Nỗi đau gia đình nạn nhân vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai
Đời sống - 04/05/2024 16:57 TRẦN LƯU
Công đoàn Đồng Nai phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động |
“Yên nghỉ đi con”!
“Về tới nhà rồi, yên nghỉ đi con!”, ông Trần Văn Miên (66 tuổi) cố nén nỗi đau nhìn thi thể đứa con trai lần cuối trước giờ khâm liệm.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nhàn khóe mắt cũng đỏ hoe. Bà đã khóc cạn nước mắt từ lúc nghe tin con trai qua đời sau vụ tai nạn nổ lò hơi ở Đồng Nai.
Hai vợ chồng già chưa bao giờ nghĩ có một ngày “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. “Phải chi lễ này, nó về quê thăm nhà thì đâu ra nông nỗi. Cũng vì miếng cơm manh áo mà phải đánh đổi cả tính mạng”, ông Miên đau xót nói.
Đám tang anh Trần Văn Cường. Ảnh: Tr.L. |
Gia cảnh khó khăn, không đất đai, ruộng vườn canh tác, mấy năm trước, vợ chồng anh Trần Văn Cường (SN 1985) rời bỏ quê nghèo (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) lên Đồng Nai mưu sinh. Anh Cường làm công nhân ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh, còn vợ anh - chị Hướng Thị Đào (SN 1988) cũng làm nghề gỗ trong một công ty gần đó.
Cuộc sống dù khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng kiếm tiền, sau này về quê xây dựng một căn nhà khang trang lo cho cha mẹ già, khỏi phải bôn ba nữa. Nhưng rồi ước vọng ấy đã vụt tắt trong buổi sáng định mệnh ngày 1/5/2024 – khi anh Cường vào công ty làm việc khoảng 30 phút thì xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng.
“Bữa đó tui không đi làm, ở nhà trọ (cách hiện trường hơn 150m - PV) chuẩn bị nấu cơm để chờ chồng tan ca về ăn. Bất ngờ tui nghe tiếng nổ lớn giống như có đá tảng rơi xuống nhà vậy. Những căn phòng trọ xung quanh bị chấn động rất mạnh, các thanh đà ngang trên trần đều bị nứt gãy. Tui chạy ra xem thì mới biết là vụ nổ ở công ty chồng đang làm. Tui liền gọi điện cho ảnh, nhưng không liên lạc được. Lúc này tui cảm thấy bất an, vì trước giờ nếu có chuyện gì đó xảy ra là ảnh gọi điện về báo liền”, chị Đào nhớ lại.
Chị Hướng Thị Đào, vợ anh Cường. Ảnh: Tr.L. |
Trong ngày 3/5, lãnh LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu, và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đã đến thăm viếng, đồng thời trao hỗ cho gia đình anh Trần Văn Cường và anh Sơn Ngọc Thúy (2 nạn nhân tử vong trong vụ nổ). Đoàn công tác đã ân cần thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân sớm vượt qua sự mất mát này, cố gắng vươn lên, sớm ổn định cuộc sống. |
Sau những tiếng nổ chát chúa, hiện trường là một đống đổ nát với la liệt xác người. Bỏ mặc cái nắng như thiêu đốt, hàng trăm người tập trung trước cổng công ty trong tâm trạng thấp thỏm, hồi hộp chờ đợi xem nạn nhân có phải là người thân của mình hay không? Rồi chị Đào khóc ngất khi biết chồng mình là một trong số những nạn nhân tử vong sau vụ nổ.
Trong số những người tử vong, đau lòng nhất là trường hợp của anh Sơn Ngọc Thúy (SN 1991, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Thi thể anh không còn nguyên vẹn, không thể nhận dạng nên cơ quan chức năng phải làm thủ tục giám định ADN, và phải mất nhiều ngày thi thể anh mới được đưa về quê an táng ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Ông Sơn Kiển, cha của anh Thúy (bên trái). Ảnh: Tr.L. |
Hay tin con mất, mẹ anh Thúy liên tục ngất xỉu. Ông Sơn Kiển, cha của anh Thuý cho biết, gia đình ông có 3 người con trai đều đã lập gia đình, Thuý là con trai út. Vợ anh Thúy cũng đi làm công nhân tại Đồng Nai. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên đứa con gái 2 tuổi của anh Thúy gửi cho ông bà nội chăm sóc. Cả gia đình ông bà hiện nay chỉ có vài công ruộng, nguồn thu nhập chính đều trông chờ vào việc các con đi làm thuê gửi tiền về.
Người hàng xóm qua phụ đám tang nhà anh Thúy nói: “Nếu có lựa chọn tốt hơn, thằng Thúy cũng sẽ không đi làm công nhân, nhưng đã không có lựa chọn. Mới bữa trước nó còn gọi điện về hỏi thăm cha mẹ có khỏe không, nào ngờ nó ra đi biền biệt. Tui nghe nói mấy bữa nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có hỗ trợ 20 triệu đồng, Công đoàn Đồng Nai hỗ trợ 7 triệu đồng, rồi Công ty gỗ Bình Minh cũng xuống hỗ trợ 18 triệu đồng. Dù có bao nhiêu cũng đâu bù đắp được sinh mạng con người”.
Đánh đổi mạng sống vì chén cơm manh áo
May mắn còn sống sót, nhưng anh Liễu Văn Tân (33 tuổi, quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị thương rất nặng, phải trải qua ca ca phẫu thuật “thập tử nhất sinh”.
Nằm trên giường bệnh với vẻ mặt thất thần, anh Tân vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Thể trạng anh yếu ớt, nói chuyện tiếng được, tiếng không…, mọi sinh hoạt phải nhờ đến người thân chăm sóc.
Anh Liễu Văn Tân là nạn nhân bị thương nặng nhất trong số 5 người bị thương. Ảnh: Tr.L. |
Anh Tân cùng với anh Hoàng Văn Kính (SN 1978) và anh Dương Văn Tùng (SN 1983) đều quê ở tỉnh Bắc Giang, vốn sống bằng nghề làm vườn bằng mấy sào đất trồng vải. Gần đây, vải thiều rớt giá, cuộc sống gia đình bấp bênh; được sự giới thiệu của người quen, nên cả ba quyết định vào Nam.
Họ để lại vợ con ở ngoài quê, vào làm việc trong Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh từ trước Tết Nguyên đán. Sau 3 tháng thử việc, tất cả đều được ký hợp đồng lao động chính thức. Nhưng, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì tai họa ập xuống.
Hôm xay ra vụ nổ, anh Tân được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng vết thương hở phức tạp mạn sườn phải, vỡ cơ hoành, tràn khí, tràn máu màng phổi phải, vết thương gan, gãy xương bàn ngón tay trái. Sau ca phẫu thuật, anh Tân đã được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, sức khỏe đang dần ổn định.
Người thân của anh Tân cho biết, sau khi được công ty ký hợp đồng lao động chính thức, anh Tân hưởng mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, cộng với tiền sản lượng. Anh là trụ chính trong gia đình, tiền lương mỗi tháng đều dành dụm gửi về lo cho vợ và 2 con ở Bắc Giang. Giờ anh Tân gặp nạn, cuộc sống cả gia đình chưa biết phải tính sao.
Anh Hoàng Văn Kính kể lại phút giây xảy ra vụ nổ kinh hoàng. Ảnh: Tr.L. |
Đưa chúng tôi xem cánh tay trái bị gãy và vết thương ở đầu, anh Hoàng Văn Kính, kể: Do công ty đang cần đơn hàng gấp nên vào ngày Quốc tế lao động 1/5, công ty vẫn hoạt động và trả lương gấp đôi nên nhiều công nhân đã đăng ký làm việc theo hai ca 7h30-17h30 và 18h30-6h30 hôm sau. Vụ tai nạn xảy ra khi anh bắt đầu ca làm việc tại khu bào, tiện ván của xưởng gỗ được khoảng một giờ. Khi đó, lò hơi không hoạt động, không có hơi để dùng nên gần chục công nhân leo lên lò để kiểm tra.
Bất ngờ lò hơi phát nổ, anh Kính đang đứng cách đó khoảng 50m, bị áp lực từ sau đẩy tới đổ gục, một số mảnh vỡ kim loại văng trúng đầu và tay khiến anh bất tỉnh tại chỗ. Khi tỉnh dậy, anh thấy đầu óc choáng váng, chảy máu không thể cử động, xung quanh máy móc bị xáo trộn, bụi phủ mù mịt, khắp xưởng người nằm la liệt.
“Tôi được đồng nghiệp chạy tới khiêng ra xe cấp cứu, lúc đó tôi mới biết mình vẫn còn sống ", anh Kính nhớ lại.
Tương lai mờ mịt
Cùng phòng bệnh với anh Kính ở Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là công nhân Lê Văn Beo (26 tuổi, quê ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Anh Beo giờ đây chỉ có thể ngồi mà không thể nằm được, do cả vùng lưng bị bỏng nặng.
Thời điểm xảy ra vụ việc, anh đang đứng sắp xếp các tấm ván cách lò hơi hơn 10m. Vụ nổ lớn đến mức khiến anh ngã lăn ra đất, những mảnh vỡ của bình hơi cùng những vật dụng gần đó bay văng vào người anh.
Anh Lê Văn Beo lo lắng cho tương lai. Ảnh: Tr.L. |
“Tui chỉ nhớ mình bị chảy máu nhiều, đầu óc choáng váng nhưng không thể cử động được, rồi bất tỉnh. Khi mở mắt thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện”, anh kể.
Anh Beo nói vui rằng, nhà người ta nghèo rớt mồng tơi, còn anh nghèo đến không có mồng tơi để rớt. Độ 10 năm trước xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chỉ là vùng quê nghèo, người dân không tấc đất cắm dùi nên lũ lượt rời quê lên các thành phố lớn để mưu sinh. Riêng anh Beo, từ nhỏ phải làm thuê làm mướn, làm đủ các việc trên trời dưới đất để mưu sinh, đến khi cưới vợ lập gia đình, cái nghèo vẫn đeo bám. Một dạo, cha mẹ vợ anh Beo làm hồ ở Đồng Nai kêu hai vợ chồng cùng lên đây kiếm sống. Thế là anh cũng theo dòng chảy “di cư” lên Đồng Nai làm trong công ty gỗ được 6 năm.
Vùng lưng của anh Lê Văn Beo bị thương rất nặng. Ảnh: Tr.L. |
Ngồi trên giường bệnh, nhìn những vết thương chi chít khắp người, anh Beo mường tượng về một tương lai mờ mịt. Anh biết, dù may mắn sống sót sau vụ tai nạn nhưng sức lao động sẽ không còn được như trước. Vợ anh dạo trước cũng làm ở công ty nhưng đã nghỉ việc hơn 1 năm nay từ sau khi sinh đứa con nhỏ, toàn bộ cuộc sống gia đình đều do anh gánh vác.
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh hiện có 295 người tham gia BHXH, BHYT và BHTN (bao gồm cả số công nhân lao động đang làm việc tại chi nhánh Khu công nghiệp Hố Nai). Riêng tại nơi xảy ra tai nạn ở huyện Vĩnh Cửu, có khoảng 200 công nhân lao động làm việc, thời điểm xảy ra tai nạn có 47 người làm việc.
Mới đây, doanh nghiệp này đã ra thông báo cho công nhân nghỉ việc đến hết ngày 31/5 để khắc phục sự cố. Trong thông báo gửi công nhân, công ty cho biết, vụ nổ lò hơi là một sự việc đáng tiếc, khách quan và không lường trước. Công ty này gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân viên công ty về sự việc đáng tiếc vừa qua, chia buồn với nạn nhân và gia đình đã phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề. Trong thời gian chờ cơ quan công an và lực lượng chức năng điều tra, công ty đã có phương án hỗ trợ bồi thường cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đến thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong. Ảnh: P.V. |
Về lương tháng 4/2024, công ty sẽ thu xếp chi trả đầy đủ cho toàn thể cán bộ nhân viên. Ngoài ra, trong thời gian ngưng hoạt động hết tháng 5, công ty sẽ hỗ trợ chi trả 1 tháng lương cơ bản cho người lao động.
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, các nạn nhân trong vụ nổ đều có hoàn cảnh thương tâm, đều là những lao động xa xứ, là trụ cột chính trong gia đình, họ rời quê vào Đồng Nai thuê trọ làm công nhân. Nên khi họ gặp nạn kinh tế gia đình rơi vào cảnh suy sụp.
Như lời ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu (quê nhà của anh Trần Văn Cường): “Hoàn cảnh của anh Cường rất khó khăn, vợ chồng không có nhà riêng, không có đất sản xuất phải đi làm thuê, làm mướn ở xa. Sau khi nhận được thông tin trên địa bàn có nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai, chính quyền địa phương đã cử đoàn cán bộ xuống thăm viếng. Đồng thời, vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gia đình lo mai táng cho anh Cường. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những hỗ trợ dành cho các nạn nhân để gia đình họ sớm vượt qua nỗi đau mất người thân”…
Sau khi vụ việc xảy ra, TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đã trực tiếp tới hiện trường nắm bắt tình hình vụ tai nạn lao động để có báo cáo với Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam về các nội dung như: đánh giá bước đầu việc khắc phục xử lý, nguyên nhân, kỹ thuật… TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết: "Hiện nay, nhiều nhà máy, nơi làm việc và cả những hệ thống quản lý an toàn của các doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc, chúng ta bắt buộc phải hành động ngay, mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá hệ thống công nghệ, điều kiện làm việc, máy móc thiết bị, trình độ năng lực từ người sử dụng lao động đến từng người lao động…". |
Ngày 3/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Bình Minh (gọi tắt là Công ty Bình Minh) ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, để phục vụ công tác điều tra liên quan đến vụ nổ lò hơi khiến 6 người chết hôm 1/5. Cơ quan chức năng đang chờ kết quả giám định để củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sau khi khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, Công an tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân vụ việc là lỗi kỹ thuật dẫn đến lò hơi phát nổ, gây ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. |
Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Sức khoẻ các công nhân được cấp cứu ra sao? Có ít nhất 2/5 công nhân bị thương trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã được bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa ... |
Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Lỗi kỹ thuật của lò hơi gây nổ Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, vụ nổ lò hơi làm 6 công nhân tử vong tại chỗ và ... |
Chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân trong vụ nổ ở Đồng Nai Trong ngày 1/5, UBND tỉnh Đồng Nai đã có báo báo gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai về vụ ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định