Bàn về tội phạm quy định về an toàn lao động, an toàn ở nơi đông người
An toàn, vệ sinh lao động - 14/09/2021 00:00 ThS. Nguyễn Văn Tùng, Học viện Cảnh sát nhân dân
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bắt bị can về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người. Trước đó, sáng 7/7/2021, bị can này chỉ đạo 2 lái xe và 2 phụ xe, điều khiển xe khách vào TP. Hồ Chí Minh đón khách về huyện Hải Hậu. |
1. Một số quy định định lượng
VPQĐ về ATLĐ, VSLĐ, về ATƠNĐN là tội phạm được quy định tại Điều 295 thuộc Mục 3, Chương XXI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng trong BLHS 2015. Tội phạm này xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về ATLĐ, VSLĐ, ATƠNĐN, do người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về ATLĐ, VSLĐ, ATƠNĐN, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Thứ nhất, định lượng các tình tiết trong cấu thành tội phạm
Điều 295 BLHS 2015 đã sửa Điều 227 BLHS 1999 quy định các tình tiết dưới dạng định tính như “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thành định lượng những thiệt hại cụ thể: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, hoặc trị giá tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.
Thứ hai, về hình phạt
Đối với hình phạt chính, Điều 295 quy định hình phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, nâng mức thấp nhất của hình phạt tù có thời hạn từ 06 tháng lên 01 năm ở Khoản 1; giảm mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn từ 10 năm xuống 07 năm ở Khoản 2, từ 07 năm xuống 06 năm ở Khoản 3.
Đối với hình phạt bổ sung, Khoản 5 Điều 295 đã bổ sung hình phạt bổ sung từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hai thanh niên bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) khởi tố về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người; do trốn khỏi bệnh viện dã chiến, gây thiệt hại hơn 290 triệu đồng chi phí cho các hoạt động điều tra, truy tìm, truy vết phòng dịch bệnh Covid-19. |
2. Những tồn tại, hạn chế
Từ thực tiễn và qua nghiên cứu cho thấy: Điều 295 BLHS 2015 có những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể:
2.1. Cấu thành tội phạm cơ bản
Điều kiện truy cứu TNHS về tội VPQĐ về ATLĐ, VSLĐ, về ATƠNĐN khi hành vi gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 295. Trường hợp người có hành vi VPQĐ nhưng chưa gây ra hậu quả, hoặc gây hậu quả ở mức độ không đáng kể, hậu quả không thỏa mãn quy định tại Khoản 1 Điều 295 sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hậu quả là, điều kiện truy cứu TNHS về tội VPQĐ về ATLĐ, VSLĐ, về ATƠNĐN được xác định là 01 trong 03 dạng thiệt hại: tính mạng, sức khỏe, tài sản. Người phạm tội chỉ cần gây ra 01 trong 03 dạng thiệt hại nêu trên sẽ bị truy cứu TNHS, không cần gây đồng thời 02 trong 03 hoặc cả 03 dạng thiệt hại nêu trên mới bị truy cứu TNHS. Điều này dẫn đến thực trạng, người gây thiệt hại lớn nhưng không bị truy cứu TNHS vì không thuộc một trong các trường hợp quy định, người gây thiệt hại nhỏ hơn bị truy cứu TNHS vì thuộc một trong các trường hợp do luật định.
Ví dụ: Một người có hành vi VPQĐ về ATLĐ gây thiệt hại về tài sản là 99 triệu đồng, đồng thời gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 60%. Thiệt hại mà người này gây ra không thỏa mãn quy định tại Khoản 1 Điều 295, do vậy không bị truy cứu TNHS về tội VPQĐ về ATLĐ.
Ví dụ khác: Một người có hành vi VPQĐ về ATLĐ gây thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng nhưng không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho bất kỳ ai. Thiệt hại do người này gây ra thuộc trường hợp quy định Điểm d Khoản 1 Điều 295. Do vậy sẽ bị truy cứu TNHS về tội VPQĐ về ATLĐ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Trọng (sinh năm 1992), Giám đốc Công ty TNHH quốc tế AMIDA về tội vi phạm quy định an toàn ở nơi đông người. Trước đó, Trọng có hành vi tụ tập đông người, yêu cầu các nhân viên bỏ khẩu trang dẫn đến 65 người mắc Covid-19. Ảnh Thế Phong. |
So sánh thấy rằng: Người ở trường hợp trên gây thiệt hại lớn hơn người ở trường hợp sau nhưng không bị truy cứu TNHS vì Khoản 1 Điều 295 không quy định đồng thời thiệt hại về sức khỏe và tài sản là điều kiện truy cứu TNHS. Trong khi đó, người trường hợp sau gây thiệt hại nhỏ hơn nhưng bị truy cứu TNHS vì thuộc một trong các trường hợp quy định. Đây là điểm bất hợp lý trong quy định tại Khoản 1 Điều 295 BLHS 2015.
2.2. Cấu thành tội phạm tăng nặng
Nghiên cứu thiệt hại là điều kiện truy cứu TNHS trong cấu thành tăng nặng thấy rằng: thiệt hại được quy định theo hướng như trong Khoản 1 dẫn đến việc gây thiệt hại lớn hơn nhưng bị truy cứu TNHS ở cấu thành nhẹ hơn, gây thiệt hại nhỏ hơn nhưng bị truy cứu TNHS ở cấu thành nặng hơn.
Ví dụ, một người có hành vi VPQĐ về ATLĐ và gây thiệt hại về tính mạng cho 02 người, đồng thời gây thiệt hại về sức khỏe cho 02 người khác với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 130% (người thứ nhất 60%, người thứ hai 70%). Hành vi này thỏa mãn quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 295; sẽ bị truy cứu TNHS theo Khoản 2 với mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Ví dụ khác: Người có hành vi VPQĐ về ATLĐ, gây thiệt hại về sức khỏe cho 04 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 220% (người thứ nhất 40%, người thứ hai 50%, người thứ ba 60%, người thứ tư 70%). Hành vi này thỏa mãn quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 295; bị truy cứu TNHS theo Khoản 3 với mức phạt tù từ 06 năm đến 12 năm.
So sánh thấy rằng: Người trên gây thiệt hại lớn hơn người sau nhưng bị truy cứu TNHS theo Khoản 2, trong khi người sau gây thiệt hại nhỏ hơn người trên nhưng bị truy cứu TNHS theo Khoản 3. Đây là điểm bất hợp lý trong quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 295 BLHS 2015.
Bị can Nguyễn Lê Khánh 45 tuổi, trú quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiểm định Kỹ thuật An toàn miền Nam bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về an toàn lao động. |
2.3. Xác định khả năng thực tế dẫn đến hậu quả
Khoản 4 Điều 295 BLHS 2015 quy định hành vi VPQĐ về ATLĐ, VSLĐ, ATƠNĐN có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại Khoản 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời phải chịu TNHS. Việc BLHS quy định như vậy nhằm phòng ngừa hành vi VPQĐ về ATLĐ, VSLĐ và ATƠNĐN, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi việc lao động, sản xuất được mở rộng nhưng ý thức chấp hành quy định về ATLĐ, VSLĐ và ATƠNĐN của nhiều người chưa cao. Mặc dù BLHS đã quy định, tuy nhiên các cơ quan chức năng hầu như không áp dụng quy định này để xử lý do khó khăn trong việc xác định trường hợp nào có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả.
3. Kiến nghị, đề xuất
Từ những tồn tại nêu trên, chúng tôi xin kiến nghị, đề xuất:
Thứ nhất, sửa đổi Khoản 1 Điều 295 theo hướng: quy định đồng thời thiệt hại về sức khỏe và tài sản là điều kiện truy cứu TNHS. Khi đó, bổ sung Điểm e với nội dung sau:
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, đồng thời gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Thứ hai, sửa đổi Khoản 2 và Khoản 3 Điều 295 theo hướng: quy định đồng thời 02 trong 03 và cả 03 dạng thiệt hại là điều kiện truy cứu TNHS. Khi đó, các tình tiết ở Điểm a và c Khoản 2 được sửa đổi thành:
a) Làm chết 02 người, hoặc làm chết 01 người nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm b, c, d và e Khoản 1 Điều này;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm b và c Khoản 1 Điều này;
Hiện trường vụ án vi phạm quy định về an toàn lao động xảy ra ngày 05/01/2021 tại thôn Văn Trong, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh làm 02 cháu nhỏ tử vong và 02 cháu bị thương. |
Các tình tiết ở Điểm a và c Khoản 3 sửa đổi thành:
a) Làm chết 03 người trở lên hoặc làm chết 02 người nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm b, c, và d Khoản 2 Điều này.
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, hoặc từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp quy định tại Điểm b và d Khoản 2 Điều này;
Thứ ba, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết, hoặc liên ngành tư pháp Trung ương ban hành Thông tư liên tịch dẫn cụ thể Khoản 4 Điều 295 BLHS 2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
3. Chính phủ (2013), Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đề xuất "thiến hóa học" tội phạm xâm hại trẻ em, nên hay không? Sáng nay (27/5), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất về việc mở rộng hình thức “thiến hóa học”, lao động công ích và công ... |
100 đoàn viên và người lao động được tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội Chiều ngày 7/12/2019, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS và tệ ... |
Ra mắt mô hình “Tổ công nhân tuyên truyền phòng, chống tội phạm” Mô hình “Tổ công nhân tuyên truyền phòng, chống tội phạm” thí điểm tại Công ty TNHH PouHung Việt Nam có sự chỉ đạo, kiểm ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 30/10/2024 08:06
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm của chuyên môn và công đoàn các cấp trong ngành về ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 18:31
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi - hình thức tuyên truyền thiết thực của Công đoàn
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 không chỉ là sân chơi dành cho người làm công tác ATVSLĐ trong ngành mà còn là hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 10:44
"Cuộc thi trực tuyến giúp tôi nhận ra nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai"
Anh Nguyễn Minh Phương - CĐCS Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA) chia sẻ cảm nhận về cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ".
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Người lao động - 16/10/2024 18:42
Siết chặt quản lý quan trắc môi trường tại cơ sở lao động
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo đó, đề xuất quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động.
Người lao động - 10/10/2024 13:43
Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Mới đây, công nhân Đào Sỹ T. của Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã gặp tai nạn nghiêm trọng khi sửa chữa máy nghiền xích. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, anh T. không qua khỏi.