Bài 2: Phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước còn nhiều khó khăn
Phát triển đoàn viên - 16/03/2023 14:33 ĐOÀN LÂM - TRƯỜNG SƠN
Công bố quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CĐVCC |
Nguồn phát triển phụ thuộc vào doanh nghiệp
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII), đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam đó là: Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung và doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nói riêng thì đối tượng để các cấp Công đoàn tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên là công nhân lao động, những người làm công hưởng lương ở đây. Như vậy, nguồn phát triển đoàn viên, CĐCS ngoài khu vực Nhà nước phụ thuộc hoàn toàn vào sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Điều đó cũng đồng nghĩa với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, những nơi đô thị lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, đông công nhân lao động sẽ có nguồn lực lớn về đối tượng vận động gia nhập Công đoàn Việt Nam. Còn ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào đây thì nguồn để phát triển đoàn viên, CĐCS ngoài khu vực Nhà nước rất hạn hẹp. Không ít công đoàn cấp huyện nhiều năm liền không thành lập được thêm CĐCS ở khu vực này do không có nguồn để phát triển.
LĐLĐ thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV TM Tuấn Kim Quy. Ảnh: ĐVCC |
Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2022, các cấp công đoàn thuộc đơn vị này đã kết nạp được 5.137 đoàn viên, (vượt 156% so với kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao là 2.000 đoàn viên), thành lập mới 14 CĐCS, nhưng chỉ có 08 CĐCS có từ 25 đoàn viên trở lên. Trong đó, tính riêng Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển được 3.197 đoàn viên (chiếm hơn 62% của toàn tỉnh), thành lập 4 CĐCS (chiếm gần 30% của toàn tỉnh).
Hay theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, năm 2022, căn cứ chỉ tiêu được Tổng LĐLĐ Việt Nam giao và chương trình thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đơn vị này đã giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, quyết tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tuy nhiên, do doanh nghiệp ở tỉnh này phát triển khá chậm, những doanh nghiệp lớn, có đông công nhân lao động đã thành lập CĐCS từ những năm trước, chỉ còn số doanh nghiệp nhỏ. Do vậy trong năm 2022, toàn tỉnh chỉ kết nạp mới 4.915 đoàn viên (đạt 81,7% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao), thành lập được 36 CĐCS, trong đó chỉ có 15 đơn vị có từ 25 đoàn viên trở lên; có CĐCS mới thành lập chỉ có vừa đủ 5 đoàn viên.
Còn tại LĐLĐ huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, đồng chí Hà Văn Kiên, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết, năm 2022, đơn vị này chỉ thành lập mới 01 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 12 đoàn viên (đạt 50% kế hoạch LĐLĐ tỉnh giao), nâng tổng số CĐCS doanh nghiệp ở huyện này lên 11 đơn vị. Cũng theo đồng chí Hà Văn Kiên nguyên nhân chính dẫn đến đơn vị này chưa hoàn thành kế hoạch được giao là do ở địa phương này chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ” hay với quy mô gia đình, hoạt động cầm chừng, rất ít người lao động nên không có nguồn để phát triển.
Lễ công bố quyết định thành lập CĐCS Công ty TM&DL Thuận Hóa, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh ĐVCC |
Nhân lực eo hẹp; doanh nghiệp và người lao động chưa mặn mà
Đồng chí Hoàng Kim Hà, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chia sẻ, cán bộ chuyên trách công đoàn cấp huyện hiện nay mỗi đơn vị chỉ có 2 đến 3 người, công việc thì ngày càng nhiều thêm. Bởi khi số đoàn viên, tổ chức CĐCS tăng lên thì quan hệ lao động phức tạp hơn, công việc cũng nhiều lên.
Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đông Hà, với số biên chế eo hẹp như vậy nhưng không chỉ làm riêng cho hoạt động Công đoàn mà còn tham gia nhiều nhiệm vụ chính trị ở địa phương nên nhân lực bị chi phối. Công tác khảo sát, tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước cũng vì thế mà chưa được đầu tư đúng mức, nên kết quả chưa xứng với tiềm năng.
Đơn cử như đồng chí chủ tịch LĐLĐ cấp huyện thường tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân và trên chục hội đồng, ban chỉ đạo khác của cấp huyện như: Hội đồng thi đua, khen thưởng; Hội đồng kỷ luật cán bộ công chức, viên chức; Hội đồng nâng lương; Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở; Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…
“Từ năm 2022, công đoàn cấp huyện đảm nhận thêm việc theo dõi, chấm điểm và đề nghị công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công việc của chúng tôi càng nhiều thêm, thời gian tập trung cho hoạt động công đoàn càng ít đi”, đồng chí Hoàng Kim Hà bày tỏ.
Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Thị Thu Nam thì cho biết, thực hiện chủ đề năm 2023 “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS”, đơn vị này đã sớm xây dựng kế hoạch khảo sát, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước; xác định đối tượng cụ thể, phân công cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách từng địa bàn, bám sát từng “địa chỉ” để vận động phát triển đoàn viên, CĐCS. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động chào mừng đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Vẫn theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù đã được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhưng để thành lập được CĐCS trong doanh nghiệp cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Từ việc gặp gỡ, trao đổi với chủ doanh nghiệp để có sự đồng thuận về chủ trương đến việc tổ chức tuyên truyền để người lao động gia nhập Công đoàn; thành lập ban vận động và lựa chọn, giới thiệu nhân sự ban chấp hành CĐCS…đến ngày công bố quyết định thành lập CĐCS thì trước đó cán bộ công đoàn cấp trên phải đến doanh nghiệp rất nhiều lần.
Cùng với đó, không phải ở đâu cũng thuận lợi, không ít chủ doanh nghiệp chưa đồng thuận ngay với việc thành lập CĐCS tại đơn vị mình; có trường hợp cán bộ công đoàn cấp trên phải hẹn nhiều lần mới gặp được chủ doanh nghiệp hay người sử dụng lao động không tạo điều kiện để cán bộ công đoàn được tiếp cận, tuyên truyền, vận động công nhân lao động vào Công đoàn. Cũng có trường hợp chủ doanh nghiệp cho rằng việc thành lập CĐCS là để hợp thức hóa, đối phó với pháp luật, hay can thiệp quá sâu vào việc giới thiệu, lựa chọn cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp.
Còn đối với người lao động, vẫn còn một bộ phận băn khoăn, chưa “mặm mà” với việc gia nhập Công đoàn vì nhiều lý do khác nhau như: lo ngại khi vào Công đoàn sẽ phải đóng đoàn phí; phải tham gia sinh hoạt; hay lo lắng sẽ bị áp lực từ phía người sử dụng lao động…
Đồng chí Lê Thị Thu Nam nhận định: “Trong thời gian tới, khi các tổ chức của người lao động được phép thành lập tại doanh nghiệp thì việc phát triển đoàn viên, CĐCS trong doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn, bởi có sự cạnh tranh, phân chia nguồn để vận động công nhân lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam. Vì vậy cán bộ công đoàn càng phải sâu sát cơ sở hơn, tìm ra những cách làm mới sáng tạo để vượt qua những khó khăn, thách thức này”.
Tin cùng chuyên mục
Phát triển đoàn viên - 22/11/2024 18:17
Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) hiện có 7 tổ với gần 150 đoàn viên. Các đoàn viên đều làm lâu năm và thuần thục trong khâu bốc xếp, giúp cho các tàu cá thuận lợi trong hành trình vươn khơi bám biển.
Công đoàn - 20/11/2024 08:05
Người bán vé số dạo ở Bạc Liêu tham gia tổ chức Công đoàn
Cuối tháng 10 vừa qua, LĐLĐ huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) chính thức thành lập Nghiệp đoàn cơ sở bán vé số thị trấn Phước Long.
Phát triển đoàn viên - 16/11/2024 20:45
Lần đầu tiên thành lập nghiệp đoàn hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Đà Nẵng vừa thành lập Nghiệp đoàn dành cho những người hành nghề hướng dẫn viên du lịch của thành phố. Đây là kết quả của những nỗ lực trong một chuỗi hành động trong thời gian ngắn của Công đoàn Đà Nẵng nhằm kết nạp đoàn viên, bảo vệ và chăm lo cho người lao động ở khu vực phi chính thức.
Công đoàn - 10/11/2024 16:33
Thu hút thợ hồ, hớt tóc vào tổ chức Công đoàn
Kinh tế phát triển đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, nhất là việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động tự do, phi chính thức…
Phát triển đoàn viên - 06/11/2024 16:52
Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty Matsumura VN Bảo Lộc
Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam vừa tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở tại Công ty TNHH Matsumura VN Bảo Lộc (Lâm Đồng) - một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới đi vào hoạt động.
Công đoàn - 18/10/2024 17:07
Niềm hạnh phúc trong những nghiệp đoàn vé số đầu tiên
Từ khi vào nghiệp đoàn, họ ngày càng khăng khít, xem nhau như người một nhà để cùng chia sẻ những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống…