Người đàn ông cứu nhiều người thoát khỏi "thần chết" ở biển Đà Nẵng
Đời sống - 13/05/2023 20:38 NGUYỄN LUẬN
Những lần cứu người đáng nhớ
Ông Phùng Thương, Tổ trưởng Tổ số 10, Đội cứu hộ các bãi biển du lịch. Ảnh: NGUYỄN LUẬN |
Chiều một ngày giữa tháng 5, biển Mỹ Khê, TP. Đà Nẵng đông nghịt du khách và người dân tìm đến tắm biển. Từng tốp du khách đi theo chỉ dẫn xuống các khu vực tắm biển an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số người không biết hoặc cố tình chọn riêng cho mình một khu vực tắm nên lẳng lặng đi nhanh xuống nơi đã chọn. Thấy khách du lịch đi được vài bước chân dưới nước, một người đàn ông đứng xa ngay lập tức thổi tiếng còi vang lên liên hồi cùng cánh tay vẫy cảnh báo hãy di chuyển đến vùng biển an toàn để tắm.
Người đàn ông đó là ông Phùng Thương, Tổ trưởng Tổ số 10, Đội cứu hộ các bãi biển du lịch (thuộc Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng).
Khi nghe ông Thương nói năm nay đã ở tuổi 59, chúng tôi rất bất ngờ. Dù sắp chạm "60 năm cuộc đời" nhưng ông Thương vẫn khỏe mạnh, thân hình săn chắc, khuôn mặt rắn rỏi và đôi mắt còn rất tinh tường. Ông Thương bảo, nhờ kinh nghiệm hơn 25 năm làm nghề đi biển, sau đó làm nhân viên cứu hộ thêm 20 năm đã luyện nên ông như bây giờ.
Theo ông Thương, ngày xưa ông đi biển với cha mẹ để kiếm cái ăn, cái mặc. Vùng biển Đà Nẵng kéo dài gần 20 ki-lô-mét, ông nắm rõ nơi nào nước đẹp, thanh bình, còn nơi nào nước xấu, xuống tắm là nguy cơ mất mạng.
"Năm 2003, tôi nghỉ đi biển, bắt đầu vào làm nhân viên đội cứu hộ. Khu vực ngày xưa chúng tôi phụ trách là bãi biển thuộc phường Khuê Mỹ và Mỹ An với khoảng 4 - 5 người. Từ đó đến nay đã 20 năm, có nhiều thay đổi về con người, địa điểm làm việc,... Tuy nhiên, mục đích chính công việc vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách và người địa phương khi tắm biển", ông Thương chia sẻ.
Ông Thương quan sát khách du lịch và người tắm biển để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Làm nghề đã 20 năm, ông Thương có nhiều lần cứu du khách khi tắm và dạo chơi bãi biển chẳng may gặp nạn.
Đưa đôi mắt nhìn xa xăm ra khu vực bãi biển năm xưa đã cứu người, ông Thương trầm giọng kể về lần cứu hộ đang nhớ nhất. "Đó là một buổi tối thời điểm năm 2005, khi tôi đang đi kiểm tra bãi biển thì nghe tiếng hét vang lên liên hồi nhưng đứt đoạn. Trong đêm tối, bằng kinh nghiệm đi biển của mình, tôi đã phát hiện ra vị trí người gặp nạn nên chẳng cầm theo gì phòng thân mà vội bơi nhanh ra biển. Khi bơi ra đến nơi, tôi thấy đến 4 nữ sinh viên đang đuối dần do uống nước biển. Ngay lập tức, tôi kéo các cháu lại, quàng tay mình ôm chân các cháu rồi gắng sức bơi vào phía bãi cát. Rất may khi vào đến bờ, các cháu đều được cứu sống", ông Thương bồi hồi nhớ lại.
Đúng 5 năm sau, ông Thương lại một lần nữa cứu một mạng người trẻ tuổi khi tắm biển đêm. Theo lời ông Thương, thời điểm đó ông hết ca làm việc, đang chuẩn bị về thì nghe tiếng người dân trên bãi biển la hét, báo có người đuối nước. Không suy nghĩ nhiều, ông Thương bỏ đôi dép rồi chạy nhanh về phía biển nơi có người gặp nạn.
Ông Thương chia sẻ: "Trước lúc lao xuống biển, tôi cũng chỉ kịp với lấy cái ruột xe đã bơm hơi. Thời điểm năm đó trời lạnh buốt, tôi bơi một đoạn là chân tay tê cóng. Khi tôi ra tới nơi, một thanh niên đuối nước gần như ngất đi. Tôi vừa giữ chiếc ruột xe vừa kéo thanh niên này vào bằng tất cả sức lực. Vào đến bờ, tôi hô hấp nhân tạo, thanh niên bị ngất đã được cứu sống thành công".
Theo lời ông Thương, trong 20 năm làm công việc cứu hộ, những trường hợp ông cứu sống nhiều không kể hết. Tuy nhiên, ông không coi đó là "chiến tích", bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, làm công việc gì, khi thấy người bị nạn cần giúp đỡ thì sẽ dang tay ra khi bản thân có khả năng.
Làm nghề cứu hộ không được lơ là dù chỉ 1 giây
Trong những năm làm nghề cứu hộ, ông Thương chứng khiến không biết bao nhiêu lần bị người say rượu bia đe dọa, đuổi đánh khi ông ngăn cản không cho họ xuống tắm biển.
"Lực lượng trật tự bãi biển thành lập cỡ 10 năm trở lại đây nên anh em cứu hộ đỡ vất vả hơn. Còn trước đó, rất nhiều người nhậu say vào là đòi xuống tắm biển. Tôi khuyên bảo, ngăn cản, bảo về nghỉ ngơi nhưng họ không nghe. Nhiều trong số họ thấy tôi ngăn cản không cho họ tắm là bực lên đuổi đánh. Lúc đó, họ đuổi thì tôi chạy đi, thấy họ dừng thì tôi lại khuyên bảo tiếp. Nói nặng nhẹ mãi họ cũng lên bờ về nhà", ông Thương vừa cười vừa kể.
Bên cạnh những tình huống khó khăn, bi hài trên, ông Thương cũng hay nhận được lời cảm ơn hay món quà nhỏ thay lời muốn nói là trái dừa tươi, chai nước mà khách du lịch hay người dân tặng.
Nhân viên cứu hộ trực quan sát khách du lịch và người dân tắm biển. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Theo ông Thương, một người làm công việc cứu hộ giỏi bơi lội, mạnh thể lực là rất tốt để cứu người. Tuy nhiên, "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhân viên cứu hộ phải có kinh nghiệm, biết quan sát để cảnh báo ngay cho người dân và khách du lịch không tắm ở vùng nước nguy hiểm, chỉ được tắm trong vùng nước an toàn.
"Tôi luôn chia sẻ anh em đồng nghiệp và cũng cảnh báo chính bản thân rằng, không được chủ quan trong bất cứ trường hợp nào khi làm việc. Những bất trắc, sự cố tai nạn chết đuối đến bất kể thời gian nào, dù chỉ là 1 giây cuối ca trực. Làm nghề này, nếu vì lương thì tôi đã không đi đến bây giờ. Bởi vợ con, người thân cũng nhiều lần bảo xin nghề khác làm, cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, tôi có đam mê với nghề nên tâm sự vợ con kiểu "mưa dần thấm lâu" nên ai cũng hiểu, chia sẻ để làm đến nay 20 năm", ông Thương bộc bạch.
Khi được phóng viên hỏi về dự định tương lai, ông Thương bảo: "Còn sức, còn đam mê, còn cứu người. Hết sức, hết đam mê về vui vầy với vợ con và các cháu!".
Mỗi CĐCS hãy làm ít nhất một việc mang lại lợi ích cho người lao động Đồng chí Lữ Trọng Phương, Chủ tịch LĐLĐ quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng phát động, trong Tháng công nhân năm 2023, mỗi công đoàn ... |
Công đoàn Khu CNC và các KCN Đà Nẵng: Hơn 1 tỉ đồng chăm lo NLĐ trong Tháng Công nhân Tại Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023, Công đoàn Khu ... |
Đà Nẵng: Khai mạc Giải bóng đá các doanh nghiệp FDI Nhật Bản lần thứ I Ngày 7/5, tại Nhà Văn hóa Lao động TP. Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Doanh ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.