Giải quyết vấn đề di cư lao động ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Kinh tế - Xã hội - 06/03/2022 15:58 PHẠM NGỌC HÒA - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp
Công nhân sản xuất giày, dép Biti’s của Chi nhánh Biti’s miền Tây (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Nguồn:baocantho.com.vn. |
Các yếu tố ảnh hưởng đến DCLĐ ở ĐBSCL
ĐBSCL có vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược quan trọng, hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng chưa đủ mạnh để hấp thụ số lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại vùng rất thấp, số lượng doanh nghiệp trong vùng thấp lại càng đẩy lao động ra khỏi vùng.
Các địa phương ĐBSCL chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích các chủ thể trong vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; kể cả khi đã có thể chế (chính sách, quy định) thì việc thực thi các thể chế còn yếu do năng lực của bộ máy và thiếu nguồn lực thực hiện. Mặt khác, chất lượng lao động của vùng còn thấp so với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng cũng như mặt bằng chung của cả nước. Sự mất cân bằng trong cung - cầu lao động tại vùng ĐBSCL đã kéo theo hiện tượng "chảy máu chất xám" khi mà lực lượng lao động có tay nghề, trình độ và tác phong công nghiệp di cư sang các vùng có ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ phát triển. Ngay cả bốn địa phương trọng điểm kinh tế của vùng là tỉnh An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và TP. Cần Thơ cũng có sự sụt giảm so với cả nước.
DCLĐ ở ĐBSCL diễn ra theo bốn hình thức chính: Di cư trong địa phương (trong tỉnh, thành phố); di cư tới các địa phương trong vùng; di cư ngoài vùng; xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài. Ở khía cạnh tích cực, di cư sẽ tạo thêm nguồn lực cho xã hội, nhất là khoản đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, quá trình di cư sẽ dẫn đến cơ cấu lao động bị thay đổi, làm giảm đi lực lượng lao động của địa phương, dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động, gây khó khăn cho sự phát triển toàn diện của vùng.
Hàng nghìn người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đi xe máy về Đồng Tháp tránh dịch, ngày 31/7/2021. Ảnh: Đức Trung. |
Tựu trung lại, các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định DCLĐ ở vùng ĐBSCL gồm:
Thứ nhất, do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ làm cho DCLĐ từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Quá trình này đang diễn ra rất nhanh tại vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa làm cho người dân nói chung và lao động nói riêng di chuyển từ khu vực nông thôn sang khu vực đô thị. Mặt khác, sự chênh lệch trong phát triển giữa các địa phương cũng làm lao động di cư. Sự mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre đã thúc đẩy lao động trong vùng di cư sang các địa phương này.
Thứ hai, sự chênh lệch về mức sống và thiếu cơ hội kinh tế là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy tình trạng di cư ngoài vùng. Trong số các hộ có người di cư, có đến gần 43% di cư là do tại địa phương khó tìm được việc làm và gần 42% di cư là do việc làm tại địa phương thu nhập thấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có đến 85% người di cư có lý do liên quan đến việc làm và thu nhập. Chỉ một tỷ lệ nhỏ di cư là do muốn thay đổi môi trường hay do vấn đề về khí hậu hoặc lý do khác. Như vậy, quyết định di cư của NLĐ ĐBSCL chủ yếu là vì lý do kinh tế.
Thứ ba, DCLĐ ở ĐBSCL còn do tình trạng đô thị hóa của vùng còn chậm so với cả nước. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm (2009 - 2019) chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%; trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Ðô thị ÐBSCL không phát triển nên chưa tạo được nhiều giá trị kinh tế gắn với việc làm. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ĐBSCL cũng thấp hơn vùng Đông Nam Bộ. Nguyên nhân là vì ĐBSCL tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Thứ tư, DCLĐ còn do cơ cấu đào tạo của vùng còn nhiều bất cập; kết quả đào tạo phổ thông trong vùng cũng tồn tại một số hạn chế. Đáng lo ngại là, số học sinh tiểu học bỏ học của riêng vùng ĐBSCL chiếm tới hơn 55% của cả nước. Điều này cho thấy, dù tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của vùng có sự chuyển biến tích cực nhưng thiếu cân bằng và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phần đông chỉ làm lao động giản đơn ở các nhà máy, xí nghiệp, số lao động làm công việc chuyên môn kỹ thuật còn ít.
Thứ năm, DCLĐ ở ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của biến đổi khí hậu. Đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở bờ sông. Vì vậy, nhiều lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm sinh kế khác. Tình trạng xây đập thủy điện từ các nước ở thượng nguồn sông Mêkông đã phá hủy nguồn lực sản xuất, giảm sinh kế của người dân ĐBSCL và phá hủy nơi sinh sống của họ. Đây cũng là động lực thúc đẩy lao động di cư ngoài vùng.
Cần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Trong ảnh: Du lịch rừng Tràm Trà Sư ở An Giang. Ảnh: Giã Tử. |
DCLĐ ở ĐBSCL có quan hệ mật thiết tới phát triển kinh tế, cơ hội việc làm và thu nhập được tạo ra trong vùng. Tuy nhiên, hiện tại ĐBSCL đang đối mặt với làn sóng “di cư ngược” do dịch bệnh với hàng trăm nghìn lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về ĐBSCL, nhiều nhất là tỉnh An Giang (65.000 người), Sóc Trăng (47.000 người), Đồng Tháp (42.000 người), Bến Tre (15.000 người). Dù các cấp, các ngành cùng chính quyền địa phương đã quyết liệt vào cuộc nhưng áp lực về an sinh xã hội, an ninh trật tự và giải quyết việc làm cho số lao động “hồi hương” này còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này vừa gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động khi các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất, vừa tạo sức ép lớn lên các địa phương trong nỗ lực đảm bảo an sinh, ổn định đời sống. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ sẽ tạo ra nhiều rôbốt trong sản xuất, dần thay thế NLĐ tại những ngành thâm dụng lao động. Điều này, càng đẩy NLĐ di cư từ ĐBSCL nhanh chóng quay trở lại các địa phương trong vùng, gia tăng sức ép, buộc phải tạo nhiều việc làm hơn nữa tại vùng và có thể dẫn đến những vấn đề như thất nghiệp, bất ổn xã hội trong vùng.
Một số giải pháp giải quyết vấn đề DCLĐ ở ĐBSCL
Một là, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chính sách để phát triển căn cơ cho vùng ĐBSCL, nhất là các giải pháp về thể chế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường lao động, liên kết vùng… Các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm trong khu vực này, từ đó hấp thụ được số lượng lớn lao động từ nông nghiệp; người dân sẽ giảm di cư, giảm sức ép lên hạ tầng đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Hai là, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông đã được phê duyệt hoặc đề xuất xây dựng, nhất là các tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng, Bạc Liêu - Cà Mau, từ Cần Thơ đi Campuchia… Có như thế, ĐBSCL mới có thể giữ chân NLĐ tại địa phương và hạn chế tình trạng dịch chuyển lao động ra khỏi vùng. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương và sử dụng lao động của địa phương, tạo ra nhiều việc thu hút lao động.
Ba là, phát triển các địa phương có thế mạnh về công nghiệp và dịch vụ như TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Liên kết giữa các địa phương này với các địa phương có số lao động di cư lớn để thực hiện cung ứng việc làm, giảm bớt quá trình DCLĐ ngoài vùng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tạo dựng các làng nghề, các khu - cụm tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn, chính sách về đào tạo nghề và những đãi ngộ phù hợp khác để lao động có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở địa phương. Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn nhằm tạo việc làm tại chỗ cho NLĐ.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông đã được phê duyệt hoặc đề xuất xây dựng, nhất là các tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng, Bạc Liêu - Cà Mau. Ảnh: A. Vũ. |
Bốn là, giải quyết tốt các chính sách hỗ trợ việc làm như chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề; vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ kinh phí, vay tín dụng với lãi suất ưu đãi cho NLĐ đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Thường xuyên cung cấp thông tin việc làm, thị trường lao động thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hình thức khác nhau để người dân có những thông tin cần thiết và sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Phát huy vai trò của Trường Ðại học Cần Thơ trong xây dựng một hệ sinh thái các trường đại học, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng cho NLĐ, hạn chế tình trạng lao động di cư ngoài vùng.
Năm là, phát triển các trung tâm đào tạo nghề hay các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo nghề liên quan đến thế mạnh và xu hướng phát triển của vùng ĐBSCL như công nghệ sinh học, môi trường. Đổi mới công tác dạy nghề tại các địa phương theo hướng có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp (sử dụng lao động) với trung tâm dịch vụ việc làm (trung gian môi giới) để tạo việc làm có thu nhập, nâng cao trình độ, kỹ năng của NLĐ, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Chính quyền các địa phương cần thường xuyên liên kết với các công ty, doanh nghiệp tổ chức Hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động, giúp NLĐ tìm được việc làm tại chỗ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động tại địa phương.
Đồng bằng sông Cửu Long: Từ trồng lúa bằng mọi giá đến nuôi trồng thông minh “Không thể tiếp tục can thiệp bằng cách vá víu hay ứng phó theo kiểu “thoa dầu gió”, đã đến lúc nông nghiệp vùng Đồng ... |
Con sông chảy ra từ lòng di sản Dù thời cuộc có thăng trầm nhưng sông vẫn chảy đời sông. Như sông Son chảy ngầm, chìm nổi được chắt ra từ lòng si ... |
Long An: Xây dựng thiết chế công đoàn và đẩy mạnh chăm lo đời sống người lao động Đoàn công tác của LĐLĐ Việt Nam do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – Nguyễn Đình ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:08
Lô xe Omoda C5 đầu tiên cập bến Việt Nam, ra mắt vào ngày 26/11
Lô xe Omoda C5 đầu tiên đã cập cảng để chuẩn bị cho chương trình ra mắt vào ngày 26/11, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:01
Range Rover Velar 2025 ra mắt Việt Nam với 7 phiên bản
Mẫu SUV hạng sang Range Rover Velar 2025 đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với nhiều nâng cấp đáng giá. Xe được cung cấp với ba phiên bản chính là S, Dynamic SE và Dynamic HSE, đi kèm hai tùy chọn động cơ xăng và một tùy chọn hệ truyền động plug-in hybrid.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.