
![]() |
Dòng người đổ về trên nút giao thông Thanh Trì - Ngọc Hồi. Ảnh: TL |
Trên chuyến xe khách từ thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), chị Nguyễn Thị Hương (nhân viên hành chính làm việc tại một trường tiểu học của thị xã Phúc Yên) cố nén cơn nôn nao, khó chịu bởi chứng say xe. Chồng chị, anh Đinh Văn Hưng ngồi ở cuối xe, bồng bế con nhỏ trong lòng. Chị thều thào kể, sáng nay, dù đông mấy, cả nhà cũng phải cố về quê thăm ông bà ở thành phố Ninh Bình.
“Mỗi lần về quê chồng, sợ lắm nhưng nghĩ ông bà nhiều ngày tháng không được gặp con cháu vì cách ly xã hội nên cố gắng về” - chị Hương thều thào kể qua chiếc khẩu trang.
Chị là con gái vùng đất nổi tiếng với cây bưởi Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bén duyên, rồi theo chồng là bộ đội lên thị xã Phúc Yên công tác, sinh sống. Từ khi Hà Nội trở thành tâm dịch Covid-19 với số bệnh nhân mắc tăng lên hằng ngày, cả nhà chị đã nhiều thứ bảy, chủ nhật không được về quê.
Nhớ con, nhớ cháu, ông bà nội chỉ được gặp qua hình thức “trực tuyến”. Cả nhà mong ngóng ngày dịch bệnh được kiểm soát, lệnh cách ly được nới lỏng để được gặp nhau.
Bố mẹ chồng chị đã ở tuổi gần 80. Hai người già sống vui với ruộng vườn. Có mấy trái mít đầu mùa, ông bà còn để dành và đợi bằng được con cháu về ăn. Chị Hương nghĩ, cha mẹ đẻ “còn trẻ hơn, khỏe hơn” nên vợ chồng chị dành trọn 4 ngày nghỉ lễ để về với ông bà bên nội. Chị cũng thương, cũng nghẹn ngào khi mà cha mẹ mình cũng rất mong nhớ con nhưng đành hẹn dịp khác.
![]() |
Chiếc xe bán đồ ăn sáng của bà Ngô Thị Hoàn (phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên) cũng tạm nghỉ dịp 30/4 vì công nhân đã về quê nghỉ lễ. |
Cũng như chị Hương, nhiều công nhân sống trong các nhà trọ tại phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vội vã gói ghém hành trang trở về từ ngày hôm qua. Chỉ có điều khác biệt là, có người về quê với niềm vui khấp khởi, có người lại ngậm ngùi bởi công ty giảm lao động vì thiếu việc làm do Covid-19.
Anh Phạm Xuân Anh - công nhân Công ty Honda Việt Nam - đã làm việc tại bộ phận lắp ráp 11 năm. Vừa tan ca, anh đã chuẩn bị về Bắc Giang với vợ con. Là nhân viên chính thức của công ty, mỗi dịp 30/4, 1/5, anh được công ty thưởng 1 tháng lương cơ bản. Trừ chi phí hằng tháng, anh còn giữ được 10 triệu đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số tiền thưởng có giảm. Nhưng giữa thời kỳ dịch bệnh, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay với gia đình anh rất đặc biệt vì anh vẫn còn may mắn, hạnh phúc khi có việc làm, thu nhập.
Bà Ngô Thị Hoàn - chủ nhà trọ tổ dân phố Xuân Bến (phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên), nơi anh Phạm Xuân Anh thuê nhà cho biết: Nhà bà có 3 phòng trọ với 5 công nhân thuê, giá 500.000 đồng/tháng. Công nhân thuê nhà bà chủ yếu làm việc tại Công ty Honda Việt Nam và Công ty Toyota Việt Nam. Khác với anh Phạm Xuân Anh, bà Hoàn cho biết: một công nhân của Công ty Toyota vừa trở lại làm việc sau kì nghỉ dịch 2 ngày, chưa hết hạn hợp đồng đã được công ty thông báo báo giảm lao động để ưu tiên việc làm cho công nhân lớn tuổi. Công ty có hỗ trợ tiền lương cho người lao động theo số tháng còn lại trong hợp đồng. Anh công nhân ấy đã trả phòng và ngậm ngùi về quê.
![]() |
Chiếc nón sau nhiều ngày mưa nắng bán xôi của bà Hoàn cũng tạm nằm im |
Theo ông Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Thắng - thị xã Phúc Yên, phường Phúc Thắng hiện có trên 42 doanh nghiệp với gần 3.000 công nhân đang ở trọ. Toàn phường có 238 hộ kinh doanh phòng trọ với trên 1.000 phòng trọ cho công nhân, đông nhất là tại tổ dân phố Xuân Thượng 1 và Xuân Bến.
Đến sáng nay, hầu hết công nhân nam, nữ đã rời những căn phòng rộng từ 10-12m2; lợp mái fibro xi măng, trần xốp để trở về hít thở bầu không khí gia đình. Mấy nữ công nhân chỉ kịp nói một câu: “Em vội lắm, về sớm kẻo đường đông”.
Sáng nay, tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), một bến xe trọng điểm phía Nam thành phố, dòng người đổ về quê đông đúc, chật chội.
![]() |
Đường đông, công nhân đi xe đúng làn đường |
Cô bé Hoàng Thị Lan (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), quê ởThái Bình vui mừng vì đã bắt kịp chuyến xe khách lúc 8 giờ sáng. Từ đây về nhà còn 2 tiếng nữa. Cả đêm qua, Lan tranh thủ hoàn thành công việc dang dở để về quê, mệt rũ người nhưng chị không thể nào chợp mắt.
“Vui lắm. Từ Tết đến giờ em chưa được về nhà. Em mong về với mẹ. Cả mấy ngày nghỉ sẽ chỉ dành để họp lớp, gặp bạn thân, đi thăm họ hàng”.
Câu chuyện của cô bé Hoàng Thị Lan và niềm vui, háo hức của người lao động xa quê làm tôi nghĩ đến ngày Tết. Dù dịch bệnh Covid-19 có khiến người mất việc, người giảm thu nhập…. thì hôm nay với họ vẫn là ngày trở về, sau những ngày chống dịch căng thẳng.
![]() |
"Tay xách nách mang" ngày trở về tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: TL |
![]() Cập nhật thông tin đến 7h sáng ngày 30/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3,2 triệu ... |
![]() Nhiều doanh nghiệp, cơ quan đã chia sẻ những giải pháp, cách làm hay về quản trị thông minh để duy trì sản xuất an toàn ... |
![]() Đó không chỉ là thắc mắc của tôi mà có lẽ hàng triệu người dân đất nước này đang cùng câu hỏi như thế? Họ ... |
Đọc nhiều
Tin mới hơn

Nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao - Samsung cùng Việt Nam vươn mình
