Nhiều biện pháp dự phòng để giảm thiểu rủi ro cho người lao động ngành Y tế
An toàn, vệ sinh lao động - 06/03/2022 15:50 PGS. TS. LƯƠNG MAI ANH - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế
Trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 là một trong những nhóm có nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ của nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP. Hồ Chí Minh, tháng 8/2021. Ảnh: Kim Dung. |
Những nguy cơ, rủi ro của NLĐ ngành Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19
Công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể đến từng người dân, trong đó nhân viên y tế (NVYT) giữ vai trò then chốt. Thống kê sơ bộ đến ngày 06/12/2021, đã có 7.195 cán bộ, NVYT đang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó 03 trường hợp đã tử vong. Các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ khác nhau giữa các nhóm nghề công việc của NLĐ trong ngành Y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm (i) Điều tra dịch tễ tại cộng đồng (truy vết); (ii) Lấy mẫu và xét nghiệm nhanh tại cộng đồng; (iii) Làm xét nghiệm; (iv) Trực tiếp điều trị, chăm sóc, phục vụ, chuyên chở bệnh nhân Covid-19; (v) Làm việc trong các khu vực khám, chữa bệnh thông thường, khám sàng lọc, tư vấn; khu cách ly tập trung; chuyên chở người nghi nhiễm SARS-CoV-2; (vi) Làm việc tại trạm y tế xã/ phường/thị trấn lưu động (sau đây gọi tắt là trạm y tế lưu động - TYTLĐ).
Những rủi ro nghề nghiệp của NLĐ ngành Y tế trong phòng, chống Covid-19 bao gồm (i) Lây nhiễm Covid-19 khi làm việc; (ii) Viêm da và căng thẳng nhiệt do phải mặc phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong thời gian dài và trong thời tiết nóng nực; (iii) Tiếp xúc với hóa chất khử khuẩn do tăng tần suất sử dụng; (iv) Mệt mỏi kéo dài; (v) Bị bạo hành, kỳ thị, phân biệt đối xử; (vi) Bị căng thẳng tâm lý; (vii) Đau mỏi cơ xương khớp; (viii) Điều kiện công trình vệ sinh, phúc lợi không đầy đủ hoặc không đảm bảo an toàn.
Để giảm thiểu những rủi ro nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho NVYT, cần thực hiện kết hợp đồng bộ các biện pháp toàn diện về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm với các biện pháp ATVSLĐ, quản lý NVYT, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý cho NVYT.
Ngày 02/02/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ban hành Hướng dẫn tạm thời: “Covid-19: An toàn và vệ sinh lao động cho nhân viên y tế”. Trên cơ sở này, Bộ Y tế đã phối hợp với các chuyên gia y học lao động xây dựng hướng dẫn ATVSLĐ cho NVYT trong phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam để giảm thiểu nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của NVYT trong phòng, chống dịch Covid-19.
Mức độ nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trong phòng, chống dịch Covid-19 theo nhóm NVYT được tóm tắt trong bảng sau.
TT | Nhóm NVYT | Lây nhiễm SARS-CoV-2 | Nguy cơ bị viêm da | Nguy cơ bị căng thẳng nhiệt | Tiếp xúc với hóa chất khử khuẩn | Nguy cơ bị mệt mỏi | Bạo lực, quấy rối | Nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần | Nguy cơ bị đau mỏi cơ xương khớp | Điều kiện công trình vệ sinh phúc lợi không đầy đủ hoặc không an toàn |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
1. | Nhóm 1- Điều tra dịch tễ tại cộng đồng | ++ | ++++ | ++++ | ++ | ++++ | ++++ | ++++ | +++ | ++++ |
2. | Nhóm 2-Lấy mẫu XN và XN nhanh tại cộng đồng | +++ | ++++ | ++++ | ++ | ++++ | ++++ | ++++ | +++ | ++++ |
3. | Nhóm 3-Làm xét nghiệm | +++ | ++++ | + | ++++ | ++++ | + | ++++ | +++ | ++ |
4. | Nhóm 4-Trực tiếp điều trị, chăm sóc, phục vụ, chuyên chở bệnh nhân Covid-19 | ++++ | ++++ | +++ | ++++ | ++++ | +++ | ++++ | ++++ | +++ |
5. | Nhóm 5-Làm việc trong các khu vực khám, chữa bệnh thông thường; khám sàng lọc, tư vấn; khu cách ly tập trung; chuyên chở người nghi nhiễm SARS-CoV-2. | ++ | ++++ | +++ | ++++ | ++++ | ++++ | ++++ | +++ | +++ |
6. | Nhóm 6-Trạm y tế lưu động | +++ | ++++ | ++++ | ++ | ++++ | ++++ | ++++ | +++ | ++++ |
Các biện pháp dự phòng chung
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho NVYT trong phòng, chống dịch Covid-19, ngoài các biện pháp theo từng yếu tố nguy cơ cụ thể, các cơ sở y tế cần áp dụng và thực hiện các biện pháp dự phòng chung như sau:
Xây dựng và thực hiện chương trình ATVSLĐ lồng ghép với chương trình kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế. Xây dựng các nội quy, quy định về ATVSLĐ trong phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, sức khỏe và phòng, chống lây nhiễm cho NVYT. Quy định yêu cầu NLĐ tuân thủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, thực hành công việc an toàn để giảm thiểu các nguy cơ rủi ro ATVSLĐ trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tổ chức công việc để kiểm soát giảm thiểu nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trong phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm: Bố trí làm việc từ xa, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế từ xa. Thay thế những yếu tố rất có hại bằng những yếu tố ít hại hơn như lựa chọn PTBVCN, hóa chất khử khuẩn dùng trong gia dụng và y tế đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại cho NVYT. Thiết kế khu vực riêng để cách ly bệnh nhân Covid-19; sử dụng rèm, tấm chắn để ngăn cách trong phòng bệnh nhân nếu không gian nhỏ; sử dụng phòng lấy mẫu xét nghiệm; tấm chắn bảo vệ và ngăn cách bằng nhựa trong. Bố trí đầy đủ và thuận tiện các công trình vệ sinh, công trình phúc lợi phù hợp với NVYT theo qui định. Trang bị đầy đủ vòi nước rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh ở tất cả các điểm chăm sóc người bệnh, khu vực mặc/thay PTBVCN, khu vệ sinh, nơi xử lý chất thải… Khuyến khích lắp đặt hệ thống vệ sinh công nghệ “không chạm” tại các khu vệ sinh, công trình phúc lợi.
Tập huấn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tổ chức. Ảnh: BVĐK Cao Bằng. |
Nghiên cứu, thiết kế và thay đổi hệ thống thông gió phù hợp. Lắp đặt hệ thống thông gió áp suất âm chuyên dụng trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, khi thực hiện các thủ thuật y tế tạo khí dung và trong dãy phòng khám nghiệm tử thi chuyên dụng trong nhà xác. Lắp đặt hệ thống lọc khí hiệu suất cao (HEPA) trong các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Tăng cường tối đa thông khí tự nhiên bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào. Sử dụng hệ thống rô-bốt để vận chuyển thuốc, thức ăn và vệ sinh khử khuẩn… Giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ giải lao cho NVYT khi mặc đầy đủ PTBVCN làm việc trong môi trường nóng; giảm căng thẳng và mệt mỏi cho NVYT bằng cách luân phiên ca làm việc, luân chuyển NVYT từ vị trí làm việc rất căng thẳng xuống vị trí ít căng thẳng hơn…
Thường xuyên nhận diện, quan trắc các yếu tố có hại, đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tổ chức huấn luyện cho NVYT về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; cách sử dụng hóa chất khử khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; sức khỏe tâm thần, phòng ngừa bạo hành, kỳ thị, mệt mỏi, căng thẳng tâm lý, đau mỏi cơ xương khớp và các bệnh do căng thẳng nhiệt gây ra; mặc, cởi, làm sạch, cất giữ, thải bỏ PTBVCN đúng cách và đảm bảo an toàn…
Cung cấp và trang bị đầy đủ PTBVCN cho NVYT đảm bảo các yêu cầu sau: Được lựa chọn dựa trên yếu tố nguy cơ đối với NVYT. Được trang bị đúng cách và được trang bị lại định kỳ (nếu có). Được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế, nếu cần thiết. Được mặc, cởi, làm sạch, cất giữ, thải bỏ hoặc tiêu hủy đúng cách và đảm bảo an toàn theo quy định, phân loại và xử lý rác thải nguy hại để tránh lây nhiễm cho bản thân, người khác và ô nhiễm môi trường.
Giảm căng thẳng và mệt mỏi cho nhân viên y tế bằng cách luân phiên ca làm việc, luân chuyển nhân viên y tế từ vị trí làm việc rất căng thẳng xuống vị trí ít căng thẳng hơn. Trong ảnh: Nhân viên y tế xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp chuẩn bị túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Hữu Nghĩa. |
Bố trí NVYT đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế để tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sàng lọc và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho NVYT theo quy định của Bộ Y tế. Tiêm phòng vắc xin cho NVYT trước khi tham gia hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh lây nhiễm nghề nghiệp khác. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NVYT theo quy định hiện hành, đặc biệt NVYT có nguy cơ cao phơi nhiễm SARS-CoV-2 và các nguy cơ nghề nghiệp khác. Đảm bảo NVYT được chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng khi bị lây nhiễm SARS-CoV-2, bị bạo hành, quấy rối hoặc có các rối loạn về sức khỏe tâm thần, bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Báo cáo, điều tra, lập hồ sơ các trường hợp phơi nhiễm SARS-CoV-2, các vụ bạo hành, quấy rối tại nơi làm việc và đưa ra các biện pháp dự phòng. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho NVYT khi tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật hiện hành. Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến các hướng dẫn về ATVSLĐ trong phòng, chống dịch Covid-19, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe cho NVYT tại nơi làm việc.
Cơ sở y tế cần bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai cũng như thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các nội dung trên để đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu nguy cơ, rủi ro đối với NLĐ ngành Y tế trong phòng, chống Covid-19.
Long An thành lập Trạm Y tế lưu động đảm bảo an toàn cho công nhân lao động đón Tết Tết Nguyên đán 2022 đã cận kề, để đoàn viên, người lao động đón Tết an toàn trong tình hình dịch Covid -19, LĐLĐ tỉnh ... |
Người lao động được hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế Bộ LĐ-TB&XH đã có Quyết định 1405/QĐ-BLĐTBXH ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Quyết định nêu ... |
Nhân rộng mô hình “Phòng Y tế từ xa” để thích ứng an toàn Mô hình “Phòng Y tế từ xa” đã triển khai hiệu quả ở TP. Hồ Chí Minh và đang được Viện Khoa học An toàn ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 30/10/2024 08:06
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm của chuyên môn và công đoàn các cấp trong ngành về ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 18:31
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi - hình thức tuyên truyền thiết thực của Công đoàn
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 không chỉ là sân chơi dành cho người làm công tác ATVSLĐ trong ngành mà còn là hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 10:44
"Cuộc thi trực tuyến giúp tôi nhận ra nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai"
Anh Nguyễn Minh Phương - CĐCS Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA) chia sẻ cảm nhận về cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ".
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Người lao động - 16/10/2024 18:42
Siết chặt quản lý quan trắc môi trường tại cơ sở lao động
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo đó, đề xuất quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động.
Người lao động - 10/10/2024 13:43
Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Mới đây, công nhân Đào Sỹ T. của Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã gặp tai nạn nghiêm trọng khi sửa chữa máy nghiền xích. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, anh T. không qua khỏi.