Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ mở cửa vào ngày 07/8
Đời sống - 05/08/2020 18:47 Nhóm PV
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 - Ảnh: Bộ Y tế |
Bộ Y tế đánh giá cao sự chuẩn bị từ Bệnh viện 199 và sự tích cực của Viện Pasteur TPHCM
Phóng viên:
Xin ông cho biết tính kịp thời và hiệu quả của việc phòng xét nghiệm của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) có thể hỗ trợ cho TP Đà Nẵng?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sử dụng các công cụ truy vết, tìm ra các bệnh nhân người tiếp cận gần để cách ly, thì xét nghiệm là công cụ chủ đạo để phát hiện ra ca dương tính trong cộng đồng. Có 2 loại xét nghiệm: xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm huyết thanh. Đối với Đà Nẵng, cả 2 loại xét nghiệm đều cần thiết do bệnh dịch lây khá lâu trong cộng đồng, nên việc tìm người mang virus là rất cần thiết. Bên cạnh đó, xét nghiệm còn truy ra những bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng. Mặc dù UBND và Sở Y tế Đà Nẵng đã nâng công xuất xét nghiệm lên đạt mức 8000-10.000 mẫu/ngày nhưng vẫn có thể tăng hơn nữa, do đó việc Viện Pasteur TPHCM đem máy móc xét nghiệm ra hỗ trợ Bệnh viện 199 Đà Nẵng là rất cần thiết trong công cuộc phòng chống COVID-19 tại Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi làm việc - Ảnh: Anh Văn |
Phóng viên:
Qua đợt kiểm tra Thứ trưởng đánh giá thế nào về hệ thống xét nghiệm tại đây?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Mặc dù trong thời gian ngắn, nhưng Bộ Y tế đánh giá rất cao sự chuẩn bị từ Bệnh viện 199 bên cạnh đó là sự chủ động và tích cực của Viện Pasteur TPHCM. Trước đó Bệnh viện 199 đã chủ động tập huấn lực lượng xét nghiệm để có đủ tâm thế nhận và vận hành hệ thống xét nghiệm từ Viện Pasteur TPHCM một cách trơn tru.
Phóng viên:
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại TP Đà Nẵng của Bệnh viện 199?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Bộ Y tế đánh giá rất cao việc chủ động trong công tác phòng chống dịch tại bệnh viện và hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP Đà Nẵng; tiếp nhận các bệnh nhân từ 3 bệnh viện bị phong tỏa; xây dựng hệ thống xét nghiệm phục vụ công tác chống dịch tại bệnh viện và phục vụ nhu cầu của TP Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện Dã chiến tại Đà Nẵng - Ảnh: Bộ Y tế |
Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng
Phóng viên:
Thưa Thứ trưởng, 3 bệnh viện đã hoàn tất việc làm sạch, tại sao cần phải có sự chi viện đông như thế đối với Đà Nẵng?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Đối với giai đoạn 2 của đợt dịch COVID-19, sự khởi phát từ Bệnh viện và rất nhiều bệnh nhân, người nhà nhiễm bệnh và cả những nhân viên y tế tiếp xúc cũng bị nhiễm, rất nhiều bệnh nhân nặng do nhiều bệnh lý nền. Bên cạnh đó, việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia... do vậy, bên cạnh sử dụng nhân lực tại Đà Nẵng, thì cũng rất cần sự chi viện từ Trung ương, các bệnh viện đến để tham gia hỗ trợ điều trị và xây dựng những cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng, như xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly và truy vết những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh minh họa |
Phóng viên:
Thưa Thứ trưởng, việc truy vết F0 tại Đà Nẵng được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Đó không phải là mục tiêu chủ yếu của Bộ Y tế tại thời điểm này, hiện giờ, mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, phát hiện những trường hợp dương tính kháng thể (trường hợp nhiễm COVID-19 lâu rồi) và truy vết những người tiếp xúc với những trường hợp đó để tìm ra những trường hợp bị lây nhiễm gần.
Phóng viên:
Trong giai đoạn sau khi làm sạch bệnh viện thì có giải pháp nào tối ưu cho các bệnh viện đó?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Sau khi làm sạch bệnh viện thì phải đảm bảo nơi đó là an toàn cho người bệnh đến khám chữa bệnh và điều trị; bệnh viện sẽ phải được đánh giá về bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Sau đó đề nghị cần có quy trình phân luồng bệnh nhân kiểm soát chặt chẽ các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp để không lây lan dịch trong bệnh viện
Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ mở cửa trở lại vào ngày 07/8/2020 - Ảnh: Xuân Hậu |
Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ mở cửa trở lại vào ngày 07/8/2020
Phóng viên:
Bộ Y tế có đưa ra thời gian cụ thể để 3 bệnh viện sẽ mở lại không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Thời gian mở cửa của Bệnh viện C là 07/8/2020; hai bệnh viện còn lại thuộc thẩm quyền của Thành phố Đà Nẵng, nên sẽ do UBND TP Đà Nẵng quyết định.
Phóng viên:
Sau 14 ngày thì việc giải tỏa và cách ly tại Đà Nẵng sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Việc cách ly theo đúng quy định của Chỉ thị 16 là 14 ngày, Bộ Y tế hi vọng UBND TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng trong thành phố sẽ nỗ lực làm giảm số ca mắc mới. Như vậy sau 14 ngày chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh và Thành phố sẽ có những chuyển biến từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 19 của Chính phủ.
Phóng viên:
Thứ trưởng đánh giá những khó khăn trong giai đoạn 2 của đợt dịch này là gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Giai đoạn 1 cũng có xảy ra dịch tại Bệnh viên Bạch Mai, tuy nhiên chỉ có một số các công nhân Công ty Trường Sinh và một số điều dưỡng mắc bệnh. Giai đoạn 2 khởi phát tại bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân và người nhà cũng như các nhân viên y tế chăm sóc tại 3 bệnh viện. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân có nền bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao và đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nền bệnh lý nặng và còn có các trường hợp khác có nguy cơ tử vong cao do bệnh lý nền rất nặng. Bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không có liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1. Hiện giờ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19; Ban chỉ đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã có những chỉ đạo rất quyết liệt tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. TP Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; Quảng Nam có 6/12 đơn vị hành chính thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu toàn bộ nhân dân trong những vùng nguy cơ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 thì chúng ta mới hi vọng dập tắt được dịch.
Cơ quan Y tế phun khử khuẩn các khu vực có ca nhiễm mới |
Người dân Đà Nẵng cần tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Phóng viên:
Số ca nhiễm ở Việt Nam vẫn đang tăng, vậy Bộ Y tế có thông điệp gì đến với người dân để có thể yên tâm về công tác phòng chống dịch tại Việt Nam?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt. Tuy nhiên qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt.
Phóng viên:
Cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Bệnh viện 199 siết chặt quy trình thu dung, phân luồng bệnh nhân Sáng 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực hiện quy trình phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện 199, Bộ Công an. Báo cáo tại buổi làm việc, Đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 cho biết, thực hiện việc giảm tải cho các bệnh viện đang bị phong tỏa, Bệnh viện 199 đã tiếp nhận và thu dung 398 bệnh nhân từ các Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng, trong đó có 32 bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện C chuyển sang. Trong số các bệnh nhân được chuyển đến, bệnh viện phát hiện 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, bao gồm 7 bệnh nhân và 5 người nhà. Trung tâm 115 Đà Nẵng đã chuyển những bệnh nhân này đến nơi điều trị Covid-19 của TP. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tăng cường 4 cán bộ vào hỗ trợ công tác xét nghiệm. Đồng thời, Bộ Công an đã bổ sung nguồn nhân lực thêm 4 bác sĩ từ Bệnh viện 198. “Chúng tôi đã huy động 5 bác sĩ nghỉ hưu và các tình nguyện viên cho bộ phận xét nghiệm giúp bệnh viện nâng cao năng lực thực hiện xét nghiệm sớm”, Đại tá Quách Hữu Trung nói. Phòng chống dịch Covid-19, bệnh viện đã chủ động phân luồng từ xa và thực hiện nghiêm bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các tổ công tác trong đoàn được chia làm các nhóm đi kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác chống dịch tại Bệnh viện 199. Sau khi nghe các nhóm kiểm tra báo cáo về quy trình phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, lãnh đạo Bệnh viện 199 phải khắc phục và thực hiện ngay các kiến nghị và đề xuất từ các chuyên gia đến từ Bộ Y tế. Bệnh viện 199 với sự hỗ trợ từ Viện Paster TP Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành xét nghiệm cho toàn bộ bệnh nhân, người nhà, cán bộ y tế của toàn bộ bệnh viện. Bệnh viện 199 cần siết lại quy trình phân luồng, triển khai thêm các phòng cách ly tại các khoa. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho phép, phòng xét nghiệm của Bệnh viện 199 được công bố các ca bệnh Covid-19. Sau khi dịch kết thúc, bệnh viện cần khẩn trương hoàn thiện các báo cáo quy trình để Bộ Y tế thẩm định. |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 26/11/2024 18:02
Công chức, viên chức trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Trong bối cảnh cải cách hành chính ngày càng được đẩy mạnh, việc tinh gọn bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội trở thành xu thế tất yếu. Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo và bước đi quyết liệt nhằm giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả trong hệ thống.
Kinh tế - Xã hội - 26/11/2024 11:08
Vi chất dinh dưỡng – Nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại chuyến thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em của huyện Cao Phong (tỉnh Hoà Bình) hồi tháng 6 vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: Các vi chất dinh dưỡng nói chung, trong đó có vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
- Di cư ngược: Được đó chớ
- Để Luật Công đoàn (sửa đổi) đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới
- Luật Công đoàn (sửa đổi) - bước chuyển mình quan trọng trong giai đoạn mới
- Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam kết nạp thành viên mới là CLB Xe thể thao Hải Phòng
- Cô giáo Phạm Thị Mây: tấm gương yêu nghề mến trẻ