
Thực trạng còn nhiều khó khăn
Hiện nay toàn tỉnh Bình Dương có trên 1,2 triệu công nhân lao động (CNLĐ), trong đó 56% là lao động nữ, đa số có con trong độ tuổi mầm non, vì vậy, nhu cầu gửi con theo học tại nhà trẻ, trường mẫu giáo là rất lớn.
Tuy nhiên, nếu gửi con theo học tại trường mầm non công lập thì đa số CNLĐ vướng mắc về thủ tục, vì không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, còn nếu gửi các trường tư thục thì chi phí lớn so với thu nhập thực tế của người lao động (NLĐ).
![]() |
Con CNLĐ Công ty TNHH Hài Mỹ trong nhà trẻ do công ty xây dựng. Ảnh: CĐCC |
Theo kết quả khảo sát của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, phần lớn thu nhập của NLĐ dưới 10 triệu đồng/tháng, thậm chí có gần 14% NLĐ thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng. Trong khi, hằng tháng, NLĐ phải trang trải rất nhiều chi phí như tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, sinh hoạt, học hành của con cái, gửi tiền về quê phụng dưỡng cha mẹ già, người thân… Đó là chưa kể đến việc giá cả hàng hóa và các dịch vụ liên tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn mức tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình CNLĐ càng khó khăn hơn, một bộ phận nữ CNLĐ chưa yên tâm làm việc lâu dài, chưa gắn bó với doanh nghiệp… Cơ sở vật chất dành cho nuôi dạy, giáo dục con CNLĐ ở khu, cụm công nghiệp còn thiếu; điều kiện sinh hoạt văn hóa, đi lại, ăn ở của nữ CNLĐ còn rất nhiều khó khăn, bất cập…
Tất cả những yếu tố trên đều ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phát triển giáo dục mầm non (GDMN) cho con CNLĐ ở địa bàn các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Khi công nhân vẫn còn canh cánh mối lo “gửi con ở đâu?”, “có phù hợp với điều kiện sinh hoạt và giờ giấc làm việc hay không?” thì họ không thể toàn tâm toàn ý với công việc, năng suất lao động bị ảnh hưởng.
Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành
Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển GDMN quy định cụ thể về mức hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN; con CNLĐ làm việc ở các KCN và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động.
Căn cứ tình hình thực tế địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Dương đã tích cực tham mưu các chế độ hỗ trợ về GDMN tại các KCN-CCN. Ngày 14/9/2021, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND Quy định về việc hỗ trợ phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó chấp thuận các nội dung quy định hỗ trợ GDMN tư thục tại các KCN-CCN (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10/9/2021).
Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 121/SGDĐT-TCCB ngày 18/01/2022 về việc triển khai thực hiện chính sách phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa, hướng dẫn cơ sở GDMN tư thục tại các KCN-CCN hoàn thiện yêu cầu hồ sơ theo quy định, đồng thời tiếp nhận, xét duyệt, phối hợp với các bộ phận có liên quan hoàn thiện hồ sơ để kịp thời giải quyết các chế độ chính sách theo đúng quy định tại Nghị Quyết 09/2021/NQ-HĐND, cụ thể như sau:
- Hỗ trợ cơ sở có từ 30% trẻ em là con CNLĐ làm việc tại KCN-CCN với mức 30 triệu/cơ sở GDMN độc lập có dưới 35 trẻ; 40 triệu/cơ sở GDMN độc lập có từ 35 đến 70 trẻ (Theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP mức hỗ trợ tối thiểu là 20 triệu đồng/cơ sở GDMN độc lập tư thục).
- Hỗ trợ trẻ em mầm non là con CNLĐ làm việc tại KCN-CCN: 160.000 đồng/trẻ/tháng.
- Hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN tư thục tại KCN-CCN: 800.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể đều quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp phát triển GDMN. Các sở, ngành luôn đồng hành cùng ngành GDĐT phối hợp thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý chỉ đạo phát triển GDMN.
![]() |
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội khóa XV khảo sát thực tế tại nhóm trẻ Hòa Bình ở phường Đông Hòa, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vào tháng 9/2022. Ảnh: CĐCC |
Công đoàn làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp
Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, từ khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tập trung phối hợp với ngành Giáo dục thông qua Công đoàn ngành triển khai sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, CNLĐ thuộc đối tượng thụ hưởng và hiện nay vẫn đang tiếp tục tuyên truyền để thực hiện trong năm học mới 2023 – 2024.
LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện có hiệu quả những quy định của pháp luật về chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của CNLĐ, nhất là chính sách để hỗ trợ lao động nữ nuôi con nhỏ. Ví dụ như: vận động thực hiện lắp đặt và vận hành hiệu quả phòng vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ; chính sách hỗ trợ BHYT toàn dân đối với gia đình nữ CNLĐ khó khăn, giải quyết cho nữ có con dưới 36 tháng tuổi được nghỉ làm việc trước 60 phút mỗi ngày để có thời gian chăm sóc con nhỏ và nữ có con sau khi sinh đi làm lại được hỗ trợ một khoản chi phí nuôi con nhỏ cho đến khi con 6 tuổi. Một số doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí cho NLĐ để gửi trẻ, mẫu giáo, nuôi con học các bậc học với mức hỗ từ 50.000 - 200.000đ/trẻ/tháng…
“Nhu cầu có nhà trẻ, trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh là rất lớn, kể cả từ phía NLĐ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn gặp nhiều vướng mắc. Có những doanh nghiệp mong muốn xây dựng nhà trẻ tại doanh nghiệp để tiện cho công nhân trong việc chăm sóc con… nhưng chưa đủ điều kiện đáp ứng theo quy định. Ví dụ: Theo quy định về quy hoạch KCN, khu sản xuất, khu nhà trẻ mầm non, thiết chế văn hóa phải tách biệt riêng. Hoặc liên quan đến quỹ đất, có doanh nghiệp muốn làm nhưng không có quỹ đất, gặp khó về chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất xây nhà xưởng sang đất xây trường; có doanh nghiệp có đất để xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo thì lại cách xa nhà máy không phù hợp với điều kiện đi lại của CNLĐ…”, ông Thuận bổ sung thêm.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp cũng đã “vượt khó” xây dựng được nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con CNLĐ, tiêu biểu như Công ty TNHH Tân Thành (TP. Tân Uyên) đã xây nhà trẻ từ năm 2007 với số lượng trẻ gửi hiện nay là 88 cháu (cháu từ 4 tháng tuổi - 48 tháng tuổi), công ty hỗ trợ 100% tiền hợp đồng giáo viên và Công ty chi phí gạo, sữa ăn uống cho các cháu. Công ty TNHH Hài Mỹ đã xây dựng mô hình nhà trẻ, có quy mô trông giữ 250 cháu, phân bổ cho 8 lớp ở các lứa tuổi. Nhà trẻ 28/7 ở KCN Mỹ Phước - Bến Cát có quy mô trông giữ trên 300 bé...
Nhìn chung các nhà trẻ tại doanh nghiệp đều do công ty hỗ trợ về cơ sở vật chất, bảo dưỡng cơ sở vật chất, học phí, chi phí giáo viên và nhân viên của trường, kinh phí tổ chức và quà cho các bé các dịp lễ… NLĐ chỉ đóng tiền ăn, phí sinh hoạt của con em mình, có thể đóng thêm chi phí để tham gia các lớp học năng khiếu như erobic, ngoại ngữ,… cho các cháu. Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ chi phí gửi trẻ trong trường hợp CNLĐ không gửi con ở trường của công ty.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam chia sẻ: “Nhà trẻ của công ty thành lập từ năm 2009 tại chi nhánh ở KCN Mỹ Phước với quy mô trông giữ trên 100 bé trong độ tuổi từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi. Mức chi phí CNLĐ đóng là hơn 200 ngàn đồng/bé/tháng, còn lại tiền ăn, học… công ty sẽ chi trả. Giờ trông trẻ được thiết kế linh hoạt tương ứng với giờ làm việc theo ca của bố mẹ: 6 giờ sáng đến 2 giờ trưa; 2 giờ trưa đến 10 giờ tối… Đặc biệt, nhà trẻ của công ty được lắp đặt hệ thống camera để CNLĐ có thể quan sát con mình thông qua màn hình đặt ở căng – tin của công ty, hoặc qua phần mềm ứng dụng cài đặt qua điện thoại. Nhờ đó, CNLĐ hoàn toàn tin tưởng gửi con tại trường để yên tâm làm việc”.
Có thể nói, Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND đã hỗ trợ kịp thời và giải quyết phần nào khó khăn cho trẻ mầm non là con CNLĐ, giáo viên đang tham gia giảng dạy tại các trường tư thục và các cơ sở GDMN độc lập tư thục trên địa bàn các KCN-CCN của tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện huy động trẻ ra lớp đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập GDMN, chuẩn bị điều kiện tâm thế tốt nhất cho trẻ bước vào lớp Một ở bậc tiểu học.
![]() Điều 8 của Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định 105) nêu rõ, từ ngày 1/11/2020, trẻ ... |
![]() Nhu cầu gửi con của công nhân và người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên cả ... |
![]() Ngày 15/9, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng ... |
Tin mới hơn

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động

Luật BHXH 2024: "Neo giữ" người lao động có kinh nghiệm
Tin tức khác

Luật BHXH 2024: Người công nhân không phải “đánh đổi” sinh mạng cho từng ngày công

Luật BHXH 2024: Công nhân nghỉ ốm không phải giấu, phải sợ, phải đánh đổi

Công nhân và việc học tập suốt đời

Công nhân ngành điều tại Bình Phước: Người giữ hồn cho nông sản Việt

Luật BHXH 2024: Khi pháp luật lắng nghe tiếng lòng người mẹ
