
Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, ngày hôm nay (10/9), bản thân vô cùng bất ngờ khi nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn qua điện thoại, qua Zalo thông báo rằng đồng chí có vay nợ 1,5 triệu đồng qua app từ tháng 5/2022 đến nay không chịu trả.
Các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện, sau đó thách thức, đe dọa. Tiếp đến, các đối tượng này tiếp tục bình luận trong các bài viết của bạn bè nữ cán bộ công đoàn trên Facebook với nội dung yêu cầu nhắn cho đồng chí Hằng trả tiền đã vay. Trước việc bị "khủng bố" tinh thần một cách ngang nhiên, đồng chí Hằng rất bức xúc.
![]() |
Các đối tượng nhắn tin cho đồng chí Hằng, cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc. Ảnh: PV |
“Từ sáng giờ, các đối tượng gọi điện, nhắn tin cho tôi hơn chục lần, tôi phải chặn số lạ và chặn tin nhắn Zalo. Họ bảo nếu tôi không trả thì sẽ không để yên và họ còn dọa dẫm cả bạn bè tôi. Các đối tượng nói giọng miền Nam, họ nêu bằng chứng tôi vay tiền bằng việc chụp một hợp đồng vay tiền gửi qua Zalo cho tôi. Trong hợp đồng ghi địa chỉ nơi vay ở TP Hồ Chí Minh, người vay là tên tôi nhưng sai địa chỉ, không có chữ ký. Tôi thấy lạ khi các đối tượng có cả bản chụp chứng minh nhân dân của tôi cũng như số điện thoại người nhà của tôi” – đồng chí Hằng nói.
Nữ cán bộ công đoàn cũng chia sẻ thêm, thời gian qua cũng nghe một số người nói về các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội, lừa đảo bằng cách gọi điện vu khống vay tiền, các đối tượng "khủng bố" khoảng 1 tuần, đến khi không lừa được tiền thì dừng lại. Thế nhưng hôm nay đồng chí Hằng vẫn bất ngờ khi bản thân gặp phải trường hợp này.
Nữ cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc cho rằng, các đối tượng chỉ lừa mức tiền 1,5 triệu đồng, là số tiền không nhiều để những người bị chúng gọi điện lừa đảo, dọa dẫm không muốn phiền phức cho người thân, bạn bè mà chuyển khoản “trả nợ”.
![]() |
Các đối tượng bình luận đe dọa trên Facebook bạn bè đồng chí Hằng. Ảnh: PV |
Đồng chí Lê Thi Phúc Lợi, chuyên viên Ban Tuyên giáo – Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, cũng bị các đối tượng lạ gọi điện thông báo chồng đồng chí Lợi đang vay một khoản tiền và yêu cầu trả nợ. Các đối tượng lấy nhiều số điện thoại khác nhau để gọi và cứ lặp lại một kiểu nói chuyện. Sau đó, không thấy nữ cán bộ công đoàn trả lời thì các đối tượng mới dừng lại.
“Ngoài ra, tôi cũng nhận được các cuộc gọi xưng là cán bộ Cục Cảnh sát giao thông liên hệ về việc giải quyết vi phạm giao thông, đề nghị liên hệ với cán bộ phụ trách để nộp phạt qua chuyển khoản” – đồng chí Lợi nói.
Hiện nay, rất nhiều người dân bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ kéo dài dù không vay nợ. Những ngày qua, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tục thông tin khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ, cụ thể như sau: 1. Trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. (Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). 2. Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên. 3. Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. 4. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. 5. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống… Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền. |
![]() Sáng 15/11, BHXH Việt Nam cho biết xuất hiện thêm nhiều đầu số lừa đảo người dân về việc nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ ... |
![]() Lâu nay, các vụ lừa đảo diễn ra như cơm bữa. Mỗi năm người dân và các tổ chức bị bọn lừa đảo lấy mất ... |
![]() Báo Tiền Phong mới đây vừa có bài viết: "Cảnh báo: Mạo danh Cục Quản lý Giao thông đường bộ lừa sinh viên đóng phạt ... |