Viết nhân ngắm ảnh cụ Trần Duy Hưng
Cà phê tối - 14/08/2020 14:30 Vũ Hùng
Bác sĩ Trần Duy Hưng. |
Bài viết đính kèm tôi đăng cách đây đã tròn 8 tháng, vào dịp đang có những chuyện lình xình của chính quyền Hà Nội với các chuyên gia Nhật Bản trong việc hợp tác xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, nên chủ yếu tôi chú trọng viết về công tác đối ngoại của người lãnh đạo Hà Nội..
Hôm nay lại thấy những điều mình viết vẫn còn tính thời sự, ngắm tấm hình cụ Trần Duy Hưng bỗng muốn viết thêm...
Những chuyện kể về Cụ Hưng luôn rất hay và nhiều lắm. Nhưng tôi cứ thích nhất hai chuyện sau đây.
Chuyện thứ nhất là chuyện ngoài xã hội.
Bác sĩ Trần Duy Hưng trong ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954). Ảnh: BTLSQSVN |
Hàng năm, cứ mỗi Giao thừa, khi Cụ còn làm Chủ tịch Hà Nội, bao giờ Cụ cũng chọn một số túi quà Tết trong nhà, rồi tự tay mình khệ nệ xách ra ngoài cổng nhà riêng ở 11 Lê Phụng Hiểu và đứng đợi, việc cúng lễ Giao thừa Cụ để cụ bà và các con lo liệu.
Cụ đứng trong giá lạnh đêm Giao thừa như thế nhiều năm, âm thầm lặng lẽ, không phóng viên chụp ảnh đưa tin, không nhà đài tường thuật trực tiếp, không cán bộ thành phố hay quận, phường, ban, ngành tiền hô hậu ủng, bố cáo rùm beng, không cảnh sát rầm rập chăng dây, kéo ba-rie cấm đường, hụ còi inh ỏi.
Cụ một mình đứng đợi, cốt để chờ những người thợ quét đường và đổ rác chuyến cuối cùng của một năm âm lịch đi qua, thì Cụ gọi họ dừng lại và tự tay mình đưa biếu những túi quà Tết cho những người thợ của Công ty Vệ sinh Hà Nội thời ấy.
Tất cả những “phu quét đường” ấy không bao giờ biết rằng người đàn ông cao dong dỏng, mang cặp kính cận dày cộp dưới vầng trán thanh khiết, khuôn mặt đầy trí thức anh minh mà gần gũi hiền từ, người trao tặng họ những túi quà Tết thân thương trong đêm Giao thừa ấy chính là vị Chủ tịch kính mến của Thủ đô.
Chuyện thứ hai là chuyện trong nhà.
Khi cô em gái tôi lấy chồng là con trai của người giúp việc ở cơ quan của Cụ Hưng, cả hai đứa em nghèo lắm, mà khi ấy, giữa những năm 1970, cả Hà Nội nhà ai cũng nghèo xơ nghèo xác cả thôi.
Em gái và em rể tôi, như mọi cặp uyên ương Hà thành ngày ấy, chúng ao ước muốn có một chuyến xe ô tô đón dâu và chở quan viên 2 họ ra phòng cưới. Nhưng tiền thuê xe không đủ đã đành, mà việc thuê được ô tô đám cưới ngày ấy còn khó hơn thuê chuyên cơ thời nay.
Biết chuyện, Cụ Hưng đã trực tiếp liên hệ với Công ty Xe khách Hà Nội, trụ sở ngày ấy đóng ở phố Nguyễn Công Trứ. Rồi Cụ đã bỏ tiền riêng của mình ra thuê chuyến xe bus để mừng đám cưới cho hai đứa em tôi, cũng là hai đứa con của người giúp việc của Cụ.
Tôi mãi không bao giờ quên được cái cảm giác vui sướng khi dắt tay cha mẹ mình bước lên chiếc xe bus Karosa Tiệp Khắc đẹp nhất thành phố thời ấy. Đèn trong xe bật sáng choang, ghế đệm da êm như salon , mùi xe mới thơm phức, cứ như một lâu đài di động.
Xe cứ bật đèn trần suốt chặng đường từ nhà gái lên đến phòng cưới Trăm Hoa trên phố Bà Triệu, soi rõ khuôn mặt hân hoan hạnh phúc của cô dâu chú rể, ánh mắt đầy vẻ tự hào của phụ huynh nhà trai, nhà gái và người thân hai họ, khi được ngồi trên chuyến xe hoa do đích thân vị Chủ tịch thành phố thuê mừng cho lễ thành hôn của con em mình.
Sau này, nhiều dịp công tác chễm chệ trên Boing bay đi khắp mọi phương trời, tôi cũng không có được cảm giác lâng lâng như khi ngồi trên chiếc xe Karosa tối hôm ấy.
Hễ cứ nhớ đến hai câu chuyện kể trên, và nhiều chuyện đời thường nữa của Cụ Hưng, tôi nhiều khi cứ trăn trở nghĩ, bằng cách nào, Cụ Hồ và những nhà lãnh đạo cách mạng thuở ban đầu của nền Cộng hoà Dân chủ lại có thể lựa chọn, có thể cảm hoá, có thể “biến” những vị trí thức tinh hoa của thời thực dân, những người con của các quan lại thời phong kiến, những cậu ấm cô chiêu của chế độ cũ như Cụ Hưng và nhiều cụ khác như Cụ Hưng, đã không chỉ hồ hởi đi theo Cụ Hồ và cách mạng, mà còn trong suốt cả quãng đời công tác sau đó, họ thực sự trở thành những người “đầy tớ của nhân dân”.
Họ không chỉ gần dân, vì dân, yêu thương dân, mà còn sống một cuộc sống giản dị như dân, ngọt bùi đắng cay chia sẻ cùng dân như những người thân trong một gia đình?
Rồi tôi cũng lại trăn trở không hiểu được, tại sao ngày hôm nay, không ít vị cán bộ lãnh đạo Hà Nội, là con em công nông binh chính hiệu, xuất phát điểm trở thành lãnh đạo Hà Nội là luỹ tre làng với chuồng trâu ọp ẹp và đụn rơm nát trước chái nhà tranh vách đất, vậy mà họ chao ôi là quan cách, chao ôi là quan liêu, là xa hoa và trịch thượng, là xa dân, khinh dân, thậm chí có lúc còn hại dân vì thói tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền đến bạo ngược?
Sự “đảo trục”và “ngược chiều” ấy, sự "tự diễn biến” ấy của “một bộ phận không nhỏ” trong lứa cán bộ hôm nay với thế hệ cán bộ cách mạng cha anh (sau 1954) nói trên xuất phát từ đâu, do ai và vì cái gì?
Có thể các bạn tự có câu trả lời cho mình, còn tôi, tôi thấy khó trả lời cho những câu hỏi đó y như khi bị ai đó hỏi, vì sao nước Hồ Gươm lại “xanh màu xanh rau muống”, và trên núi Nùng linh thiêng lại mọc cây quả thối.
Nghĩ về, viết về Cụ Hưng, mới thấy làm Chủ tịch Hà Nội, không chỉ cần những phẩm chất mà tôi mạn phép bạo miệng chủ quan nhắc đến trong bài viết cũ của mình, mà cần phải bổ sung thêm một điều nữa hôm nay.
Hà Nội - Thủ đô - Trung tâm gì gì của cả nước, nhiều lắm, tôi không nhớ hết. Nhưng Hà Nội nhất định phải không chỉ là trái tim, mà còn là bộ mặt của quốc gia. Nên, hoàn toàn không duy mỹ, tôi cho rằng, người đứng đầu Hà Nội nhất quyết phải ĐẸP, rất ĐẸP, đẹp cả trong lẫn ngoài, đẹp cả hình thức và nội dung. Có như thế, mới đẹp mặt Hà Nội, đẹp mặt cả nước.
Phải ĐẸP như Cụ Hưng mà Cụ Hồ đã lựa chọn vô cùng tài tình để làm Chủ tịch Hà Nội suốt 23 năm trường ấy!
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 14/8 Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 14/8, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 21 triệu, hơn 752 ... |
Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long 2 thấp thỏm vì đại dịch Mấy hôm nay, chồng Hằng thi thoảng lại giục vợ xin nghỉ việc để về quê sớm. Anh bảo cô: “Đằng nào cũng sắp nghỉ ... |
Hoa quả miễn phí và lời hứa của anh bán rau "Không đeo khẩu trang bán đắt gấp đôi", "Đeo khẩu trang hở mũi không thêm hành ngò". Đó là thông điệp trên tấm biển của ... |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 23/11/2024 15:28
Đằng sau những sắc thuế!
Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 sẽ biểu quyết về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) vào ngày 26/11. Theo dự thảo luật (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng thuế VAT 5% sẽ tăng lên 10%.
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.