Trịnh Công Sơn - Người trong cõi nhớ
Kinh tế - Xã hội - 02/04/2022 12:17 PHẠM XUÂN DŨNG
Đã tốn rất nhiều giấy mực để giải mã người nhạc sĩ nhưng khó có những trang viết được gọi là sau cùng, và có lẽ không cần phải thế như thể khi ta nhìn vào kính vạn hoa. Ca khúc của ông như những vòng sóng lan tỏa, nhiều khi đến vô cùng. Mặc dù Trịnh Công Sơn sống có vẻ không mấy phức tạp, nhiều ca khúc của ông cũng thấy giản đơn nhưng đó là sự giản đơn tinh lọc của một bậc thầy giác ngộ nên chuyện cảm được mà không nói hết được, nằm giữa sự khả giải và bất khả giải kể cũng bình thường.
Cũng như nhiều nghệ sĩ lớn thực sự, không dễ quy hồi tác phẩm Trịnh Công Sơn thành hàng ngang, hàng dọc như thể học trò sinh hoạt tập thể hay quân đội duyệt binh theo ý muốn vô tình hay chủ quan của người cảm nhận, cũng như không thể đưa về một khuynh hướng chính trị hay sáng tác nào đó mà người ta thích võ đoán, áp đặt theo kiểu "đẽo chân cho vừa giày".
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh tư liệu. |
Trịnh Công Sơn thường vượt ra ngoài những niêm luật xã hội vốn gò bó và đầy định kiến một cách hồn nhiên nhi nhiên. Ông là một nghệ sĩ dù thiên tài nhưng có vẻ ngơ ngác đi giữa dòng đời xô đẩy, tràn ngập thị phi. Hãy để cho ông được chính là mình như bản thể vốn có của một người bình thường: cũng dại dột, cả tin, cũng nghi ngờ, ngộ nhận, cũng vấp váp, xót xa, cũng đau đáu tin yêu rồi bàng hoàng tuyệt vọng, cũng mâu thuẫn ngập tràn, và nhiều khi cũng có thể tầm thường như một con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải là một thần tượng hoàn mỹ không tì vết, được trang trí phấn son lộng lẫy trên bàn thờ mà xa lạ với nhân gian.
Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ hiếm hoi của thế giới khi thổi hồn vía tinh hoa tư tưởng, triết lý, tôn giáo vào ca khúc bằng một cảm xúc chân thành, da diết. Mỗi bài hát của ông đều như mang sinh khí của một con người, hay ít ra cũng là phập phồng da thịt của một linh hồn sống đang cựa quậy vui buồn, muốn nương tựa hồng trần không nỡ chia tay. Nó vừa như cổ tích lại vừa là câu chuyện hôm nay, thậm chí thế sự đến từng hơi thở. Đó quả thật là một kỳ công hy hữu.
Để người đọc dễ nhận diện sáng tác của ông, chúng tôi cũng xin mạn phép cố gắng phân lập nên một số nội dung và sắc thái biểu hiện có tính chất tương đối riêng khi muốn khám phá thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, dù các tác phẩm thành công của ông vẫn luôn lan tỏa, vươn đến sự giao thoa và đa thanh, đa nghĩa.
Khát vọng thái hòa
Khát vọng hòa bình, thèm một cuộc đời an lành, sống tử tế với nhau... vốn là tâm nguyện của loài người lương thiện và đó càng là ý tưởng của các văn nghệ sĩ khi hướng thượng, không riêng gì với Trịnh Công Sơn. Nhưng ước mơ này ở ông luôn mãnh liệt, xuyên suốt và thôi thúc không ngừng, nhất là trong thời điểm khi nước non chia cắt, chinh chiến triền miên.
"Ca khúc Da Vàng", một sáng tạo có một không hai, ít ra là ở Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó như một tiếng nói cất lên từ trong lòng người "con Lạc cháu Hồng" thấy vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc đến nao lòng nao dạ, lại vừa xa cách đến rùng rợn, bi ai. Vì rằng chiến tranh dù là chiến tranh tự vệ chính nghĩa cũng là "cát đất ăn thịt người" (Mạnh Tử) nên những hy sinh, mất mát hữu hình hay vô hình là điều không tránh khỏi và đồng loại, đồng bào dù không muốn cũng phải gánh chịu. Cho nên dù là chiến tranh chính nghĩa thì cũng là cuộc chiến tranh bất đắc dĩ mà thôi, bởi không còn con đường nào khác.
Trong cảm hứng như vậy, ca khúc phản chiến Trịnh Công Sơn khác với nhiều sáng tác "nhạc lính" cùng thời. Ông không thi vị hóa đời lính chiến, không ôn nghèo, kể khổ theo kiểu thông thường, không nói đến sự sinh tử cá nhân của một đôi người, mà đó là kinh nhật tụng, "chuông nguyện hồn ai" cho cả nòi giống Lạc Hồng.
Nhạc sĩ đã sáng tác nên những ca khúc hò đưa linh tập thể, dù có khi nói về cái chết sinh học của một cá nhân hoặc không hẳn thế. "Gia tài của mẹ", " Hát trên những xác người", "Cho một người nằm xuống", "Đại bác ru đêm", "Ca dao Mẹ"... là kinh cầu hồn bằng âm thanh. Đôi khi chiến tranh không giết chết ai cả như trong "Người mẹ Ô Lý " nhưng nó vẫn khiến cho người mẹ mất nhà và trái bí cút côi. Và cho dù không mang thương tích trên da thịt người thì con dân Việt qua chiến tranh cũng phải hứng chịu những chấn thương tinh thần không dễ thuốc thang. Ca khúc Trịnh là người thư ký thông minh và mẫn cảm, đã kê đơn thuốc cho những ai hát nhạc của mình.
Nhạc Trịnh đốt lên ngọn đuốc hòa bình, tạo nên dòng sông cuộn sóng trong hàng loạt ca khúc phản chiến, luôn khước từ bạo lực làm tha hóa con người. Nhưng đau đáu của ông rất nhiều khi thể hiện độc đáo không giống ai khi dường như thi vị hóa chiến tranh để tố cáo chiến tranh gấp bội: "Đại bác ru đêm", "Hát trên những xác người"... thậm chí đưa nhân vật trữ tình trong âm nhạc vào tình thế tới hạn và đầy ắp nghịch lý, nghịch cảnh: "Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình..." để phơi bày những nỗi éo le thế sự , những trái khoáy binh đao.
Hòa bình và yêu thương đồng loại là thông điệp ruột gan của người nhạc sĩ khi ông luôn mong mỏi "Nối vòng tay lớn". Nhìn kỹ lại ca khúc của Trịnh đẹp trong mơ ước bằng an và hợp quần nhưng cũng không tưởng khi muốn níu kéo "một thời Nghiêu Thuấn" xa xưa.
Mang theo ít nhiều ảo ảnh thiện lành, ca khúc Trịnh luôn mang một tâm thế hướng đến thái hòa và ông đã dựng nên trong âm nhạc một triết mỹ an bình lồng lộng.
Thăng hoa tôn giáo
Có thể nói, do ảnh hưởng các tư tưởng triết học và tôn giáo nên ca khúc của ông thường như một hồi chuông vọng lại những trầm tư của một kiếp người.
Dễ thấy ảnh hưởng của thiền, của Phật giáo từ những nhan đề bài hát có vẻ hiển ngôn như: "Đóa hoa vô thường" hay Thiên chúa giáo như "Cát bụi", " Phúc âm buồn", " Dấu chân Địa Đàng"... hoặc đôi khi là những câu hát: "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em xin cứu một người..." (Này em có nhớ).
Khi thưởng thức "Đóa hoa vô thường" người nghe đã lạc vào một cảnh giới khác của Thiền tông, đã chứng ngộ một công án thiền trong âm nhạc, rũ bỏ bớt những bụi bặm sân si và cả những món nợ ưu phiền trần thế. Còn khi cất lên "Phúc âm buồn" (đã Phúc âm là vui nhưng lại kết hợp với buồn, rất nghịch lý) là chấm - hạt - bụi - người vào Kinh Thánh để trị vì một mình trong vương quốc lưu đày chờ đợi điềm lành vẫy gọi.
Tôn giáo với Trịnh đã cấp giấy thông hành cho tâm hồn để mỗi người được sống thêm một kiếp thứ hai, thăng hoa cõi khác, để thấu tỏ nhiều hơn không chỉ một cuộc đời. Tôn giáo, vì vậy hiện lên như một bầu bạn, xoa dịu những nỗi đau và sẵn lòng trao tặng cho nhân gian đức tin cứu rỗi.
Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu |
Ám ảnh hiện sinh
Có thể nói không ngoa rằng, toàn bộ ca khúc Trịnh Công Sơn chất chứa hiện sinh. Và ở những phạm trù cơ bản như: nỗi buồn, nỗi cô đơn, cái chết, sự chờ đợi... thì dễ thấy có sự giao thoa giữa các tư tưởng tôn giáo với chủ nghĩa hiện sinh trong nhiều bài hát, chẳng hạn như "Cát bụi", "Ở trọ", "Ngẫu nhiên", "Dấu chân Địa Đàng", "Phúc âm buồn", "Tiến thoái lưỡng nan"...
Với Trịnh, nỗi buồn và những âu lo, trăn trở hiện sinh là bản thể thứ hai của con người, không thể lánh xa, không thể chối từ, đó phải là một hành trang tinh thần chung thủy, thậm chí là không đầu, không cuối: "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người" (Gọi tên bốn mùa). Vì là thuộc tính con người nên không thể khác: "Ôi, cát bụi mệt nhoài, vết mực nào xóa bỏ không hay" (Cát bụi), "Tôi nay ở trọ trần gian/Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời..." (Ở trọ), và ngay nỗi chờ khắc khoải trong chiến chinh cũng là tiếng thở dài hiện sinh không dứt: "Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ, trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ. Anh lính ngồi chờ, bên đồi hoang vu, người tù ngồi chờ bóng tối mịt mùng. Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm..." (Chờ ngày quê hương sáng chói). Hoặc là: "Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận..." (Tiến thoái lưỡng nan)...
Trịnh từng nói: "Về bản chất, tôi là người bi quan" để đưa tang những sự vui hời hợt, để nối lòng mình với những đoạn trường thế sự cùng anh em bốn phương, tám cõi. Nỗi buồn chính đáng cần phải được vinh danh đúng nghĩa như là một phẩm giá con người, một năng lực nhân tính trong sáng tác của những nghệ sĩ chân chính. Với nghệ sĩ lớn như Trịnh lại càng phải thế. Cho đến khi ông không còn trên cõi tạm nữa thì nhiều người vẫn hình dung nhạc sĩ thường một mình, ngược lối hồng hoang hái lượm nỗi buồn.
Nương nhờ phái đẹp
Hầu như toàn bộ ca khúc của Trịnh Công Sơn đều nương tựa giai nhân. Không có phái đẹp, không có nhạc Trịnh.
Tính nữ là căn bản của nhạc Trịnh, là Mẹ, là Chị, Là Em, là người Đẹp... phải có một "em" để nhạc sĩ vui, buồn, xót xa, cay đắng, đợi chờ và hy vọng, để được sống tận cùng nỗi người trong đời và trong ca khúc của mình. Có điều người đẹp của ông thường cổ điển và thánh thiện. Họ "mình hạc xương mai", "vai em gầy guộc nhỏ", "em gầy muốt dài"... nghĩa là thường "Như cánh vạc bay".
Một người em lý tưởng và có lẽ chỉ tồn tại trong tâm tưởng để cảm hứng sáng tạo, khó có thể cùng nhau đi hết cuộc đời tục lụy trong cõi hồng trần. Một Platonique (tình yêu lý tưởng). Và có cảm giác như vậy là đủ cho cuộc đời một nhạc sĩ thiên tài dễ hiểu mà kỳ lạ.
Bài viết tóm lược này nếu làm được cũng chỉ là một nét chấm phá về chân dung một nghệ sĩ kỳ tài như Trịnh Công Sơn. Chỉ xin nói một điều, ca khúc của ông hát lên là thấy mênh mang và diệu vợi, an ủi vô vàn phận người đã vui và sẽ buồn trong thanh âm trong suốt, vỗ về.
Sinh thời Trịnh Công Sơn không ham hố những danh hiệu trong nghệ thuật nhưng dù vậy vẫn có đông đảo người yêu quý nhạc ông như thể tín đồ. Đó là hồng phúc của nghệ sĩ bậc thầy mang lại cho cuộc đời những quà tặng vô giá mà phải qua nhiều trăm năm may ra tạo hóa mới sinh hạ được một đôi người.
Những ca khúc da diết của Trịnh gần gũi với đạo ca, có tác dụng như một biệt dược tinh thần quý giá, một điều mà ngay cả y học hiện đại nhiều lúc cũng có thể… bó tay. Một thứ âm nhạc như suối nguồn trong ngần, nhưng lạ thay, lại không dễ nhìn thấu đáy.
Công nhân lao động vỡ oà cảm xúc trong đêm nhạc "20 năm nhớ Trịnh Công Sơn" Tối 24/4, chương trình nghệ thuật tưởng nhớ 20 năm ngày mất cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với chủ đề "Những sớm mai Việt ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 09/11/2024 09:00
Samsung Việt Nam tổ chức Ngày hội trách nhiệm xã hội lần thứ 2
Samsung Việt Nam vừa tổ chức Ngày hội trách nhiệm xã hội CSR Day lần thứ 2 nhằm giới thiệu tổng thể về các dự án vì cộng đồng điển hình đang được Samsung triển khai tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới các cơ quan đối tác đã tích cực đồng hành cùng Samsung triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội trong thời gian qua.
Kinh tế - Xã hội - 07/11/2024 19:00
Vinmec có "siêu phẩm" phát hiện chính xác bất thường nhỏ nhất liên quan đến ung thư, đột quỵ
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang (Khánh Hòa) đưa vào sử dụng hệ thống Hệ thống CTScan GE Revolution Apex 1975. Với khả năng quét lên đến 1975 lát cắt/vòng, cung cấp độ phân giải cao chưa từng có, “siêu phẩm công nghệ chẩn đoán hình ảnh” giúp bác sĩ Vinmec phát hiện chính xác cả những tổn thương nhỏ nhất, kể cả ở các vùng khó quan sát nhất.
Kinh tế - Xã hội - 07/11/2024 17:41
Skoda Kodiaq ưu đãi phí trước bạ, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng cho SUV nhập khẩu châu Âu
Skoda Kodiaq, mẫu SUV 7 chỗ đến từ châu Âu đang có mức giá hợp lý trong thời điểm cuối năm, chỉ từ hơn 1 tỷ đồng.
Kinh tế - Xã hội - 06/11/2024 17:53
Tay đua vô địch đã nâng cấp VinFast Fadil ra sao để có thể giành cúp PVOIL VGC 2024
Phạm Hoàng Đức, nhà vô địch giải đua PVOIL VGC 2024 đã có những chia sẻ thú vị về quá trình chuẩn bị và tinh chỉnh chiếc Vinfast Fadil trên hành trình giành cúp.
Kinh tế - Xã hội - 06/11/2024 17:43
Honda Việt Nam ra mắt SH350i 2025, giá từ 152 triệu đồng
Chiều 5/11, Công ty Honda Việt Nam (HVN) chính thức giới thiệu mẫu xe tay ga cao cấp SH350i phiên bản 2025 tại thị trường Việt Nam với mức giá bán lẻ đề xuất từ 152 triệu đồng.
Kinh tế - Xã hội - 06/11/2024 09:00
Khai mở tiềm năng cùng cung offroad của Isuzu tại PVOIL VOC 2024
NEW ISUZU D-MAX 2024 và mu-X xuất hiện tại gian hàng trưng bày và trên cung đường lái thử được thiết kế riêng tại PVOIL VOC 2024, mang đến những trải nghiệm đầy phấn khích dành cho khách hàng.
- Thu hút thợ hồ, hớt tóc vào tổ chức Công đoàn
- Công đoàn Vietcombank hướng đến “Trọng đức, gần gũi, biết cảm thông và sẻ chia”
- Bố già Vito Corleone và bài học kỷ luật cho giới trẻ trước tình trạng đua xe
- AI Talk - “Góc nhìn từ quá khứ”
- Thầy Nguyễn Văn Thỏn: Ước muốn công đoàn trường là địa chỉ của hạnh phúc