
Nói đến Nam Định, người ta nhớ ngay đến Nhà máy Liên hợp Dệt, nay là Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định có bề dày truyền thống trên 100 năm.
Dù hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tư nhân, liên doanh với nước ngoài nhưng người lao động vẫn gắn bó và đồng hành cùng Tổng Công ty, họ luôn tin tưởng vào các cấp lãnh đạo và tổ chức Công đoàn.
Ở Công ty CP Dệt khăn thuộc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định có chị Ngô Thị Hạnh, là thợ đứng máy dệt. Gia đình chị có ba con nhỏ, cháu bé thứ ba bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Mới 20 ngày tuổi cháu phải nhập viện vì khó thở. Chứng kiến cảnh người mẹ nước mắt ngắn, dài bên em bé sơ sinh nhọc nhằn thở, tâm trạng của những người làm cán bộ công đoàn nặng trĩu đến khó tả. Họ động viên chị cố gắng bình tĩnh chăm sóc, điều trị cho cháu một cách tốt nhất theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Căn bệnh của cháu phải điều trị lâu dài, hằng tháng chị Hạnh phải đưa con lên Hà Nội khám bệnh. Sau một năm được điều trị và thăm khám thường xuyên, bệnh của cháu dần ổn định.
Mặc dù vậy, kinh tế gia đình chị rất khó khăn. Công đoàn Công ty đã trợ cấp kinh phí và động viên chị mua máy may về may gia công để kiếm thêm thu nhập. Chị đã dùng số tiền được trợ cấp mua một máy may công nghiệp nhận hàng về may theo gợi ý của công đoàn. Vất vả nhọc nhằn nhưng hằng tháng chị có thêm tiền chi tiêu từ thu nhập may hàng gia công, cuộc sống của gia đình chị dần được cải thiện.
![]() |
Chị Hạnh bên máy may tại nhà |
Nở nụ cười hạnh phúc chị tâm sự: “Cảm ơn công đoàn đã cho em thêm sức mạnh, công đoàn đã mang niềm vui, hạnh phúc đến gia đình em”.
Nhờ có nhiều cơ sở đặt hàng, đến nay trong gian phòng nhỏ của chị đã có thêm nhiều máy chuyên dùng để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Một trường hợp khác, anh Hà Anh Tuấn, thợ chữa máy dệt cũng có hoàn cảnh rất éo le. Ngoài 40 tuổi anh mới xây dựng gia đình. Ngày anh cưới ai cũng mừng cho anh, càng mừng hơn khi anh chị háo hức chờ đón con chào đời. Nhưng bé gái Hà Minh Châu sinh ra bị bại não bẩm sinh.
Cháu bé lên hai tuổi vẫn không giơ tay được, chân không đứng vững. Dù rất buồn nhưng với tình thương con vô bờ bến cùng với sự hỗ trợ của gia đình, sự động viên của anh em, bạn bè và tổ chức Công đoàn, vợ chồng anh Tuấn cố gắng kiên trì chữa trị cho con.
Khi cháu bé lên ba tuổi, vợ anh Tuấn phải nghỉ việc để đồng hành cùng bác sỹ chữa trị cho con.
Vừa điều trị thuốc, cháu vừa phải tập vật lý trị liệu. Hằng ngày, ngoài việc xoa bóp cho con, hỗ trợ con tập luyện để tay con có thể cầm nắm, nâng cao được, chị lại cùng con tập đi từng bước một. Đôi chân run run, cháu bước đi xiêu vẹo, mặc dù đã xỏ đôi dép hỗ trợ tập đi và có mẹ phụ giúp mà cháu cũng chỉ bước được vài bước rồi lại ngã. Chứng kiến cảnh đó không ai cầm được nước mắt.
Cháu ngày càng lớn, đôi chân cũng lớn theo, dép hỗ trợ tập đi cũng phải thay đổi, mà phải đặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hành trình chữa trị cho cháu gian nan và tốn kém, Công đoàn Công ty thường xuyên thăm hỏi, trợ cấp, chia sẻ khó khăn với anh chị.
Sau ba năm với sự cố gắng kiên trì tập luyện, vượt qua nỗi đau, nỗi sợ hãi, cháu bé đã có thể đến trường đúng độ tuổi. Mặc dù tay cháu vẫn còn yếu, chân đứng vẫn còn run, cháu không nô đùa chạy nhảy được như các bạn nhưng trong học tập, cháu luôn phấn đấu đạt thành tích tốt. Năm nào cháu cũng được nhận giấy khen, phần thưởng từ Trường Tiểu học Trần Phú và phần thưởng của công đoàn nơi bố cháu công tác.
Vẫn biết cuộc sống của anh chị và cháu còn nhiều gian nan, song nhìn cháu vui vẻ lớn lên từng ngày, anh chị phấn chấn hơn, các cán bộ công đoàn cũng cảm thấy hạnh phúc.
![]() |
Cháu Hà Minh Châu năm nay 11 tuổi. Suốt 5 năm học tiểu học cháu đều được nhận giấy khen. |
Một hoàn cảnh éo le khác là chị Phạm Thị Hải Yến, cán bộ kỹ thuật tại xưởng may khăn, Công ty CP Dệt khăn, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định.
Chồng chị không may bị tai nạn qua đời khi còn rất trẻ. Lúc đó con gái lớn của anh chị mới 9 tuổi, hai bé trai sinh đôi mới hơn 1 năm tuổi. Biến cố khiến chị suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần.
Trong hoàn cảnh đó, chị nhận được sự giúp đỡ, động viên từ bố mẹ, người thân, đoàn thể, trong đó có tổ chức Công đoàn. Chị cố gắng không cho phép mình gục ngã, cố gắng nuôi dạy con nên người.
Dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, các con chị dần khôn lớn. Khi con còn bé thì vất vả chăm chút, khi con lớn, đến tuổi đi học lại phải lo nhiều hơn, lo sách vở và các khoản đóng góp. Lúc này kinh tế cũng là cả một vấn đề đối với chị. Mặc dù được gia đình hai bên và công đoàn hỗ trợ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Để bù đắp cho sự vất vả của chị, các con chị rất ngoan, tự giác, thương mẹ và học giỏi. Khi nghe tin con lớn đỗ đại học, chị vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con thi đỗ, lo vì không biết lấy tiền đâu cho con đi học.
![]() |
Chị Yến cùng ba người con. Con gái lớn làm văn phòng luật sư, hai con trai đang học đại học năm thứ ba |
Biết tin, Công đoàn Công ty đã động viên chị nhất định bằng mọi giá phải để cháu được theo học đại học. Lúc đó Công đoàn Công ty có chương trình cho nữ công nhân nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Công đoàn tạo điều kiện cho chị được vay tiền theo chương trình đó để đầu tư cho con đi học.
Sau bốn năm đại học, cháu đã có công việc ổn định, phụ giúp mẹ nuôi hai em ăn học.
Đến bây giờ, nghĩ lại những ngày đã qua, chị bùi ngùi tâm sự: “Cảm ơn Công đoàn nhiều lắm, bây giờ tôi vô cùng hạnh phúc”.
![]() Sau bữa cơm trưa, anh Đoàn Đình Hiệp (37 tuổi) vội vã ngồi viết tiếp bài Tiếng Việt lớp 2 để “kịp chương trình” buổi ... |
![]() Gần 1 tháng trước, khi các đoàn y bác sĩ chi viện từ Bắc vào TP HCM giúp đỡ và chung tay chữa trị cho ... |
![]() Tối 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi trao đổi trực tuyến với người dân qua ... |
Đọc nhiều
Tin mới hơn

Phóng sự Media (dự thi): Cô thủ thư đa năng

Nghẹn ngào câu chuyện đoàn viên nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi

Phạm Văn Thương từ đam mê… thành “cây sáng kiến" của Công ty Cổ phần Than Hà Lầm
Tin tức khác

“Hồi sinh” du lịch trên EWEC

Ngày đầu tiên “cách ly toàn xã hội”: Nhớ lại và suy ngẫm

Người chị, người bạn của nữ công nhân

Loại bỏ các mối nguy hiểm

Chuyên nghiệp, gương mẫu ở tuổi “cổ lai hy”
