Tạm biệt giấc mơ công nhân!
Đời sống - 13/08/2020 06:00 Minh Hoàng
Mất việc, tạm thời gác lại ước mơ công nhân, nhiều công nhân về quê chờ cơ hội khác. Ảnh chụp trước cổng Công ty PouYuen - giờ được đi làm thế này là một hạnh phúc. Ảnh tuoitre.vn |
Theo dõi mạng xã hội công nhân, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những cái tút gọi bán đồ, thanh lý đồ giá rẻ. Đó là những vật dụng thiết yếu của họ, có lẽ đã theo họ đi qua nhiều tháng năm; hẳn mỗi thứ như thế chất chứa đầy kỷ niệm. Giờ, không đừng được, họ phải “dứt ruột” bán đi.
“Mất việc, cần bán tủ lạnh để về quê. Ai có nhu cầu ib em”, “Em về quê, cần thanh lý gấp một ít đồ giá rẻ, ai có nhu cầu không ạ?”, “Vừa mất việc, cần nhượng lại đồ và phòng trọ...”. Những cái tút lạnh lẽo, đằng sau đó tôi hình dung những cặp mắt rưng rưng. Đây là một chiếc tủ lạnh được chụp trực diện, một cánh mở; kia là một chiếc quạt đang quay; còn kia là một căn phòng sạch sẽ nhưng ngổn ngang như thể chủ nhân đang thu dọn...
Tôi hiểu, dịch bệnh như một cơn sóng thần bất ngờ quét ngang qua cuộc sống của người lao động. Sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đứt gãy; người công nhân mất việc hàng loạt, rất nhiều người còn việc thì cũng chỉ làm cầm chừng. Trong khi đó, công việc mới không “mọc ra” nhiều như số công việc mất đi, rất khó tìm; mà nhà trọ phải thuê, giá cả sinh hoạt chốn thị thành, nơi tập trung đông người lao động không hề rẻ... Lấy đâu tiền trả các hóa đơn, thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu?
Mất việc, về quê không phải ước mơ công nhân sẽ kết thúc. Rất nhiều cơ hội đang chờ người công nhân mất việc hôm nay. Trong ảnh, công nhân, người lao động thất nghiệp làm thủ tục bảo hiểm tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ảnh laodongthudo.vn |
Về quê, tạm biệt giấc mơ công nhân! Ngày nào hăm hở mang hồ sơ đi xin việc; ngày nào hồi hộp đến nghẹt thở nhận giấy gọi đi làm; ngày nào lâng lâng nhận tháng lương đầu tiên... tất cả đã là dĩ vãng. Trong mọi trường hợp, quê nghèo, nơi có gia đình, mẹ cha, anh em thân thích, ruột thịt lại là bến đỗ an toàn, dung dưỡng tất cả mọi người con, dù thành đạt hay thất cơ lỡ vận. Nơi ấy sẽ lại cho người công nhân thất nghiệp tình yêu thương, sự đùm bọc, một mái nhà chở che, bữa cơm đạm bạc, một công việc tạm bợ và cả những khát vọng vươn lên thay đổi cuộc đời.
Đừng nản chí, bạn công nhân thân mến. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, dù có thể không nhanh chóng như mong muốn. Nếu còn trẻ, bạn hãy đi bổ túc thêm tay nghề hoặc một nghề mới, một ngoại ngữ. Điều đó sẽ giúp bạn tiếp tục thực hiện giấc mơ làm người công nhân sau dịch. Tiếp tục ở một môi trường làm việc công nghiệp với nhiều bạn bè, đồng nghiệp đoàn kết, vui vẻ; bạn học hỏi được nhiều điều. Bạn cũng có thể tìm thấy cả người thương. Làm công nhân vất vả, thu nhập chưa cao nhưng cũng rất tuyệt vời phải không bạn?
Tạm biệt giấc mơ công nhân, người công nhân mất việc về quê tạm thời làm những công việc quen thuộc, chờ sản xuất phục hồi. Ảnh minh họa của dantocmiennui.vn |
Mạng xã hội công nhân cũng chia sẻ một bài viết rất hay và sâu sắc, tôi xin trích một số ý: “Có thể bạn nghĩ 2020 là một năm tồi tệ, vậy hãy tưởng tượng bạn sinh năm 1900. Khi bạn 14 tuổi, thế chiến thứ nhất bắt đầu, nó kết thúc khi bạn 18 tuổi. Cùng lúc ấy, cúm Tây Ban Nha, một đại dịch cúm toàn cầu xuất hiện, giết chết 50 triệu người và bạn còn sống, tầm 20 tuổi. Khi bạn 29 tuổi, bạn sống sót qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ sự sụp đổ sở giao dịch chứng khoán New York, gây ra lạm phát, thất nghiệp và đói. Khi bạn 33 tuổi, các Nazis (đảng quốc xã của Hitler) lên nắm quyền. Và khi bạn 39 tuổi, thế chiến II bắt đầu, nó kết thúc khi bạn 45 tuổi; lúc này đã có 60 triệu người chết, trong đó có 6 triệu người Do Thái...”
Bạn thấy đấy, không có giai đoạn nào dễ dàng. Nhưng con người luôn dũng cảm đương đầu và vượt qua.
Đừng buồn bạn nhé!
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 12/8 |
Các y bác sĩ và người dân trong khu phong tỏa vỡ oà hạnh phúc trong giây phút dỡ cách ly |
"Chúng ta đã lớn lên quá nhanh!" |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.