Bài 3: Cơ sở pháp lý về quản lý tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Việc làm - tuyển dụng - 17/06/2023 08:14 TS. NGUYỄN MẠNH THẮNG, KHOA XÃ HỘI HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG ĐOÀN
Cơ sở pháp lý về quản lý tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa. |
Cơ sở pháp lý
Trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thể hiện ở 8 Công ước cơ bản, trong đó Công ước số 87 thông qua ngày 09/7/1948 đã ghi nhận nguyên tắc rằng:
1. NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, có quyền được thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình mà không phải xin phép trước, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó. Các tổ chức của NLĐ và của NSDLĐ có quyền: Lập ra điều lệ và quy tắc, bầu đại diện, tổ chức việc điều hành các hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.
2. Thành lập và gia nhập các liên đoàn, tổng liên đoàn và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập các tổ chức quốc tế của NLĐ và NSDLĐ. Các tổ chức của NLĐ và của NSDLĐ không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ. Các cơ quan công quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền này hoặc cản trở việc thực hiện hợp pháp quyền đó.
Về quyền thành lập tổ chức đại diện của NLĐ, theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia phải tôn trọng và bảo đảm quyền của NLĐ trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của NLĐ tại cơ sở. Tổ chức của NLĐ tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch, được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của NLĐ, sau khi hoàn thành việc đăng ký, sẽ có một số quyền tự chủ phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam.
|
Thực hiện các cam kết về lao động và công đoàn, Việt Nam đã ban hành một số văn bản bước đầu thực hiện như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của BCH Trung ương nêu rõ chủ trương: “Ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước để đổi mới, tăng cường quản lí có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công. Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lí nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”. Điểm nổi bật nhất của Bộ luật Lao động năm 2019 là đã thừa nhận hai hình thức tồn tại của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, bao gồm: CĐCS và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Tổ chức đại diện NLĐ là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong QHLĐ, thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo Điều 172, Bộ luật Lao động 2019, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch... Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý Nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra về quản lý
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, rất ít cơ quan quản lý Nhà nước về QHLĐ có thể bố trí nhân sự chuyên trách để quản lý, hỗ trợ QHLĐ và quản lý các tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Việc thành lập, tham gia, trong các tổ chức đại diện phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định. Ảnh: THANH HIỀN. |
Hiện nay, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh về Tổ chức của NLĐ, chẳng hạn như vấn đề: Việc thành lập và gia nhập “Tổ chức của NLĐ” ở cấp doanh nghiệp (thủ tục đăng ký với cơ quan Nhà nước đối với những tổ chức này, việc bầu ra BCH, thông qua điều lệ và nội quy...) và sau này là ở cấp ngoài doanh nghiệp; quản lý hoạt động đối với tổ chức này; sự tham gia của tổ chức của NLĐ vào các cơ chế đối thoại, thương lượng, đình công ở một doanh nghiệp như thế nào, đặc biệt ở những nơi có thể có hơn một tổ chức công đoàn/tổ chức của NLĐ.
Mặc dù các quy định của Bộ luật Lao động 2019 cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp đã có hiệu từ ngày 01/01/2021, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào của NLĐ tại doanh nghiệp được thành lập. Lý do là vì việc thành lập, gia nhập và hoạt động của các tổ chức này như thế nào vẫn cần phải đợi hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, như hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký thành lập; quản lý Nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Công nhân nêu ý kiến tại một hội nghị tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo TP. Hà Nội. Ảnh: PV |
NLĐ tại doanh nghiệp có thể lựa chọn gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức của mình được hoạt động hợp pháp. Các tổ chức chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký, theo quy trình được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của NLĐ sẽ có quyền tự chủ phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam.
Các nội dung tự chủ bao gồm: Bầu ra BCH; thông qua điều lệ và hoạt động theo điều lệ; có quyền thu phí và phương pháp quản lý hội viên, các tài sản hợp pháp, được chia sẻ phí 2% do NSDLĐ đóng; được tham vấn với các cơ quan quản lý. Tổ chức của NLĐ nếu không tham gia vào Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mâu thuẫn với các quyền lao động được nêu trong các tuyên bố của ILO.
Một thoả thuận rất quan trọng trong cam kết CPTPP là, mặc dù phải bảo đảm thực hiện quyền tự do liên kết của NLĐ theo tiêu chuẩn lao động của ILO, nhưng tổ chức của NLĐ ra đời và hoạt động phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại là thành viên CPTPP. Điều đó có nghĩa là, tổ chức của NLĐ ra đời phải trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước thông qua công cụ pháp luật, nhất là pháp luật về lao động và công đoàn. Tuy nhiên, nếu pháp luật không chặt chẽ, sự quản lý yếu kém sẽ rất dễ dẫn đến hệ quả tổ chức của NLĐ ra đời và phát triển tự phát, nhất là trong cùng một doanh nghiệp có nhiều tổ chức của NLĐ khác nhau cùng tồn tại sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh, hỗn loạn; hoạt động vượt ra khỏi phạm vi QHLĐ, khuôn khổ pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.
Giải pháp quản lý
Các cơ quan quản lý xây dựng các nội dung, định hướng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông hiện đại để nâng cao nhận thức cho NLĐ, NSDLĐ trong việc thành lập, tham gia, hoạt động trong các tổ chức đại diện của mình bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định.
Công nhân Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (Bắc Giang) trong giờ làm việc. Ảnh: HỒNG YẾN. |
Hoàn thiện pháp luật lao động, công đoàn. Luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, tạo điều kiện cho NLĐ thành lập và hoạt động tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý Nhà nước về QHLĐ từ Trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII. Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động (Trung ương và địa phương) phải bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ phát triển QHLĐ.
Quản lý chặt chẽ tổ chức đại diện NLĐ từ việc thành lập, hoạt động, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích theo quy định của pháp luật. Giải quyết tranh chấp lao động giữa các tổ chức phải bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự xã hội; xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc NLĐ gây rối an ninh, trật tự.
Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức, viên chức, NLĐ, hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước, hỗ trợ phát triển QHLĐ, quản lý tổ chức đại diện NLĐ, thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công.
Tài liệu tham khảo: 1. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2018 của BCH Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 2. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 3. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. 4. Bộ luật Lao động 2019. 5. Hiệp định CPTPP. |
Dự kiến bãi bỏ toàn bộ 10 thông tư về tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức Bộ Nội vụ dự kiến bãi bỏ 10 thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, ... |
Tổ chức Công đoàn cùng doanh nghiệp đồng hành chăm lo người lao động Sự cam kết của chủ doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người lao động (NLĐ), các hoạt động đồng hành chăm lo của tổ chức ... |
Bài 1: Kiên trì vận động thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên Nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng và công đoàn cấp trên trực thuộc luôn ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 17/11/2024 12:17
Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép ở Quảng Bình tuyển hàng trăm lao động phổ thông
Hoạt động trong lĩnh lực sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí việc làm, với hơn 100 lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 16/11/2024 16:36
Sơn Hà SSP Việt Nam tuyển nhiều công nhân và kỹ sư: thu nhập hấp dẫn, phúc lợi vượt trội
Để đáp ứng tiến độ sản xuất cuối năm và mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí, bao gồm công nhân, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện và nhân viên kiểm tra chất lượng (QC).
Việc làm - tuyển dụng - 09/11/2024 07:00
1.337 vị trí việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ngày 8/11/2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội diễn ra Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thu hút 45 doanh nghiệp với 1.337 vị trí việc làm.
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Công ty CP Xi măng Sông Gianh tuyển 55 lao động có chuyên môn
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics tuyển hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu/tháng
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Tuyển hơn 300 công nhân cao su tại Quảng Bình
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.
- Hành xử với tiến sĩ đạo văn
- LĐLĐ tỉnh Quảng Bình sẽ hỗ trợ cho 5.500 đoàn viên, NLĐ khó khăn vào dịp Tết
- Đoàn viên là trung tâm trong hoạt động chuyển đổi số của Công đoàn
- Doanh nghiệp muốn người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng có vi phạm pháp luật không?
- Những câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng của lao động Việt trên xứ sở kim chi