Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
An toàn, vệ sinh lao động - 23/01/2022 13:25 TS. NGUYỄN HUY KHA - TH.S. NGUYỀN THỊ THU - Trường Đại học Công đoàn
Theo thống kê, năm 2020, hơn 1,7 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ, phát hiện được 3.763 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp. Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty Than Mạo Khê (Quảng Ninh). |
Năm 2020, cả nước ta xảy ra 8.380 vụ TNLĐ làm 8.610 người bị nạn, trong đó có 966 người chết, 1.897 người bị thương nặng. Cũng trong năm này, hơn 1,7 triệu người lao động (NLĐ) được khám sức khỏe định kỳ; hơn 300.0000 trường hợp NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN), qua đó phát hiện được 3.763 trường hợp được chẩn đoán mắc BNN. Tuy nhiên, số lượng NLĐ mắc BNN thực tế có thể lớn hơn rất nhiều lần số liệu nêu trên.
Thực trạng công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN tại Việt Nam
Việc phòng ngừa TNLĐ, BNN có ý nghĩa rất quan trọng trong pháp luật về TNLĐ, BNN, bởi khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt rủi ro mà NLĐ gặp phải sẽ giảm đi đáng kể, hạn chế tối đa được TNLĐ, BNN và những hậu quả mà nó gây ra cho NLĐ cùng những chủ thể khác. Vì vậy, việc phòng ngừa TNLĐ, BNN là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi chủ thể để Nhà nước đảm bảo chức năng quản lý của mình, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đảm bảo môi trường làm việc tại cơ sở và giúp xã hội phát triển ổn định, bền vững. Việc phòng ngừa TNLĐ, BNN là một công việc chung cần sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các bên trong quan hệ lao động.
Một số kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN ở Việt Nam
Thứ nhất, công tác tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được chú trọng, nâng cao, đẩy mạnh và gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện lao động (ĐKLĐ) và xây dựng văn hóa an toàn lao động (ATLĐ) tại nơi làm việc. Có thể kể đến các phong trào, các cuộc vận động, như: “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”; "Bảo đảm ATLĐ, PCCN"; “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”;… được tổ chức thành công, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp được chú trọng và đẩy mạnh. Qua việc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về công tác ATVSLĐ tại hàng loạt doanh nghiệp. Qua đó, các đơn vị chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sai sót đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Thứ ba, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn về ATVSLĐ. Trong những năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã tập trung hoàn thiện các văn bản pháp quy kỹ thuật nhằm quản lý an toàn đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và tập trung rà soát các quy phạm ATLĐ, quy trình kiểm định và các văn bản pháp quy kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung, chuyển đổi và xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ theo quy định hiện hành.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong đó có tác hại của tiếng ồn. Do đó, việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong ảnh: Đoàn giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh khảo sát, kiểm tra mức độ tiếng ồn tại doanh nghiệp. |
Hạn chế trong công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN và nguyên nhân
Thứ nhất, liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, phòng, chống TNLĐ, BNN, thực hiện Tháng Hành động về ATVSLĐ qua các năm, dù bước đầu đã được hưởng ứng với mục tiêu đưa công tác ATVSLĐ, phòng tránh TNLĐ, BNN trở thành một văn hóa tại nơi làm việc; tuy nhiên, các nội dung hoạt động hưởng ứng các phong trào ATVSLĐ còn chưa rộng rãi, chỉ tập trung nổi bật ở các tỉnh thành lớn, ở các khối doanh khiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu Nhà nước,…
Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được đẩy mạnh, sát sao và có hiệu quả. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền ở địa phương trong lĩnh vực lao động chưa thường xuyên, thiếu chương trình, kế hoạch cụ thể, chủ yếu tập trung ở Tháng Hành động về ATVSLĐ, còn lại các cuộc thanh tra chỉ diễn ra ở một vài địa phương, doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của những người làm công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế,…
Thứ ba, ý thức NLĐ và NSDLĐ trong công tác phòng chống TNLĐ, BNN còn chưa cao, chưa thực sự coi trọng và quan tâm đến vấn đề này. Ở nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, NSDLĐ vẫn chưa có nội quy ATVSLĐ hoặc nội quy sơ sài, thiếu chi tiết. Chính vì những thiếu sót này mà những vụ TNLĐ thời gian qua đa phần đều có nguyên nhân từ phía NSDLĐ.
Ví dụ, trong năm 2019, trong khu vực có quan hệ lao động, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chiếm tới 49,99% từ phía NSDLĐ. Trong đó, NSDLĐ không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn là nguyên nhân gây ra 24,32% tổng số vụ TNLĐ và 26,27% tổng số người chết; NSDLĐ không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATVSLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ là nguyên nhân gây ra 14,41% tổng số vụ TNLĐ và 13,56% tổng số người chết; do tổ chức lao động và ĐKLĐ là nguyên nhân gây ra 7,21% tổng số vụ TNLĐ và 8,47% tổng số người chết; thiết bị không đảm bảo ATLĐ là nguyên nhân gây ra 1,8% tổng số vụ TNLĐ và 1,69% tổng số người chết...
Đoàn kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại khu vực lò nung của Công ty Cổ phần Xi măng Quán Triều (Thái Nguyên). |
Ngoài ra còn nguyên nhân do trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của NLĐ còn chưa cao, không ý thức được đầy đủ về tầm quan trọng của công tác huấn luyện ATVSLĐ, phòng tránh TNLĐ, BNN.
Thứ tư, việc khám sức khoẻ nói chung và khám chuyên sâu BNN cho NLĐ nói riêng chưa được thực hiện rộng rãi. Theo thống kê, trong năm 2018 có 9.500 cơ sở lao động được thanh, kiểm tra trên toàn quốc, trong đó trên 50% các cơ sở có yếu tố độc hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN. Mặc dù vậy, trên cả nước hiện mới chỉ có 33 phòng khám BNN trên 17 tỉnh/ thành phố, trong khi tỷ lệ các BNN ngày càng tăng.
Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), trong tổng số hơn 2 triệu NLĐ được khám sức khỏe định kỳ năm 2018, số NLĐ đạt sức khoẻ loại I và II chiếm 70%, tỷ lệ sức khoẻ loại III đạt gần 22%, còn lại là sức khỏe loại yếu. Đây là con số đáng báo động về việc vẫn còn rất nhiều NSDLĐ, NLĐ lơ là, chủ quan khi làm việc trong môi trường độc hại, tiềm ẩn nguy cơ cao mắc BNN; đây cũng là một vấn đề mà Nhà nước cần quan tâm trong thời gian tới trong việc tăng số lượng các cơ sở khám, chữa BNN trên cả nước.
Thứ năm, hạn chế trong việc ban hành và thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ. Hiện nay, nước ta có 986 tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ, tùy theo đặc tính công nghệ sản xuất mà mỗi một doanh nghiệp áp dụng mỗi nhóm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ khác nhau. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đã trở nên lỗi thời, lạc hậu; trong khi các quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ được chuyển hóa từ các tiêu chuẩn ATVSLĐ sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2016 ban hành.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa TNLĐ, BNN
Một là, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa TNLĐ, BNN
Cần ban hành, cập nhật, thay thế những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về máy móc, thiết bị, các chỉ số môi trường làm việc đã cũ, lỗi thời trong các ngành, nghề lĩnh vực cụ thể. Cần nghiên cứu và quy định theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm đảm bảo tính răn đe, tạo áp lực đối với NSDLĐ trong việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, nhưng phải phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Cần bổ sung và điều chỉnh danh mục BNN sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện tại của Việt Nam.
Tuyên truyền công tác an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân Công ty TNHH Trang sức GL do Liên đoàn Lao động quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) tổ chức. |
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi đua, khen thưởng trong công tác đảm bảo ATVSLĐ
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có thể thực hiện qua Tháng Hành động về ATVSLĐ hằng năm nhằm làm thay đổi nhận thức về công tác ATVSLĐ. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến cần được thức hiện dưới nhiều hình thức, như băng rôn, biểu ngữ, phát tờ rơi, phổ biến pháp luật qua hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội thông qua những hình thức phù hợp, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nắm bắt, đảm bảo những NLĐ với trình độ học vấn thấp cũng hiểu được quyền, nghĩa vụ cơ bản của bản thân trong lĩnh vực về TNLĐ, BNN.
Ba là, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ tới đông đảo NLĐ
TNLĐ phần lớn gây ra bởi NLĐ không được huấn luyện về công tác đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Để thực hiện tốt công tác này, trước tiên, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí tổ chức huấn luyện, tập trung ở những doanh nghiệp, vùng kinh tế khó khăn, ở những doanh nghiệp có nguy cơ cao tiềm ẩn TNLĐ, BNN.
Bốn là, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lao động
Việc thanh tra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành lao động và các ngành liên quan, nhất là trong lĩnh vực TNLĐ, BNN như: Y tế, Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, việc nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thanh tra, kiểm tra lao động cũng cần chú trọng nhằm đảm bảo yếu tố chuyên môn, kỹ thuật trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Châu (2019), Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ, Trang Thông tin điện tử Bộ Công thương, <https://congthuong.vn/tiep-tuc-day-manh-tuyen-truyen-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-124832.html>.
2. Thông báo số 647/TB-LĐTBXH, ngày 26/2/2020 của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình TNLĐ năm 2019.
3. Lê Vân Trình (2019), Đề xuất khung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Cổng thông tin điện tử Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, http://vnniosh.vn/Details/id/19725/De-xuat-khung-danh-muc-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-cho-giai-doan-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te
Prime Group triển khai hiệu quả những giải pháp trong hoạt động sản xuất Prime Group là doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư của Tập đoàn SCG Thái Lan. Tính đến tháng 12 năm 2021, tổng số lao ... |
Việt Nam nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định Lao động trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, năm 2020 có 160 ... |
Công nhân bị tai nạn lao động xúc động khi được tặng sổ tiết kiệm 50 triệu đồng Những công nhân lao động không may bị tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 51% trở lên, có hoàn cảnh khó ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 30/10/2024 08:06
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm của chuyên môn và công đoàn các cấp trong ngành về ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 18:31
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi - hình thức tuyên truyền thiết thực của Công đoàn
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 không chỉ là sân chơi dành cho người làm công tác ATVSLĐ trong ngành mà còn là hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 10:44
"Cuộc thi trực tuyến giúp tôi nhận ra nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai"
Anh Nguyễn Minh Phương - CĐCS Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA) chia sẻ cảm nhận về cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ".
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Người lao động - 16/10/2024 18:42
Siết chặt quản lý quan trắc môi trường tại cơ sở lao động
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo đó, đề xuất quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động.
Người lao động - 10/10/2024 13:43
Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Mới đây, công nhân Đào Sỹ T. của Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã gặp tai nạn nghiêm trọng khi sửa chữa máy nghiền xích. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, anh T. không qua khỏi.