Công nhân mất việc, thiếu việc vẫn không thể tiếp cận gói 62.000 tỷ dù có sửa điều kiện
Việc làm - tuyển dụng - 28/06/2020 06:00 LÊ TUYẾT
Xóm trọ công nhân những ngày hậu dịch Covid-19. Họ là những công nhân làm việc ở Công ty Huê Phong, doanh nghiệp vừa cắt giảm 2.220 lao động; những công nhân còn lại phải nghỉ luân phiên vì công ty không có đơn hàng. Chiếu theo các quy định tại Quyết định 15, họ sẽ không tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. |
Theo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 1 của Chương I “người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương” của Quyết định 15. Cụ thể, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ ngày 23/1 đến hết 30/6 thay vì ngày 1/4 đến hết ngày 30/6.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị bổ sung vào Khoản 2 Điều 13 của Chương VI “hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động” nội dung “doanh thu quý 1/2020 giảm từ 20-30% trở lên so với quý 4/2019”
Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH cũng có nêu tới thời điểm này, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, đặc biệt chưa có hồ sơ doanh nghiệp đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được thực hiện tại hệ thống ngân hàng chính sách.
Trước thông tin Bộ LĐ-TB&XH có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sửa điều kiện nhận hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng theo Quyết định 15, nhiều người đã bày tỏ vui mừng, đặc biệt là người lao động ở những doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 phải tạm hoãn hợp đồng lao động, mất việc, giảm việc làm. Thế nhưng khi đọc kỹ lại nội dung của tờ trình thì nhiều người lại bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng điều kiện cần được tháo gỡ nhất là “doanh thu bằng 0” nằm ở Khoản 3 Điều 1 của Quyết định này lại không được kiến nghị sửa.
Dệt may là ngành bị ảnh hưởng sớm và nhiều nhất vì dịch Covid-19, tuy nhiên cho đến nay hầu như chưa có người lao động nào nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. |
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 13 (khoá XII), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có khoảng 84,8% số doanh nghiệp gặp khó khăn (trong tổng số 132 nghìn doanh nghiệp được điều tra theo báo cáo của Tổng cục Thống kê); gần 67% số doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch bệnh như: cắt giảm lao động; giãn việc; nghỉ luân phiên; nghỉ việc không lương, cắt giảm lương.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, tính đến hết tháng 4/2020 có 5.681 doanh nghiệp và 1.310 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp quy mô sản xuất, tác động đến đời sống, việc làm của hơn 461 nghìn người lao động.
Để dễ so sánh số người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận được sự hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng, có thể nhắc lại báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH vào đầu tháng 6/2020 khi chỉ có 418 người lao động ở nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng!
Bà Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Công đoàn cũng là thành viên trong Ban điều hành của Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (Địa chỉ: Cụm công nghiệp Phong Phú, quận 9, TP. HCM) cho hay, một vài đơn vị thành viên ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc của đơn vị gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạm ngưng sản xuất, tạm hoãn hợp đồng với người lao động đã làm thủ tục để người lao động được nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng, tất cả vẫn còn đang chờ và có nguy cơ sẽ không có người lao động nào được nhận hỗ trợ vì doanh nghiệp không đáp ứng được các quy định mà Quyết định 15 đưa ra. Điều khoản khó đáp ứng nhất là Khoản 3 Điều 1 của Quyết định này yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31/3/2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), người lao động mất việc, giảm việc do dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn. Những bất cập trong điều kiện hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã được nêu rõ, việc Bộ LĐ-TB&XH có tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều khoản là một tín hiệu vui. Song, bất cập lớn nhất khiến cho hầu hết người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương không tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chính là Khoản 3 Điều 1 của Quyết định 15 lại không được kiến nghị sửa đổi.
“Tôi cho rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng này vẫn sẽ không thể đến được với đối tượng này dù Quyết định 15 có được sửa, bổ sung theo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH”, ông Nguyễn Quang Đồng nhận định.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương (bên trái ảnh) thăm hỏi công nhân gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa có người lao động trong doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. |
Tương tự, tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 5/2020, địa bàn này có 280 doanh nghiệp ngừng hoạt động với gần 144.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó số bị chấm dứt hợp đồng lao động gần 11.150 người; số lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 50.000 người, số lao động phải giảm giờ làm việc gần 83.000 người. Đến đầu tháng 6 vẫn chưa có một người lao động nào ở doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, đại diện cho công đoàn tỉnh Bình Dương, bà có làm việc với Bộ LĐ-TB&XH và kiến nghị rất rõ các vướng mắc người lao động, chủ doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận với gói 62.000 tỷ đồng. Về điều kiện doanh nghiệp chứng minh “doanh thu bằng 0”, phía Bộ LĐ-TB&XH cho biết nội dung đó thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, đơn vị này sẽ đề nghị Bộ Tài chính xem xét.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 27/6 |
Ấm tình xóm trọ công nhân giữa mùa khó khăn vì thất nghiệp, giảm ngày làm |
Cầu thủ ngôi sao, vinh quang và thị phi |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 17/11/2024 12:17
Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép ở Quảng Bình tuyển hàng trăm lao động phổ thông
Hoạt động trong lĩnh lực sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí việc làm, với hơn 100 lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 16/11/2024 16:36
Sơn Hà SSP Việt Nam tuyển nhiều công nhân và kỹ sư: thu nhập hấp dẫn, phúc lợi vượt trội
Để đáp ứng tiến độ sản xuất cuối năm và mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí, bao gồm công nhân, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện và nhân viên kiểm tra chất lượng (QC).
Việc làm - tuyển dụng - 09/11/2024 07:00
1.337 vị trí việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ngày 8/11/2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội diễn ra Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thu hút 45 doanh nghiệp với 1.337 vị trí việc làm.
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Công ty CP Xi măng Sông Gianh tuyển 55 lao động có chuyên môn
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics tuyển hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu/tháng
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Tuyển hơn 300 công nhân cao su tại Quảng Bình
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.