Nhọc nhằn cuộc đời nữ công nhân dùng chân làm giá đỡ cho cánh tay
Đời sống - 30/06/2021 10:00 Duy Minh
“Cảm ơn món quà của Đại sứ quán New Zealand đến với tôi lúc khó khăn” Điều kiện gì để F1 được cách ly tại nhà? |
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ngoài cùng bên trái) nhận quà của Đại sứ quán New Zealand và Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Sinh sống tại xóm Tân Thành (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), hằng ngày, chị Nguyệt vượt 10km để đến công ty làm việc. Với người khỏe mạnh, đi 10km chỉ mất 30 phút. Nhưng chị phải mất cả tiếng đồng hồ. Bị tật ở tay trái, chị là lao động chính trong gia đình có 3 con nhỏ, chồng mắc bệnh và mẹ già. Cuộc sống hết sức khó khăn.
Chị Nguyệt là công nhân tổ 5 (Công ty TNHH OneChang Vina chuyên sản xuất quần áo). Làm việc ở đây đã 5 năm, chị Nguyệt cho biết: “Thu nhập bình quân của mình là 5 triệu đồng/tháng. Có được thu nhập, việc làm như vậy cũng nhờ công ty, công đoàn giúp đỡ và tạo điều kiện rất nhiều”.
Vì chị có tay trái, nhưng chỉ dùng để cầm, nắm, không cử động linh hoạt được như mọi người. Chị làm ở tổ cắt. Khi thao tác, tay phải cầm kéo, tay trái tựa vào bàn máy để giữ vải. Vất vả, khó khăn đến mấy, chị vẫn cố gắng làm cho bằng được. Biết mình làm việc khó khăn hơn người khác, chị nhiều lần bày tỏ với Tổ trưởng. Nhưng Tổ trưởng Tổ công đoàn động viên chị “làm hết sức mình là được” khiến chị càng thêm cố gắng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (người đầu tiên) nhận hỗ trợ lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Ở tuổi 36, chị có 3 con cả trai lẫn gái. Con gái đầu lòng mới 8 tuổi. Bé trai nhỏ nhất mới lên 2. Mẹ chồng chị năm nay cũng 61 tuổi, không có thu nhập. Chồng chị mắc bệnh từ năm 2017, không đủ sức khỏe để xin vào công ty làm việc. Trước đây, anh có đi làm thợ xây, phụ hồ. Nhưng mấy năm nay, anh chỉ ở nhà cày cấy hơn 1 sào ruộng, kinh tế gia đình càng eo hẹp hơn. Bản thân chị cũng không có cách nào để làm gia tăng thu nhập, trang trải cuộc sống do cánh tay trái bị tật.
“Lúc sinh ra, mình bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến khi mọi người đưa đồ ăn gì cũng thấy mình chỉ cầm tay phải, sinh nghi nên đưa đi khám thì phát hiện ra bệnh. Khi ấy, mình còn nhỏ quá, không đủ sức khỏe để phẫu thuật. Cộng thêm hồi đi học, trong lúc chơi với bạn, mình bị gãy tay. Gia đình đưa mình đi bó bột. Rồi lớn lên, có sức khỏe, muốn phẫu thuật thì gia đình khó khăn. Bố mình mắc bệnh tim. Mẹ mình là nông dân không hiểu rõ bệnh tình của con. Đó là năm 1995. Tay của mình buông thõng từ đó. Vẫn cầm, nắm được nhưng muốn ăn cơm, bế con… phải có sự hỗ trợ của… chân” – chị Nguyệt buồn bã nói.
Chị Nguyệt kể, bao năm qua, người ngoài nhìn vào sẽ thấy hoạt động của chị rất khó khăn, bất tiện. Nhưng chị đã quen với việc xoay xở bằng tay phải và sự hỗ trợ của đôi chân.
| |
Một góc thị trấn Vôi (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) nơi gia đình chị Nguyệt sinh sống. Ảnh: ST |
“Ăn cơm thì tay trái cầm bát, dùng đầu gối đỡ bát đưa lên miệng. Khi bế con phải nhờ cái chân đỡ cái tay, cho con bú cũng vậy. Vất vả phải chấp nhận thôi. Vì là phụ nữ, nếu không muốn vất vả thì đừng lấy chồng, sinh con. May mắn là mình có những đứa con ngoan. Hai đứa con gái thương mẹ, biết làm đủ việc. Từ trải chiếu, dọn cơm, rửa bát, quét nhà, trông em, tự học… Nhiều đêm vuốt tóc con mà nước mắt rơi ướt gối. Có ngày, con kể, các bạn cùng lớp đã biết phân biệt bạn giàu, bạn nghèo nên con ít bạn. Con người ta lớp 1 được cha mẹ đưa đón, đủ đầy. Có điều kiện, các con được bố mẹ đóng tiền thuê ô tô đưa đón 300.000 đồng/tháng. Con nhà mình mới lớp 2 phải tự đạp chiếc xe mini già cỗi, cọc cạch đến trường. Vậy mà 1 năm học qua, nó vẫn đi đến trường như vậy. Người nó bé nhỏ mà cố gắng rất nhiều”. – chị Nguyệt tâm sự.
Thì ra, trong những ngày chị đi làm, con ở nhà lân la, tự học đi xe đạp với anh chị. Chị đã về nhà mẹ đẻ, xin chiếc xe đạp cũ của mình về sửa lại cho con. Chị kể, đứa lớn được sai bảo nhiều việc quá, có lúc nó phát cáu. Nhưng chị lại động viên “nếu con không làm thì ai giúp mẹ” vì thực sự nếu không có con, chị không thể kham hết việc nhà.
“Nhà mình cận nghèo. Năm nào cũng lên trường xin miễn giảm đóng góp cho con. Bây giờ các con mới vào cấp 1, sách vở còn ít, chưa khó khăn lắm. Nhưng trong lòng mình lo con không bằng bạn, bằng bè, dễ tủi thân. Quần áo mặc quay vòng đứa chị đến đứa em. Sữa thì mua loại không đắt tiền. Cuộc sống bây giờ tàm tạm. Nhưng con ngày càng lớn, mình chưa biết co kéo thế nào cho đủ". – chị Nguyệt tâm sự.
|
Hằng tháng, ngoài lương, chị Nguyệt còn nhận được chế độ cho người khuyết tật là 405.000 đồng/tháng nên có thêm tiền mua sữa cho con. Nhiều lần, nghĩ mà tủi phận, chị lại chẹp miệng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” và lạc quan với phần lãi “3 đứa con ngoan”. Người ta nói, “giàu hai con mắt, khó hay bàn tay”. Mỗi lần nắm cánh tay teo nhỏ, buông thõng, chị lại tần ngần ước giá như nó… lành lặn.
“Nếu cánh tay lành lặn, mình sẽ có sức khỏe để làm thật nhiều. Người khỏe mạnh thu nhập bình quân 7 – 8 triệu đồng/tháng. Còn mình chỉ được 5 triệu đồng thôi” - chị Nguyệt cho biết.
Nhà chồng cũng tạo điều kiện để chị không phải dọn bờ, gieo mạ, cày cấy mà tập trung làm việc tại công ty. Cánh tay của chị khó phục hồi. Bác sĩ nói nhiều năm qua, cánh tay trái đã bị teo nhỏ nên việc phẫu thuật rất khó khăn. Dù có phẫu thuật cũng không thay đổi được gì. Chị buồn với cánh tay trái chỉ như “treo” ở thân thể.
Đồng nghiệp của chị Nguyệt tại công ty. Ảnh: ST |
“Đã có lần mình khóc với mẹ: Ước gì mẹ đừng sinh con ra. Mẹ mình cũng chảy nước mắt nói, ngày xưa mình không như vậy, mình khỏe mạnh bình thường. Mình biết mẹ cũng đau lòng lắm” – chị Nguyệt nhớ lại.
Chị kể, có những việc, chị bất lực không làm được do tay trái bị tật. Đơn giản như việc xới cơm cho mẹ chồng, không thể dùng chân làm giá đỡ cho cánh tay. Vì vậy, nhiều người phải thông cảm cho chị. Với con thì dễ hơn, chị cố gắng hết sức xoay xở bằng cả chân và tay. Hay việc chị lái xe đi làm cũng phải đi thật chậm vì chỉ còn 1 cánh tay. Chị vẫn thấy cuộc đời mình may mắn hơn nhiều số phận cùng làm việc ở Trung tâm khuyết tật nhiều năm trước. Ở đó, có những người bị liệt nửa người, người câm điếc, người mang bệnh hiểm nghèo…
Hạnh phúc, theo định nghĩa của chị bình dị lắm. Đó còn là dịch bệnh vẫn có việc làm, vẫn được công ty trả lương. Như tháng 5 vừa rồi, chị làm được 16 – 17 ngày công vẫn được nhận lương hơn 4 triệu đồng. Vào dịp lễ, tết, Tháng Công nhân… công ty và công đoàn đều có chính sách chăm lo cho chị và những hoàn cảnh khó khăn khác.
“Có sự kiện nào công đoàn cũng dành phần quà cho người lao động khó khăn như mình. Vào dịp Tết, công đoàn, Công ty có quà gồm măng, miến, bánh kẹo… giúp mình đỡ phần chi phí mua sắm. Mỗi lần mang về nhà, mình đều nói với các con. Tụi nhỏ vui lắm vì được sự quan tâm của công ty, công đoàn. Mới đây, mình được nhận phần quà của Đại sứ quán New Zealand và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với mình, phần quà ấy có ý nghĩa vô cùng” - chị Nguyệt kể.
Ông Phan Thế Huy - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn như chị Nguyệt ngoài nhận được sự quan tâm của LĐLĐ TP Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang thì vào dịp lễ, Tết đều được nhận quà của Công đoàn cơ sở. Công đoàn cũng kêu gọi sự ủng hộ của đoàn viên trong công ty và các doanh nghiệp hảo tâm hỗ trợ. Riêng trường hợp của chị Nguyệt, Ban Chấp hành Công đoàn triển khai đến các Tổ trưởng Tổ công đoàn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất. Do chị Nguyệt bị tật ở tay, với nhiều doanh nghiệp rất ngại tuyển dụng. Nhưng mình đã tư vấn cho Ban Giám đốc tạo điều kiện để chị được làm việc. Qua đánh giá của Tổ trưởng Tổ công đoàn, chị Nguyệt là người làm được việc, nhiệt tình và hoàn thành tốt".
Lao động tự do chật vật mưu sinh khi giãn cách xã hội Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP HCM vẫn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ ngày 29/6/2021 và không nêu cụ ... |
Không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để F1 cách ly tại nhà Cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 được đánh giá là một biện pháp cần thiết nhằm giảm tải áp lực cho ... |
Cảng cá lớn nhất Đà Nẵng tạm dừng hoạt động do liên quan đến ca Covid-19 tại Quảng Ngãi Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) phải tạm dừng hoạt động, tiến hành xét nghiệm tiểu thương và ngư dân trong đêm do ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.