Câu chuyện cuối tuần: Sĩ tử cầu may
Kinh tế - Xã hội - 19/06/2022 09:55 TRẦN VĂN SỸ
Nhiều phụ huynh cùng sĩ tử đã đến Văn Miếu cầu may. Ảnh:DIỆP THẢO (VOV) |
Nhìn cảnh các sĩ tử và người nhà chen nhau bưng lễ vào Văn Miếu, khấn vái xì xụp trước tượng Khổng Tử trước khi bước vào kỳ thi, khiến cho người ta không thể không suy nghĩ… và không thể không buồn.
Vẫn biết rằng, trước khi làm việc quan trọng, người ta cầu may một chút với suy nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” theo quan niệm dân gian, cũng không hại gì, thậm chí có tác dụng ổn định tâm lý mà “nâng cao phong độ” cho công việc được tốt hơn, thì cũng nên tôn trọng. Pháp luật nước ta cho phép mọi người được tự do tín ngưỡng, nên việc đi Văn Miếu cầu xin khi thi cử không bị ngăn cấm.
Văn Miếu là di tích lịch sử của quốc gia, được lập từ thời xưa. Nay ta tôn trọng lịch sử văn hóa dân tộc thì bảo tồn. Người ta đến đó, có làm lễ để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ các vị “thánh nhân”, các vị thầy thời xưa. Vài chục năm về trước, không có cảnh trước khi đi thi đến cầu xin ở Văn Miếu như bây giờ mà kết quả các kỳ thi lúc đó cũng đâu có khác bây giờ. Cũng vẫn là học sinh nào học giỏi hơn, làm bài tốt hơn thì sẽ đỗ cao hơn.
Kỳ thi này của ngành Giáo dục nước ta, cũng giống các kỳ thi trước, theo luật định, phải là cuộc thi dựa trên nguyên tắc công bằng, lấy điểm số dựa trên thực tài của thí sinh, không chấp nhận sự khác biệt bất công đến từ các yếu tố không phải là nội lực của thí sinh. Nếu quả thật đến Văn Miếu cầu Khổng Tử mà được ông ấy phù hộ cho thi điểm cao hơn thì cuộc thi này quá bất công với những em không có điều kiện đến cầu xin ở Văn Miếu.
Đáng buồn là quá đông các em học sinh và phụ huynh không đủ hiểu biết, không đủ tự tin để nhận thấy điều đó! Chín năm trước khi thi vào lớp 10 phổ thông, các em được học hành giáo dục thế nào mà thành những sĩ tử cầu may như hôm nay! Đáng suy nghĩ lắm!
Nói đi thì cũng phải nói lại, việc gì tồn tại thì đều có lý của nó. Vậy lý của cái việc người ta nô nức đến Văn Miếu cầu xin trước kỳ thi là gì? Đi thi thì ai cũng mong đỗ và trong thi cử thì ngoài tài năng thực lực, đôi khi cũng có chuyện may rủi.
Thực tế là cũng có chuyện một số học sinh ngày thường học giỏi hơn mà đi thi lại không đỗ cao bằng học sinh nào đó thường ngày học kém hơn. Nguyên nhân là người ta có quy luật về sinh học, thường gọi là “điểm rơi phong độ”, tức là cùng một con người, nhưng năng lực thể hiện từng thời điểm lại khác nhau, khi cao, khi thấp. Nếu hôm đi thi có sức khỏe tốt, tâm lý tốt thì sẽ bình tĩnh sáng suốt mà làm bài thi tốt hơn. Ngược lại, cũng người ấy, nếu vào thi với trạng thái tinh thần không tốt thì làm bài thi sẽ không được như ý, thậm chí “trí khôn mọi khi ở nhà nhiều thế mà vào phòng thi bỗng như đâu mất”, “bài dễ thế mà cũng không làm được!”...
Lại có những học sinh khác ngày thường học cũng thường thôi, nhưng khi thi lại đạt kết quả cao. Một phần vì ‘điểm rơi phong độ tốt” mà làm được hết khả năng có thật của mình, cộng thêm do may mắn vì ôn thi “trúng tủ”, thậm chí là nhờ vả được sự giúp đỡ (gian lận) trót lọt trong thi cử.
Những chuyện không ai biết trước được như vậy, sinh ra tâm lý cầu may trong thi cử. Người ta giải thích cho việc người học giỏi lại không đỗ cao hơn người học kém bằng câu nói “học tài, thi phận”. Tuy vậy, tuyệt đại đa số những học sinh ngày thường học tốt, chuẩn bị sức khỏe và tinh thần tốt thì thi cử luôn đạt kết quả cao hơn các em hằng ngày học kém hơn. Thực tế này không ai có thể chối cãi được.
Càng tin vào may rủi, thì người ta càng cầu đến sự “phù hộ của thánh thần”. Cái đang lo ngại là tâm lý tin vào may rủi trong thi cử lại phát triển quá đà. Quá nhiều người tin rằng “đến Văn Miếu cầu xin thì thi sẽ được đỗ cao”. Cần nhắc lại rằng, nền giáo dục của ta dựa trên phương pháp luận biện chứng duy vật, coi “nguyên nhân bên trong là quyết định sự phát triển của sự vật” nên “sự nỗ lực học tập của học sinh là yếu tố quyết định kết quả thi cử của học sinh”, suy rộng ra trong cuộc đời “sự nỗ lực của bản thân quyết định cuộc sống của bản thân” mỗi người. Các yếu tố bên ngoài, đôi khi rất quan trọng, nhưng luôn là thứ yếu.
Sĩ tử cầu may nhìn qua chỉ là một hiện tượng bình thường. Nhưng khi trở thành phổ biến, trở thành một việc làm rất được coi trọng của cả phụ huynh học sinh thì chính nó đang phản ánh một kết quả giáo dục không đáng mong chờ, biểu hiện một lối giáo dục (dù vô tình) tạo điều kiện hình thành một tư duy sống, một thói quen từ trên ghế nhà trường, rất không tốt. Đó là tư duy sống dựa dẫm vào những điều may rủi, với niềm tin hư ảo là có thể cầu xin được thánh thần ban cho thành quả, mà quên rằng việc nỗ lực của bản thân mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Đó chính là vấn đề của giáo dục, của văn hóa, không thể coi nhẹ, phải được chấn chỉnh.
Nhà trường và các thầy cô giáo không chỉ có trách nhiệm dạy tốt kiến thức cho các em; phụ huynh không nên chỉ ép các em học thật nhiều, mà còn phải giúp các em chuẩn bị thật tốt tâm lý và sức khỏe để có “điểm rơi phong độ” tốt nhất mỗi khi bước vào một cuộc thi.
Học sinh thi đỗ hay trượt, chưa chắc cuộc đời đã biết ai hơn. Nhưng từ trên ghế nhà trường mà đã thành một tư duy sống sai lầm, không tự tin dựa vào nỗ lực bản thân là chính, là đã bị giáo dục sai lầm rồi. Đó mới là thảm họa của tương lai.
Trong đời các em còn rất nhiều cuộc thi. Không thể tiếp tục là sĩ tử cầu may. Nếu đã đến Văn Miếu, thì cũng nên nhớ một điều, là Khổng Tử sinh thời chỉ lo tu thân trước nhất, không bao giờ lo cầu cúng.
Tiến sĩ thật và tiến sĩ... dỏm Mấy ngày qua, ồn ào, ầm ĩ, pha lẫn chê bai, dè bỉu xung quanh những luận án tiến sĩ chẳng giúp ích gì cho ... |
Ngàn người đến Văn Miếu, chỉ có 1 người đeo khẩu trang nhưng... sai cách Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là điểm thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Hà Nội. Chiều mùng 2 Tết ... |
Nhiều công nhân lao động đi lễ đền Hùng cầu may Sáng ngày 21/4 (tức ngày mùng 10 tháng ba Âm lịch), hàng nghìn người dân (trong đó có công nhân lao động) trên cả nước ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.