Chông chênh chợ nổi vào Xuân
Đời sống - 12/02/2024 16:48 TRẦN LƯU
Sắn vào mùa, được giá, công nhân làm việc xuyên Tết |
Đìu hiu chợ nổi
Anh Dương Vĩnh Bé quê ở Kiên Giang xuôi về chợ nổi Cái Răng mưu sinh đã hơn 20 năm nay. Do quê nhà ở quá xa, việc buôn bán khó khăn, nên anh Bé quyết định bỏ ra trên 100 triệu đồng để làm bè nổi, sinh sống trên sông Hậu.
Vợ chồng anh làm nghề buôn bán thức ăn cho khách du lịch trên chợ nổi nên nguồn thu nhập thấp hay cao, ít hay nhiều đều phụ thuộc vào lượng du khách đến tham quan chợ nổi.
Anh kể: những ngày giáp Tết, nhịp sống nơi sông nước hối hả không thua kém trên đất liền. Ghe xuồng chở trái cây, hàng hóa, cá mắm, hoa kiểng nối đuôi nhau ăn hàng và tỏa đi khắp nơi. Đây cũng là mùa làm ăn khá giả nhất của dân thương hồ vì nhu cầu mua bán, vận chuyển hàng hóa rất lớn… Nhưng khi vào Tết thì chợ bắt đầu vắng hoe, phần lớn do dân thương hồ "gác chèo" về quê. Việc mua bán cũng dừng lại vì mọi hàng quán, chợ búa đã tạm ngưng hoạt động.
Hoạt động mua bán trên chợ nổi Cái Răng những ngày giáp Tết. Ảnh: P.V. |
“Đây là thời điểm để đón khách du lịch đến du Xuân thưởng ngoạn nhưng năm nay vắng vẻ quá, chỉ đâu đó vài trăm lượt khách đến chợ nổi. Việc mua bán của tui và mọi người xung quanh cũng giảm sút”, anh Bé nói.
Thương hồ Huỳnh Hữu Phúc (68 tuổi), cho biết 40 năm trước, ông từ miệt Cao Lãnh, Đồng Tháp xuôi về chợ nổi mưu sinh, bán đủ thứ trên trời dưới đất. Ngày đó, vùng sông nước chằng chịt miền Tây, hiếm hoi lắm mới có cây cầu khỉ - sang lắm là cầu ván (gỗ) bắc qua, thì ghe xuồng là phương tiện đi lại chính yếu! Đàn bà đau bụng đẻ, cũng cứ gom đồ chất xuống ghe, ra bảo sanh. Có mớ rau, muốn ra chợ bán, cứ chất lên ghe. Nhà thiếu gạo, cũng rong ghe ra nhà máy xay xát mà chở về. Chợ nổi Cái Răng như một trung tâm thương mại sầm uất, cứ bơi ghe ra đó, thứ gì chẳng có.
Chiếc bè nổi của gia đình anh Dương Vĩnh Bé những ngày cuối năm cũng được trưng bày, sắm sửa không khác gì các ngôi nhà trên đất liền. Ảnh: K.A. |
Nhưng bây giờ, hạ tầng trên đất liền phát triển đến chóng mặt, đường xá láng bon, xe chạy về tới ngỏ. Việc đi lại, mua bán trên sông nước đã nhường chỗ cho những hình thái tiến bộ hơn.
“Thời buổi công nghệ 4.0, chỉ cần móc điện thoại ra alo là người ta giao hàng tới nhà, muốn mua cái gì cũng có; cũng đâu cần phải thức khuya dậy sớm qua sông lụy đò. Chợ nổi cũng theo đó mà mai một”.
Khi việc mua bán ngày một ế ẩm, cánh thương hồ cũng lần lượt rời sông nước để tìm kế sinh nhai mới. Nếu như “thời hoàng kim”, số lượng ghe tàu tại chợ nổi lên đến 500 - 600 chiếc, thì nay chỉ còn khoảng 200 – 250 chiếc.
Gần 30 năm gắn bó với chợ nổi Cái Răng, ông Lê Thanh Ngàn (SN 1960, quê ở tỉnh Bạc Liêu) cũng đã chứng kiến biết bao bạn ghe lũ lượt rời sông nước, vì sinh kế trên chợ nổi đã không còn lo đủ cuộc sống cho họ.
“Giữa bối cảnh hạ tầng giao thông đường bộ phát triển như thế này, người ta hay nói, chỉ có khùng mới chèo xuồng đi chợ. Một dạo, tui cũng tính bỏ ghe để đi nhưng nghĩ mãi không biết đi đâu, nên đành ở lại bám trụ. Cứ tình hình này, vài năm nữa chợ nổi sẽ dần mất hút. Chợ vắng không chỉ Tết năm nay mà đã chìm dần từ lâu rồi chú à”, ông Ngàn bộc bạch.
Lượng du khách đến chợ nổi dịp Tết giảm đáng kể. Ảnh: P.V. |
Theo báo cáo nhanh của Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, trải qua một năm đầy biến động, khó khăn của nền kinh tế, dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách du lịch đến chợ nổi Cái Răng đã giảm đáng kể.
Theo đó, chỉ có 157 khách tham quan chợ nổi Cái Răng và đi điểm vườn trong ngày mùng 2 Tết, ít hơn 271 khách so với ngày mùng 1 Tết năm 2023 (mùng 1 Tết năm 2023 là 428 khách…
Chợ nổi Cái Răng sáng sớm mùng 2 Tết. Ảnh: P.V. |
Để chợ nổi không “chìm”
Một thời tiêu biểu cho sự sung túc của vùng sông nước Cửu Long, chợ nổi Cái Răng giờ đây đã sắp “chìm” theo quy luật đào thải của dòng chảy phát triển.
Trước nguy cơ đó, UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, gồm 13 hạng mục, công trình với tổng kinh phí hơn 63 tỉ đồng. Nhưng đến nay, đề án này vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.
Theo các chuyên gia, thương hồ là linh hồn, là những người làm nên chợ nổi. Muốn giữ chợ trước hết phải giữ được thương hồ. Bây giờ họ bỏ chợ là do cuộc sống khó khăn nhưng trong toàn bộ đề án triển khai không có một hạng mục nào hướng trực tiếp đến lợi ích và đời sống của họ. Chúng ta làm nhiều công trình phục vụ du lịch, nhưng không thấy cái nào chăm lo cho thương hồ. Dù có xây dựng những công trình trăm tỉ nhưng nếu không có thương hồ thì cũng sẽ không còn chợ nổi. Cuộc sống họ đang gặp khó khăn, vấn đề là ai sẽ thu mua nông sản cho họ trong những ngày kinh doanh ế ẩm.
Hình ảnh mua bán nhộn nhịp trên chợ nổi ngày giáp Tết. Ảnh: P.V |
Lãnh đạo quận Cái Răng nhìn nhận: Hiện nay thương hồ trên chợ nổi đang “tự bơi” trong cuộc mưu sinh, họ chỉ được một số hỗ trợ nhưng không trực tiếp, như tạo điều kiện cho con cái của họ đi học dù không có hộ khẩu địa phương; mở các lớp bồi dưỡng về du lịch không thu tiền, hỗ trợ nước sạch và thỉnh thoảng đến trao quà…
Quận này cũng đã tính đến phương án hồi phục nguyên bản hình ảnh mua bán giao thương ngày xưa trên chợ nổi. Tuy nhiên qua nghiên cứu cách làm tại chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), việc này là không khả thi. Ở tỉnh bạn, có nhà đầu tư đã mua tới hàng chục ghe xuồng, nhưng không ai chịu xuống sông để bán. Đến khi có người xuống bán thì không có ai mua. Dựng chợ thì dễ, nhưng lại không có sức sống.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân - khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Bảo tồn chợ nổi chúng ta phải trả lời câu hỏi rằng: “Bảo tồn cái gì?”. Chúng ta dùng mọi cách giữ cho được chợ, rồi để mặc nó theo thời gian hay là chỉ giữ nét văn hóa sông nước - vốn ít nơi nào có được?
Chợ nổi Cái Răng đang cần một sự chuyển đổi, và trong sự chuyển đổi đó chúng ta phải chấp nhận rằng, nó không thể nào còn nguyên bản. Ngay cả việc việc vận động các tiểu thương quay lại sông mua bán như ngày xưa cũng là đi ngược với quy luật tự nhiên, bởi xã hội đã có những hình thái mua bán tiến bộ hơn.
Lãnh đạo TP Cần Thơ đến thăm, tặng quà cho các tiểu thương chợ nổi những ngày cận Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: V.T. |
Trong câu chuyện đó, chợ nổi ở Thái Lan là một bài học đáng được xem xét. Nước bạn vào những năm 90 cũng đã phải chấm dứt vai trò lịch sử của các khu chợ nổi. Sau đó họ phục hồi bằng cách quy hoạch không gian, phục dựng lại những dòng sông rồi tổ chức cho người dân ra mua bán. Lúc này, chợ chỉ là “cái cớ”, bởi tiểu thương chỉ bán hàng cho du khách chứ không phải mua bán trao đổi hàng hóa như ngày xưa.
Theo Tiến sĩ Nhân, trong những ngày đầu còn nhiều khó khăn, các tiểu thương được hỗ trợ thu mua hết hàng hóa khi họ kinh doanh ế ẩm. Cùng với đó là sự chia sẻ trong cộng đồng, những người dân sở tại dành thêm nhiều thời gian đến chợ nổi ăn uống, mua sắm như một cách giúp đỡ tiểu thương. Sau cùng, người Thái với cách làm du lịch bài bản và kiên trì đã tạo ra những khu chợ nổi nhân tạo độc đáo, thu hút hàng triệu du khách. Lúc này nhà nước sẽ cắt nguồn hỗ trợ, vì người dân đã có thu nhập đủ đầy từ nguồn thu du lịch. Cách làm đó không phải ngày một ngày hai, mà sẽ mất nhiều thời gian, và cần có sự kiên trì và quyết liệt...
Du lịch ảm đạm, lao động nghèo vất vả mưu sinh trong dịp lễ Với họ, những kỳ lễ, Tết là dịp để có thêm nguồn thu nhập lo cho gia đình. Nhưng thời tiết xấu đã khiến các ... |
Lao động tự do miệt mài mưu sinh ngày lễ Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, nhiều lao động tự do quanh khu vực Long Biên (Hà Nội) lặng lẽ mưu sinh nhằm ... |
Tài xế xe ôm công nghệ mưu sinh tuổi xế chiều Gánh nặng áo cơm khiến nhiều người dù ở tuổi xế chiều vẫn tất bật rong ruổi những cuốc xe ôm công nghệ ngoài đường ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Fan Việt bùng nổ cảm xúc sau lời chào chính thức từ Imagine Dragons
- "Ngôi nhà yêu thương" - Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
- Những trường hợp nghỉ làm có lương và 3 quy định dành riêng cho lao động nữ
- Cô giáo mắc bệnh nan y truyền cảm hứng sống tích cực, lạc quan cho đồng nghiệp
- Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đồng hành cùng công nhân trong mọi hoàn cảnh