TS. Bùi Sỹ Lợi đề xuất 6 nội dung cần sửa đổi trong Luật Công đoàn
Hoạt động Công đoàn - 04/11/2023 18:40 HỒNG NHUNG
Tại Hội nghị tập huấn, đối thoại về pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) khu vực phía Bắc, do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức vào ngày 2/11/2023, TS. Bùi Sỹ Lợi - chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội đề xuất 6 nội dung cần sửa đổi trong Luật Công đoàn.
Theo TS. Lợi, Luật Công đoàn là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua.
Tuy nhiên, trong thực tế Luật Công đoàn cũng tồn tại một số bất cập như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp; hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền còn chồng chéo và chưa hợp lý; các quy định đảm bảo công khai, minh bạch tài chính công đoàn chưa rõ ràng, cụ thể; cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và cụ thể, tính khả thi không cao…
Chính vì thế, việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn cơ sở.
Hội nghị tập huấn, đối thoại về pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) khu vực phía Bắc, ngày 2/11/2023. |
TS. Lợi đề xuất 6 nội dung cần sửa đổi trong Luật Công đoàn như sau:
1. Khẳng định địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, sửa đổi Luật Công đoàn phải bám sát và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp 2013. “Cần xác định rõ về tên gọi là “Công đoàn Việt Nam”; bỏ các cụm từ: “là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và “cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”; cụ thể hóa nội hàm khái niệm “người lao động (NLĐ)” là “công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức”; bổ sung nội dung “về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ kể cả lao động khu vực phi chính thức cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động 2019; sắp xếp lại các cụm từ “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát”… để đảm bảo tương thích với Hiến pháp năm 2013 và thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam”, TS. Lợi nêu chi tiết.
2. Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn
“Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 02 về ‘Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới’. Do đó, Luật Công đoàn cần phải thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng”, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Ông chia sẻ thêm: “Tôi đã từng thắc mắc rằng, tại sao công đoàn thì theo ngành dọc, lương lấy từ kinh phí công đoàn mà Tỉnh ủy lại quyết định biên chế của công đoàn? Điều này là chưa đúng theo tinh thần cải các thủ tục hành chính. Vì vậy, chúng ta cần sửa đổi nội dung này!”.
3. Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong hoàn cảnh mới (các điều 26, 27 và 29)
Về tài chính công đoàn (khoản 5 Điều 26)
Luật Công đoàn nên bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn vì đảm bảo tính linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn (ví dụ như đại dịch Covid-19 vừa qua hoặc trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn).
“Tuy nhiên, về cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm kinh phí công đoàn đang có hai loại ý kiến: Thứ nhất, giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Thứ hai, giao Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt, kịp thời và thống nhất với các nội dung liên quan về kinh phí công đoàn. Việc cần làm là bổ sung dự thảo văn bản quy định về vấn đề này”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ.
Đối với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ (khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012), cần thiết phải sửa đổi nội dung này vì liên quan đến sửa đổi, bổ sung tại các điều khác sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề này.
TS. Lợi cho rằng, đây là vấn đề được dư luận, người sử dụng lao động hết sức quan tâm. Ông cho biết, dư luận đang có 2 luồng ý kiến: Tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%, đồng thời bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn và đề nghị điều chỉnh mức thu nộp kinh phí công đoàn một cách phù hợp mà vẫn bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức Công đoàn nhưng không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, NLĐ. Có thể là quy định mức tối đa không quá 2% hoặc thấp hơn quy định hiện hành.
Đồng thời, ông Lợi cũng đề nghị phải gắn vấn đề tài chính công đoàn với đổi mới, nâng cao chất lượng, tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động của công đoàn và không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội cho đoàn viên công đoàn và NLĐ.
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 27)
Phân bổ nguồn kinh phí công đoàn (khoản 2, Điều 27): Về nguyên tắc phải bám sát và quy định để thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời, để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua về việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, TS. Lợi lưu ý, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa tổ chức công đoàn với các tổ chức của NLĐ khác, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới, được phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (kể từ ngày 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực).
Thứ hai, làm rõ cơ sở thực tiễn, pháp lý của việc quy định phân bổ kinh phí 2% theo tỷ lệ hợp lý (25% và 75%). Cân nhắc để quy định không chỉ ưu tiên cho công đoàn cơ sở, thành lập công đoàn cơ sở tại những nơi chưa có công đoàn mà còn hỗ trợ các thiết chế quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
TS. Bùi Sỹ Lợi đề xuất sửa đổi 6 điều trong Luật Công đoàn. |
Về việc sử dụng nguồn kinh phí công đoàn, quản lý sử dụng tài chính công đoàn (khoản 3, khoản 4 Điều 27)
TS. Lợi đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, bổ sung đầy đủ các nội dung chi phù hợp, đầy đủ để bảo đảm tính khả thi của Luật.
Đồng thời, TS. Lợi cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu để có thể quy định tỷ lệ tối đa chi bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý công đoàn các cấp và tỷ lệ tối thiểu chi trực tiếp cho NLĐ.
Thứ hai, giao Chính phủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí công đoàn và giao Bộ Tài chính quy định về chế độ, định mức chi để bảo đảm sự công khai, minh bạch.
Về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, công khai tài chính Công đoàn (Điều 29)
TS. Lợi cho biết, nguồn tài chính công đoàn được hình thành từ 04 nguồn khác nhau và mỗi nguồn lại có tính chất riêng, do đó cơ chế quản lý, sử dụng cũng cần phải có sự phân định tách bạch, ngoài việc bảo đảm quyền tự quyết, độc lập của tổ chức Công đoàn nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Do đó, việc bổ sung quy định cụ thể việc thực hiện kiểm toán định kỳ và đột xuất; bổ sung quy định rõ việc các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hằng năm tại Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn để bảo đảm tăng cường tính công khai, minh bạch.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị, cần nghiên cứu để bổ sung quy định việc định kỳ (02 hoặc 03 năm một lần) Tổng Liên đoàn báo cáo Quốc hội về việc thu, chi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí công đoàn.
Cán bộ công đoàn tham gia tập huấn và đối thoại về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). |
4. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5)
Theo TS. Lợi, NLĐ trong bất kì hình thức nào, có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động (khu vực chính thức và phi chính thức) thì công đoàn đều có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của họ.
Đặc biệt, đối với NLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động thì công đoàn bảo vệ cho họ phải được trả tiền lương, tiền công không thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước và được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
Điều này cũng nhằm tạo sức hấp dẫn để NLĐ tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn, và cũng phù hợp với việc Bộ luật Lao động điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động.
“Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá tác động về mặt kinh tế và xã hội có nên thống nhất đưa vào Dự thảo Luật Công đoàn quy định lao động là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam theo hợp đồng có được gia nhập tổ chức Công đoàn hay không? Và nếu được thì được tham gia với tư cách là đoàn viên, mà không tham gia vai trò lãnh đạo công đoàn từ cơ sở trở lên”, TS. Lợi bổ sung thêm.
5. Quyền tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 14)
TS. Lợi phân tích, theo Điều 10 của Hiến pháp 2013 và Điều 1 của Luật Công đoàn 2012, thì công đoàn được tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 14 của Luật Công đoàn quy định “Công đoàn chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ”. Do vậy, TS. Lợi cho rằng, cần thảo luận làm rõ hơn về vấn đề này.
6. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với NLĐ ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (Điều 17)
“Luật Công đoàn nên sửa đổi tên và nội dung Điều 17 của Luật Công đoàn năm 2012 nhằm đảm bảo phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Tôi đề nghị thảo luận cho ý kiến về vai trò của công đoàn cấp trên không chỉ với các trường hợp theo quy định tại Điều 17, mà trong nhiều trường hợp khác. Ví dụ như, một số trách nhiệm phát sinh từ việc công đoàn cấp trên cơ sở tạm giữ số kinh phí công đoàn 2% đã thu để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội đề xuất.
Tọa đàm về những vướng mắc trong hoạt động công đoàn và thi hành Luật Công đoàn năm 2012 Ngày 21/4, Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức tọa đàm khoa học về những ... |
Thái Bình: Từ thực tiễn hoạt động hướng tới hoàn thiện Luật Công đoàn Ngày 30/5/2023 tại Thái Bình, Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao ... |
Bảo đảm hoạt động công đoàn về công tác cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn Công tác cán bộ là công việc quan trọng của Đảng và các đoàn thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 18:44
Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
Với hơn một thập kỷ gắn bó với Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ - MICCO, anh Bùi Công Quyền đã trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ lái xe. Nhưng phía sau tay lái ấy là một người đàn ông với những trăn trở, khát vọng vượt xa khỏi công việc hằng ngày.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 17:04
LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
Dự kiến hơn 38.000 đoàn viên, người lao động khó khăn được LĐLĐ tỉnh Long An hỗ trợ, chăm lo Tết.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 16:11
Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc…
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 08:44
Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Căn bệnh trầm cảm sau sinh đã biến tôi từ con người năng động, lạc quan trở thành người sống khép kín, đầy sợ hãi. Tình thương ấm áp, bao dung như người mẹ của cô Huỳnh Lan Phương, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phan Văn Trị (phường 07, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã giúp tôi có một sự sống mới.
Hoạt động Công đoàn - 21/11/2024 13:42
Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
Cô giáo Vũ Thị Tú - Trường Mầm non Kiều Mai (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một giáo viên yêu nghề, một công đoàn viên đầy nghị lực. Cô đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, vẫn hằng ngày vừa công tác, chăm lo cuộc sống gia đình và tiếp tục chống chọi với bệnh tật. Song hành với những tháng ngày đầy gian nan đó, công đoàn trường luôn bên cạnh quan tâm, giúp đỡ cô.
Hoạt động Công đoàn - 21/11/2024 06:38
Nghĩa tình keo sơn ở Công đoàn Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội
Anh Trịnh Xuân Dũng - công nhân bán lẻ xăng dầu tại Petrolimex - Cửa hàng 83 - Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội (Công ty Xăng dầu khu vực I - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) là một tấm gương yêu ngành, yêu nghề và nghị lực vượt lên số phận. Mỗi khi nghĩ về người đồng nghiệp này, trong tôi lại trào lên một cảm xúc khó tả.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng