Huế sẽ “cất cánh” bằng nội lực văn hóa
Kinh tế - Xã hội - 04/02/2022 16:46 KHÁNH TƯỜNG
Theo ông Phương, khác với nhiều địa phương khác, Thừa Thiên Huế sẽ lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm; lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… để phát triển.
Cố đô Huế. |
Thành phố Huế sẽ trực thuộc Trung ương?
PV: Thưa ông, con đường để Thừa Thiên Huế (TTH) thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh TTH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang ngày một ngắn hơn với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng thành phố (TP) Huế hồi giữa năm 2021 và mới đây nhất là việc Quốc hội thông qua 6 cơ chế, chính sách đặc thù. Ngay lúc này, trong hình dung của ông, TTH trực thuộc Trung ương (T.Ư) sẽ có hình hài như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: Việc mở rộng địa giới hành chính TP. Huế và cho phép thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù đối với TTH là một trong những bước ngoặt quan trọng giúp TTH sớm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; huy động thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.
Trên cơ sở đề xuất của các ngành, chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét một số phương án mô hình đô thị TTH - TP trực thuộc T.Ư; trong đó, có thể có các mô hình sau:
Mô hình đô thị được giữ nguyên như hiện tại gồm TP. Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và các huyện. Định hướng đến năm 2030 bổ sung thị xã Chân Mây để hoàn thiện mô hình đô thị.
Phương án TP. Huế hiện nay được chia thành TP. Huế và 1 - 2 quận, theo đó, nghiên cứu Hương Thủy hoặc Hương Trà trở thành quận (hoặc giữ nguyên thị xã) và thị xã Phong Điền, các huyện.
Phương án TP. Huế hiện nay được chia thành các quận và thị xã, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện còn lại.
Thừa Thiên Huế có những đặc trưng riêng của một đô thị có đặc thù về di sản và được định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. |
PV: Khi TP. Huế được mở rộng theo Nghị quyết của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, ngoài chức năng là trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục, Huế sẽ còn có thêm chức năng là trung tâm kinh tế? Trung tâm kinh tế trong trường hợp này được hiểu như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: Cần xác định TP. Huế mở rộng là đô thị vùng lõi, với các chức năng vốn có của trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính, văn hóa - lễ hội... Đồng thời, phát huy các chức năng dịch vụ trên nền tảng di sản. TP. Huế cũ sẽ là phần lõi để mở rộng về hai hướng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang) nhằm tạo thuận tiện trong giao thông đi lại, tạo động lực để phát triển rõ nét về kinh tế.
Bên cạnh việc mở rộng thành phố để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho lõi TP. Huế phát triển đô thị, cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối về phía biển Thuận An, sân bay Phú Bài và các tuyến giao thông liên vùng, quan trọng khác… tạo động lực để phát triển TP. Huế. Các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và các huyện còn lại là các địa bàn phát triển kinh tế về lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, góp phần tạo lực cân bằng phát triển cho toàn đô thị TTH.
Qua đó, xác định TP. Huế mở rộng vừa là khu vực lõi di sản, lấy kinh thành Huế làm trung tâm và các khu vực phụ cận đi kèm để tiếp tục bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của nhân loại; vừa là trung tâm hành chính, kinh tế, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, đầu mối giao thương. Chức năng Trung tâm kinh tế ở đây bao gồm cả kinh tế trong khai thác lĩnh vực du lịch, văn hóa, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ...
“Giấc mơ Huế” sẽ sớm thành hiện thực
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Huế không có điều kiện để phát triển công nghiệp như các địa phương ở hai đầu đất nước, vì vậy phải định hướng phát triển theo hướng kinh tế tri thức, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ kỹ thuật cao… Đến thời điểm này, các định hướng trên vẫn được tiếp tục thực hiện hay đã được điều chỉnh?
Ông Nguyễn Văn Phương: Khác với các đô thị khác tại Việt Nam, TTH có những đặc trưng riêng của một đô thị có đặc thù về di sản và được định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Sự khác biệt trong định hướng phát triển TTH thể hiện tỉnh sẽ không khuyến khích phát triển với mật độ dân cư cao, với những công trình xây dựng bề thế, không quá tập trung “nóng” vào khu, cụm công nghiệp và ngành công nghiệp.
Ngược lại, TTH sẽ phát triển theo hướng hài hòa, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… để phát triển.
Mục tiêu phấn đấu trong vài năm tới có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, để có tên trong “bản đồ” công viên phần mềm quốc gia. Cụ thể, đang xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Chi nhánh tại TTH và từng bước hình thành Khu công nghệ cao quốc gia tại TTH. Đã cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung TTH.
Ngoài ra, với định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn - ngành chịu nhiều thiệt hại bởi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19, tỉnh đang tập trung triển khai các gói kích cầu du lịch, cơ chế chính sách cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan tại tỉnh; chính sách kích cầu hỗ trợ loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), Teambuilding và các đoàn Charter; xây dựng các Đề án Kinh đô áo dài và Kinh đô ẩm thực...
PV: Tương tự là “giấc mơ Huế”, “khát vọng Huế” có được nhìn nhận lại hay rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn? Tới đây sẽ có những đổi khác như thế nào hay vẫn thực hiện giống các “kịch bản” của thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: “Giấc mơ Huế”, “khát vọng Huế” thực chất là tên gọi khác nhau để thể hiện mục tiêu phát triển của tỉnh TTH. Mục tiêu đó chính là đến năm 2025, TTH trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, TTH là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, TTH là TP Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Cho nên, dù là “giấc mơ Huế”, “khát vọng Huế” hay tên gọi khác tương tự thì mục tiêu trên vẫn không có gì thay đổi.
Thừa Thiên Huế có bề dày truyền thống, có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch. |
PV: Trở lại với câu chuyện Huế “cất cánh” bằng từ chính nội lực kinh tế tri thức, văn hóa, du lịch, công nghệ kỹ thuật cao. Theo nhìn nhận của ông, những “nội lực” vừa kể Huế đang mạnh yếu như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: TTH là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là trung lộ của đất nước, nằm trên các trục Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối từ Myanmar sang miền Trung Việt Nam ra biển Đông, có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích trên 22 nghìn ha. Được biết đến là vùng đất văn hiến, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lăng tẩm. Đến nay, có gần 1.000 di tích với 166 di tích được công nhận ở các cấp; có 7 di sản được UNESCO công nhận.
Cố đô Huế còn có những di sản thiên nhiên đặc sắc như sông Hương, vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô là Vịnh đẹp thế giới... Hình ảnh Huế được quảng bá và khẳng định qua các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa Asian”, “Thành phố bền vững môi trường Asian”, “Thành phố xanh Quốc gia”.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được khôi phục và bảo tồn; nhận thức về giá trị di sản và truyền thống văn hóa ngày càng được nâng cao, tạo được sự đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và phát huy di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm du lịch ngày càng phát triển. Sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế.
Huế là trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH; tiến tới khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, khoa học và công nghệ của vùng và cả nước.
Thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia; phát triển Đại học Y Dược Huế theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia; xây dựng Đại học Huế trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ; chuyển đổi Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung; xây dựng Trường THPT Quốc học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục của cả nước…
Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là TP Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. |
Nguồn lực nào để người tài không rời Huế
PV: Liên quan đến chủ đề này, một trong những vấn đề kinh niên của gần 30 năm nay là Huế chảy máu chất xám, chảy máu nguồn nhân lực chất lượng cao rất nhiều trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là Huế chưa có, hoặc chưa đủ chính sách đãi ngộ để họ yên tâm cống hiến. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào và tới đây Huế có gì thay đổi về mặt chính sách?
Ông Nguyễn Văn Phương: Tôi cho rằng, việc những người Huế đi tìm kiếm việc làm tại các địa phương, thành phố lớn ở trong nước và nước ngoài là cần thiết theo quy luật cung - cầu của thị trường. Dù vậy, lực lượng lao động này vẫn đã và đang có những đóng góp ở cả trí, tài, lực nhằm xây dựng quê hương TTH giàu đẹp, thịnh vượng thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, nhiều chuyên gia, người giỏi trên các lĩnh vực đến từ các tỉnh/thành, quốc gia khác cũng đang lựa chọn Huế là một điểm đến để nghiên cứu và làm việc. Bên cạnh đó, Bệnh viện T.Ư Huế là 1 trong 4 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước; đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến của cả nước và khu vực trong nhiều lĩnh vực.
Đại học Huế có số lượng trí thức có học hàm, học vị đứng thứ 3 toàn quốc với lượng đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm 26,7% số lượng giảng viên cơ hữu, giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 62,2%.
Ngân sách tỉnh TTH hiện nay vẫn còn khó khăn, nguồn thu còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh chưa có nhiều các chính sách đãi ngộ, thu hút người giỏi trong các ngành, lĩnh vực phù hợp với lợi thế và ưu tiên của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ giao các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút người giỏi, có năng lực yên tâm công tác, đến làm việc tại địa phương.
PV: Xin cám ơn ông!
Thừa Thiên Huế có nhiều di tích, danh thắng có tiềm năng phát triển du lịch. |
Huế sẽ đón du khách quốc tế bằng các chuyến bay thuê nguyên chuyến Nhằm khôi phục ngành Du lịch và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch đón khách du ... |
9 hoạt động nổi bật của Công đoàn Thừa Thiên Huế năm 2021 Năm 2021, thực hiện chủ đề “Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở”, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đã ... |
Những ý kiến rất sâu sắc về văn hoá Có thể nói đã lâu lắm lắm rồi, tôi mới lại có cảm giác hứng thú và khâm phục khi nghe một bài phát biểu ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:08
Lô xe Omoda C5 đầu tiên cập bến Việt Nam, ra mắt vào ngày 26/11
Lô xe Omoda C5 đầu tiên đã cập cảng để chuẩn bị cho chương trình ra mắt vào ngày 26/11, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:01
Range Rover Velar 2025 ra mắt Việt Nam với 7 phiên bản
Mẫu SUV hạng sang Range Rover Velar 2025 đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với nhiều nâng cấp đáng giá. Xe được cung cấp với ba phiên bản chính là S, Dynamic SE và Dynamic HSE, đi kèm hai tùy chọn động cơ xăng và một tùy chọn hệ truyền động plug-in hybrid.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.