Tận tâm với những người “lúc tỉnh, lúc mê”
Đời sống - 20/07/2022 11:06 NGỌC PHÚ - Báo Đà Nẵng
Chúng tôi đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng vào một ngày nóng như đổ lửa. Khu bệnh nhân nữ tâm thần dội lên tiếng cười, thỉnh thoảng có những tiếng la ó, hú hét. Nữ điều dưỡng Quỳnh Hương mồ hôi nhễ nhại đi từng giường đo huyết áp cho bệnh nhân. Trong cái nóng oi bức của thời tiết cộng với những âm thanh ồn ào, hỗn tạp do bệnh nhân phát ra dễ khiến cho con người ta cáu gắt, nhăn nhó nhưng diều dưỡng Quỳnh Hương vẫn nhẹ nhàng, ân cần với từng người bệnh để lấy chính xác chỉ số huyết áp của họ.
Hương cho biết, mình tốt nghiệp ngành Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam năm 2019, sau đó xin vào làm tại Khoa nữ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Sau thời gian đầu tiếp cận học tập công việc, Hương được phân về chăm sóc bệnh nhân nữ. Những ngày đầu vào làm khá bỡ ngỡ, tuy đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần và các tình huống nhưng những cái tát, vết cào xé của bệnh nhân lúc họ bị rối loạn lên cơn khiến Hương cũng sợ hãi và nản lòng. Hương cứ dặn lòng mình, ngày mai, ngày mốt sẽ quen, chỉ là bệnh nhân lên cơn, rồi mọi thứ sẽ ổn… Cứ thế, Hương tự động viên và với trách nhiệm y đức, vì lòng thương cho những phận người bất hạnh, Hương xốc lại tinh thần để tiếp tục công việc của mình.
Nữ điều dưỡng Dương Thị Quỳnh Hương - đoàn viên công đoàn Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng |
“Thời còn là đứa trẻ nhỏ, nhìn cảnh người bị bệnh tâm thần có những hành động mất kiểm soát, gây nguy hiểm cho người thân, xã hội, em thấy vừa sợ vừa thương. Chính vì vậy, em mong muốn sau này mình sẽ làm được điều gì đó để giúp ích cho họ, giúp họ khỏi bệnh, giảm bớt nỗi bất hạnh. Sau khi tốt nghiệp, em không ngần ngại xin vào làm điều dưỡng tại Bệnh viện và gắn bó với những người “nửa tỉnh nửa mê” cho tới bây giờ”, Hương chia sẻ.
Hằng ngày, sau khi giao ban, Hương xuống khu vực bệnh nhân để thăm khám, thực hiện công tác vệ sinh cho bệnh nhân, hướng dẫn cho bệnh nhân những công việc hằng ngày để họ làm theo. Đến giờ ăn, Hương nhẹ nhàng bưng từng bát cơm cho bệnh nhân, có bệnh nhân nhõng nhẽo không chịu ăn, Hương phải xắn tay áo bón cơm, trông giống một cô giáo mầm non đang chăm sóc cho các cháu nhỏ, vừa dỗ dành, vừa bón từng thìa cơm canh. Khi bệnh nhân ốm đau, Hương tận tình chăm sóc cho bệnh nhân, thậm chí có những ngày chị ở lại với bệnh nhân vào ban đêm để tiện bề chăm sóc. Tình cảm, sự ấm áp của Hương giúp cho người bệnh vơi bớt đi những nỗi cô đơn, bất hạnh khi tỉnh táo trở lại.
Những ngày nắng nóng, bệnh nhân dễ bị rối loạn lên cơn nên các điều dưỡng luôn túc trực bên cạnh để xử lý. “Giờ mình đã có nhiều kinh nghiệm, được trang bị nhiều kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra nên không còn lo bệnh nhân đánh, đạp, tát vào mặt khi họ lên cơn. Nhìn người bệnh, mình thực sự rất thương họ, bởi chẳng ai muốn mang căn bệnh mà cả xã hội chế giễu, xa lánh. Vì vậy, anh em y, bác sĩ tại Bệnh viện cố gắng hết sức mình chữa trị, chăm sóc, chỉ mong sao bệnh nhân nhanh khỏi bệnh”, Hương nói.
Bà N - bệnh nhân từng tát vào má Hương khi lên cơn rối loạn cho biết, giờ bệnh tình đã thuyên giảm cũng nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện, trong đó đặc biệt là cô Hương. Mỗi lần tỉnh táo, nghe mọi người kể lại mình tát cô Hương trong lúc lên bệnh, lúc đó cảm thấy ăn năn lắm. “Cô ấy còn trẻ nhưng như “mẹ hiền” của chúng tôi, tận tâm, tận tình từng li, từng lý; nhỏ nhẹ, vỗ về khi người bệnh có những biểu hiện không bình thường; chịu đựng khi bệnh nhân cấu xé lúc lên cơn. Chúng tôi cảm thấy mang ơn cô Hương nhiều lắm”, bà N nói trong nước mắt.
Những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hương xung phong ra “tuyến đầu” chống dịch, chăm sóc cho các F1 tại Bệnh viện, khu Ký túc xá phía Tây thành phố, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên. Ròng rã 3 tháng phục vụ F1, về lại Bệnh viện, Hương chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần bị mắc Covid-19. Chăm sóc bệnh nhân tâm thần những ngày bình thường đã vất vả, khi họ mắc Covid-19 thì nỗi vất vả ấy tăng lên gấp nhiều lần. Chấp nhận vất vả, rủi ro nhiễm bệnh, hằng ngày, Hương thăm khám, hướng dẫn các biện pháp y tế để giúp bệnh nhân điều trị Covid-19. Khi bệnh nhân khỏi bệnh cũng là lúc Hương bị lây nhiễm. “Vất vả, nhọc nhằn nhưng đã dấn thân với nghề thì phải chấp nhận và làm tốt phận sự của mình”, Hương chia sẻ.
Đánh giá về nữ điều dưỡng Dương Thị Quỳnh Hương, bạn bè, đồng nghiệp cho đến lãnh đạo Bệnh viện đều nói rất ngắn gọn: “Trẻ, nhiệt huyết, năng nổ, không ngại khó ngại khổ, tận tâm với bệnh nhân, thương yêu giúp đỡ đồng nghiệp nên ai cũng quý mến”. Cô cũng chính là một trong 05 tấm gương điển hình được Công đoàn ngành Y tế giới thiệu về gương người tốt, việc tốt trong phong trào công nhân, viên chức, lao động thành phố.
Với Hương, vất vả, nhọc nhằn của nghề không thể đếm xuể nhưng sẽ không bao giờ chùn bước, bởi đã lựa chọn thì phải theo nghề. Đang trò chuyện với chúng tôi thì có bệnh nhân la ó, ảnh hưởng đến những người xung quanh, Hương vội nói lời chào tạm biệt để vào chăm sóc bệnh nhân. Nhìn dáng vẻ cuống quýt lúc Hương vội vào bên bệnh nhân, tôi thầm nghĩ, cô ấy gắn bó với công việc, gắn bó với những con người "lúc tỉnh, lúc mê" phần nhiều xuất phát từ trách nhiệm và trái tim lương thiện. Và tôi tin rằng, với trái tim nồng ấm của Hương sẽ sưởi ấm thế giới người tâm thần, để họ tỉnh nhiều hơn mê…
Cuộc thi viết về CNVCLĐ TP Đà Nẵng |
Cuộc thi viết về phong trào CNVCLĐ TP Đà Nẵng: Ngày 20/7 kết thúc nhận bài dự thi |
Nữ cán bộ tận tâm với công tác xã hội, chính sách người có công |
Hiệu quả mô hình chăm lo đời sống cho người lao động |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- 20 năm thực hiện mong ước vào Đảng của nữ công nhân
- Đằng sau những sắc thuế!
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số