảnh: LĐLĐ TP. Hải Phòng. Với phương châm lấy phòng ngừa làm nguyên tắc ưu tiên trong quản lý ATVSLĐ, các cấp Công đoàn đã tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ tới doanh nghiệp và NLĐ trong những năm qua. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: Tuần lễ an toàn; Tháng Hành động về ATVSLĐ; thi an toàn, vệ sinh viên giỏi, ‘‘Người làm công tác ATVSLĐ giỏi”, ‘Người huấn luyện ATVSLĐ giỏi toàn quốc”…; các “Phong trào Xanh - Sạch - Đẹp”, góc xưởng an toàn; việc ký cam kết thi đua về an toàn lao động (ATLĐ) được doanh nghiệp và NLĐ hưởng ứng rất tích cực, góp phần xây dựng thói quen, nề nếp làm việc, văn hóa an toàn trong nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và CNLĐ. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân, NLĐ, Viện Khoa học ATVSLĐ được giao nhiệm vụ tổ chức rà soát chính sách cho NLĐ, đối tượng tham gia phòng, chống dịch; triển khai nghiên cứu hỗ trợ các ngành tái sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid-19; triển khai nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ điều trị F0, tư vấn tâm lý qua nền tảng “Phòng Y tế từ xa”. Công đoàn các cấp cần xác định công tác an toàn là nhiệm vụ quan trọng, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: Danh Lam. Rõ ràng, kỷ nguyên số mang lại tiềm năng cho những phát triển đổi mới và tốt hơn cho NLĐ tại nơi làm việc, nhưng cũng đưa ra những thách thức mới. Bằng cách lường trước những thách thức tiềm tàng đối với ATVSLĐ, chúng ta có thể xây dựng được biện pháp phòng ngừa với việc tối đa hóa lợi ích của những công nghệ mới này, kiểm soát được môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. Nếu được quản lý tốt, kỹ thuật số hóa có thể giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp và tạo ra những cơ hội mới để cải thiện điều kiện làm việc. Đây là điều mà tổ chức Công đoàn Việt Nam hoàn toàn làm được với đội ngũ người làm công tác ATVSLĐ đông đảo ở cả 4 cấp công đoàn; đồng thời Công đoàn Việt Nam còn quản lý, chỉ đạo một Viện trọng điểm đầu ngành về khoa học ATVSLĐ với 50 năm bề dày hoạt động đã triển khai ứng dụng hàng trăm công trình nghiên cứu cho các doanh nghiệp để chăm lo và bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho NLĐ. Kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại Phân xưởng Cán - Công ty CP Chế tạo máy (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). Ảnh: Vinacomin.vn |
Để triển khai tốt các nhiệm vụ về ATVSLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ về việc được làm việc trong một môi trường an toàn và hợp vệ sinh, quyền được hưởng các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động cho đoàn viên, NLĐ, các giải pháp để Công đoàn các cấp làm tốt và thể hiện tốt vai trò của mình, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, BCH Công đoàn các cấp đối với công tác ATVSLĐ, cần xác định công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm cũng như cả nhiệm kỳ với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Huấn luyện vận hành thiết bị nâng tại Công ty Cổ phần Kiểm định kỹ thuật an toàn và Tư vấn xây dựng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: incosaf.com Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy, cán bộ làm công tác ATVSLĐ của hệ thống Công đoàn, ưu tiên bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các cấp Công đoàn được đào tạo chuyên ngành về ATVSLĐ hoặc chuyên ngành kỹ thuật, chuyên ngành y tế có kinh nghiệm. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, đưa công tác ATVSLĐ mang tính quần chúng và xã hội hóa cao; phát động các phong trào quần chúng xây dựng “văn hóa an toàn”. |
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động trong các cấp Công đoàn; phát động các phong trào thi đua cải tiến, đổi mới, sáng tạo trong CNLĐ và định kỳ tổ chức đánh giá, trao thưởng, ghi danh các công trình, sáng kiến, cá nhân, tập thể sáng tạo, đổi mới, đột phá trong cải tiến sản xuất, quản lý. Huy động các nguồn lực trong tổ chức tuyên truyền về ATVSLĐ; ứng dụng công nghệ số, các mạng xã hội và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ quan báo chí; tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ công đoàn về nghiệp vụ và kỹ năng làm công tác ATVSLĐ. Công ty Điện lực Quảng Trị phát tờ rơi tuyên truyền an toàn sử dụng điện cho các chủ cơ sở khu vực Hội chợ hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Ảnh: m.cpc.vn Tham gia nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các hướng dẫn liên quan đến công tác ATVSLĐ, đặc biệt là chính sách để tăng cường sử dụng nguồn lực từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển và ứng dụng các giải pháp ATVSLĐ; giám sát môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NLĐ; phục hồi chức năng lao động. Đẩy mạnh công tác giám sát của tổ chức Công đoàn, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Thí điểm Công đoàn khởi kiện khi quyền của tập thể NLĐ và NLĐ về ATVSLĐ bị xâm phạm. Với bề dầy lịch sử đấu tranh cách mạng và tham gia xây dựng đất nước, tổ chức Công đoàn với một hệ thống chặt chẽ, một đội ngũ cán bộ có chuyên môn và có nhiệt tình cách mạng cao, chắc chắn sẽ hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình; mặc dù vẫn còn có những nguy cơ, rủi ro hay khó khăn trong giai đoạn công nghệ số. Với việc đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động về ATVSLĐ, Công đoàn sẽ hết lòng chăm lo để NLĐ có cơ hội việc làm mới, ít vất vả hơn với một môi trường, điều kiện làm việc và một cuộc sống tốt hơn. |