Nóng ngoài trời, nóng trong phòng thi và nóng trong lòng người
Kinh tế - Chính sách - 10/06/2023 18:10 AN VINH
Năm học tới 2023-2024, Hà Nội chỉ tuyển 55,7% học sinh vào lớp 10 THPT công lập. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 30.000 cháu học sinh đành phải học trường tư. Nếu lại rơi vào hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, thì đây thực sự lại thêm một gánh nặng, một nỗi thống khổ trong các gia đình đó.
Với 55,7%, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất trong mấy năm gần đây. Trước đó, năm học 2021-2022 khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường THPT công lập, năm học 2020-2021 có khoảng 60%, năm học 2019-2020 là 60%. Vì thế, cuộc đọ sức, thi tài cốt chỉ để được đi học ở trường công trở nên đầy gian lao, vất vả so với các cháu tuổi mới độ trăng tròn 15, với những đứa trẻ sinh năm 2008.
Cũng trong 2 ngày con trẻ thi vào THPT công lập này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, ngày hôm nay 10/6, khu vực Hà Nội ngày nắng, có nơi nắng nóng, đêm không mưa, nhiệt độ cao nhất từ 33-35 độ C; ngày mai 11/6, ngày nắng nóng, đêm không mưa, nhiệt độ cao nhất từ 34-36 độ C.
Thời tiết nắng nóng, oi bức như thế, người lớn chúng ta ngồi chơi không còn thấy ngạt thở, huống hồ các con còn phải căng óc, dốc sức để hoàn thành bài thi với kết quả tốt, mong để được lọt vào trường công lập. Thương quá!
Nhớ lại thế hệ chúng tôi và các thế hệ học phổ thông hệ 10 năm, cả đời học sinh chỉ phải thi tốt nghiệp phổ thông khi hết cấp 3 duy nhất có 1 lần. Tất cả đều được học trường công lập, chả có trường tư trường riêng gì sất. Tất cả vẫn học tốt, thi tốt, vẫn trưởng thành dù sau đó có vào học đại học hay không, đại đa số đều trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.
Tôi chả hiểu cải cách giáo dục, quy hoạch trường lớp ra sao, mà để cháu con mệt bã người, học đến đờ đẫn mụ mẫm cả đầu óc, 24/7 lo thi với cử, còn cha mẹ, phụ huynh thì oặn người, gồng mình, dốc ví và lo lắng âu sầu, chỉ để đạt được một nguyện vọng là con em mình được học trường công.
Cái điều bây giờ vất vả, khổ sở, chen chúc để đạt được là con em được vào học trường công, thì ngày xưa thế hệ chúng tôi và trước đó là điều đương nhiên. Ngày nay, không có nhẽ chỉ vì thiếu trường công mà phải tổ chức ra hẳn một cái kỳ thi vào lớp 10 đầy tốn công, tốn của, tốn nhân lực, mất sức mất thời gian của hàng chục vạn cán bộ, giáo viên, phụ huynh và các cháu học sinh.
Hà Nội đất chật, người đông, chung cư xây ồ ạt nhưng không xây thêm trường học, trẻ em thiếu trường học dường như là điều đương nhiên, ai cũng biết hiện trạng đó và ai cũng thông cảm với ngành Giáo dục.
Nhưng, nhớ lại thời bao cấp, tuy đói nghèo thiếu thốn, vậy mà trẻ em luôn được học trường công. Không phải chỉ vì lúc ấy người thưa đất rộng, mà còn nhờ có những chính sách rất thiết thực và tốt đẹp trong ngành Giáo dục và chính quyền Thủ đô thời ấy dành cho việc chăm lo xây dựng trường học. Ví dụ như mọi khu chung cư khi xây dựng nên, như Kim Liên, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Thanh Nhàn, … thì trong quy hoạch và thực tế thi công, luôn luôn phải xây dựng các trường học ở ngay tại khu vực các chung cư đó. Tôi cứ thấy đáng lo, cứ băn khoăn với công tác quy hoạch trường học của ngành Giáo dục Thủ đô. Và một câu hỏi cứ vấn vương trong tôi, tại sao luôn có đất dành cho xây trường tư, mà lại luôn thiếu đất để xây trường công?
Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn đưa ra một lý do để biện minh rằng, dân cư Hà Nội ngày nay đông lên gấp cả chục lần ngày xưa. Rồi đất xây trường công không còn đủ chỗ cho số lượng học sinh ngày một đông hơn mỗi năm học mới. Nhưng hãy quan sát kỹ đi, bạn sẽ thấy hoàn toàn không phải vậy, hoặc chí ít là không hoàn toàn như vậy. Trong một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí Lao động Công đoàn, tôi đã viết về những quan sát đó, về việc thiếu trường công không phải chỉ vì thiếu đất xây trường.
Gần đây, trên chương trình Thời sự 19 giờ, VTV1 cũng đã phát một phóng sự nói về vấn nạn thiếu trường công lập ở Hà Nội. Phóng sự này với những hình ảnh được ghi lại ở nhiều địa điểm tại Hà Nội đã cho khán giả thấy một sự thật bất ngờ. Đó là việc có nhiều khu đất đã được quy hoạch xây trường học nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm. Đất để không lãng phí, còn các phụ huynh sống ngay tại các khu vực đó vẫn cứ phải đôn đáo, chật vật chạy tìm trường công cho con cháu vào học
Trường công lập thiếu, dẫn đến quá tải tại nhiều khu vực, nhất là những khu đô thị. Nhưng cũng tại đây lại đang tồn tại một nghịch lý. Đó là tại chính những khu vực này, có nhiều khu đất đã được quy hoạch để xây trường học, nhưng đã bị bỏ hoang hàng chục năm nay.
Phóng sự của VTV1 đưa hình ảnh, đã 10 năm qua, người đàn ông tên Loan trồng rau tại khu đất ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Trong khi chờ đợi 1 trường mầm non được quy hoạch trên diện tích 0,6 héc-ta. 10 năm trôi qua vẫn chưa có tín hiệu gì, giờ dân quanh đó, người thì trồng rau, người dựng nhà gỗ để đồ đạc ngay trên khu đất đáng lẽ đã là một trường học từ chục năm trước. Có 7 khu đất bỏ hoang như vậy với tổng diện tích gần 8 héc-ta tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi có tới 85 tòa chung cư và trường mầm non công lập chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu.
Nhiều chung cư nhưng không có trường học công lập nào được xây. Việc xây chung cư thì nhanh, xây trường học thì chậm đã gây sức ép đến các phụ huynh và con em ngay trong những năm đầu đời. Năm nay, chuyện bốc thăm vào trường mầm non công lập vẫn chưa thể kết thúc, khi mà chưa có một trường học nào được xây thêm.
Còn tại một khu đô thị thuộc huyện Thanh Oai, vị trí quy hoạch trường học giờ là nơi thả trâu bò, cỏ mọc hơn 10 năm nay. Toàn dự án khu đô thị có 17 điểm với 15 héc-ta cho trường học nhưng chỉ có 2 trường tư thục được xây. Chính quyền những địa phương này nhiều lần kêu gọi chủ đầu tư bàn giao đất để đầu tư xây trường công lập nhưng chưa có kết quả.
Cạnh khu đất bỏ hoang là quán trà đá của ông bà Phương. Hai cháu 3 tuổi và 4 tuổi đều không thể đăng ký vào trường mầm non công lập và cũng không biết đến bao giờ mới có thể có cơ hội. Bởi ở quận Hoàng Mai, ước tính còn thiếu khoảng 10 trường mầm non và hơn 10 trường tiểu học. Hiện tại, chỉ tính riêng các khu đô thị mới của Hà Nội, số trường mầm non công lập mới chỉ bằng 1/4 số trường tư thục
Tất cả những gì đã nói ở trên cho chúng ta thấy một sự thật: thiếu đất không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân duy nhất dẫn tới việc thiếu trường công.
Sự thật ấy giúp chúng ta có quyền đặt ra một câu hỏi lớn với ngành Giáo dục Thủ đô: Một khi đất công dành cho quy hoạch xây dựng trường học vẫn còn, một khi vẫn chưa sử dụng hết công suất các khu đất dành cho xây dựng trường công, thì hà cớ gì lại phải tổ chức những kỳ thi chỉ cốt để cho gần nửa số thí sinh phải rẽ sang học trường tư? Và liệu có hay không toan tính nhằm san bớt với tỷ lệ mỗi năm một cao hơn số lượng học trò từ trường công chuyển sang cho các trường tư?
Một khi ngành Giáo dục Hà Nội chưa trả lời được một cách rõ ràng, minh bạch những câu hỏi trên của hàng chục vạn phụ huynh học sinh về cái kỳ thi vào lớp 10 đầy oái ăm và vô lý, vô tình này, thì không chỉ có nóng ngoài trời, nóng trong phòng thi, mà còn nóng rát trong tâm tư và suy nghĩ, nóng bỏng trong lòng hàng chục vạn phụ huynh học sinh và đông đảo người dân trong thành phố Thủ đô này.
Và xây cho đúng quy hoạch dành cho giáo dục phổ thông, xây cho hết các khu đất dành cho trường học, tập trung trách nhiệm và tình thương dành cho các cháu học sinh vào công cuộc xây nhanh, xây đủ trường công cho các cháu vào học tại đó, đấy cũng là một cách trả lời tốt nhất của ngành Giáo dục trước những đòi hỏi của xã hội, tôi mong và tin như vậy!
AN VINH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Tin cùng chuyên mục
Cà phê tối - 23/11/2024 15:28
Đằng sau những sắc thuế!
Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 sẽ biểu quyết về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) vào ngày 26/11. Theo dự thảo luật (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng thuế VAT 5% sẽ tăng lên 10%.
Cà phê tối - 18/11/2024 15:03
Hết thời “nhập siêu” văn hóa?
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc vào hôm qua (17/11). Thành công vang dội của Lễ hội cùng những sự kiện gần đây của các đêm nhạc “nội địa” đang cho thấy nhiều chỉ dấu tích cực về công nghiệp văn hóa.
Cà phê tối - 16/11/2024 13:38
Chống lãng phí ngày nhà giáo
20/11 tới gần, khắp các trường trên cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị tri ân ngày nhà giáo - ngày lễ lớn của cả cô và trò trên cả nước. Đây cũng là một dịp để các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh dạy cho các em bài học về chống lãng phí.
Cà phê tối - 11/11/2024 15:29
Thở ở Hà Nội
Đến hẹn lại lên, từ tháng 10 tới tháng 3 là cao điểm bụi mịn ở Hà Nội. Không khí vẩn đục ô nhiễm, các công trình xây cất khắp nơi và vỉa hè tiếp tục ra tăng sức ép bằng những khối đá xếp sẵn chờ ngày lát lại.
Cà phê tối - 09/11/2024 17:52
“Siết” quảng cáo của nghệ sĩ
Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo thái quá về công dụng của nhiều loại thực phẩm chức năng làm “nóng” nghị trường. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như Bộ VH-TT&DL cũng đều lên tiếng về vấn đề trên.
Cà phê tối - 04/11/2024 10:49
San đất nông nghiệp, làm sân pickleball
Hàng loạt lô đất thuộc dự án bỏ hoang, đất kho bãi, thậm chí đất nông nghiệp đã bị san lấp làm sân pickleball - một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.