Vietcombank mở lối đi trước để thành công
Kinh tế - Xã hội - 13/03/2023 02:00 Minh Đức
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã VCB, sàn HOSE) sẽ tròn 60 năm hoạt động vào ngày 01/4 tới. 10 năm gần đây tại ngân hàng thương mại lâu đời nhất của Việt Nam chứng kiến những đổi thay ấn tượng, không chỉ về những con số mà còn ở cách làm.
Hai mặt của một thời điểm
10 năm trước, dấu mốc được xác định ở thời điểm Vietcombank đánh mất vị trí dẫn đầu lợi nhuận trong hệ thống. Giai đoạn 2012-2013, lợi nhuận của “Ngân hàng xanh” đã bị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) bỏ xa.
Lợi nhuận có thể nhất thời, nhưng so sánh trên như một dấu lặng. Bởi trước đó lợi nhuận Vietcombank từng vượt trội, phải 3-4 ngân hàng liền sau cộng lại mới bằng. Để rồi, như trên, năm 2013 họ chỉ đạt hơn 5.700 tỷ đồng, trong khi VietinBank vượt lên tới trên 7.700 tỷ đồng.
Hai mặt của một thời điểm. Hoạt động ngân hàng khi đó phản ánh hai mặt quan điểm, hoặc lựa chọn: phòng thủ và gia cố, phục hồi và tấn công nhanh.
Giai đoạn đó nền kinh tế và hoạt động ngân hàng vẫn còn chịu dư chấn lớn của hậu ảnh hưởng cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam có những rung lắc giữ dội trên các thị trường trong năm 2011; nợ xấu bắt đầu lộ thiên với mức độ nhận diện lên tới hai con số ngay sau đó…
Mặt thứ nhất, khi hầu hết ngân hàng thương mại suy giảm lợi nhuận, co về phòng thủ vốn và thanh khoản, chống đỡ rủi ro với nợ xấu gia tăng, thì đồng nghĩa thị phần và cơ hội rơi vào sức hút của những thành viên chọn hoặc sớm phục hồi và gia tăng tấn công.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh chung, Vietcombank giai đoạn đó cũng gắn với những khó khăn nhất định, cả ở vấn đề xáo trộn tiền gửi... Phòng thủ và gia cố lại nền tảng là một yêu cầu/lựa chọn, song cũng có liên quan nhất định đến mặt thứ hai của thời điểm.
Mặt thứ hai của thời điểm đó, giai đoạn đó được nhìn nhận: môi trường rủi ro bộc lộ quá lớn khi lạm phát và lãi suất leo thang, nợ xấu bắt đầu bộc lộ vùng nhận diện rất lớn (lên tới trên 17% trên toàn hệ thống theo Ngân hàng Nhà nước về sau công bố và nhận diện), nếu ngân hàng càng nóng lòng phục hồi, càng tấn công mạnh thì mức độ nhiễm rủi ro có thể lớn hoặc tạo gánh nặng về sau.
Vượt cản quan điểm, xoay trục kinh doanh
Một lãnh đạo Vietcombank giai đoạn đó từng chia sẻ rằng, khi nền bối cảnh và nền hoạt động có dấu hiệu yếu đi thì bước mạnh chân sẽ khó an toàn. Thay vào đó, vừa gia cố lại nền, vừa chọn hướng đi chiến lược mới sẽ cần thiết hơn cho giai đoạn mới.
Nói dễ, làm khó. Tại Vietcombank, để bứt phá nhanh sau đó không đơn giản. Họ đã từng phải đấu tranh quan điểm, vượt qua để thành công.
“Ngân hàng bán lẻ” đã trở thành khẩu hiệu mở rộng và mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chục năm trước. Nhưng thực tế tại Vietcombank lại khởi đầu khá chật vật, khi chọn đi sớm và đi trước. Một thành viên của “Big 4”, lợi thế nổi trội trong hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn, và nội khối các doanh nghiệp trung ương…, truyền thống và thế mạnh bán buôn dĩ nhiên lấn át.
Tâm lý và lựa chọn trước đó của nhân viên, đơn vị kinh doanh cũng vậy. Họ bán buôn, cho vay các món lớn dễ lấp đầy chỉ tiêu, hơn là mất nhiều thời gian và công sức để gom từng món nhỏ. Tương tự với huy động.
Thậm chí khi đó lãnh đạo cấp cao Vietcombank từng chia sẻ rằng đã có phản ứng ngạc nhiên với quan điểm, chiến lược mới là đẩy mạnh bán lẻ. Dù vậy, việc thực thi và xoay trục diễn ra rất nhanh.
Từ ngân hàng bán buôn lớn, tỷ trọng tín dụng bán lẻ tại Vietcombank lần lượt vượt các mốc 30%, 40% những năm sau đó và hiện đã vượt tới trên 50%. Có lợi thế giá vốn thấp khi lãi suất huy động luôn thấp nhất hệ thống, mở rộng cho vay bán lẻ có lãi biên cao hơn tạo động lực quan trọng để họ nhanh chóng lấy lại vị trí số 1 về lợi nhuận.
Cũng chính ở chiến lược bán lẻ, Vietcombank chính là ngân hàng thương mại mở lối đi riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống, một ngân hàng thương mại nhà nước thuê chuyên gia nước ngoài đảm nhận vị trí đứng đầu mảng bán lẻ. Chưa dừng lại, bước tiếp theo gần đây là chuyên gia nước ngoài đảm trách vị trí đầu tàu thực hiện chuyển đổi số và số hóa.
Quan điểm ở những bước mở lối đó trong khối ngân hàng thương mại nhà nước là rõ ràng: cần những chuyên gia hàng đầu để rút ngắn quá trình vốn còn khá mới, hoặc đang chuyển đổi ở Việt Nam trong khi thế giới đã tiến xa.
Đi trước những yêu cầu quan trọng
Trở lại với giai đoạn Vietcombank bị mất vị trí dẫn đầu lợi nhuận nói trên, sợi dây kết nối thể hiện không lâu sau đó.
Tạm chững lại để gia cố nền tảng, hạn chế vận động mạnh khi môi trường xấu đi, lợi nhuận có thể chùng nhất thời nhưng sẽ an toàn bền vững hơn. Chỉ ba năm sau, vào cuối năm 2016, Vietcombank tuyên bố và trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên tất toán trước hạn toàn bộ nợ xấu bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nói cách khác, đây là nhà băng đầu tiên đưa tình hình tài chính về “một sổ”.
Đi trước cả hệ thống, kết quả trên tạo tiền đề để ngay sau đó Vietcombank trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn Basel II.
Đó là những bước đi gắn với những yêu cầu, mục tiêu quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt trong quá trình phát triển 10 năm qua. Và cả bước đi tự thân, tự xác định và tự lựa chọn trong khẩu vị ứng xử với rủi ro ngay sau đó.
Sau khi nợ xấu về “một sổ”, đáp ứng xong Basel II, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam mới lần đầu tiên xuất hiện những tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu vượt xa mốc 100%. Vietcombank đi đầu và đang dẫn đầu xu hướng này, thậm chí lên tới trên 500%.
Đối ứng, dù vậy, lợi nhuận của ngân hàng này bứt phá rất nhanh, giành lại vị trí dẫn đầu hệ thống và duy trì khoảng cách vượt trội so với các thành viên còn lại, đặc biệt từ năm 2018 cho đến nay.
Vị trí đó hình thành trên khả năng xoay chuyển, xoay xở trong không gian hẹp. Bởi cũng đã chục năm qua hệ thống ngân hàng Việt đã quen với cơ chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất chặt chẽ theo từng năm, có hơi hướng chặt hơn những năm vừa qua.
Không gian hẹp càng nổi bật ở Vietcombank, cũng như với “Big 4” ngân hàng thương mại nhà nước, bởi cơ chế tăng vốn gần như “đóng băng” trong phân nửa giai đoạn 10 năm qua. Bản thân tỷ lệ an toàn vốn (CAR) nhóm này từng nhiều năm chới với so với mức quy định. Cơ chế tăng vốn qua trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ dần được tháo gỡ những năm gần đây, nhưng vẫn chưa thể bằng cách gọi vốn mới và tiền mặt đầu tư thêm từ cổ đông hiện hữu.
Tăng vốn cũng chính là một trở ngại mà cả Vietcombank và “Big 4” phải tìm cách vượt qua. Mặc dù thành công ở kết quả kinh doanh, song không hẳn trở ngại đó không tạo nên thách thức. Nổi bật và trước mắt là với chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trước hết đòi hỏi nguồn vốn lớn và mạnh. Nguồn vốn lại chịu giới hạn quy định trong cân đối tỷ lệ và không gian của vốn chủ sở hữu. Thách thức này đặc biệt gắn với quy mô của một nhà băng có tổng tài sản đã lên tới hơn 1,6 triệu tỷ đồng, một hệ thống hạ tầng rộng lớn trên cả nước, trong khi vốn điều lệ vừa có một giai đoạn chật vật tăng và khó linh hoạt.
Theo đó, chuyển đổi số sẽ là điểm hẹn lớn, cũng như thách thức thành công tiếp theo tại Vietcombank, sau 60 năm khẳng định vị thế dẫn đầu hệ thống trên nhiều chỉ tiêu hoạt động.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định