Cần làm rõ quyền, trách nhiệm của người lao động trong Luật BHXH (sửa đổi)
Người lao động - 15/07/2023 16:05 ĐỖ THIỆM
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: Ý Yên |
Quy định phù hợp với bối cảnh mới
So với Luật BHXH năm 2014 thì Dự án Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến trình Chính phủ (Dự thảo ngày 28/5/2023), đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền và trách nhiệm của NLĐ phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin cũng như tính đồng bộ, tương thích với quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ), cơ quan BHXH; đồng thời có tính khả thi cao, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ trong tham gia và hưởng các chính sách BHXH bắt buộc.
Đơn cử như, Điều 18 Luật BHXH năm 2014 quy định định kỳ 6 tháng NLĐ được NSDLĐ cung cấp thông tin về đóng BHXH; định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH (VssID,…) như hiện nay thì những nội dung này không còn phù hợp với bối cảnh mới và điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng sâu rộng, việc sử dụng hoàn toàn sổ BHXH bằng giấy như hiện nay sẽ không còn phù hợp. Do đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung về quyền quản lý sổ BHXH của NLĐ và trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho NLĐ phù hợp với bối cảnh mới.
Hay theo quy định của Luật BHXH năm 2014, hằng tháng NSDLĐ trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định của pháp luật để đóng cùng lúc vào quỹ BHXH, nhưng lại không quy định trách nhiệm theo dõi, giám sát việc NSDLĐ tham gia BHXH cho NLĐ. Do đó, trong thời gian vừa qua xảy ra một số trường hợp NSDLĐ không trích tiền lương của NLĐ để đóng BHXH hoặc đã trích tiền lương nhưng không đóng cho cơ quan BHXH; vì vậy NLĐ không được tham gia BHXH theo quy định hoặc đã trích tiền lương đóng BHXH nhưng không được hưởng quyền lợi về BHXH.
Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của NLĐ trong việc theo dõi, yêu cầu NSDLĐ thực hiện đầy đủ trách nhiệm về BHXH đối với mình. Theo nhận định của cơ quan soạn thảo thì đây là nội dung thể hiện vai trò chủ động của NLĐ đối với việc tham gia BHXH cho bản thân, cũng như giám sát việc chấp hành pháp luật của NSDLĐ về BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NLĐ…
Người lao động Công ty CP Tập đoàn Haprosimex yêu cầu được trả lương và chốt đóng BHXH sau nhiều năm bị mất quyền lợi - Ảnh minh hoạ: CNCC |
Cần làm rõ quyền và trách nhiệm của NLĐ
Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, quyền và trách nhiệm của NLĐ được quy định tại các Điều 22 và 23, cụ thể:
“Điều 22. Quyền của người lao động
1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện.
4. Từ chối hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội
5. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
c) Trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng;
d) Đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
7. Được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
8. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Thời hạn ủy quyền không quá 06 tháng kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
9. Hằng tháng được cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
10. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Trách nhiệm của người lao động
1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Theo dõi và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình.
3. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội”.
Với quy định này, bên cạnh việc bổ sung một số quyền của NLĐ như: Quyền từ chối hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; quyền hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng, trong thời gian đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 30 của Luật này. Hay quyền được cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng, thay cho hằng năm theo Luật BHXH năm 2014.
Đồng nghĩa với đó là trách nhiệm cung cấp thông tin cho NLĐ về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng thuộc về trách nhiệm của cơ quan BHXH, thay cho trách nhiệm định kỳ 6 tháng của NSDLĐ. Đây là nội dung sửa đổi phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh mới và cũng khẳng định trách nhiệm của của cơ quan BHXH đối với người tham gia BHXH (như đối với khách hàng).
NLĐ Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội liên tục phải đi đòi quyền lợi vì bị nợ BHXH. Ảnh minh hoạ: Minh Anh |
Tuy nhiên, với quy định tại Điều 22 và Điều 23 Dự thảo Luật nêu trên cũng còn một số nội dung cần nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật.
Cụ thể, việc quy định quyền của NLĐ “Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội” thì có hạn chế quyền của NLĐ hay không?
Vì tại Điều 78 dự thảo Luật quy định: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 77 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, với trường hợp NLĐ đang làm việc hưởng lương, nếu thấy sức khỏe không đảm bảo có được quyền chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động hay không?
Hoặc NLĐ đang làm việc hưởng lương có được quyền nhận hay từ tối việc NSDLĐ giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động hay không?
Hay việc quy định quyền của NLĐ được “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Thời hạn ủy quyền không quá 06 tháng kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”, như vậy có hạn chế quyền của NLĐ theo pháp luật dân sự hay không? Nhất là đối với những người đã cao tuổi, sức yếu, kém minh mẫn và khả năng đi lại hay người đau ốm nặng…thì việc 6 tháng phải xác lập ủy quyền 1 lần là chưa phù hợp.
Cùng với đó, việc quy định trách nhiệm của NLĐ: “Theo dõi và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình” cũng nên tính đến tính khả thi của quy định này; vì để bảo vệ quyền lợi của mình, NLĐ phải có trách nhiệm theo dõi, yêu cầu đối với NSDLĐ (người có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ) là tất yếu, song trong thực tiễn ở vị thế của NLĐ gặp nhiều khó khăn, trở ngại để thực hiện trách nhiệm này.
Mặt khác, nếu xét về mối quan hệ giữa 3 chủ thể trong Luật BHXH gồm cơ quan BHXH; NLĐ và NSDLĐ: Cơ quan BHXH được xác định là cơ quan của Nhà nước (Điều 15) với vai trò cung cấp “dịch vụ” BHXH; NLĐ với vai trò “khách hàng” của cơ quan BHXH; còn NSDLĐ thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ, có trách nhiệm hằng tháng trích từ tiền lương của NLĐ đóng cho cơ quan BHXH (Điều 25) thì quy định trách nhiệm “Theo dõi và yêu cầu NSDLĐ thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với NLĐ” phải thuộc về cơ quan BHXH mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH và có tính khả thi cao khi Luật được ban hành.
Bởi, Khoản 1, Điều 15 Dự thảo Luật quy định: “1. Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan của nhà nước do Chính phủ thành lập, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.
Từ phân tích trên, thiết nghĩ có nên quy định bổ sung quyền của NLĐ “Theo dõi và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình” thay vì quy định đó là trách nhiệm của NLĐ tại Điều 23 Dự thảo Luật hiện nay.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/11/2024 08:01
Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
Hơn 90% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng. Đây là kết quả cho những nỗ lực đổi mới, đồng lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên ngành Y.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…