
![]() |
Nhà văn - nhà báo Dương Thành Truyền tại buổi tập huấn. Ảnh: Phạm Thuỷ |
Mẩu chuyện đầu tiên mà nhà báo Dương Thành Truyền kể là câu chuyện về ông Hai Xô và chiếc bánh mì của Đảng.
Hồi đó, ông Hai Xô đi bán bánh mì đóng góp vào quỹ của Đảng. Có những khi bụng rất đói nhưng ông nhất định không ăn, vì sợ nếu sau không có tiền bù vào, Đảng đã khó lại càng khó hơn. Đó chính là Phạm Văn Xô - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sau ngày đất nước thống nhất, “ông trùm kinh tài Việt Cộng” thời kháng chiến.
Với công lao dành cho cách mạng, ông Xô được UBND TP.HCM cấp đất ở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông Xô thả cá, trồng rau vui hưởng cuộc sống thanh bình khi về hưu. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ ông quyết định trả 4.000m2 đất có giá hàng ngàn cây vàng lại cho UBND TP về sống trong một căn chung cư nhỏ. Ngày xưa, người đảng viên không dám tơ hào dù chỉ là một ổ bánh mì của Đảng, “vì lo Đảng còn nghèo”. Ngày nay, đảng viên trả đất cho Đảng, mặc mọi người chê "dại", hẳn cũng vì nỗi lo “lòng dân với Đảng”, nếu cứ hưởng đặc quyền đặc lợi như vậy. “Đảng mạnh vì người đảng viên không dám tơ hào dù chỉ là một ổ bánh mì của Đảng. Đảng mạnh vì mỗi đảng viên hết lòng vì Đảng”.
Nhà báo Dương Thành Truyền kể tiếp: "Chúng tôi tới thăm K9, được nghe kể một câu chuyện cảm động về việc di chuyển thi hài Bác về K9. Bác mất năm 1969, từ đó tới năm 1976 (chúng ta mới xây xong lăng) thì việc bảo quản thi hài của Bác là việc vô cùng khó khăn, vô cùng gian khổ. Lần đó, trung ương quyết định đưa thi hài của Bác về K9 thì mới an toàn. Ở Hà Nội, như chúng ta đã biết năm 1972 Mỹ đánh bom rất ác liệt. Đồng chí nhận nhiệm vụ chuyển thi hài của Bác về K9, người tài xế ấy đã phải chạy cung đường đó cả ngàn lần. Phải đi vào ban đêm, phải quan sát, không chỉ hiểu đoạn đường mà còn phải nắm rõ cảnh quan 2 bên và khả năng quan sát thành thục. Hàng ngàn lần di chuyển ngược xuôi trên một cung đường. Người lính hiểu đoạn đường đó đến từng centimet. Nếu người lính đó không yêu Đảng, không yêu thương nhiệm vụ của mình thì làm sao có thể làm được một việc như thế. Chúng tôi rất xúc động khi nghe câu chuyện và chúng tôi thực hiện kết nạp Đảng cho anh em Nhà Xuất bản tại khu K9. Để thấy, để nhắc nhở nhau rằng, khi một người mà hết lòng với tổ chức, với tập thể của mình thì người đó sẽ làm được những việc vĩ đại.
Ngày nay chúng ta cần phải truyền thông giáo dục về niềm tự hào với tổ chức, với công ty, với cơ quan của mình cho người lao động. Một trong những cách ấy là kể về những câu chuyện, những tấm gương vô cùng nhiều trong lịch sử, những câu chuyện gây xúc động, để lại ấn tượng và khơi gợi niềm tự hào ấy. Cho nên, nếu mình không yêu thương Công đoàn, nếu mình không yêu thương tổ chức Công đoàn thì làm sao tổ chức vững mạnh được? Một người có lý tưởng nghề nghiệp, yêu nghề yêu người thì sẽ hết lòng hết sức với công việc".
Một chuyện khác về lòng tự hào về tập thể, về thương hiệu mà cá nhân phụng sự được Nhà báo Dương Thành Truyền kể: "Tôi biết anh Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Giám đốc Sở Lao động Thuơng binh và Xã hội, Bí thư Đảng uỷ khối Dân chính Đảng. Trong một lần về làm việc với Thành đoàn, anh bảo “nay tao về quê”. Mọi người biết anh về Thành đoàn nên ngạc nhiên hỏi “anh về Thành đoàn mà”. Anh Năng giải thích, đối với anh, Thành đoàn không phải là nhà. Vì nhà thì chúng ta có nhiều nhà, nhà tình thương, nhà tình nghĩa và có nhà… tình nghi. Nhưng quê thì chỉ có một. Anh Năng nói anh Năng về nói chuyện với Thành đoàn giống như về quê. Tôi tin là trong anh Năng có niềm tự hào thật sự về tổ chức của mình. Đây là biểu hiện cao nhất khi chúng ta tự hào về tổ chức của mình, và đó chính là một tình yêu bao la".
Nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ: "Tôi làm việc với người Nhật và tôi thực tâm nể người Nhật. Mặc dù hiện nay kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản nhưng có thể phải còn rất lâu nữa Trung Quốc mới trở thành một xã hội phát triển như nước Nhật. Một lần, chúng tôi được một tờ báo Nhật mời sang làm việc. Sau bốn ngày làm việc chính thức ở Tokyo xong thì chúng tôi tự bỏ tiền ra để đi Osaka chơi. Ngày làm việc cuối cùng, ông người Nhật được tờ báo giao nhiệm vụ chăm sóc chúng tôi suốt quá trình làm việc coi như kết thúc nhiệm vụ của 4 ngày, ông ấy đã hỏi tôi, “Ông Truyền, ông muốn đi đâu?”. Tôi nói “Tôi muốn đi Osaka”. Và thế là ông ấy mua giúp chúng tôi vé tàu đi Osaka. Ông ấy lại hỏi, “Ông Truyền, ông có quen ai ở Osaka không”. Tôi trả lời: “Tôi có quen cô Myzuki”. Mặc dù đã hết giờ làm việc, ông ấy đánh xe riêng đưa chúng tôi tới nhà ga. Tới nhà ga ông ấy lại đưa chúng tôi đến đúng cái đường tàu của chúng tôi. Đến đúng đường tàu của chúng tôi ông ấy lại đưa chúng tôi đến đúng toa trên vé. Đến đúng cái toa trên vé rồi, sau khi dẫn chúng tôi lên tận ghế ngồi, chỉ cái ghế, “Đây là ghế của các ông, các bà”, ông ấy nói, “Các quý vị, xin hãy ở đây chờ tôi”. 5 phút sau ông ấy trở lại đặt vào tay chúng tôi mỗi người một chai nước suối rồi mới nói lời tạm biệt.
Nhưng vẫn chưa hết, khi tàu vào đến sân ga, cửa mở, chúng tôi bước xuống thì đã thấy Myzuki đứng chờ ở đó. Ông ấy đã gọi cho Myzuki và bảo rằng chúng tôi đi chuyến tàu này, giờ đó, ghế đó. Trên tay Myzuki có 4 cái ô. Cô ấy xem dự báo thời tiết và nghe được chiều hôm ấy có mưa, cô ấy sống một mình và cô ấy đã bỏ tiền túi ra mua thêm 3 chiếc ô. Chúng tôi mỗi người cầm cái ô của Myzuki đi về khách sạn. Những người hết lòng hết sức với công việc thì sẽ làm việc với tinh thần khác. Đó là những người Nhật bình thường. Và đó chính là lí do mà Nhật Bản phát triển. Một người khi hết lòng với nghề, có lý tưởng nghề nghiệp, yêu người yêu nghề thì sẽ hết lòng hết sức với tất cả mọi người".
Trong một phần khác, nhà báo Dương Thành Truyền kể lại câu chuyện: "Tôi nghe kể ở Trung ương đoàn có một anh là anh Trần Đức Trạch - Phó Ban trung ương, anh ấy là 1 trong những người đầu tiên sau giải phóng được về thăm quê. Cả trung đoàn giao thư cho anh ấy mang về. Anh ấy là người đầu tiên được về thăm quê, cả nhà anh ấy quá vui, quá mừng, xúc động quá. Bởi vì có được bao nhiêu người về. Ngay lúc ấy bố anh Trạch nói với anh Trạch rằng, “Trạch ơi, cả nhà mình ơi, đừng vui quá, vì trong làng của mình còn có bao nhiêu gia đình con không được về”. Ngay cả lúc vui nhất cũng nghĩ đến người khác.
Tôi biết trong những bài kiểm tra về phẩm chất lãnh đạo người ta có câu hỏi rất hay. Người ta hỏi “Anh biết gì về chị tạp vụ?”. Người yêu nghề yêu người hết lòng với công việc thì phải quan tâm hết lòng đến người khác chứ không phải chỉ với cấp trên.
Thế nên khi ta nói lý tưởng nghề nghiệp, lòng yêu nghề, là tình yêu đối với tất cả mọi người không trừ một ai trong tập thể ấy. Khi đó, chúng ta sẽ tạo nên được những điều phi thường, như cách các bậc tiền bối của chúng ta đã tạo ra. Và như cách người Nhật đã sống".
Tin mới hơn

Công đoàn thổi lửa, động viên, dẫn dắt công nhân vào Đảng

Phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong kỷ nguyên mới

Chị Mai Chi và hành trình gieo những hạt mầm trách nhiệm
Tin tức khác

Nhân tố nòng cốt xây dựng tổ chức Đảng và Công đoàn trong doanh nghiệp

Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam: Trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Người đảng viên bước ra từ những con đường sạch

20 năm giữ nguồn nước sạch: Chuyện về một đảng viên tận tâm

Hết mình với nghề, tận tâm với Đảng
