Bài 1: Tình hình việc làm của người lao động trong bối cảnh hiện nay
Đảng với công nhân - 28/05/2024 13:13 NHÓM TÁC GIẢ
Lời tòa soạn: Báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: Xu hướng 2024” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy thị trường lao động đã dần phục hồi ổn định. Số lao động có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động gần trở về trạng thái bình thường trước đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, ILO cũng cảnh báo, sự khởi sắc này còn mong manh, tăng trưởng việc làm sẽ chững lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ mức 5,1% năm ngoái lên 5,2% năm nay. Đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam. Mặc dù đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng vấn đề việc làm, bảo đảm việc làm, cải thiện điều kiện lao động vẫn cần được chú trọng. Các thông tin trong loạt bài viết này được tổng hợp, phân tích từ các nguồn của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Tổng cục Thống kê và các kết quả nghiên cứu khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Viện CNCĐ) được triển khai trong quý IV/2023 trên phạm vi toàn quốc, tại 10 tỉnh thành (gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang và 2 công đoàn ngành Trung ương là Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam). Tổng số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tiếp là 72 đơn vị, thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tổng quy mô lao động của các đơn vị tham gia khảo sát là hơn 120.000 lao động, trong đó tổng số mẫu khảo sát trực tiếp là 3.100 người. |
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ trong phần Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030nội dung: Quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trên cơ sở đó, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt, đồng bộ để các cấp, các ngành, các địa phương tập trung vào công tác này.
Trong nước, những thuận lợi và khó khăn cũng được thấy rõ đối với một nền kinh tế mở, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Công nhân Công ty May Hualida Thái Bình - Ảnh: Viện Công nhân và Công đoàn. |
Kinh tế vĩ mô ổn định. Thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc. Thu nhập bình quân của người lao động tăng. Các chính sách như giảm thuế, giãn nợ đã giúp doanh nghiệp vượt khó và bảo đảm duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vấn đề việc làm, thu nhập, cũng như việc bảo đảm quyền và lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đảm bảo sự thụ hưởng xứng đáng của người lao động tỷ lệ thuận với những đóng góp cho nền kinh tế cũng luôn là vấn đề thời sự.
Bởi đây là cơ sở cơ bản để thúc đẩy, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong công nhân lao động, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
1. Vấn đề việc làm và bảo đảm việc làm cho người lao động
Thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa ổn định
Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có có 51,6 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 508 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% về số DN và tăng 9,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lượng vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường hàng hóa cũng trở nên sôi động hơn do nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng trong những ngày nghỉ lễ. Điều đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho đến hết quý I/2024.
Những dây chuyền sản xuất dần đi vào hoạt động đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại. Những ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Đây vốn là các ngành thâm dụng lao động bị sụt giảm trong giai đoạn 2020-2023. Những tín hiệu trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng đã vượt qua và đang trên đà hồi phục, trở lại nhịp độ tăng trưởng như trước đại dịch Covid 19. Điều này là cơ sở trong việc cải thiện tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 353,8 nghìn lao động đăng ký mới, tăng 6,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm trong quý này cũng đạt 51,3 triệu người, tăng 174 nghìn người (tương ứng 0,34%) so với quý I năm 2023 nhưng giảm 127 nghìn người (tương ứng 0,25%) so với quý IV năm 2023. Theo nhận định chung số lao động có việc làm quý đầu năm nay đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 khoảng 1,05 triệu người, giảm 10,3 nghìn người so với quý trước đó và tăng 5,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,24%, giảm 0,02% so với quý trước và giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay và cũng tương đương với mức quan sát được trên thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19.
Mặc dù thị trường lao động đã bắt đầu nhận được những tín hiệu tích cực, thực tế vẫn còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến tình hình việc làm.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn
Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Số lao động có việc làm phi chính thức quý I/2024 đạt mức 33,3 triệu người, tăng 240,1 nghìn lao động so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do số lao động phi chính thức ở ngành dịch vụ tăng. Trên thực tế, áp lực cắt giảm lao động từ các DN giai đoạn trong và hậu Covid-19 tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ khiến lao động phi chính thức ở ngành dịch vụ tăng mạnh.
Việc lao động phi chính thức vẫn chiếm một phần lớn trong tổng số lao động làm việc đặt ra nhu cầu cấp thiết cho quá trình chính thức hóa và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ tại khu vực này.
Lao động thời vụ còn nhiều
Thời gian nghỉ tết nguyên đán, hay các dịp nghỉ lễ lớn trong năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi. Kết quả là tình hình thiếu việc làm quý I thường cao hơn so với quý trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 khoảng 933,0 nghìn người, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 1,20%, thấp hơn khu vực nông thôn (2,58%).
Vẫn còn một lượng thanh niên thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi quý I năm 2024 là 7,99%, tăng 0,37 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,22 điểm phần trăm.
Đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn còn hạn chế
Trong quý I năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt mức 27,8%, cao hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là 0,2% và 1,4%. Điều này phản ánh nỗ lực của nhà nước và các tổ chức liên quan trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng khắt khe. Tuy nhiên cùng trong quý I năm nay, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thực trạng có khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo. Trong đó chủ yếu là thanh niên ở khu vực nông thôn và có xu hướng tăng ở khu vực này. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu hụt cơ sở vật chất và nguồn lực dành cho đào tạo nghề tại nông thôn. Nhiều thanh niên nông thôn không có đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận các khóa đào tạo chuyên sâu hoặc thậm chí là cơ bản. Điều đó khiến họ không thể cải thiện kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các công việc ngày càng cao.
2. Vấn đề điều kiện lao động
Tình hình ký kết hợp đồng lao động chưa đồng đều
Trong DN, tình hình việc làm của NLĐ cơ bản đã được đảm bảo, người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ trong đơn vị. Theo khảo sát của Viện CNCĐ thực hiện trong quý IV/2023, 99,4% NLĐ được ký kết hợp đồng, 81,9% được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên tại một số DN việc giao kết hợp đồng lao động vẫn còn tồn tại như:
Tình trạng HĐLĐ giao kết sơ sài, thiếu nhiều nội dung như: Công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc,...
Tình trạng DN ký kết HĐLĐ với NLĐ, nhưng lại né tránh các quy định ràng buộc, không sử dụng từ “HĐLĐ” theo quy định của pháp luật mà thay bằng các tên gọi khác như “hợp đồng khoán việc”, “hợp đồng dịch vụ”, “hợp đồng cộng tác viên”, “hợp đồng thầu nhân công”… để trốn tránh các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các nghĩa vụ khác đối với NLĐ nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tình trạng DN không tiếp tục ký HĐLĐ mới những lao động có hợp đồng xác định thời hạn đến thời điểm HĐLĐ hết hiệu lực. Có tình trạng sử dụng lao động thời vụ trả lương theo giờ/ theo ngày ở một số DN kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn để giải quyết công việc phát sinh. Tại một số DN còn tình trạng giao kết sai loại hợp đồng; tình trạng giao kết HĐLĐ bằng lời nói trái quy định; ký HĐLĐ xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp; ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên để trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo BHXH, BHYT.
Thời giờ làm việc thuộc nhóm cao trên thế giới
Việt Nam là một trong số các quốc gia có thời giờ làm việc cao. Theo số liệu khảo sát 154 quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống. Trong khi đó, từ năm 1935, ILO đã thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ; đến năm 1962 tiếp tục đưa ra Khuyến nghị 116 về giảm thời giờ làm việc. Đến nay nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7 giờ/ ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc 36-40-44 giờ/ tuần, như Trung Quốc 40 giờ/ tuần, Nhật 40 giờ/ tuần, Singapore 44 giờ/ tuần, Mông Cổ 40 giờ/ tuần.
Khảo sát của Viện CNCĐ cuối năm 2023 cho thấy, ở khu vực DN, số giờ làm việc trung bình của NLĐ trong các DN cổ phần hóa/DN nhà nước là 45,04 giờ/tuần (tăng 0,19 giờ/tuần so với năm 2022); trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân là 46,57 giờ/tuần (tăng 0,7 giờ/tuần so với năm 2022).
Việc thời gian làm việc thực tế/tuần của NLĐ trong các DN đều thấp hơn giờ làm việc tiêu chuẩn (48 giờ/tuần) là do ảnh hưởng của việc thiếu đơn hàng, sản xuất kinh doanh cầm chừng của nhiều DN trong giai đoạn trong và hậu Covid-19. Chỉ có 25,6% NLĐ có tăng ca. Số giờ tăng ca của NLĐ trong các DN FDI, doanh nghiệp tư nhân là 5,42 giờ/tuần (giảm 3,02 giờ/tuần) so với năm 2022; các DN nhà nước/cổ phần hóa là 6,01 giờ/tuần. Thời giờ tăng ca tác động đáng kể đến thu nhập của NLĐ, bởi tiền lương được trả trong thời giờ làm việc chính thức chủ yếu được các DN xác định dựa theo mức lương tối thiểu vùng (vốn khá thấp).
Điều kiện lao động được cải thiện nhưng áp lực công việc gia tăng
Ở khu vực DN, máy móc, phương tiện, trang thiết bị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều DN đã bắt đầu đầu tư cho công nghệ, máy móc tự động hóa và dần thay thế lao động trong dây truyền sản xuất. Tuy nhiên, mức độ thay thế còn thấp, lượng lao động tiết kiệm được khoảng 10%.
Do ảnh hưởng của tình hình thiếu đơn hàng từ năm 2022, 2023, nhiều DN phải cắt giảm lao động, tối ưu hóa sản xuất bằng cách giao việc cho NLĐ nhiều hơn để bù đắp vị trí bị cắt giảm. Do đó, khối lượng công việc tăng lên, NLĐ cảm thấy áp lực công việc tăng lên. Điều này xảy ra cả với NLĐ ở khu vực công.
Tình hình quan hệ lao động
Về ký thỏa ước lao động tập thể: Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đạt được thông qua thương lương tập thể. Trong khảo sát của Viện CNCĐ cuối năm 2023, tất cả các DN đều đã ký thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể chưa cao, đa số vẫn còn sao chép các quy định của luật; rất ít bản thỏa ước lao động tập thể có các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật định.
Về đối thoại tại nơi làm việc: Hoạt động đối thoại tại nơi làm việc được các đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật, ngoài đối thoại định kỳ, hàng tuần, hàng tháng các đơn vị vẫn tiến hành họp giao ban trao đổi giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Tuy nhiên, tùy vào quy mô của đơn vị DN mà số người tham dự đối thoại khác nhau, đối với các DN quy mô lao động nhỏ thì hầu hết NLĐ đều trực tiếp tham dự đối thoại với người sử dụng lao động, nhưng đối với các DN lớn, thì chỉ có 1 bộ phận NLĐ đại diện cho các bộ phận, nhóm lao động tham gia đối thoại.
Nội dung đối thoại, thương lượng: Có 43,8% ý kiến NLĐ tham gia khảo sát cho biết nội dung các cuộc đối thoại, thương lượng liên quan đến tiền lương, thu nhập của NLĐ; 34,5% cho biết nội dung đối thoại liên quan đến điều kiện làm việc, môi trường làm việc và 33,7% ý kiến cho biết nội dung đối thoại và thương lượng liên quan đến chế độ phúc lợi của DN.
Về tranh chấp lao động: Một số tranh chấp về quan hệ lao động dẫn đến ngừng việc tập thể chủ yếu xảy ra do nhiều vấn đề nảy sinh từ phía DN như: chậm trả lương; NLĐ bất đồng quan điểm về điều kiện làm việc, cách tính và mức thưởng tết; sự thay đổi trong thời giờ làm việc hàng ngày và đơn giá sản phẩm mới. Tuy nhiên những tranh chấp trên đã được giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng tập thể. Người lao động đã trở lại làm việc bình thường, khôi phục lại trật tự sản xuất tại các đơn vị có liên quan.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhưng việc thụ hưởng quyền lợi còn một số khó khăn
Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng. Tính trên cả nước năm 2023 có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH tương đương 39,25% lực lượng trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện BHXH cho NLĐ còn tồn tại một số vấn đề như:
Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra, đặc biệt là ở những DN làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể, không có khả năng tài chính. Thậm chí một số DN tìm cách tránh né trách nhiệm tham gia BHXH cho NLĐ thông qua việc không ký HĐLĐ với NLĐ mà chỉ bố trí sản xuất 14 ngày, sau đó cho NLĐ nghỉ 1-2 ngày rồi lại đi làm tiếp.
Tình trạng rút BHXH xã hội một lần có xu hướng tăng, mặc dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo NLĐ nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và thiệt hại khi quyết định rút BHXH một lần. Khi phân tích nguyên nhân, người lao động rút BHXH một lần do nhiều yếu tố như: cuộc sống gặp nhiều khó khăn, buộc họ phải tiêu trước “tiền để dành”; do nghe theo dư luận cho rằng NLĐ sẽ bị thiệt khi chính sách thay đổi theo đề xuất tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bên cạnh đó, một số NLĐ chưa nhận thức được tầm quan trọng của chính sách BHXH trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Thay vì giữ lại BHXH cho tương lai, nhiều NLĐ đề nghị rút BHXH một lần để chi tiêu ngay cả khi không quá cấp bách. Điều này có thể dẫn đến hậu quả thiếu sự bảo vệ tài chính khi NLĐ nghỉ hưu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ trong tương lai.
Nhìn chung, kết thúc năm 2023, những tháng đầu năm 2024, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, xung đột vũ trang, suy thoái kinh tế, nhưng bằng những đường lối đúng đắn của Đảng, nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập của NLĐ đã được cải thiện. Xét chung trong toàn nền kinh tế, các chỉ số về lao động, việc làm, thu nhập của NLĐ đã phục hồi ở mức trước đại dịch và đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay làm xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến công nhân lao động như: Tình trạng thiếu việc làm của NLĐ vẫn xảy ra; vấn đề dịch chuyển lao động từ các địa phương có lương tối thiểu vùng cao về các địa phương có lương tối thiểu vùng thấp; nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của NLĐ, điều kiện sống chậm được cải thiện; một số hiện tượng tiêu cực trong NLĐ như rút BHXH một lần, tín dụng đen trong công nhân vẫn còn tồn tại; mức độ ổn định công việc của NLĐ giảm, đặc biệt đối với lực lượng NLĐ bước vào độ tuổi trung niên… cần được quan tâm giải quyết./.
Xem tiếp bài 2: Cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ
NHÓM TÁC GIẢ: Nhạc Phan Linh, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Thị Huyền Trang, Ngọ Duy Tân Cường, Lê Ngọc Duy, Tống Thị Huệ, Đỗ Phương Thảo, Phạm Trần Kim Phượng, Lê Thu Hà. |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 10 kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam năm 2023
2. Bộ Công thương Việt Nam, Những tín hiệu tích cực trong xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm 2024.
3. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, Hơn 15.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4.
4. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý I năm 2024.
5. Tổng cục Thống kê, Báo cáo số 71/BC-TCTK (ngày 27/4/2024), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2024
6. Viện Công nhân và Công đoàn, Báo cáo khảo sát thường niên Tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động năm 2023.
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 16/12/2024 09:05
Dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045
Sau gần 40 năm đổi mới, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Để có thể đưa ra được quan điểm đúng đắn cũng như những giải pháp hiệu quả nhằm tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, cần có những dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp này.
Đảng với công nhân - 09/12/2024 11:27
Nữ đảng viên doanh nghiệp FDI hết lòng vì công việc
Từ ung thư đến mất người con gái đầu lòng, các nỗi đau dồn dập ập đến nhưng bằng ý chí mạnh mẽ chị Ngô Thanh Huyền đã vượt qua, làm tốt công việc được giao và là đảng viên gương mẫu tại đơn vị.
Đảng với công nhân - 30/11/2024 10:53
Đảng viên trẻ với tinh thần "có lệnh là lên đường"
Hơn 10 năm công tác tại Nhà máy nước Diễn Vọng (thuộc Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh), anh Nguyễn Văn Hải đã quen với đặc thù công việc “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “có lệnh là lên đường, chẳng sá đêm hay ngày”.
Đảng với công nhân - 26/11/2024 10:00
Nghiên cứu những vấn đề của công nhân là nhiệm vụ bức thiết trong kỷ nguyên mới
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định yêu cầu: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Đảng với công nhân - 25/11/2024 13:28
Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cuộc CMCN 4.0 đang tác động sâu sắc vào sản xuất, quản lý và đời sống xã hội nói chung, đang đòi hỏi sự biến đổi sâu sắc tính chất, phương thức lao động của công nhân. Trong môi trường mới, giai cấp công nhân Việt Nam đứng trước thời cơ và thách thức phát triển mới. Để đảm bảo giai cấp công nhân Việt Nam vượt qua những thách thức mới và phát triển đúng hướng như Đại hội XIII của Đảng đề ra cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Đảng với công nhân - 23/11/2024 15:28
20 năm thực hiện mong ước vào Đảng của nữ công nhân
Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị Trần Thị Phượng - nhân viên văn phòng xưởng hoàn thành của Công ty TNHH Vina Korea (Vĩnh Phúc) chính là nụ cười. Nụ cười đó càng rạng rỡ hơn khi chị chia sẻ về công việc và niềm tự hào khi trở thành đảng viên.
- LĐLĐ tỉnh Bình Phước đạt và vượt các chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao năm 2024
- “Công nghệ VAR” khi tham gia giao thông
- Muôn nẻo yêu thương: Thắp lửa nghị lực, lan tỏa hạnh phúc giữa đời thường
- Nissan Patrol 2025 ra mắt tại Việt Nam đầu năm tới?
- Cơ hội sở hữu Corolla Cross bản xăng với ưu đãi 50% thuế trước bạ