Ngành Than: Dây chuyền sản xuất hiện đại, đời sống công nhân được nâng cao
Người lao động - 29/07/2019 13:29 Lâm Tới
Chuyên gia Nhật Bản cùng làm việc với thợ mỏ Hà Lầm tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ 600.000 tấn/năm. |
Hiện đại hóa, cơ giới hóa sản xuất
Năm 2017, tôi có vinh dự được cùng đoàn công tác của Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam do đồng chí Chủ tịch Lê Thanh Xuân dẫn đầu xuống thăm CNLĐ mỏ than Mạo Khê. Đây là lần đầu tiên tôi được xuống hầm lò, trải nghiệm đời sống của người thợ mỏ.
Nhận quần áo, ủng, mũ bảo hộ, đèn chống nổ và bình ôxy cứu hộ; tôi cùng đoàn xếp hàng dọc tiến tới cửa lò trong niềm háo hức, xen lẫn sự hồi hộp. Từ cửa lò, lần lượt mọi người lên tời cáp treo chuyên dụng chở người (tời khỉ) để di chuyển xuống phía dưới hầm lò. Sau này, tôi biết được đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu do ThS. Trần Đức Thọ và cộng sự thuộc Viện Cơ khí năng lượng mỏ - Vinacomin thực hiện, với mục tiêu đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ, phục vụ chiến lược khai thác xuống sâu của ngành Than. Sản phẩm cáp treo này đã giúp cho NLĐ có thể di chuyển nhanh, dễ dàng, đặc biệt là an toàn trong các đường lò, nhất là những đường lò hẹp, có độ dốc lớn.
Trong hầm lò rất tối, chúng tôi đi sát nhau, người sau nối tiếp người trước, bước những bước thận trọng. Càng vào sâu, không khí càng ngột ngạt hơn, tôi cảm nhận mồ hôi bắt đầu túa ra. Nhưng từ trong đường lò thiếu ánh sáng ấy, tôi bắt đầu thấy những vỉa “vàng đen” óng ánh hệt như những ánh sao li ti trên bầu trời đêm.
Có đi vào trong hầm lò mới thấy hết sự vất vả, gian nan, nhưng cũng đầy can đảm, nhiệt huyết của người những thợ mỏ. Đồng thời cũng thấy được nỗ lực, bứt phá, quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị doanh nghiệp trong việc hiện đại hóa, cơ giới hóa sản xuất, đưa công nghệ hiện đại, máy móc tiên tiến vào khai thác sản xuất, qua đó tăng năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn, góp phần bảo vệ môi trường.
Một cán bộ kỹ thuật của mỏ than Mạo Khê đi cùng đoàn giải thích: “Nếu như trước đây, NLĐ phải dùng tay thì nay với giá đỡ thủy lực (có cần điều khiển), công nhân có thể rút cột và chốt hãm bên trên. Điều này giúp cho thợ mỏ làm việc được an toàn hơn, năng suất lao động lại cao hơn nhiều so với khi sử dụng giá đỡ hầm lò đơn truyền thống”.
Tôi nhớ có lần đến Công ty CP Than Hà Lầm, tôi đã bị choáng ngợp bởi những con số về câu chuyện cơ giới hóa tại mỏ than này. Ở đây, người ta thi công đào các đường lò có độ dốc lớn (đến 90o) bằng công nghệ khoan dẫn sử dụng máy khoan robbins; sử dụng vì neo bê tông cốt thép có phụ gia đông cứng. Họ có đầy đủ các loại thiết bị như máy Combai, máy khoan, máy xúc, máy cào đá… 100% lò chợ ở đây đều áp dụng công nghệ mới chống giữ lò bằng giá thuỷ lực di động, cột thuỷ lực đơn, giá khung GK, giá thuỷ lực di động liên kết xích trong gương than.
Trong lần đó, tôi được ông Đinh Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty rỉ tai về hàng loạt các dự án về cơ giới hóa. Và sau này những dự án đó hoàn thành đã đưa than Hà Lầm tiếp tục trở thành đơn vị dẫn đầu của ngành Than trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào khai thác.
Một lần đến than Khe Chàm tôi cũng tâm đắc với công tác hiện đại hóa giám sát ở đây. Từ năm 2014, Công ty đã thành lập Trung tâm giám sát điều hành sản xuất đặt tại khai trường sản xuất. Tại đây, nhiều thiết bị hiện đại đã được đầu tư nhằm thực hiện tốt nhất công tác thông tin giám sát như: Hệ thống camera đặt tại hầu hết các vị trí sản xuất trọng điểm và truyền hình ảnh về trung tâm. Mỗi lao động vào lò được gắn chíp định vị, qua đó, tại tất cả các vị trí có người làm việc đều được truyền dẫn thông báo về các thông tin số lượng người, chất lượng lao động thông qua bậc thợ… thậm chí những ai di chuyển đến đâu đều được theo dõi chặt chẽ.
Từ thực tiễn hoạt động khai thác than hầm lò tại Mạo Khê, Hà Lầm, Khe Chàm và hàng chục đơn vị khác nữa… tôi chợt nhận ra thực tế máy móc đang dần thay thế cho sức người. Ngành Than đã và đang làm hết mình để giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, để người thợ lò luôn vững tâm, hiên ngang bước vào cửa lò tìm “vàng” cho Tổ quốc.
“Thưởng trà, ăn cao lương, ngủ khách sạn”
Trong những ngày đầu của năm 2019, chúng tôi về làm việc tại một số đơn vị than tại Quảng Ninh. Và cũng như câu chuyện đi xuống hầm lò, lần đầu tiên tôi “nếm cơm” thợ mỏ. Suất ăn 65 ngàn của thợ hầm lò đầy đủ “cao lương mỹ vị” với nhiều món mặn, xào, canh, hoa quả tráng miệng.
Qua câu chuyện nhanh với các “đầu bếp” nơi đây, tôi được biết, ngoài bữa chính họ còn được ăn các bữa phụ. Nhiều nơi, sau khi hết ca, thợ lò còn được thưởng thức trái cây, uống cà phê, uống trà tại nhà nghỉ dưỡng với trang bị hiện đại như nhà chờ sân bay để phục hồi sức khỏe sau một ca làm việc…
Cách đây không lâu, tôi trở lại Công ty Than Mạo Khê, được các đồng chí trong Ban Chấp hành Công đoàn dẫn đi tham quan nơi ở của CNLĐ. Trong khu nhà 5 tầng Vĩnh Xuân, những thợ lò độc thân được ở căn hộ khép kín, 2 người một phòng, trong phòng có trang bị điều hòa, ti vi, bình nóng lạnh… như nhà nghỉ, khách sạn. Tôi biết, hiện nay, nhiều đơn vị trong ngành Than có nhà tập thể khang trang, có sân thể thao, thậm chí có nhà tập gym cho cả nam và nữ.
Nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca của Công ty than Mạo Khê. |
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán này, công đoàn các doanh nghiệp đang tất bật với công tác chuẩn bị lo Tết cho NLĐ. Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Hà Lầm chia sẻ: Vài năm trở lại đây, chúng tôi tổ chức hoạt động thi gói bánh chưng trong toàn đơn vị. Mục địch là muốn lưu giữ một nét văn hóa truyền thống của người Việt, đồng thời tạo ra cơ hội để tập thể cán bộ, NLĐ ngồi lại với nhau.
Chị Huế cũng cho biết: Năm nào cũng vậy, Công ty tổ chức hàng chục chuyến xe đưa NLĐ về quê ăn Tết. Lãnh đạo và chuyên môn cũng tổ chức các cuộc thăm hỏi gia đình NLĐ, nhất là NLĐ ở vùng sâu, vùng ra, để nắm rõ hơn đời sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của CNLĐ.
Có thể nói rằng, việc chăm lo cho NLĐ từ việc xây dựng môi trường lao động an toàn, đến việc chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ; cận kề, sát sao với đời sống thường nhật của NLĐ là sự cố cố gắng, quyết tâm của toàn ngành Than. Điều này ngành than đang làm được và làm ngày một tốt hơn bởi họ thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm”, người người như một, cùng nhìn về một hướng. “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta sẽ thắng”, NLĐ ngành Than tin như vậy, và tôi cũng tin vào điều đó.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/11/2024 08:01
Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
Hơn 90% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng. Đây là kết quả cho những nỗ lực đổi mới, đồng lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên ngành Y.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…