Nghị lực vươn lên
Vòng tay Công đoàn - 22/05/2022 09:26 ĐOÀN ANH BẢO - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông Trần Văn Tiến động viên, thăm hỏi Kpă Toal khi anh mắc bệnh. Ảnh: Tác giả cung cấp. |
Thay đổi nhận thức về cuộc sống
Năm đang học lớp 6, Toal bỏ học để theo phụ giúp bố mẹ trong việc khai thác mủ cao su và cóp nhặt tiền mua quà vặt, hoặc góp với bạn mua bóng để đá vào những buổi chiều ở sân bóng của làng.
Tháng 7 năm 2003, Toal vào làm công nhân tại Nông trường Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông như một lẽ tự nhiên. Gắn bó với vườn cây cao su từ ngày còn nhỏ, Toal yêu cây cao su như máu thịt. Làm công nhân, được sinh hoạt trong tổ chức, đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, Toal thay đổi hẳn nhận thức của mình về cuộc sống.
Nhờ tích cực làm việc, tham gia các phong trào, năm 2007, Toal được bầu làm Tổ trưởng Tổ khai thác số 1, Chủ tịch Công đoàn bộ phận, kiêm Bí thư Chi đoàn Thanh niên Đội 4, Nông trường Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Cũng trong năm đó, qua sự kèm cặp, giúp đỡ, giới thiệu của công đoàn, Toal vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Năm 2009, khi biết tin Phòng Giáo dục huyện Chư Prông tổ chức lớp bổ túc văn hóa, Ban Chấp hành Công đoàn Nông trường đã động viên Toal đi học. Ngoài việc nâng cao trình độ văn hóa cho chính mình, Toal cũng tuyên truyền cho bà con trong làng thấy được việc nâng cao kiến thức là cách hữu hiệu cải thiện cuộc sống. Theo gương Toal, một số công nhân, thanh niên trong làng cũng đi học và cùng Toal tốt nghiệp. Việc đi học sau này đã trở thành phong trào, được thôn làng Klũ - Klă đưa vào Hương ước để hạn chế tình trạng bỏ học sớm của một bộ phận trẻ em trong làng.
Công tác công đoàn, vận động bà con vào làm công nhân cao su là một việc khó, mất rất nhiều thời gian, nhưng Toal đã làm tốt. Bí quyết của anh là: “Biết đến đâu thì nói với bà con đến đó. Nói một lần không được thì nói nhiều lần, đến khi nào bà con thấu hiểu mới thôi”. Toal đã thành công trong việc vận động bà con của thôn vào làm công nhân ở các nông trường khác, thay đổi hẳn nhận thức bám làng theo truyền thống của người địa phương. Trong gia đình Toal, anh trai và em gái anh đều là công nhân cao su.
Năm 2015, có 3 lao động muốn nghỉ thôi việc để thanh toán chế độ một lần trong khi đã có thời gian công tác 18 năm. Toal vận động các cháu, các em họ phụ bố mẹ, anh chị duy trì làm công nhân đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu. Phân tích rõ ràng, gặp gỡ, động viên nhiều lần, Toal đã thành công. “Sau khi nhận sổ hưu họ cứ mời “nhum bay” (uống rượu) cám ơn hoài. Cũng mệt nhưng vui”, Toal cười tươi.
Chủ tịch Công đoàn Nông trường Đoàn Kết Trịnh Văn Mạnh trao tiền hỗ trợ cho Kpă Toal. Ảnh: Tác giả cung cấp. |
Những ngày đáng nhớ
Toal cũng luôn là người đi đầu trong việc tích cực hưởng ứng phong trào “Rèn luyện tay nghề để trở thành thợ giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”… do công đoàn phát động. Ngoài việc tuyên truyền sâu rộng cho công nhân hưởng ứng các phong trào, bản thân Toal đã đạt khá nhiều thành tích trong các Hội thi tay nghề khai thác mủ giỏi (cấp Đội: Giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích; cấp Nông trường: Giải Nhất; cấp Công ty: Giải Ba, Khuyến khích…). Những vật dụng trong nhà Toal có được từ các giải thưởng luôn được Toal sử dụng và giữ gìn cẩn trọng (ti vi, đồng hồ treo tường, xoong nồi…).
Toal còn có giải pháp “Cải tiến phương pháp bôi thuốc kích thích cho vườn cây cao su ở thời kỳ cạo tận thu thanh lý”, thay thế việc dùng chổi quét sơn bằng cách dùng bình phun loại nhỏ có gắn ống dẫn kết hợp với bàn chải đánh răng để bôi thuốc lên đường cạo. Cách làm mới này giúp công nhân thao tác dễ dàng hơn, rút ngắn được thời gian, thuốc bám đều hơn, hạn chế lượng thuốc rơi ra ngoài... tiết kiệm chi phí sản xuất và đem lại hiệu quả cao.
Tháng 2 năm 2016, Toal có niềm vui lớn. Gia đình anh được dọn vào ở trong căn nhà mới sau 13 năm ở chung với bố mẹ vợ (theo tập quán của người Jơ Rai). Căn nhà có tổng chi phí xây dựng 140 triệu đồng. “Trong đó Công đoàn Công ty hỗ trợ 40 triệu đồng cho cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc.
Thành quả đó ghi nhận sự phấn đấu không ngừng của Toal trong gần 10 năm làm công tác công đoàn”, anh Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông nói.
Tháng 9 năm 2018, do có thành tích xuất sắc trong hoạt động phong trào, Toal vinh dự được bầu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Anh là đại biểu duy nhất đại diện cho các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lần đầu tiên được vào thăm Lăng Bác, Toal vô cùng xúc động. “Những ngày ở Hà Nội là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình.
Có được vinh dự đó là do sự hỗ trợ sâu sát của các cấp Công đoàn. Nhờ Công đoàn mình mới trưởng thành như ngày nay”, Toal bày tỏ.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp Công đoàn, Kpă Toal đã trở thành người công nhân giỏi, cán bộ công đoàn xuất sắc, người công dân tiêu biểu. “Hiện tại gia đình mình có 1 ha cà phê, 2 ha điều, 1 ha cao su, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Mình cũng có 1 xe công nông, 4 xe máy để phục vụ sản xuất, đi lại. Con trai lớn của mình đang học lớp 11, con gái nhỏ đang học lớp 6. Các cháu luôn đạt học sinh xuất sắc”, Toal phấn khởi cho biết.
Vợ chồng Kpă Toal trên vườn cà phê và cao su của gia đình. Ảnh tác giả cung cấp. |
“Nốt trầm” và nghị lực vươn lên
Thành công không đến với Toal dễ dàng. Anh đã phải trải qua những mất mát tưởng sẽ suy sụp. Năm 2010, bố Toal mất. Với anh, bố là người bạn rất thân thiết nhất, là người định hướng cho anh làm công nhân cao su, người bạn đồng hành với Toal trong cuộc sống. “Mình như mất đi một phần của cơ thể vậy. May mắn, Công đoàn bộ phận, Công đoàn Nông trường luôn bên cạnh động viên mình, giúp mình ổn định tinh thần”, Toal tâm sự.
Hoạt động công đoàn cũng không chỉ có một “màu hồng” với Toal. “Ông chỉ biết vơ vào mình thôi!”, câu nói của Đội trưởng đội 4 với Toal năm 2017 hằn sâu như một bài học nhắc nhở anh phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Năm đó Toal thắc mắc với lãnh đạo đơn vị về việc phân bổ lại sản lượng mủ giao khoán chưa hợp lý đối với từng công nhân, dẫn đến việc công nhân bãi công một ngày. Toal bỏ công sức tìm hiểu nội dung trên tại các đơn vị bạn cộng với sự giúp đỡ của Ban Chấp hành Công đoàn Nông trường, cuối cùng đồng chí Đội trưởng cũng hiểu được mục tiêu đấu tranh của Toal là thay mặt người lao động giúp lãnh đạo Đội công bằng hơn trong tổ chức sản xuất, thực hiện một trong những chức năng nhiệm vụ của công đoàn để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động.
Năm 2019, một lần đi khám sức khỏe định kỳ do Công ty tổ chức, Toal được chẩn đoán bị u ác bàng quang. “Cảm giác cả bầu trời sụp đổ dưới chân mình. Mọi thứ với mình thế là hết, mình thật sự tuyệt vọng. Không ít lần mình nghĩ, hay nghỉ việc để không làm ảnh hưởng đến đơn vị cũng như cuộc sống của gia đình”, Toal nói.
Nghe tin Toal mắc bệnh hiểm nghèo, Công đoàn Nông trường lập tức đến thăm, đồng thời báo cáo với công đoàn cấp trên về hoàn cảnh của Toal. Sau đó, cùng với nguồn hỗ trợ của Công đoàn Công ty, Công đoàn Cao su Việt Nam cũng hỗ trợ 10 triệu đồng giúp Toal chữa bệnh suốt gần một năm tại Bệnh viện Bình Dân, TP. Hồ Chí Minh. Xúc động trước sự quan tâm sâu sát của các cấp Công đoàn, Toal tự nhủ: “Không! Mình phải đứng lên, mình không phải là con người yếu đuối như vậy. Công đoàn đã cho mình cuộc đời thứ hai, mình phải xứng đáng với điều quý giá đó. Gần 20 năm làm công nhân, công đoàn, mình nhận được sự quan tâm, giúp đỡ sâu sắc của các tổ chức Công đoàn. Công đoàn đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của mình. Phải rắn rỏi lên”...
Kpă Toal bên chiếc bình gốm, kỷ niệm tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ảnh: Tác giả cung cấp. |
Xác định như thế, Toal dần lấy lại cân bằng. Anh lạc quan, bình thản chữa bệnh. Khi bệnh tình ổn định, anh ra viện tiếp tục lao vào công việc, nhiệt tình tham gia các phong trào như trước đây. Năng lượng sống tích cực trở lại với anh. Trong tình hình dịch Covid-19, tuy địa bàn Công ty đang là “vùng xanh”, nhưng Toal vẫn đi đầu tuyên truyền để bà con nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch của các cấp chính quyền.
Xin phép mượn câu nói của anh Trịnh Văn Mạnh, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Đoàn Kết đúc kết về Kpă Toal thay cho lời kết: “Nó” có nghị lực đáng khâm phục, luôn có ý chí vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bà con thương “nó” lắm!”.
[Infographic] Thể lệ Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ II Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức với mục đích tuyên truyền, cổ vũ những ... |
Trao giải tháng 3 và tháng 4/2022 Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ II Chiều 11/5, tại Văn phòng đại diện miền Trung – Tây Nguyên, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức trao giải tháng 3 ... |
Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ II: "Một cuộc thi đầy tính nhân văn" Nhận được giải thưởng tháng 4/2022, Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ II, tác giả Bội Nhiên phấn khởi chia sẻ: “Cảm ... |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 30/09/2024 20:00
Chỗ dựa Công đoàn giúp nữ công nhân bệnh nặng "không bỏ cuộc"
“Mang bệnh nặng mình cũng sợ những điều không hay ập đến, nhưng mình luôn giữ tinh thần lạc quan và cố gắng nỗ lực làm việc. Bên cạnh mình còn có gia đình chồng con và tổ chức Công đoàn, công ty cùng đồng nghiệp, đấy là những chỗ dựa tinh thần giúp mình đứng vững trong những năm qua”, chị Lượng - công nhân Công ty TNHH MSV thổ lộ.
Vòng tay Công đoàn - 01/09/2024 06:00
Kỳ 2: Tái sinh trong "Vòng tay lớn"
Khi thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của tôi, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi Công đoàn các cấp cùng “nối vòng tay lớn”, tạo mọi điều kiện để tôi có thể “biến ước mơ thành hiện thực”... Cùng với tài đức của các thầy thuốc, y bác sĩ, tôi đã được tái sinh cuộc đời thứ hai.
Vòng tay Công đoàn - 12/08/2024 18:25
Bài dự thi Vòng tay Công đoàn: Chuyện đã qua không cũ
Những tháng ngày gian nan vì đại dịch Covid-19 làm nổi bật và sáng rõ hơn bao giờ hết vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động của mình, nhất là những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Vòng tay Công đoàn - 14/05/2024 14:48
Tự tin sống lạc quan, là ngọn đèn không bao giờ tắt
Vuốt phẳng phiu những đồng tiền nhăn nheo vừa bán lứa lợn non, rồi đếm đi đếm lại, “vẫn còn thiếu nhiều quá!”, chị Hiền nghĩ và nhìn tờ hóa đơn thuốc cho mẹ chồng, nước mắt lã chã rơi.
Công đoàn - 25/12/2023 12:07
Đồng hành cùng người mẹ trong tác phẩm “Con tôi bị K”
Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa trao 5 triệu đồng hỗ trợ từ Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ - công nhân Công ty TNHH FreetrenA (TP HCM).
Vòng tay Công đoàn - 08/11/2023 16:15
Một nhà giáo có tấm lòng vàng
Là một giáo viên Vật lý, ngoài công tác chuyên môn giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định còn là một người nhân ái, luôn quan tâm đến người khác, nhất là những cảnh ngộ khó khăn.