Bài 2: Dịch vụ kinh tế đêm tại TP.HCM còn nghèo nàn và chưa có bản sắc
Kinh tế - Xã hội - 09/11/2022 11:32 NGUYỄN NAM
Bài 1: Kinh tế đêm - “Cửa sáng” cho ngành dịch vụ ở nước ta |
TP. HCM được xem là đầu tàu kinh tế, hội tụ nhiều nền văn hóa, ẩm thực và là điểm đến luôn thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành khẳng định, sản phẩm kinh tế đêm của thành phố còn nghèo nàn, không có bản sắc.
Du lịch trong nước đã được đánh giá là khôi phục hoàn toàn, lượng du khách nội địa vượt kế hoạch; nhưng rõ ràng, để phát triển du lịch và hoạt động kinh tế du lịch trở lại mạnh mẽ, không thể bỏ qua hoạt động outbound và inbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài và đón khách nước ngoài vào). Chỉ khi nào hoạt động outbound và inbound diễn ra bình thường, khi đó du lịch mới thực sự khôi phục.
Nói như thế để thấy rằng, dù du lịch nội địa đã khôi phục nhưng hoạt động dịch vụ kinh tế đêm tại TP.HCM sau đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn do lượng khách giảm mạnh, thậm chí đã có cơ sở kinh doanh rời bỏ thị trường được xem là đầy tiềm năng để tìm kiếm cơ hội khác.
“Ngủ sớm” vì vắng khách
Mặc dù TP.HCM là một thành phố lớn nhưng hoạt động kinh tế đêm đang gặp nhiều hạn chế. Các khu chợ đêm, dịch vụ kinh tế ban đêm đa số vẫn còn dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu do các hộ tiểu thương tự phát, mặc dù được cho phép kinh doanh từ 18 giờ tối đến tận 6 giờ sáng nhưng các khu chợ đêm vẫn thường kết thúc trước 23 giờ.
Phố đi bộ Bùi Viện (còn gọi là phố Tây Bùi Viện) được xem là một trong những điểm hấp dẫn du khách quốc tế mỗi khi tới TP.HCM nhưng con đường này cũng không có nhiều dịch vụ giải trí cho khách, chủ yếu là các quán ăn. Ảnh: NGUYỄN NAM |
Ghi nhận tại một số chợ ẩm thực đêm trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi thấy rằng, dù là khu ẩm thực có tiếng và quy mô lớn nhưng vẫn đóng cửa khá sớm. Ví dụ như phố ẩm thực Vĩnh Khánh hay chợ xóm Chiếu (Q. 4, TP.HCM), hàng quán cũng chỉ buôn bán đến khoảng 22 giờ đêm đã bắt đầu dọn dẹp đóng cửa. Các khu ẩm thực hiện nay cũng chủ yếu phục vụ cho khách nội địa, sau “dư chấn” từ đại dịch, lượng khách nước ngoài vẫn thưa thớt, chưa được phục hồi.
Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương kinh doanh tại khu vực này cho hay: “Trước dịch Covid-19, quán tôi mỗi đêm có hàng chục lượt khách nước ngoài nhưng từ sau dịch thì rất ít, có những đêm không thấy ai cả. Không chỉ tôi mà các quán kinh doanh trên đoạn đường này cũng ít thấy khách nước ngoài”.
Cùng tình trạng đó, tại phố Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) vốn là nơi thu hút hầu hết khách nước ngoài khi đến TP HCM. Từ sau khi đi vào hoạt động tháng 8/2017, mỗi ngày ở khu vực này thu hút hàng nghìn lượt du khách quốc tế; tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, mặc dù các cửa hàng dịch vụ vẫn hoạt động nhưng lượng khách đã giảm đi rất nhiều, đăc biệt là khách nước ngoài.
Nằm ngay tại tầng hầm Công viên 29/3 (Q.1, TP.HCM), Trung tâm Thương mại Central Market, hay còn gọi là “chợ ngầm” dưới lòng đất cũng phải chịu chung tình trạng thưa khách. Theo đó, lượng khách đến đây đã giảm đi rõ rệt so với thời điểm trước đại dịch Covid 19. Hàng chục ki-ốt phải đóng cửa, những cửa hàng, dịch vụ ăn uống bị bỏ trống, cơ sở vật chất bị hư hại sau thời gian hai năm không hoạt động kể từ khi dịch Covid bùng phát đến thời điểm hiện tại. Những cửa hàng còn lại buôn bán lẻ tẻ, thưa khách. Nhiều tiểu thương tại khu vực này đã phải rời bỏ hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận quá thấp, không thể duy trì cửa hàng.
Khung cảnh ế ẩm ở những gian hàng ở khu chợ nằm dưới lòng đất. Ảnh: IT |
Chưa kể, hàng loạt vụ móc túi, cướp giật được du khách trình báo với lực lượng chức năng hoặc nạn chèo kéo khách, … đã làm xấu đi hình ảnh của một thành phố năng động, nghĩa tình, vốn được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tại TP.HCM.
Dịch vụ đêm còn nghèo nàn
Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM đang lãng quên “mỏ vàng” khi không có nhiều sản phẩm về đêm để “rút hầu bao” của du khách. Trong khi thế giới coi nền kinh tế đêm là cách “hái ra tiền” thì ở TP.HCM, nhiều năm qua, khi du khách tới không có nhiều dịch vụ giải trí về đêm, khách không có chỗ chơi, không biết tiêu tiền thế nào, chúng ta “bắt” khách đi ngủ sớm!
Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt cho rằng, ban ngày khách chủ yếu đi theo chương trình, chỉ buổi tối mới dành thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác. “Trong chương trình tour, quỹ thời gian buổi tối để khách tự do khám phá, trải nghiệm rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không có nhiều sản phẩm ban đêm để khách trải nghiệm nên đa phần khách thường… rủ nhau đi nhậu!”, ông Mỹ nói và cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) có khoảng hơn 30 triệu dân nhưng có hàng trăm chợ đêm. Khách đi du lịch Đài Loan 4 ngày thì thường được tổ chức khám phá 4 chợ đêm vì các chợ đêm ở đây được xây dựng không giống nhau, đa dạng về các dịch vụ.
Một góc chợ đêm ở Đài Loan được bố trí rất bắt mắt. Ảnh: IT |
“Mỗi khu chợ đêm ở Đài Loan mang một phong cách riêng, không cái nào giống cái nào nên chợ đêm nào ở đây cũng có điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Trong khi đó, Sài Gòn cũng là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế nhưng lại không có một khu chợ đêm đúng nghĩa, có chăng chỉ vài ba khu phố ẩm thực để thu hút thực khách mà thôi”, ông Mỹ nói và cho biết thêm, không gia đình nào dám đưa con đến khu phố Tây Bùi Viện vì ở đây chẳng có dịch vụ gì dành cho trẻ nhỏ.
Cũng theo ông Mỹ, các chợ đêm ở nước ngoài được bố trí một cách khoa học và bài bản nên dù rất nhiều chợ đêm nhưng sản phẩm bán ra không giống nhau. Vì thế khu chợ nào cũng tấp nập khách du lịch. “Điều này khác với TP.HCM, chợ đêm của chúng ta chủ yếu thấy bán quần áo. Khu ẩm thực ở các quận dù tạo nên nét riêng cho địa phương nhưng vẫn chưa tạo được nét riêng cho du khách vì còn khá xô bồ, chưa kể vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng nên được lưu ý”, ông Mỹ nói thêm.
Trong khi đó, tiến sĩ Trương Hoàng Phương, thành viên Ban nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng, khi khách du lịch đến một địa điểm nào đó thì ngoài thời gian tham quan ban ngày, quỹ thời gian họ còn lại ban đêm rất lớn. “Do đó chúng ta, đặc biệt TP.HCM phải suy nghĩ cần làm gì để tạo sản phẩm cho du khách”, ông Phương nói và cho biết du lịch hồi phục cũng là lúc chúng ta phải định hình lại sản phẩm, mở rộng và xây dựng thêm những dịch vụ mới lạ, hấp dẫn để khách tới và nâng cao giá trị chi tiêu của khách.
Trải nghiệm ẩm thực trên sông Sài Gòn về đêm được xem là một trong những dịch vụ hút khách du lịch trước dịch Covid-19 khi du khách đến TP.HCM tham quan. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ đang duy trì hoạt động và cố gắng xây dựng thêm nhiều dịch vụ để khai thác được cả ban ngày. Ảnh: IT |
Theo ông Phương, câu chuyện “cần làm gì để tạo sản phẩm cho du khách về đêm” đã được các đơn vị lữ hành tại TP.HCM đặt ra từ rất lâu nhưng tới giờ, gần như không có nhiều thay đổi. Nhu cầu về ăn uống, ông Phương cho rằng, hiện nay chúng ta cũng có một số hoạt động nhưng những hoạt động này gần như chưa trở thành một nhu cầu để tạo sự khác biệt giữa ăn uống ban ngày và ăn uống ban đêm.
Ông dẫn chứng rằng, chẳng hạn như một không gian lung linh ánh đèn, một không gian tấp nập buổi tối rồi những món ăn mà chỉ xuất hiện vào buổi chiều tối để tạo ra cảm giác chờ đợi cho thực khách, khách du lịch… thì “những khu ăn mà tập trung quy mô lớn như thế thực sự TP.HCM chúng ta chưa có”, ông Phương nói và khẳng định, khách ăn buổi tối, đáng lẽ phải ngồi lâu hơn, có cơ hội sử dụng tiền nhiều hơn thì hiện nay chúng ta chỉ có thể đưa họ vào những nhà hàng, hàng ăn bình thường. Đó là một sự lãng phí.
Về hoạt động vui chơi, theo ông Phương, TP.HCM cũng thiếu dịch vụ này. “Những điểm để họ (khách du lịch - PV) có thể chơi thâu đêm suốt sáng hiện nay tại TP.HCM có không hay đến 10 giờ đêm là đóng cửa?”, ông Phương băn khoăn và cho rằng, TP.HCM nên quy hoạch để có những dịch vụ vui chơi đi kèm và dĩ nhiên là phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. “Tất cả các dịch vụ như bar, vũ trường, thậm chí cả casino cho người nước ngoài xuyên đêm … đến nay TP.HCM vẫn chưa có ”, ông Phương nói.
Theo các chuyên gia du lịch, những show biểu diễn nghệ thuật hiện nay tại TP.HCM cũng không có nhiều. Ảnh: IT |
Cũng theo ông Phương, hoạt động giải trí về đêm, những show biểu diễn hiện nay tại TP.HCM cũng không có nhiều, ngoại trừ chương trình nghệ thuật À Ố Show. Tuy nhiên, “nó (À Ố Show - PV) vẫn chưa là một điểm đến vào ban đêm mà khách phải nhất định trải nghiệm như khi chúng ta qua Thái Lan hay một số quốc gia khác là phải đi đâu đó, bắt buộc phải trải nghiệm dịch vụ đó”, ông Phương nói và cho rằng, dù chương trình À Ố Show được biểu diễn ở Nhà hát Thành phố, gần phố đi bộ nhưng hiện nay phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa phải là phố đi bộ “sống”.
“Có nghĩa là chúng ta chưa có nhiều hoạt động theo đúng nhu cầu. Đây chỉ mới là nơi khách tập hợp. Vấn đề khách tiêu tiền thế nào khi tới phố đi bộ Nguyễn Huệ thì dường như TP.HCM chưa nghĩ đến”, ông Phương phân tích và cho rằng, vị trí để trình diễn chương trình nghệ thuật À Ố Show khá tốt nhưng phố đi bộ chưa khai thác hết để “biến nó thành mỏ vàng”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, trong Hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” diễn ra hồi trước dịch Covid-19 cũng khẳng định, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách. Tuy nhiên, hiện TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác có ngành Du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, hoạt động dịch vụ giải trí về đêm để thu hút khách, tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch… lại chưa được coi trọng đầu tư.
5 định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khu công nghiệp tiếp tục được xác định là một mô hình hiệu quả, đặc biệt ... |
Làm gì để phát triển kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp? Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì ... |
Liên kết vùng là "chìa khóa" để mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã phát triển bền vững Các hợp tác xã cần tăng cường liên kết từ nội bộ vùng; hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:08
Lô xe Omoda C5 đầu tiên cập bến Việt Nam, ra mắt vào ngày 26/11
Lô xe Omoda C5 đầu tiên đã cập cảng để chuẩn bị cho chương trình ra mắt vào ngày 26/11, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:01
Range Rover Velar 2025 ra mắt Việt Nam với 7 phiên bản
Mẫu SUV hạng sang Range Rover Velar 2025 đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với nhiều nâng cấp đáng giá. Xe được cung cấp với ba phiên bản chính là S, Dynamic SE và Dynamic HSE, đi kèm hai tùy chọn động cơ xăng và một tùy chọn hệ truyền động plug-in hybrid.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.