Bảo đảm an toàn giao thông ngày Tết cho công nhân, lao động
An toàn, vệ sinh lao động - 23/01/2023 21:01 TS. ĐÀO PHÚ CƯỜNG - TS. BS. NGUYỄN THU HÀ, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế
Tổng quan về tình hình TNGT
Khái niệm TNGT
TNGT là sự việc rủi ro, bất ngờ xảy ra khi phương tiện giao thông đang di chuyển trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản và phương tiện.
Thống kê về TNGT
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm, TNGT đường bộ cướp đi sinh mệnh của 1,3 triệu người trên toàn thế giới, làm hơn 50 triệu người bị thương và gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 518 tỉ đô la.
Để có được cái Tết an lành, hạnh phúc thì việc đảm bảo an toàn giao thông những ngày lễ, Tết là vô cùng quan trọng. Trong ảnh: Công nhân Khu công nghiệp Nam Thăng Long chuẩn bị hành lý về quê đón Tết. Ảnh: N. Liên. |
Vì thế, việc phòng ngừa, kéo giảm, hạn chế thấp nhất TNGT xảy ra đã trở thành vấn đề được các quốc gia trên thế giới và cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, do nhận thức về TNGT đường bộ có những điểm khác nhau dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh đúng tình hình TNGT ở đất nước mình; do đó WHO phải sử dụng số liệu do mình thu thập, nghiên cứu độc lập để công bố.
Ở nước ta, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số 23/2008/QH12) đã quy định rất chi tiết: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân (Điều 4); nghiêm cấm các hành vi: Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng; điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định… (Điều 8). Tuy vậy, các vụ TNGT đường bộ ở nước ta vẫn xảy ra với tần suất khá cao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 9.212 vụ TNGT khiến 5.221 người bị cướp đi mạng sống cùng 6.140 người bị thương tật. Tính trung bình mỗi ngày có gần 20 người chết, 60 người bị thương do TNGT; trong đó 84% là người từ 19-55 tuổi.
Nguyên nhân TNGT
Các nghiên cứu đã phân tích và chỉ ra 04 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT, gồm: Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo; yếu tố kỹ thuật của phương tiện tham gia giao thông; tác động của nguyên nhân khách quan; yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là nhóm nguyên nhân chính gây ra hơn 80% vụ TNGT, xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông, người đi bộ.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Queensland, Australia tìm thấy mối quan hệ giữa căng thẳng tâm lý với hành vi lái xe ẩu, mạo hiểm trên đường (chạy quá tốc độ, không sử dụng dây an toàn…). Nhóm nghiên cứu phân tích 761 người điều khiển xe trẻ tuổi cho thấy, có tới 8,5% trong số họ bị trầm cảm, căng thẳng do thói quen điều khiển phương tiện giao thông ẩu, không an toàn.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các tài xế xe vận tải công cộng ký cam kết các nội dung đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: Huy Dũng. |
Các lái xe trẻ tuổi (là những người trong độ tuổi lao động) chiếm phần nhiều trong các vụ TNGT đường bộ trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều này liên quan đến khả năng làm chủ cảm xúc, hành vi và kinh nghiệm. Nghiên cứu của ScottParker B (2017) cho thấy, TNGT đường bộ được giải thích bằng các yếu tố nguy cơ như sử dụng điện thoại di động, lái xe uống rượu và lái xe với hành khách là các bạn bè.
Nghiên cứu của Oviedo - Trespalacios O (2018) tìm hiểu sự khác biệt về giới tính trong hành vi lái xe nguy hiểm của lái xe trẻ tuổi, liên quan đến tai nạn trong lái xe trẻ tuổi đang theo học Đại học Colombia (Mỹ). Kết quả cho thấy, trong 392 học sinh (có 225 nam) trong độ tuổi 16-24 của trường tham gia cuộc điều tra, có tới ¼ có các hành vi lái xe nguy hiểm nhất. Nam giới cũng được ghi nhận gây ra tỷ lệ TNGT lớn hơn. Còn các vi phạm về tốc độ liên quan đến TNGT thì có ở cả nam và nữ.
Trạng thái sinh lý của người điều khiển phương tiện giao thông là yếu tố quyết định chủ yếu đến tình trạng an toàn khi lái xe, bao gồm những yếu tố như sự mệt mỏi, tình trạng bệnh tật, sử dụng cồn hay chất gây nghiện, tình trạng tâm lý bị kích động… Khi con người lâm vào tình trạng mệt mỏi như phải làm việc căng thẳng, ít thời gian nghỉ ngơi… thì thị giác, thính giác, xúc giác và các phản ứng nhận thức, vận động khác đều bị phân tán, ảnh hưởng. Đó là cơ chế sinh học của cơ thể tự bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài để nhanh chóng hồi phục. Chính bởi vậy, việc lái xe khi mệt mỏi sẽ có nguy cơ dẫn đến TNGT cao.
Việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều khiển phương tiện giao thông. Các chất có cồn và các chất kích thích khi tác động vào cơ thể sẽ làm tê liệt hoạt động của não, làm suy giảm khả năng nhận thức, phân tích và phán đoán tình huống của người lái xe. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nga đã chỉ ra rằng, khi nồng độ cồn trong máu đạt từ 0,3- 0,5% thì nguy cơ để xảy ra TNGT tăng gấp 7 lần, còn khi đạt mức từ 1,0- 1,4% thì nguy cơ tăng lên đến 30 lần.
Một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là ý thức của người tham gia giao thông.
Sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản đã trở thành thói quen cố hữu của nhiều người. Những việc bình thường như: dừng trước vạch sơn, nhường người đi bộ, qua đường đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ… trở thành bất bình thường. Trong khi những việc không bình thường như: vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe… lại trở nên bình thường, thậm chí là hiển nhiên với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hại về người và của, mà còn khiến mọi người phải lo sợ mỗi khi ra đường. Điều này đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn thuộc khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ảnh: Đ. Cảnh. |
Hậu quả TNGT
TNGT không chỉ thiệt hại về người và của, mà còn khiến mọi người phải lo sợ mỗi khi ra đường. Điều này đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Không chỉ là nỗi đau về thể xác của người bị nạn mà TNGT còn ảnh hưởng đến người dân và người thân, cộng đồng cả về tinh thần, trí lực, gây tổn thất cho xã hội về vật chất.
Hậu quả của TNGT là không thể đong đếm hết. Bởi vậy, giảm thiểu TNGT là nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Công đoàn.
Các biện pháp giảm thiểu TNGT ngày Tết cho CNLĐ
Các lỗi vi phạm thường gặp nhất vào dịp này, mọi người lưu ý tránh mắc phải cũng như cảnh giác khi đi trên đường gồm:
Chở quá số người quy định: Khi điều khiển mô tô, xe máy, phương tiện tham gia giao thông; người điều khiển cần phải tuân thủ quy định về số người được phép chở. Nếu chở quá số người theo quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền và hình phạt bổ sung có thể là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, cũng như xử lý hình sự (nếu vi phạm).
Điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn: Vào dịp lễ, Tết, những sai phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông chiếm phần lớn trong các lỗi vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ TNGT nghiêm trọng trong dịp này. Căn cứ Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có chất ma túy… là vi phạm pháp luật.
Dừng, đỗ không đúng quy định: Trước khi dừng, đỗ xe, người tham gia giao thông phải có tín hiệu báo cho các phương tiện khác biết. Nếu ở đường có vị trí đỗ xe, hãy đỗ xe đúng vị trí. Trường hợp không có nơi đỗ xe, phải đỗ xe vào lề đường hoặc sát mép đường cùng chiều đường xe chạy, sao cho hạn chế tối đa việc cản trở người khác tham gia giao thông trên đường.
Dàn hàng ngang trên đường: Các phương tiện xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy là phương tiện chính của người tham gia giao thông khi di chuyển trên đường. Người điều khiển xe máy cần tuân thủ các quy định, quy tắc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc dàn hàng ngang đi trên đường làm cản trở giao thông, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, các vi phạm này xâm phạm đến trật tự chung được xây dựng và quản lý để đảm bảo an toàn giao thông. Đi xe dàn hàng ngang là hành vi mà xe gắn máy không được thực hiện. Nói cách khác, các quy định pháp luật nghiêm cấm người điều khiển xe máy thực hiện các hành vi này. Ở đây, quy định về dàn hàng ngang không mô tả đối với phương tiện. Tuy nhiên, để dàn được hàng ngang trên đường cần tối thiểu hai xe. Trên thực tế, căn cứ yếu tố, mức độ vi phạm của hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Cán bộ Phòng Giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang và Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cho công nhân Công ty TNHH MTV Seshin VN2. Ảnh: Minh Thủy. |
Sử dụng điện thoại: Nhiều CNLĐ điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường dùng điện thoại để được hướng dẫn lộ trình đi đường, liên lạc với bạn bè, người thân. Việc này khiến mất tập trung, khó kiểm soát được những tình huống đột ngột phát sinh trên đường nên rất nguy hiểm. Để hạn chế tình trạng này, CNLĐ nên tra rõ lộ trình đi trước chuyến đi hoặc nhờ người đi cùng trợ giúp. Nếu buộc phải sử dụng điện thoại khi đang di chuyển, hãy để người đi cùng giúp đỡ hoặc phải dừng xe ở nơi an toàn mới được sử dụng.
Không dừng đèn đỏ: Những ngày Tết, có nhiều đoạn đường phố rất thưa thớt. Nhiều người nghĩ không cần thiết phải dừng khi có đèn đỏ, nhất là khi không có cảnh sát giao thông ở đó. Tuy nhiên, tai nạn có thể đến bất cứ khi nào. Mọi sự chủ quan đều có thể khiến phải trả giá đắt. Vì vậy, hãy thận trọng khi tham gia giao thông, quan sát kĩ và dừng khi có đèn đỏ trong bất kì trường hợp nào.
Như vậy, để đảm bảo an toàn hơn cho mình và người thân vào dịp lễ, Tết, CNLĐ khi tham gia giao thông cần: Chấp hành đúng Luật Giao thông, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm, dừng xe khi đèn đỏ, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Giảm tốc độ, chú ý quan sát thật kĩ khi đi trên đường. Thuộc nằm lòng khẩu hiệu “An toàn là trên hết” mỗi khi ra đường.
Tuyên truyền pháp luật, giao lưu văn nghệ cho công nhân lao động khu trà trọ Tối ngày 24/11/2022, LĐLĐ huyện Yên Dũng phối hợp với Nhà văn hoá lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình "Tuyên truyền, tư ... |
Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 22/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán ... |
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng liên quan đến camera giám sát Những chiếc camera được lắp ở khắp nơi khiến nguy cơ bị kiểm soát, xâm phạm quyền tự do cá nhân trở nên hiển hiện. ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 30/10/2024 08:06
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm của chuyên môn và công đoàn các cấp trong ngành về ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 18:31
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi - hình thức tuyên truyền thiết thực của Công đoàn
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 không chỉ là sân chơi dành cho người làm công tác ATVSLĐ trong ngành mà còn là hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 10:44
"Cuộc thi trực tuyến giúp tôi nhận ra nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai"
Anh Nguyễn Minh Phương - CĐCS Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA) chia sẻ cảm nhận về cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ".
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Người lao động - 16/10/2024 18:42
Siết chặt quản lý quan trắc môi trường tại cơ sở lao động
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo đó, đề xuất quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động.
Người lao động - 10/10/2024 13:43
Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Mới đây, công nhân Đào Sỹ T. của Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã gặp tai nạn nghiêm trọng khi sửa chữa máy nghiền xích. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, anh T. không qua khỏi.