Trẻ đến trường: Kết thúc kỳ nghỉ lễ “bất tận”
Cà phê tối - 25/01/2022 14:08 MỸ ANH
Học sinh lớp 12 ở Hà Nội trở lại trường hồi đầu tháng 12/2021. Ảnh: Việt Linh (Zing.vn) |
Trẻ đi học mang lại những tiếng thở phào cho phụ huynh nhưng đi kèm không ít nỗi niềm khác của phụ huynh. Đặc biệt là phụ huynh Hà Nội, nơi dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và có khả năng gia tăng số ca sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Suốt 2 năm qua, chúng ta đã quá thấm thía bài học không có lựa chọn, không có rủi ro, chỉ có lựa chọn rủi ro ít và lựa chọn rủi ro nhiều. Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết tâm cho học sinh đi học là lựa chọn dũng cảm. Và theo cá nhân tôi, đó là việc nên làm.
Bởi, suốt 7-8 tháng học online, thực sự chất lượng dạy và học online rất kém. Ngay những vấn đề căn cốt nhất của giáo dục trực tuyến là hạ tầng chúng ta cũng chưa sẵn sàng. Đọc những dòng tin phụ huynh dựng lều cho con trên đỉnh đồi bắt sóng để học hay phụ huynh dốc cạn túi xuống núi mua smartphone cho con thật xúc động mà cũng thật xót xa.
Đội ngũ giáo viên cũng chưa chuyển đổi kịp để dạy học online đúng nghĩa dẫn đến những tình cảnh khóc dở, mếu dở. Nói trắng ra, học online hiện tại không hề dùng các công cụ trợ giúp hiệu quả như một dạng thức học tập mới mà chỉ dừng lại ở chừng mức học “offline” qua mạng. Việc dạy minh họa vẫn như ở lớp nhưng học qua máy tính, điện thoại khiến chất lượng chuyên môn không ổn. Trong khi đúng ra, học online cần những mô hình dạy hoàn toàn khác, tận dụng những ưu việt của công nghệ thông tin.
Chúng ta đã từng chấp nhận cách giáo dục như vậy để đảm bảo sức khỏe cho con em. Chúng ta sẵn sàng để các cháu thiệt thòi một khoảng thời gian rồi hết dịch, các cháu sẽ có thời gian bù đắp. Nhưng diễn biến Covid-19 đã cho thấy chúng ta đang trong một đại dịch chưa thấy điểm dừng. Và nếu những diễn biến như hiện tại cứ kéo dài, chúng ta không thể duy trì học online thêm nữa.
Tôi nhớ hình ảnh những em bé miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những em bé đội mũ bện rơm phòng mảnh bom, mảnh đạn, đeo khăn quàng đỏ tới lớp học. Bên lớp dựng các hầm chữ A đễ sẵn sàng cho các em chui vào tránh khi có còi báo động. Đó là một thời kỳ khốc liệt với bom đạn và cuộc chiến 10.000 ngày.
Hi vọng đại dịch sẽ không dài đến vậy. Và do đặc thù của hai “cuộc chiến” cũng như sự thay đổi của công nghệ, chúng ta không nhất thiết phải đưa trẻ tới trường như vậy. Nhưng, bài học cũ dạy chúng ta một điều tương đối rõ ràng. Rằng dù nghịch cảnh tới đâu, trẻ em vẫn cần được thụ hưởng những điều tốt nhất từ giáo dục. Rằng, dù chúng ta có khốn đốn đến thế nào, chúng ta vẫn cần gây dựng một thế hệ kế cận đủ năng lực và phẩm hạnh để dựng xây những gì thế hệ hiện tại không thể làm do dịch bệnh.
Chưa kể, ngoài chất lượng trong các buổi học, việc học online quá dài có thể sẽ gây mất cân bằng trong sự phát triển của trẻ. Bởi, những ngày qua, rất nhiều thời điểm các em chỉ ở trong nhà, dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại. Các em không có không gian, bạn bè để chơi đùa và vận động. Ngay cả việc chơi ở trên lớp cùng bạn bè thôi cũng là một phần lợi ích rất lớn của học trực tiếp.
Cuối cùng, việc trẻ đi học sẽ là bước cuối khẳng định con đường chúng ta đã chọn: thích ứng an toàn với đại dịch. Bởi, bố mẹ có thể tập trung công việc khi và chỉ khi không phải lo ngay ngáy con em ở nhà. Đôi khi đó không chỉ là thời gian nhanh chóng về nhà xem con học ra sao, mà quan trọng hơn là vấn đề tâm lý. Phụ huynh, lực lượng lao động đông đảo của xã hội, chỉ có thể thoải mái, tập trung hoàn toàn vào lao động, sản xuất khi con em đã trở lại trường học.
Cho trẻ đến trường là việc nên làm, song, điều quan trọng không kém là hệ thống giáo dục cần tạo những “mũ bện rơm”, những “hầm chữ A” sẵn sàng ứng phó trong kịch bản dịch diễn biến phức tạp hơn nữa. Bên cạnh đó, vaccine cho trẻ là câu chuyện cần quan tâm đúng mức để đảm bảo sự an toàn cho trẻ và sự yên tâm cho phụ huynh cũng như xã hội.
Hi vọng, các em sẽ có một năm mới an toàn và được thụ hưởng đầy đủ những điều tốt đẹp nhất từ giáo dục chứ không phải có thêm một “kỳ nghỉ lễ dài bất tận” nào nữa.
Học sinh TP HCM đến trường và nỗi lo người ở nhà Sau Hà Nội 1 tuần, từ 13/12 TP HCM sẽ cho học sinh khối 1, 9 và 12 đến trường và trẻ mầm non sẽ ... |
Học sinh THPT Hà Nội trở lại trường: Cần thận trọng Ngày mai, học sinh THPT của Hà Nội sẽ trở lại trường để học trực tiếp. Về lý, đây có thể coi là dấu mốc ... |
Nan giải chuyện trẻ đến trường Hôm qua, Hà Nội đã đồng ý cho học sinh cuối và đầu cấp ở các huyện ngoại thành tới trường. Cũng hôm qua, Hà ... |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 23/11/2024 15:28
Đằng sau những sắc thuế!
Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 sẽ biểu quyết về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) vào ngày 26/11. Theo dự thảo luật (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng thuế VAT 5% sẽ tăng lên 10%.
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.