Trực tiếp: "Tọa đàm quản lý chi tiêu và giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong CN"
Việc làm - tuyển dụng - 24/07/2020 14:20 Nhóm PV
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đó là những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tại Bình Dương, tính đến 23/7/2020, toàn tỉnh Bình Dương có 297 doanh nghiệp với gần 144.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó số bị chấm dứt hợp đồng lao động 13.145 người; số lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 55.874 người, số lao động phải giảm giờ làm việc gần 94.219 người. Khi thu nhập giảm thì chi tiêu cũng phải thay đổi theo.
Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn |
Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho hay, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống, cướp đi số giờ làm việc của người lao động. Chi phí căn bản tăng, cùng với chi phí hàng ngày, chi phí đột xuất… nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì người lao động khó kiểm soát chi phí. Buổi tọa đàm sẽ giúp người lao động lập kế hoạch chi tiêu với các ứng dụng thông minh hạn chế sử dụng tiền mặt là xu hướng hiện đại, cùng chia sẻ của các chuyên gia và trải nghiệm thực tế, giúp người lao động quản lý đồng tiền, có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tránh rủi ro khó khăn trong chi tiêu. Không chỉ có lợi cho người lao động mà còn mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Tại các khu công nghiệp, với số lượng công nhân lao động lớn nhưng việc ứng dụng các công nghệ, phần mềm điện thoại thông mình cho các dịch vụ ngân hàng điện tử là rất ít, dẫn đến tình trạng ùn tắc mỗi khi rút tiền tại trụ ATM, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương |
Tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, quản lý chi tiêu là bài toán không chỉ được đặt ra khi dịch Covid-19 ập đến mà đó là vấn đề rất được đoàn viên, công nhân lao động quan tâm. Thực tế, một bộ phận công nhân biết cách chi tiêu hợp lý, họ có tích lũy nên khi đối mặt với dịch Covid-19, gia đình họ vẫn có nguồn tài chính để xoay xở được.
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, rất nhiều công nhân chưa biết cách quản lý chi tiêu, tài chính trở nên khó kiểm soát, công nhân lao động dễ rơi vào tình trạng túng thiếu, dễ dẫn đến việc cầm cố mua bán sổ BHXH, vay nặng lãi, dính “bẫy” tín dụng đen…
"Bên cạnh những tác động tiêu cực thì nếu nhìn một cách lạc quan thì dịch Covid-19 cũng có những tác động tích cực khi đã thúc đẩy chúng ta ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng, quyết liệt vào quản lý, điều hành, giải quyết công việc; nhiều phương án làm việc như làm việc từ xa, làm việc tại nhà… được đưa ra mà vẫn đảm bảo được hiệu quả. Đặc biệt, để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, việc chi tiêu không tiền mặt trong các giao dịch thời gian qua cũng được thúc đẩy và trong cộng đồng tập trung đông người như các doanh nghiệp thì việc chi tiêu không tiền mặt rất cần được phát triển”, bà Trương Thị Bích Hạnh chia sẻ.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia cũng cảnh báo với thói quen sử dụng tiền mặt cao của người Việt, tiền mặt hoàn toàn có trở thể thành một ổ bệnh nếu chẳng may dính virus SARS-CoV-2 từ người nhiễm bệnh. Ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trên mọi lĩnh vực. Vì thế chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt xu thế này và áp dụng vào đời sống thì mới theo kịp sự phát triển của công nghệ và những thay đổi trong nền kinh tế xã hội của đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta, những người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với sự tiện lợi nhưng cũng là áp lực bắt buộc chúng ta phải thay đổi thói quen cũ.
Tọa đàm “Quản lý chi tiêu và giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong công nhân” là một trong những hoạt động của tổ chức Công đoàn xuất phát từ nhu cầu thực tế của đoàn viên, người lao động, là ví dụ cụ thể chứng tỏ sự đổi mới trong hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới.
Diễn giả Quách Tuấn Khanh |
Khán giả chăm chú theo dõi chương trình |
Say sưa nghe diễn giả trình bày |
Hào hứng tham gia chương trình |
Và thích thú, tập trung theo dõi |
Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Tư duy ngắn hạn khi dùng tiền
Tại tọa đàm, diễn giả Quách Tuấn Khanh chia sẻ cách chi tiêu và quản trị tiền bạc thông minh với đông đảo người lao động.
"Tôi khẳng định là các bạn chưa bao giờ được dạy cách xài tiền. Tôi gặp nhiều người không biết trả giá. Với tôi đồng tiền đi liền khúc ruột, thà mất mặt chứ không mất tiền. Nhiều người sẵn sàng chi tiền để có cái mặt đẹp. Chỉ vì muốn bạn bè nể. Nhiều người kiếm được rất nhiều tiền nhưng không có kỹ năng xài tiền”, diễn giả mở đầu phần chia sẻ.
Trò chuyện với các bạn công nhân, ông Khanh khẳng định có những người thu nhập 1.000 - 2.000 USD cũng không thấy đủ cho chi tiêu. Người thu nhập dưới 15 triệu đồng, mua đồ chơi cho con là hàng nhựa Trung Quốc, còn nếu thu nhập cao hơn, sẽ mua đồ chơi hàng Anh, Pháp, Mỹ có giá tới vài triệu.
“Bạn mua quà cho con làm gì? Ai vui, con hay mình? Bạn vui khi thấy con vui, nhưng thật ra đứa nhỏ nó lại không vui với món quà. Con bạn 2-3 tuổi, bạn cho kẹo hay món đồ giá trị 500 ngàn nó sẽ thích hơn. Bạn nghĩ rằng thương con nên phải mua đồ đắt giá? Không quan trọng đó là hàm lượng vui của con nhỏ”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho biết, con cái của mình bây giờ hầu như không biết niềm vui khi đến tết được mặc áo mới vì thực sự ngày nào chúng cũng mặc đồ mới.
“Con trẻ bây giờ nếu mặc đồ mới rồi chỉ vui 30 giây thôi, rồi nó sẽ hỏi bạn có còn gì nữa không? Bao nhiêu tiền cũng không đủ. Quan trọng là nhu cầu xài tiền của bạn như thế nào? Ai cũng tốn tiền nếu không biết cách quản lý nhu cầu dùng tiền của mình. Trong cuộc sống hiện đại, quá nhiều phương tiện truyền thông, người tiêu dùng móc tiền mua nhiều thứ, nhu cầu tiêu dùng đồ đạc là không có giới hạn”, ông Khanh nhận định.
Diễn giả này cho rằng, thực ra thói quen xài tiền của chúng ta hình thành từ nhỏ mà có thể chúng ta không biết.
Theo đó, diễn giả dẫn ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi để trả lời cho việc dùng tiền. Điều đầu tiên, điều gì điều khiển cách bạn xài tiền? Bạn được dạy gì về tiền từ khi còn nhỏ? Thói quen xài tiền của bạn? Cảm xúc của bạn với tiền? Thành công hay thất bại nào với tiền mà bạn từng trải hay tận mắt chứng kiến?
Bạn dùng tiền mua gì? Bạn dùng tiền mua cảm xúc vui vẻ, tôn trọng của người khác, mua cảm giác bình yên, mua vui, đó là lý do bạn đổ tiền nhiều vào giải trí, xem phim, đi nhậu... Nhậu không hề tốt cho sức khỏe nhưng vì sao ta vẫn thích nhậu, vì vui. Thưa với bạn hãy hiểu, chúng ta dùng tiền mua gì!
Bạn mua một cái áo mới, chụp hình đăng facebook để khoe cái áo mới. Thực chất giá trị, ích lợi thực sự mà bất kỳ món đồ nào bạn mua về không hề quan trọng bằng cảm giác, cảm xúc bạn có được. Tất cả những nhà kinh doanh họ đều đánh vào cảm xúc người dùng. Tất cả những quảng cáo, thay vì nói mua sữa này tốt cho con thì họ quảng cáo mua sữa này thể hiện tình thương với con…. và bạn tin điều đó.
Bạn biết sao vẫn vướng? Bạn không hình dung được điều gì quyết định hành vi mua sắm của bạn. Cách nhanh gọn tiết kiệm trong tiêu xài đó là tắt tivi, đừng để truyền thông tác động nhiều. Suy cho cùng mọi thứ đều là thói quen.
Diễn giả cũng chia sẻ hành vi mua những thứ không cần thiết. Món đồ này có thực sự cần hay không? Nếu mua món đồ này bạn sẽ mất cái gì? Nếu ngày mai mình quay lại mình có còn hào hứng mua nó nữa hay không? Đa số là không.
“Trước khi đi ra siêu thị cần vạch ra mình cần mua gì và tới siêu thị thì đi thẳng tới quầy có món đồ cần mua”, ông Quách Tuấn Khanh nhấn mạnh.
Ông Khanh cũng khuyên người lao động hãy tập trung vào công việc của mình, chăm chút nó. Ông cho rằng, nhiều người không yêu công việc của mình, xem thời gian đi làm là thời gian khổ sở. Sau giờ làm là bắt đầu tung tăng xài tiền, vì thấy quá khổ khi làm việc nên xài tiền để mua cảm giác thoải mái.
“Thời kỳ Covid-19, tôi không được đi chia sẻ, tôi phải lên livestream để tìm niềm vui trong công việc, trong cuộc sống. Hãy thay đổi quan niệm về cuộc sống, về hạnh phúc”, ông Khanh chia sẻ.
Ông Khanh cũng khuyên người lao động nên hình thành thói quen theo dõi chi tiêu. Theo dõi từ tiền nhà, tiền ăn uống, tiền đi lại, tiền sinh hoạt, tiền học cho con… Và đừng chi tiền theo cảm xúc. Nếu thực sự đang khó khăn phải hết sức cẩn thận trong chi tiêu. Nếu thấy “lố” thì phải điều tiết lại.
Diễn giả cũng cho rằng xài tiền thông minh là phải có kế hoạch. Phải lập mức tổng thu nhập, tổng chi phí, lập quỹ tiết kiệm, lập quỹ khẩn cấp, loại bỏ các khoản nợ.
Tọa đàm cùng các khách mời
Khách mời tham gia tọa đàm |
Vì sao công nhân chưa tiếp cận nhiều?
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương lý giải: Nguyên nhân cơ bản người lao động ít biết đến các sản phẩm thanh toán thông minh là họ thiếu kỹ năng và thông tin. Bên cạnh đó, ứng dụng dùng thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều và hình thức phù hợp với nhu cầu công nhân chưa nhiều.
“Người lao động họ thực tế lắm, nên truyền thông cần triển khai để họ thấy được lợi ích, quen thì họ sẽ thay đổi và sử dụng nhiều hơn”, bà Hạnh nói.
Đại diện Vietcombank, bà Đặng Thị Hương, khuyến nghị: Không dùng tiền mặt và khi sử dụng các tiện ích giao dịch điện tử, người dùng khá thuận lợi trong việc chi tiêu, đơn giản như sẽ không phải xếp hàng ở máy ATM rút tiền khi được trả lương, không phải chờ đợi.
Theo bà Hương, các ngân hàng đang phát triển các dịch vụ giao dịch tiện lợi, nhanh chóng, gần cuộc sống, cũng như có nhiều sản phẩm cung ứng như thanh toán tiền điện nước, viện phí… Ngay như với nhà trọ, các chủ nhà có thể mở 1 tài khoản để hàng tháng người thuê trọ chuyển tiền vào. Ngoài ra, có các app thanh toán, tài khoản tiện ích tiết kiệm tự động.
Còn theo đại diện Viettel Pay, các ứng dụng thương mại điện tử có lợi ích nhanh, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, thanh toán mọi lúc mọi nơi và đang ngày càng trở nên thuận tiện. Những giá trị này sẽ mở rộng việc tiếp cận của người lao động.
Đại diện Vietinbank bổ sung thêm, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đối với nền kinh tế là giảm nhiều chi phí; tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền.
Cùng đó, chống lại việc thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch; giảm rủi ro rửa tiền, nói cách khác là kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp.
Ngoài ra còn hỗ trợ huy động tích tụ các nguồn vốn tạm thời chưa sử dụng đến của người bán hàng vào cơ quan tín dụng, tạo nguồn cho tài khoản để thực hiện thanh toán; tăng nhanh vòng quay vốn cho xã hội, góp phần tăng cường nhu cầu vốn cho xã hội.
Còn đối với người dân, đại diện Vietinbank cũng nhấn mạnh những lợi ích khi mua sắm đó là tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán… Bên cạnh yếu tố an toàn hơn so với giao dịch tiền mặt hoặc mang theo tiền mặt có thể gặp rủi ro, người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt còn hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại khi thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng…
"Có nỗi sợ hãi khi tiếp cận cái mới"
Từ phía công nhân, câu hỏi đặt ra tại hội trường: Việt Nam chúng ta đang là nước có mức thu nhập trung bình thấp, làm thế nào để các ứng dụng ngân hàng điện tử trở nên phổ biến với mọi đối tượng người dùng?
Đại diện Viettel Pay trả lời, mỗi người chỉ cần sở hữu 1 số điện thoại di động thì có thể sở hữu ứng dụng Viettel Pay để thể trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt.
Còn theo bà Hạnh, phải thông tin truyền thông để người lao động biết được thanh toán không dùng tiền mặt có lợi như thế nào; phải có chính sách khuyến khích, khi quen, thấy có lợi thì chắc chắn sẽ thay đổi thói quen và sử dụng.
Diễn giả Quách Tuấn Khanh thì nhấn mạnh rằng: "Có nỗi sợ hãi khi tiếp cận cái mới".
Ông diễn giải, thứ nhất ra ngoài phải có tiền trong túi. Thứ hai là sợ người ta quản lý tiền của mình. Nhưng giữ tiền trong túi ít an toàn nhất, giữ tiền trong ngân hàng an toàn hơn, trộm không lấy được.
Và thứ ba, nhiều người không quen công nghệ, đặc biệt lần đầu khai báo thông tin khi sử dụng, nên cần hướng dẫn cho tốt vì tiện lợi.
“Giờ nằm ở nhà tôi mua đồ, chuyển khoản, nói chung rất thích khi dùng quen. Chủ yếu là phải tạo thói quen”, ông Khánh nói.
Cần thay đổi nhận thức người dùng
Cùng nhận định với ông Khanh, đại diện Vietinbank cho rằng, giải pháp để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong công nhân cũng như trong nền kinh tế trước hết cần thay đổi nhận thức của người dùng, do những người dùng quen với phương thức cũ, phương thức truyền thống là sử dụng tiền mặt.
"Viêc thay đổi nhận thức này cần trải qua một quá trình dài trong việc truyền thông và sử dụng trải nghiệm của người dùng", đại diện Vietinbank nói.
Thứ hai, về phía ngân hàng, Vietinbank không ngừng đổi mới và hoàn thiện ứng dụng ngân hàng điện tử, cập nhật các tính năng, tiện ích đa dạng đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Ví dụ như trước đây chủ yếu là dùng ngân hàng điện tử để chuyển tiền thì hiện tại đã có thể dùng ngân hàng điện tử để gửi tiết kiệm online, thanh toán mua sắm, giải trí, du lịch, thanh toán hóa đơn,…
Thứ ba, Vietinbank phối hợp các đơn vị ban hành các chính sách ưu đãi cho khách hàng khi sử dụng Ngân hàng điện tử Vietinbank iPay: giảm giá khi thanh toán qua Vietinbank QR Pay, cộng lãi suất khi gửi tiết kiệm online qua Vietinbank iPay.
Cuối cùng, cần có sự hợp tác của các đơn vị cung cấp hàng hóa trong việc tăng cường/khuyến khích thanh toán bằng phi tiền mặt. Ví dụ như có một số nơi không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, có các chương trình ưu đãi khi thanh toán bằng QRPay, Ví điện tử …
Đại diện Vietcombank cũng nhấn mạnh đến cả yêu cầu đặt ra từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Đó là không ngừng đổi mới và phát triển các tiện ích, dịch vụ. Như vừa qua, Vietcombank ra mắt sản phẩm mới tích hợp Mobile banking, Internet banking… chỉ cần 1 user, pass dùng chung, rất tiện lợi.
Và những ví dụ từ thực tiễn…
Đại diện các công nhân tham dự tọa đàm, một câu hỏi đặt ra gắn với nhu cầu nổi bật hiện nay: “Nếu tôi muốn vay một khoản tiền nhỏ trong thời gian gấp, thủ tục không quá phức tạp thì có ngân hàng nào hỗ trợ được không?”.
Đại diện Vietinbank trả lời: Ngân hàng có những quy định nhất định. Đối với người lao động ở Bình Dương, có hai hình thức vay trong tài khoản đảm bảo để vay tiêu dùng, sửa chữa nhà, thời hạn vay tối đa 20 năm; vay tín chấp người lao động có nhận lương qua thẻ Vietinbank với điều kiện có hợp đồng lao động. Một trong những điều kiện là tiết kiệm chi tiêu tích lũy hàng tháng từ 100.000 đồng trở lên.
Liên quan đến tính đại chúng của dịch vụ, có ý kiến phản ánh đang dùng Vietcombank Banking để chuyển tiền nhưng vì sao đăng nhập vào lại không được?
Đại diện Vietcombank giải thích, trong quá trình sử dụng có một bước nào đó chưa đúng.
“Ví dụ người lao động hôm qua có hỏi chúng tôi rằng nhập hoài ứng dụng không được để chuyển tiền. Nhân viên ngân hàng đã kiểm tra thì do người đó đã nhập sai ký tự mật khẩu”, đại diện Vietcombank nêu một thực tế.
Về tiện ích và lợi ích, tại tọa đàm, bà Bích Hạnh chia sẻ rằng bản thân cũng đã thử sử dụng Viettel Pay trước khi chương trình diễn ra và thấy được rằng rất tiện ích, thú vị. Đơn giản nhất là trong việc mua thẻ nạp điện thoại ngay trên app mà không cần sử dụng tiền mặt ra quán mua.
Sau chương trình bà Hạnh kêu gọi đoàn viên, cán bộ công đoàn và người lao động làm hai việc, đó là sẽ tiết kiệm trước khi chi tiêu, ít nhất là 100.000 đồng/tháng, mọi công nhân có thể làm; thứ hai là chúng ta sẽ sử dụng 1 app để chuyển tiền, thanh toán tiền xem hiệu quả, lợi ích của nó như thế nào.
Trong chương trình tọa đàm, đại diện các ngân hàng, Viettel Pay và các diễn giả giao lưu, tương tác cụ thể với người lao động. Khi thực hiện các dịch vụ giới thiệu tại tọa đàm, hầu hết trong hội trường khoảng 300 công nhân, viên chức, lao động đều đã hiểu được cách sử dụng các app chuyển tiền, thanh toán nhanh… và họ sẵn sàng tham gia sử dụng.
Đến với chương trình, nhiều khán giả may mắn còn nhận được nhiều phần quà hấp dẫn từ Ban Tổ chức.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương và ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn trao quà cho các khán giả may mắn tham dự buổi tọa đàm. |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 24/7 |
‘Ai là thủ phạm?’ |
Việt Nam dự kiến có vắc-xin ngừa Covid-19 vào tháng 10/2021 |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 17/11/2024 12:17
Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép ở Quảng Bình tuyển hàng trăm lao động phổ thông
Hoạt động trong lĩnh lực sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí việc làm, với hơn 100 lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 16/11/2024 16:36
Sơn Hà SSP Việt Nam tuyển nhiều công nhân và kỹ sư: thu nhập hấp dẫn, phúc lợi vượt trội
Để đáp ứng tiến độ sản xuất cuối năm và mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí, bao gồm công nhân, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện và nhân viên kiểm tra chất lượng (QC).
Việc làm - tuyển dụng - 09/11/2024 07:00
1.337 vị trí việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ngày 8/11/2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội diễn ra Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thu hút 45 doanh nghiệp với 1.337 vị trí việc làm.
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Công ty CP Xi măng Sông Gianh tuyển 55 lao động có chuyên môn
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics tuyển hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu/tháng
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Tuyển hơn 300 công nhân cao su tại Quảng Bình
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.